Aa

Trước sự cố dầu thải, nước sạch Sông Đà có thực sự sạch?

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 18/10/2019 - 14:36

Trước khi kết quả xét nghiệm mẫu nước được công bố, Viwasupco một mực khẳng định nguồn nước nhiễm dầu, bốc mùi nồng nặc được bán cho người dân là đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Nước sạch có sạch? 

Chính điều này đã đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng đầu ra thật sự của nước sạch sông Đà từ trước đến nay. Ai là người kiểm định chất lượng nước trước khi phân phối cho người dân sử dụng, hay chỉ dựa vào một phòng thí nghiệm của nhà máy với kết quả luôn đạt chuẩn?!

Theo tìm hiểu, bình thường khi không có sự cố xảy ra, phòng thí nghiệm của nhà máy nước sạch Sông Đà chỉ kiểm tra chất lượng nước 1 tuần/lần chỉ tiêu A – mức chỉ tiêu thông thường nhất, bao gồm 15 chỉ tiêu nhưng có hai chỉ tiêu vi sinh không có khả năng kiểm tra. Sau khi phát hiện ra đầu nguồn nước bị nhiễm dầu, công ty này vẫn im lặng sản xuất và bán nước cho người dân sử dụng, dựa vào kết quả kiểm tra chất lượng nước của phòng thí nghiệm: Nước có mùi clo (do tăng chỉ số lên ngưỡng tối đa - 0.8mg/lít, thậm chí vượt mức cho phép một số ngày- 0.85mg/lít) nhưng các chỉ số khác vẫn đảm bảo chất lượng. 

Thông tin này vẫn được Viwasupco công khai trên trang web của mình và được Tổng giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà Nguyễn Văn Tốn khẳng định chắc nịch với báo chí: “Đêm ngày 9/10, công ty đã xúc xả tuyến ống khoảng 10km và bể tràn bể chứa. Sau đó đến ngày 10, công ty nhận được phản ánh của khách hàng, báo chí về hiện tượng mùi thì đã cho phòng thí nghiệm đi kiểm tra. Thực ra, nước ra nhà máy vẫn đảm bảo, còn có thể là vì mùi clo”.

Kết quả kiểm tra ngày 10/10 (thời điểm người dân Hà Nội phát hiện nước có mùi khét) tại bể pha Clo thể hiện chỉ số Clo là 0,8 trong khi đó chỉ số cho phép là 0,3 - 0,5, chỉ tiêu mùi vị có mùi Clo.
Bất ngờ hơn khi kết quả kiểm tra ngày 11/10 sau đó chỉ số Clo vẫn ở ngưỡng 0,8 nhưng đơn vị này lại đưa ra chỉ tiêu mùi vị "Không có mùi vị lạ".
Đến ngày 12/10, kết quả cho thấy chỉ số Clo là 0,85 nhưng kết quả kiểm tra vẫn ghi "không có mùi vị lạ". 

Trong khi đó, theo kết quả xét nghiệm được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội công bố, các mẫu nước sạch được lấy tại đầu ra nhà máy này có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần. Kết quả giám định cũng đã xác định mùi “khét” là do chất Styren có từ dầu thải gây ra, kết hợp với mùi nồng nặc của chất Clo. Điều này cho thấy, lượng “nước sạch” mà Viwasupco bán cho người dân trong một tuần đó hóa ra là “nước bẩn”, chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, thậm chí còn chứa chất độc hại, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khu vực xử lý nước của nhà máy nước sạch Sông Đà. Ảnh: Nguyễn Khánh/TTO

“Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”?

Rõ ràng biết kênh dẫn nước vào nhà máy bị nhiễm dầu thải nhưng vẫn nhắm mắt xử lý rồi bán cho người dân sử dụng, thật không ngoa khi nói Viwasupco có thể “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, vì lợi nhuận mà xem thường sức khỏe và tính mạng của hàng vạn khách hàng. Điều này càng được minh chứng rõ ràng hơn khi tại cuộc họp báo chiều 17/10, ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã có phát ngôn gây bức xúc khi được hỏi về vấn đề có bồi thường thiệt hại cho người dân hay không: “Đối với vấn đề thiệt hại, chúng tôi là nạn nhân thiệt hại nhất, mong cơ quan điều tra sớm tìm ra thủ phạm”?!

Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2019 của công ty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà ghi nhận doanh thu bán hàng đạt 154 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ năm 2016 đến nay, Viwasupco vẫn liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. Cụ thể, năm 2016, Công ty đạt lợi nhuận 161 tỷ đồng. Đến năm 2018 con số này đã tăng lên hơn 218 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ tăng trưởng 35,5%. Và như thông tin đã nêu, đà tăng trưởng lợi nhuận của Viwasupco tiếp tục kéo dài sang nửa đầu năm 2019 nhờ vào hoạt động cấp nước đạt hiệu quả cao.

Thu lãi lớn từ nghề “buôn nước” là vậy, nhưng sự cố dầu thải lần này đã cho thấy công nghệ xử lý nước của công ty “nước sạch” này chưa thực sự được đầu tư bài bản.

“Qua vụ việc này mới thấy rằng công nghệ lọc nước của Viwasupco có vấn đề rất lớn khi không lọc hết được các loại tạp chất, chất độc hại cụ thể là styren. Có thể gọi vụ việc này dưới dạng “cháy nhà ra mặt chuột”. Vụ việc không khác gì bài kiểm tra đã lật tẩy công nghệ lọc nước sinh hoạt của Viwasupco chưa đảm bảo các tiêu chuẩn, kỹ thuật khi không đủ khả năng kiểm soát, loại bỏ được các chất độc hại cụ thể là styren. Qua vụ việc này người dân có quyền nghi ngờ: Liệu rằng nước của Viwasupco từ trước đến nay có đủ tiêu chuẩn sử dụng hay không? Đây là một câu hỏi có lẽ chỉ có Viwasupco mới đủ khả năng trả lời”, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối nêu quan điểm.

Đầu nguồn nước dẫn vào nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu.

Chính ông Tốn, Tổng giám đốc Công ty cũng không dám chắc công nghệ của nhà máy có xử lý được các tạp chất độc hại có trong dầu thải hay không. “Trong dây chuyền có một máng hớt váng, công nghệ xử lý được cái này không thì không dám chắc vì lần đầu tiên xảy ra. Công ty cũng không lấy nước ô nhiễm xử lý vì đã khoanh vùng xử lý, nước đó là bình thường”, vị này luôn khẳng định không lấy nước ô nhiễm xử lý, nếu vậy, sao trong nước lại chứa styren vượt mức và phải tăng chỉ số clo để khử mùi?

Được biết, công nghệ xử lý của các nhà máy nước sạch của Việt Nam hiện nay cũng như của Viwasupco khá đơn giản, chưa có công nghệ cao có thể xử lý được các độc tố phức tạp, đang chỉ là lấy nước vào bể để lắng, lọc, sau đó bơm vào bể xử lý tiếp bằng dung dịch clo cho hết mùi. Tuy nhiên, với việc nước bị nhiễm dầu thải, theo các chuyên gia tuyệt đối không dùng phương pháp clo hóa (châm clo, pha với clorin v.v...) để xử lý dầu trong nước, bởi khi đó sản phẩm của phản ứng là các dẫn xuất clo có độc tính rất cao, trong khi đó, nước sạch Sông Đà đã tăng chỉ số clo lên tới mức 0.8mg/lít, vượt ngưỡng cho phép. 

Cống xả nước đen ngòm từ nhà máy nước ra dòng suối dẫn vào hồ Đồng Bài. Ảnh: Hạnh Hồng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẩn cấp chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội phải có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân ở khu vực phía Tây thành phố Hà Nội.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân. Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước bẩn cho người dân. 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top