Aa

Trung Quốc và kế hoạch xoá sổ điện than: Đẩy mạnh năng lượng sạch

Thứ Ba, 16/10/2018 - 03:30

Bên cạnh việc tăng cường đầu tư trong nước, Trung Quốc cũng chú trọng đẩy mạnh sự hiện diện của ngành công nghiệp năng lượng sạch ra bên ngoài.

 

Trung Quốc và kế hoạch xoá sổ điện than. Ảnh: Reuters

Trung Quốc và kế hoạch xoá sổ điện than. Ảnh: Reuters

Bắc Kinh đã đầu tư khoảng 32 tỷ USD - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác - vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở nước ngoài, với ngày càng nhiều các công ty hàng đầu Trung Quốc dẫn đầu trong chuỗi giá trị năng lượng tái tạo toàn cầu.

Cùng với đó, Tập đoàn phân phối và truyền tải điện Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch phát triển mạng lưới năng lượng dựa vào các tuabin gió và tấm pin Mặt Trời từ khắp nơi trên thế giới.

Các nhà sản xuất tấm năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc có chi phí thấp hơn 20% so với các đồng nghiệp đến từ Mỹ, do họ có lợi thế về quy mô và phát triển chuỗi cung ứng tiên tiến hơn.

Cùng với đó, các nhà sản xuất tuabin gió của Trung Quốc, vốn đang dần thu hẹp khoảng trống về công nghệ, hiện đã chiếm hơn 90% thị trường nội địa của nước này, từ mức chỉ 25% vào năm 2002. Những xu hướng này cho thấy Trung Quốc sẽ là nguồn tiêu thụ năng lượng và công nghệ tiên tiến chính của thế giới.

Kinh nghiệm của nước này trong việc giảm sự tiêu thụ năng lượng có thể tạo ra một lộ trình cho các nước đang phát triển. Đồng thời, các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo trong và ngoài nước có thể dẫn đến những đột phá công nghệ bổ sung, giúp làm giảm chi phí cho người tiêu dùng ở mọi nơi.

Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức khi chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo trong một thị trường tài nguyên toàn cầu đang thay đổi. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn phụ thuộc vào than đá và việc chuyển sang sử dụng các nguồn tài nguyên khác như khí tự nhiên và năng lượng tái tạo sẽ đòi hỏi chi phí khá lớn. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng các tấm pin Mặt Trời và các trang trại gió ở Trung Quốc đã góp phần tạo ra chất thải. Đồng thời, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang cảm thấy áp lực ngày càng tăng của việc giảm chi phí sản xuất và cải thiện hiệu quả để bù đắp cho nhu cầu tăng trưởng chậm hơn trên toàn thế giới.

Mặc dù vậy, bất chấp những trở ngại này, sự đổi mới công nghệ sẽ giúp các nhà sản xuất Trung Quốc tận hưởng lợi ích về năng suất và tiết kiệm cho người tiêu dùng.

Theo hãng nghiên cứu MGI, đến năm 2035, những thay đổi trong cán cân cung và cầu đối với các sản phẩm năng lượng chính có thể giúp giảm khoảng từ 900 tỷ USD đến 1.600 tỷ USD chi phí sản xuất trên toàn thế giới.

Quy mô của các khoản tiết kiệm này sẽ không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mới được áp dụng nhanh như thế nào, mà còn phụ thuộc vào cách thức các nhà hoạch định chính sách và các công ty thích nghi với môi trường mới của họ. Nhưng trên tất cả, nó sẽ phụ thuộc vào tốc độ phát triển ngành năng lượng tái tạo của Trung Quốc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top