Thành phố Hàng Châu năm 2013 nổi tiếng với biệt danh là một trong 10 "thành phố ma" (không có người ở) lớn nhất Trung Quốc. Đến nay, qua nhiều nỗ lực quy hoạch dân số của chính phủ Trung Quốc, Hàng Châu đã "thay hình đổi dạng" và trở thành địa điểm được khách du lịch lựa chọn. Nhiều nhà máy mọc lên san sát, đặc biệt tổ chức kinh tế lớn Alibaba cũng có trụ sở tại đây.
Tuy nhiên, mới đây chính phủ nước này đã yêu cầu cư dân sống trong thành phố Hàng Châu dọn dẹp đường phố và dời đi nơi khác để tăng cường an ninh trong những ngày diễn ra cuộc họp thượng đỉnh G20. Điều này vô tình đã biến Hàng Châu trở lại cảnh vắng vẻ như thời kì bị bỏ hoang.
Cư dân sống ở Hàng Châu đã đồng loạt đi nơi khác sau khi chính quyền thành phố thông báo bắt đầu kì nghỉ kéo dài 1 tuần để chuẩn bị cho hội nghị. Họ cũng đóng cửa tất cả các điểm du lịch quanh Hồ Tây (Trung Quốc).
Trong thời gian tổ chức hội nghị, những con đường và trung tâm mua sắm ở khu vực trung tâm thành phố Hàng Châu vốn nhộn nhịp với 9 triệu dân trở nên hoàn toàn vắng lặng. Chỉ có một vài người và xe ôtô chạy trên đường, tất cả cửa hàng đều đóng cửa.
Các công trường xây dựng đều trở nên im ắng, điều này không bình thường với một thành phố mà công nhân làm việc ngày đêm như Hàng Châu.
Hơn 200 nhà máy thép xung quanh thành phố cũng đều bị đóng cửa để ngăn ô nhiễm trong 2 ngày diễn ra hội nghị bắt đầu từ ngày 4/9.
Vào ngày 3/9, chất lượng không khí ở Hàng Châu là 76, một mức độ tốt hơn rất nhiều so với tình trạng ô nhiễm ở thủ đô Bắc Kinh.
“Chúng tôi cần có một diện mạo tốt nhất, Hàng Châu cần có bộ mặt tuyệt nhất để đón chào thế giới”, Liu Wenchao, một nhân viên môi giới bất động sản ở Hàng Châu cho biết .
Một vài nhân viên như đầu bếp đến từ vùng phía Tây Xinjiang được thuê đến Hàng Châu để phục vụ cho hội nghị. Chính phủ Trung Quốc cũng thắt chặt tối đa an ninh để không một phiến quân Hồi giáo nào có thể tấn công. Các hoạt động quay phim hoàn toàn bị cấm trong thời gian diễn ra hội nghị.
“Cư dân ở đây có thể cảm thấy không thoải mái, nhưng bạn có thể hiểu được tại sao. Những người đứng đầu của 20 nền kinh tế quan trọng nhất thế giới đang đến hội nghị và chúng tôi cần tăng cường an ninh cho những vị khách nước ngoài đó”, Liu cho biết thêm.
Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc đứng ra chủ trì sự kiện quan trọng nhất trong năm này chứng tỏ tầm quan trọng của cuộc họp đối với Trung Quốc. Đây không chỉ là cơ hội để Trung Quốc lấy lại hình tượng của một cường quốc thế giới mà nó còn giúp nước này có thể tránh khỏi việc đối mặt với những vấn đề liên quan đến tranh chấp ở biển Đông.