Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 260/TB-VPCP ngày 24/5/2025, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp rà soát tình hình triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bước đầu đạt được một số kết quả cụ thể. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh đây là các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật và công nghệ cao, do đó việc triển khai cần tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào ra việc đó”.
Các đơn vị phải thực hiện đúng nguyên tắc “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền, đồng thời tổ chức triển khai bài bản, khoa học, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Ảnh minh họa
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng đường găng tiến độ chi tiết để bảo đảm có thể khởi công đồng loạt tại 5 điểm vào ngày 19/12/2025.
Bộ cần hoàn tất báo cáo và trình Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương trong tháng 5/2025.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phải hoàn thiện chấp thuận hướng tuyến và bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng trong tháng 5. Đồng thời, cần hoàn thành việc biên dịch tiêu chuẩn áp dụng, xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn theo chỉ đạo tại Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 4/5/2025.
Về nguồn vốn, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Ngoại giao đẩy nhanh tiến độ đàm phán hiệp định vay, đảm bảo đủ điều kiện ký kết trong tháng 8/2025.
Đối với công tác chuyển giao công nghệ, Thủ tướng yêu cầu đây là điều kiện bắt buộc.
Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ liên quan chủ động làm việc với phía Trung Quốc, hoàn thành báo cáo trước ngày 20/6/2025 và kịp thời kiến nghị khi phát sinh vướng mắc.
Song song đó, Bộ Xây dựng cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực đường sắt (kỹ sư, công nhân, tiến sĩ...), hoàn thành trong tháng 6/2025.
Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ sớm hoàn thiện Đề án phát triển ngành công nghiệp đường sắt, đúng tinh thần của Nghị quyết số 127/NQ-CP, hoàn thành trong tháng 6/2025.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa,... Bộ Quốc phòng rà soát, di dời các công trình, đất quốc phòng phục vụ dự án. Các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam được yêu cầu thực hiện nghiêm Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 30/4/2025, đảm bảo bàn giao mặt bằng trong năm 2025.
Thủ tướng nhấn mạnh việc hình thành Tổ hợp công nghiệp đường sắt là trách nhiệm quốc gia, trên tinh thần huy động tối đa năng lực của cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 23/4/2025 về triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bộ Xây dựng phân công một Thứ trưởng trực tiếp phụ trách toàn bộ công tác này.
Trước đó, ngày 21/5/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Châu Gia Nghĩa, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) cùng đại diện tổ hợp các nhà thầu và đối tác đang hợp tác tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng bày tỏ mong muốn PowerChina đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng sạch và hạ tầng chiến lược, đặc biệt là các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn và đường sắt đô thị. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm kết nối với Côn Minh - Trùng Khánh (Trung Quốc) và mở rộng sang thị trường châu Âu.
Với kinh nghiệm thi công hơn 2.000km đường sắt trên toàn cầu, PowerChina bày tỏ mong muốn được cùng 4 đối tác Việt Nam triển khai các dự án đường sắt trong nước, trước mắt là tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tập đoàn cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng, kiểm soát hiệu quả chi phí và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật, quản lý với các đối tác Việt.
Quốc hội quyết định sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 203.231 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác.