Theo Bloomberg, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ “không khoan nhượng” với các hành vi độc quyền và đầu cơ trên thị trường hàng hóa giao ngay và kỳ hạn. Một ngày trước đó, 5 cơ quan quản lý Trung Quốc họp khẩn với lãnh đạo các công ty sản xuất quặng sắt, thép, đồng và nhôm.
Nhà chức trách tuyên bố việc giá hàng hóa tăng vọt xuất phát từ hành vi đầu cơ. Đây là lời cảnh báo mạnh nhất từ phía chính phủ Trung Quốc về giá hàng hóa trong thời gian qua. Hồi tháng 4, Bắc Kinh bắt đầu cảnh báo về tình trạng giá nguyên liệu thô tăng cao.
Tuần trước, chính quyền thành phố Đường Sơn - trung tâm sản xuất thép tại Trung Quốc - tuyên bố sẽ trừng phạt nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức thao túng giá thép.
Các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạ nhiệt giá hàng hóa đã có những tác dụng nhất định. Giá thanh cốt thép giao sau tại sàn Đại Liên lao dốc 3,7% trong phiên giao dịch 24/5, giá thép cán nóng sụt 4% và giá quặng thép giảm 4,5%. Hiện giá quặng thép trên sàn Đại Liên dao động ở mức 162 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 226 USD/tấn hôm 10/5.
“Với việc chính quyền Trung Quốc mạnh tay can thiệp, giá sẽ bị ảnh hưởng”, Bloomberg dẫn lời nhà phân tích thị trường Li Ye của hãng Shenyin Wanguo Futures Co (Thượng Hải) nhận định. “Tình trạng giá tăng thời gian qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất, nhiều công ty đã bị lỗ và vỡ nợ”.
Giá nhiều loại hàng hóa tăng vọt trên thị trường quốc tế trong năm nay do nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi từ dịch Covid-19, đẩy nhu cầu sản xuất, xây dựng tăng cao. Nhu cầu đặc biệt mạnh tại Trung Quốc do nước này ồ ạt đổ tiền vào các dự án hạ tầng để kích thích nền kinh tế.
Hồi tháng 4, giá hàng hóa giao tại nhà máy ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 3 năm qua. Do đó, chính quyền Bắc Kinh lo ngại giá nguyên liệu thô tăng vọt sẽ đẩy giá hàng hóa tiêu dùng lên cao, gây lạm phát, ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, các chính sách của Bắc Kinh cũng góp phần đẩy giá kim loại tăng. Sau khi chính quyền Trung Quốc triển khai các biện pháp hạn chế khi thải nhà kinh, hàng loạt nhà máy sản xuất ở các địa phương thu hẹp hoạt động. Tình trạng này xảy ra rõ rệt ở Đường Sơn và đẩy giá thép tăng.
Nhà phân tích Atilla Widnell thuộc hãng Navigate Commodities mô tả đây là “vết thương do chính quyền Trung Quốc tự gây ra”.