Aa

Công nghệ ozone có thể xử lý triệt để chất Styren nguy hại trong nước Sông Đà

Thứ Sáu, 18/10/2019 - 05:50

"Có rất nhiều phương pháp xử lý nước nhưng với tình hình như hiện nay, nhà máy nước sông Đà và người dân nên dùng công nghệ ozone và oxy hóa để làm sạch lượng dầu thải trong nước".

Đây là câu trả lời của TS. Nguyễn Hoàng Nam, Phó trưởng Bộ môn Kinh tế - Môi trường của trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ với PV trước vấn đề nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà gặp sự cố bị đổ trộm dầu thải xuống khu đầu nguồn của tỉnh Hòa Bình.

Hậu quả của vụ việc này là khiến rất nhiều người dân tại Hà Nội thiếu nước sinh hoạt. Vậy phải làm sao để giải quyết được vấn đề cấp bách này nhằm đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân? TS. Nguyễn Hoàng Nam đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, trong những ngày này, vấn đề nước sông Đà bị nhiễm dầu thải đang khiến người dân hoang mang, lo lắng, vậy đây là loại dầu gì và nó ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe người dân nếu sử dụng?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Dầu thải là loại dầu lấy từ xe máy, ô tô,… bản chất của nó khi vận hành có các chất vòng thơm, trong đó có Styren (C8H8) – Đây là chất cực kỳ nguy hiểm. Styren là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C6H5CH=CH2. Đây là chất lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi và có vị hơi ngọt tuy nhiên khi đậm đặc thì có mùi khó chịu. Styren là chất được dùng để sản xuất polystyren và nhiều polyme khác. Nó được sử dụng trong xốp và góp phần làm phát triển ung thư, giảm thị lực, thính giác và gây tổn thương hệ thần kinh nếu con người hít hay ăn phải.

Suối đầu nguồn sông Đà bị ô nhiễm do dầu thải (Ảnh: Dân trí)

PV: Với lượng dầu thải lớn như vậy, lại được đổ ra môi trường trong thời gian dài, chúng ta có cách nào để xử lý chúng để làm sạch nguồn nước hay không?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Trong dầu thải đã bị đổ trộm ở Hòa Bình có các hợp chất hữu cơ cùng các Styren có độ tan trong nước tương đối thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người sử dụng khi thông qua con đường sinh hoạt, ăn uống.

Đối với các hợp chất hữu cơ không phải chất vòng thơm thì việc xử lý không khó, nhưng vấn đề là nhà máy nước đó có hệ thống xử lý hợp chất hữu cơ khi hợp chất này vượt quá ngưỡng hay không.

Còn để xử lý được các hợp chất vòng thơm, dạng như Styren thì không hề dễ. Nếu nó nổi lên trên mặt nước dưới dạng dầu váng đen mà chúng ta hay nhìn thấy thì sẽ xử lý được, nhưng nếu bị hòa tan trong nước thì việc xử lý bằng phương pháp lọc có hiệu quả không cao.

Vì thực chất dầu thải có phần nổi lên trên mặt và phần hòa tan trong nước, tuy nhiên tỷ lệ tan chiếm tỷ lệ thấp hơn, nhưng nó sẽ bị phụ thuộc vào chặng đường di chuyển. Dầu di chuyển càng xa, càng lâu thì độ hòa tan sẽ càng lớn dần.

PV: Theo như ông nói lượng dầu nổi trên mặt nước dễ xử lý, nhưng lượng dầu hòa tan trong nước sẽ rất khó lọc được toàn bộ, vậy chúng ta phải xử lý như thế nào để đảm bảo nguồn nước cho người dân?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Muốn xử lý được nguồn nước nhiễm dầu thải nó còn phụ thuộc vào công nghệ xử lý. Hiện nay, chúng ta có công nghệ xử lý bằng công nghệ sinh học - dùng vi sinh vật oxy hóa các hợp chất hữu cơ để tạo thành CO2 và nước. Thứ hai là xử lý bằng công nghệ hóa học – dùng các chất oxi hóa mạnh để tạo CO2 trong nước. Tuy nhiên chi phí của nó tương đối đắt.

Còn một phương pháp nữa hay được sử dụng ở các nước tiên tiến là công nghệ màng lọc, thẩm thấu ngược. Với phương pháp này, chúng ta có thể loại bỏ được gần hết các chất độc hại.

Theo tôi thấy, hiện nay, nhiều hộ dân đang sử dụng máy lọc nước RO. Đây là một công nghệ lọc nước tiên tiến nên có thể dùng để lọc nước đã qua hệ thống lọc của Nhà máy nước sông Đà.

Vấn đề hiện tại của nhà máy nước và các cơ quan chức năng đó là khi phát hiện ra vùng bị nhiễm dầu thải cần khoanh vùng ảnh hưởng, tránh trường hợp để dầu trôi tràn lan. Sau đó, phải dùng các hệ thống máy hút để hút lớp dầu đó đi, cùng với đó huy động lực lượng công nhân đi nạo vét, vệ sinh sạch vùng bị ảnh hưởng. Đây là phương pháp nhanh nhất.

Sau khi xử lý được lượng dầu nổi trên bề mặt gây ô nhiễm thì phải xử lý ngay nguồn nước bị ảnh hưởng ở đầu vào nhà máy. Vì sao? Nếu nhà máy để nguồn nước này vào đường ống nước mà không xử lý kịp thời hoặc triệt để thì hậu quả sẽ rất khôn lường.

Một trong những hậu quả lớn là dầu bám vào các thành ống dẫn nước, cho dù áp lực dòng chảy lớn thì vẫn rất khó để xử lý sạch hoàn toàn. Trong khi, sục để xử lý được dầu bám vào thành ống nước là cả vấn đề không đơn giản.

TS. Nguyễn Hoàng Nam, Phó trưởng Bộ môn Kinh tế - Môi trường của Đại học Mỏ - Địa chất

PV: Hiện tại, nhà máy nước sông Đà nên dùng phương pháp gì để xử lý được nguồn nước nhiễm dầu thải?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Trước khi nói tới vấn đề này, chúng ta phải hiểu một điều khi xây dựng nhà máy nước, người ta sẽ chọn nguồn nước sạch để xử lý rồi bán nước cho người dân, chứ không lựa chọn nguồn nước bị ô nhiễm dầu. Do đó, đây là trường hợp hy hữu, không phải nhà máy nước sông Đà cố ý.

Biện pháp đầu tiên nhà máy nước sông Đà cần xử lý là hút hết lượng dầu nổi trên mặt nước. Nhưng theo tôi thấy, hiện tại vấn đề này hơi khó, vì đã qua nhiều ngày nên chúng phân tán, chỉ còn một lượng mỏng trên mặt nước. Điều này càng khiến việc hút dầu gặp khó khăn.

Còn đối với nguồn nước đầu vào, giải pháp tốt nhất bây giờ là dùng phương pháp oxy hóa. Chính xác là họ dùng công nghệ ozone, thẩm thấu nước. Họ có sẵn công nghệ này thì tốt, còn nếu không có thì phải thuê để lọc nước rồi mới được bán cho dân.

Nếu dùng phương pháp này thì chi phí sẽ đắt, nhưng trong tình hình như hiện này thì họ nên chấp nhận câu chuyện bỏ tiền ra để xử lý nước, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, công suất mà nhà máy sông Đà đang lọc là quá lớn, 300.000m3/ngày thì rất khó để có thể xử lý hết được.

Ngoài ra, nhà máy nước sông Đà có thể sử dụng phương pháp oxy trước để loại bỏ lượng dầu đó đi, sau đó mới đưa vào xử lý. Theo tôi, trong công nghệ lọc nước của họ sẽ có hệ thống lọc chất rắn lơ lửng, đây là một trong những khâu đầu tiên của lọc nước. Phương pháp này sẽ loại bỏ được khá nhiều dầu thải. Tiếp tục từ bể lọc sang các bể trung gian, thì ta dùng phương pháp ozone để xử lý là tốt nhất.

Trong những ngày qua, hàng vạn người dân ở nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã quá khốn đốn vì thiếu nước sạch.

PV: Vậy theo ông với những hộ gia đình thì nên sử dụng phương pháp gì để tự bảo vệ sức khỏe của mình?

TS. Nguyễn Hoàng Nam: Hiện nay, hầu như nhà nào cũng dùng máy lọc nước, đây là phương dùng màng lọc, nên mọi người có thể dùng phương pháp này để lọc thành nước uống. Đây là công nghệ tiên tiến nên dùng sẽ có hiệu qủa. Tuy nhiên, do các bình lọc này quá bé không thể lọc được một lượng nước lớn đủ dùng cho cả nhà, do đó mọi người có thể dùng phương pháp khác – dùng công nghệ ozone.

Công nghệ đó chính là cái máy sục khí ozone rửa rau quả chúng ta hay dùng hàng ngày. Hãy dùng máy đó nối ra 4 đầu vòi để sâu xuống dưới đáy rồi sục. Nhưng khuyến cáo, người dân nên để khoảng 1 tiếng sau khi sục rồi mới dùng nước.

Đây là đều là phương pháp hữu hiệu trước mắt người dân có thể sử dụng để có thêm nguồn nước dùng sinh hoạt, cũng như bảo vệ sức khỏe của chính mình cùng gia đình.

Xin chân thành cám ơn TS.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top