Trương Gia Bình - “Ngòi nổ” cho mọi khát vọng!
Cho đến giờ này, khi đã bước sang tuổi 65 nhưng nhìn Trương Gia Bình vẫn phong độ như khi đang ngoài 40 với cương vị Chủ tịch Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam (nơi mà tôi có một thời tham gia làm Phó Chủ tịch). Ông vẫn tham gia thuyết trình trước hàng ngàn vạn đôi mắt đang cháy lửa khát vọng lập nghiệp, vẫn “chém gió” như thiên thần trên màn hình tivi, vẫn mặt đỏ tía tai khi tranh luận với đồng bạn về những vấn đề quốc kế dân sinh mà mình đau đáu...
Đã mấy ai nghĩ rằng khi bước vào nghiệp kinh doanh, người đàn ông vốn là học sinh chuyên toán Chu Văn An - Hà Nội, tốt nghiệp khoa Toán cơ và sau đó bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ tại Đại học Tổng hợp Moscow năm 1983 mà chỉ 5 năm sau, chuyển phắt sang làm nghề... sản xuất mì ăn liền.
Theo lời kể rằng, 3 từ chữ cái đang làm nên thương hiệu FPT nổi tiếng bây giờ vẫn còn dấu ấn của những gói mì ăn liền FPT hồi khởi nghiệp. Khi đó, FPT là tên viết tắt của Food Processing Technology, là một công ty về công nghệ chế biến thực phẩm.
Rồi thành công, rồi cạnh tranh mãnh liệt, rồi chợt nhận ra rằng khi đã có nhiều người tham gia lo cho nhu cầu cái dạ dày “của dân tộc” rồi thì mình phải chuyển sang những lĩnh vực khác cần thiết hơn, lạ lẫm hơn, khác biệt hơn và phù hợp với khả năng thiên phú của mình hơn, thế là Trương Gia Bình cùng với thương hiệu FPT chuyển hẳn sang lĩnh vực công nghệ.
Đến nay, cụm từ FPT đã được định vị theo hướng khác, đó là viết tắt của Financing Promoting Technology - Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ, chuyên thiên về hướng khai thác sức mạnh thiên bẩm về trí tuệ của người Việt Nam, một nguồn tài nguyên tái tạo và vĩnh cửu, mà ông đã từng khẳng định: “Đây là mỏ tài nguyên vô tận, thậm chí còn quý hơn vàng”.
Với Trương Gia Bình, tôi đánh giá rất cao khi ông phát hiện ra nguồn tài nguyên này, dày công cùng các đồng nghiệp lao tâm khổ tứ để bắt nó phải hiện thân, rồi khai thác nó, biến nó thành một tài sản quý giá của quốc gia nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng.
Mà quả thật, cứ ngỡ vàng là giá trị, vàng là quý, thế nhưng thực tiễn đã chứng minh rằng, một khi sản phẩm hàng hóa đã thấm đẫm một phần trí tuệ của con người thì quý hơn vàng gấp nhiều lần.
Ai cũng biết, Việt Nam ta có 2 mỏ vàng lớn, đó là Bồng Miêu và Phước Sơn. Theo kết quả thăm dò năm 2005, trữ lượng vàng ở mỏ Bồng Miêu khoảng 12.388 kg. Tại huyện Phước Sơn, mỏ vàng Phước Thành trữ lượng đạt 11.602 kg, mỏ Đăk Sa (xã Phước Đức) có trữ lượng 7.210 kg. Mỗi năm, sản lượng khai thác khoảng trên dưới 2 tấn vàng, tính “tẹt ga” cũng chưa tới 100 triệu USD. Thế nhưng đến năm 2015, chỉ tính riêng lĩnh vực phần mềm, “mỏ vàng phần mềm” của Việt Nam đã đem lại cho đất nước khoảng 2,8 tỷ USD, tương đương với trên 60 tấn vàng. Trong khi đó, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu được 6,568 triệu tấn gạo, trị giá 2,68 tỷ USD.
Công lao phát hiện và khai thác nguồn tài nguyên vô tận này cho Việt Nam không ai khác là Trương Gia Bình và những người cùng chí hướng của câu chuyện cách đây khoảng 20 năm, khi mỏ vàng trí tuệ của nước nhà còn đang bị bỏ hoang.
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày đầu năm 2001. Quán cà phê Le Tonkin đang đông khách đến ăn nhẹ bữa trưa. Bên một chiếc bàn nhỏ có 3 người đàn ông tầm tuổi trên dưới 40, vóc dáng khác nhau, ăn mặc cũng khác nhau nhưng cùng với vẻ mặt đăm chiêu và suy tư.
Một người dễ dàng được nhận ra bởi anh là một doanh nhân khá nổi tiếng trong lĩnh vực IT, đương kim Chủ tịch Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT lừng danh Trương Gia Bình. Còn hai người kia cũng là giám đốc của hai công ty IT nhỏ hơn, anh Hà Thế Minh, Giám đốc Công ty CMC và anh Nguyễn Nhật Quang, Giám đốc Công ty Hài Hòa.
Câu chuyện của 3 người, của 3 doanh nhân trẻ đầy khát vọng ấy không gì khác ngoài việc tìm con đường phát triển không chỉ cho doanh nghiệp của mình mà còn cho cả một nền công nghiệp IT đang quá sơ khai và mới mẻ ở Việt Nam.
Sơ khai về cơ sở vật chất đã đành, mà sơ khai cả về trong tư duy của nhiều nhà lãnh đạo đất nước, về hệ thống pháp lý, về đào tạo nguồn nhân lực… Thế kỷ 21 đã bắt đầu được hơn một năm trong bối cảnh thế giới đang tiến như vũ bão khai thác nền công nghiệp đầy trí tuệ này.
Cuộc gặp gỡ của 3 doanh nhân trẻ hôm ấy chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ nhưng lại là thời khắc đáng ghi vào sử sách của nền công nghiệp phần mềm Việt Nam bởi tầm tư duy, lòng nhiệt huyết và sẵn sàng đương đầu với thách thức:
-Chúng ta không thể đi bán máy tính mãi như thế này được. Các nước như Ấn Độ, Trung Quốc đang phát triển công nghệ phần mềm ầm ầm, doanh thu hàng chục tỷ USD mà mình sao có thể bó tay chịu đói khổ, nghèo hèn?
-Muốn làm thì phải hội tụ được ít nhất là 3 yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nay thiên thời thì bí rì rì như thế, địa lợi thì lơ mơ. Người ta làm ầm ầm nhưng chưa chắc mình làm đã thành công. Còn mỗi nhân hòa là có vì anh em chúng ta ai cũng nóng lòng nóng ruột.
-Làm phần mềm phải có nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Với cung cách đào tạo kỹ sư phần mềm của Việt Nam lọ mọ như 'thầy bói đi đêm' hiện nay, làm được để cạnh tranh với họ không phải dễ.
-Thời thế tạo anh hùng, nhưng anh hùng cũng có thể tạo ra thời thế. Thiên thời đã bắt đầu xuất hiện. Bộ Chính trị vừa có nghị quyết chuyên về phát triển IT. Chính phủ cũng đã bật đèn xanh cho lĩnh vực này với mục tiêu từ nay đến 2005 thực hiện cho được 500 triệu USD trong sản xuất phần mềm, trong đó xuất khẩu 200 triệu, trong nước 300 triệu. Còn địa lợi, người ta làm được thì mình cũng làm được. Chúng ta phải chớp lấy thời cơ này…
Thế rồi cả 3 cái đầu chụm lại bàn mưu tính kế và đi đến quyết định phải tập hợp lực lượng để hình thành một tổ chức xã hội - nghề nghiệp chuyên về phát triển phần mềm. Bởi nếu như hiện nay, các doanh nghiệp IT của Việt Nam còn quá nhỏ bé, khó lòng chen chân vào một thị trường có tính quốc tế hóa cao như thị trường phần mềm.
Ngay lập tức, Trương Gia Bình quyết định đóng góp 10.000 USD, anh Minh góp 5.000 USD, anh Quang góp 3.000 USD để chi phí cho việc thành lập một hiệp hội chuyên về phát triển phần mềm đầu tiên của Việt Nam có tên là Vinasa.
Đến nay, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT do Trương Gia Bình và các cộng sự khởi xướng đã đạt doanh thu khoảng 9 tỷ USD, xuất khẩu trên 3,7 tỷ USD trong năm 2018. Tổng số nhân lực toàn ngành đạt gần 300.000 người. Vinasa hiện có gần 400 doanh nghiệp hội viên, đại diện cho 65% nhân lực và 70% doanh thu toàn ngành với những tên tuổi có vị thế, không chỉ ở Việt Nam và trên trường quốc tế như: FPT, CMC, MISA, VNG, TMA, Viettel, VNPT, KMS…
Nhìn con số 3,7 tỷ USD thì nhiều người cũng không thấy to lắm, những nếu nói rằng, Trương Gia Bình và các cộng sự đã phát hiện và khai thác một mỏ vàng với sản lượng hằng năm lớn gấp gần 40 lần 2 mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn cộng lại thì mới thấy nó giá trị đến mức nào!
Tiếp xúc với Trương Gia Bình, tôi nhận ra rằng, nếu chỉ nhìn sự đóng góp của ông đối với nền kinh tế đất nước vào những con số nêu trên thì quả là chỉ mới thấy phần nổi của tảng băng chìm, bởi ông tham gia vào rất nhiều lĩnh vực, cháy bỏng và tâm huyết ở tất cả các đề tài mà ông quan tâm, là “ngòi nổ” cho mọi khát vọng ở tất cả các lứa tuổi..., từ vi mô đến vĩ mô, từ lý thuyết đến thực hành, từ truyền bá tri thức đến kích động sự cháy bỏng của con tim...
Cho đến giờ này, tôi vẫn nhìn thấy rằng, trong tâm cảm của ông không bao giờ nguôi ngoai một khát vọng là làm thế nào để Việt Nam không thua kém các nước khác, đặc biệt là vấn đề năng suất lao động, là việc khai thác hiệu quả nền công nghiệp 4.0 mà thế giới đang đem lại.
Cũng đúng thôi, những bậc cha đẻ của Chủ nghĩa xã hội đã từng nói rằng: “Tính quyết định của CNXH đối với CNTB là năng suất lao động”, thì chính đây là cuộc chiến sống còn, tồn tại hay không tồn tại.
Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo, ông đã bày tỏ một sự phát hiện mà chưa ai nói ra, chưa ai đề cập đến, đó là sự xuất hiện nền kinh tế số sẽ có thể đưa Việt Nam trong 10 - 15 năm nữa, trở thành cường quốc trên thế giới.
Xin lỗi, chả mấy ai tin. Bởi theo thống kê mới đây, năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/30 lần Singapore, bằng 29% năng suất lao động của Thái Lan, bằng 13% năng suất lao động của Malaysia và bằng 44% năng suất lao động của Philippines...
Nào, những ai là người Việt Nam, đã “cay mũi” chưa? Mà theo tôi đánh giá, với tính cách của Trương Gia Bình, ông là một trong những người “cay mũi" nhất!
Trong cuộc tọa đàm: "Mô hình O2O - Nền tảng kinh doanh từ offline đến online" tổ chức tại TP.HCM ấy, sau khi phân tích thế giới đang sống trong một giai đoạn hết sức quan trọng, gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhân loại đang bước vào một cuộc cách mạng mới chưa từng có cả về quy mô và tốc độ, một cuộc thay đổi chóng mặt có thể tính từng giây, từng phút..., ông đã có một nhận định “bom tấn” rằng: “Chỉ trong 10 - 15 năm nữa thì trật tự thế giới sẽ được lập lại”.
Liệu có thể coi nhận định này của ông tựa như một tiếng kèn xung trận cho nền kinh tế việt Nam có cơ hội trỗi dậy sau nhiều chục năm tụt hậu so với thế giới?
Ở lứa tuổi của Trương Gia Bình cũng như của cá nhân tôi, khi nói về nền kinh tế Việt Nam mất mấy chục năm đi theo một con đường vòng vật vã, không ai tránh khỏi chạnh lòng.
Chẳng hạn về nông nghiệp, từ các hộ nhỏ lẻ bước vào tổ đổi công, rồi gom tất cả sức người sức của lên cho được hợp tác xã cấp thấp, cấp cao, thế rồi vòng trở lại ban đầu là khoán 10 để rồi xé nhỏ thành hơn 70 triệu mảnh ruộng cho các hộ gia đình. Giờ đây lại loay hoay tìm cách tích tụ ruộng đất để áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động cho bằng anh bằng em. Đất nước mất mấy chục năm để hoàn thiện một con đường vòng này. Rồi trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu... cũng tương tự như vậy. Lần mò mãi mới tìm ra được một nền kinh tế thị trường phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.
Nay có cơ hội nền kinh tế thế giới sẽ lập lại trật tự với những cơ hội đảo lộn chưa từng có, thời của “cá lớn nuốt cá bé” sẽ bị thay thế bởi “cá nhanh nuốt cá chậm”. Đó là thời của nền kinh tế internet, của trí tuệ nhân tạo, của dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing), của những doanh nhân thức thời và quả cảm...
Muốn như vậy, các doanh nghiệp phải nhanh chóng “số hóa” tất cả những giá trị trong hoạt động của mình. Sau khi có dữ liệu được “số hóa” rồi thì phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.
Mặc dù năm vừa rồi, Tập đoàn FPT của Trương Gia Bình đã bị rớt khỏi Top 10, xuống tận vị trí 20 của Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (một phần do doanh thu của khối phân phối và bán lẻ không còn nằm trong doanh thu chung của tập đoàn) nhưng ông vẫn tiếp tục kiên trì cho lý tưởng của mình về phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam, đi thuyết trình bất cứ nơi đâu, trong bất cứ cơ hội nào để các nhà hoạch định chính sách quốc gia, các doanh nhân lớn cũng như nhỏ về sự tất yếu phải tranh thủ cuộc đi tắt đón đầu này.
Ông đã từng lấy ví dụ, Bank of America là hệ thống ngân hàng đứng thứ 4 tại nước Mỹ nhưng lợi nhuận của họ có thể bằng 3 ngân hàng khác cộng lại. Cách thức của họ là theo sát mọi diễn biến cuộc sống của khách hàng từ đầu đến cuối, thay người tiêu dùng tính toán tài chính cho khách của mình. Họ biết khi nào khách hàng thăng chức thì lập tức giới thiệu xe mới cho người đó. Họ biết khi nào khách hàng kết hôn hay sinh con thì giới thiệu ngay dòng xe đẩy cho trẻ con. Nghĩa là cách tiếp cận của họ là đến từng người.
Rồi ông lại dẫn chứng một người đàn ông đang đi chợ, bỗng dưng Worldmap hỏi anh ta rằng có mua bỉm không vì con gái ông ta đang có bầu. Ông ta nghĩ thầm "con gái chưa lập gia đình mà có bầu ư, đó là sự sỉ nhục gia đình tôi và tôi sẽ kiện". Tuy nhiên, khi ông này hỏi con gái thì cô ấy thừa nhận có bầu thật. Thế giới kinh doanh đã đi đến độ hiểu biết sâu sắc khách hàng của mình như vậy đó.
Hay chuyện một người đi máy bay, trước khi lên máy bay, anh ta nhắn với bạn gái rằng "Tôi thèm ăn hamburger". Và thế là khi anh ta xuống may bay, lập tức có người đến chào mời hamburger. Hoặc ví dụ khác, một người đàn ông có xe ô tô để ở hầm xe và liền có xe khác đi ngang làm gãy kính xe. Chiếc xe lập tức báo cho bảo hiểm, bảo hiểm lập tức kết nối trạm sửa chữa. Trong phòng họp, người đàn ông nhận được tin nhắn hỏi rằng có đồng ý mức giá đó không. Khi ông ta nhấn “đồng ý” thì khi họp xong đi xuống hầm thì xe đã trở về trạng thái như cũ. Nghĩa là mọi giấy tờ sẽ được thực hiện qua online, mọi hoạt động diễn ra nhanh chóng qua vài lần nhấn nút.
Đấy, sứ mạng của Trương Gia Bình hiện đang là như thế, đem lý thuyết “cá nhanh nuốt cá chậm” là ở ý nghĩa như thế. Và niềm đam mê ấy của ông đã tạo nên ánh hào quang quanh sự nghiệp của ông và Tập đoàn FPT từ bấy đến nay!
PGS.TS. Trương Gia Bình hẳn là người có số tử vi đẹp không chỉ vì có ngày sinh đẹp - 19/05/1956 - tức trùng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn từng là rể quý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp huyền thoại.
Ông là người vừa mang đậm chất phóng khoáng, hào sảng anh hai Nam bộ, pha chất nghệ sỹ của người dân Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam, vừa tiêu biểu cho chí tiến thủ và hành xử đầy mưu lược của người Nghệ An và vừa có sự mềm mại, thanh lịch biết tiến thoái linh hoạt của người sinh sống tại Hà thành từ nhỏ.
Ông là sự kết hợp tự nhiên và khá hoàn hảo giữa chất khoa học, thầy giáo với chất doanh nhân, giữa tầm cao của nhà tư vấn chiến lược xuất sắc, với phẩm chất người quản trị thực tiễn tài ba.
Là doanh nhân, ông không chỉ tham gia Hội đồng quản trị FPT, mà còn của Vietcombank và nhiều tư cách khác, như Trưởng khoa đại học; Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA); Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA); Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân trực thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính…
Ông là thủ lĩnh và linh hồn khó thay thế của FPT. Dù bản thân tỏ ra khiêm nhường, nhưng ông luôn thể hiện mơ ước và hoài bão lớn cho đất nước.
Là người có công lớn trong định vị thương hiệu FPT, Trương Gia Bình cũng là người định vị, thúc đẩy và truyền cảm hứng mạnh mẽ, sâu sắc cho bao thế hệ lãnh đạo, doanh nhân và thanh niên Việt tin tưởng và dấn thân vào ngành công nghiệp thông tin và công nghệ cao Việt Nam.
Là dân toán chuyển ngang kinh doanh, ông có lợi thế thông minh thiên bẩm và tố chất của người giỏi toán, tư duy tổng thể tốt, mạch lạc. Thực tế cho thấy nhiều doanh nhân đại gia Việt thời đầu đổi mới và chuyển sang kinh tế thị trường lại thường là dân toán kỳ cựu, chứ không phải dân kinh tế “nhà nghề”.
Khởi sự kinh doanh ở tuổi 32, từ Công ty Công nghệ Thực phẩm, ông đã góp công hàng đầu trong hình thành và phát triển Tập đoàn FPT - một công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Theo số liệu ngày 27/12/2019: Ông Gia Bình đứng thứ 23 trong danh sách những người giàu nhất Sàn chứng khoán Việt Nam.
Ông có thể không phải là nhà khoa học giỏi nhất, doanh nhân thành đạt nhất hay nhà hoạt động xã hội lớn nhất… song, có thể nói, với những thành công kép và vị thế xã hội mà PGS.TS. Trương Gia Bình đã đạt được, cả trong khoa học, trong xã hội và trong kinh doanh, có thể nói ở nước ta đã và khó có người thứ hai làm được như vậy, chí ít trong 30 năm qua và 20 năm tới…!
- Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong -
Thứ nhất, Trương Gia Bình là con người có khát vọng. Đó là khát vọng rất lớn lao gắn với tinh thần dân tộc, khát vọng đưa đất nước phát triển cường thịnh hơn. Khát vọng đó xuất phát từ việc ông là một trong những doanh nhân tiên phong đi đầu từ khi nền kinh tế còn khó khăn, đất nước còn nghèo đến việc đưa Tập đoàn FPT nổi danh toàn cầu, cũng là cách đưa đất nước vươn tầm thế giới.
Chính Trương Gia Bình từng chia sẻ, khát vọng thoát nghèo chính là động lực dẫn dắt ông không ngừng bước tới. Xuất phát từ sự coi thường của những sinh viên quốc tế khác đối với sinh viên Việt Nam là tiền đề để ngay từ khi còn trẻ ông đã nuôi nấng khát vọng thoát nghèo và bắt đầu xây dựng một "đế chế" công nghệ như hiện nay.
Thứ hai, Trương Gia Bình là một con người rất bản lĩnh. Bản lĩnh của một doanh nhân dân tộc thể hiện từ tư duy đến hành động với những mục tiêu lớn nhằm hiện thực hóa ước mơ vươn tầm thế giới.
Ngay từ năm 1998, khi FPT đã có được vị trí tương đối trong nước, ông Bình đã triển khai những dự án mang tầm quốc tế với với tham vọng Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về xuất khẩu phần mềm, đặt mục tiêu đưa sản phẩm công nghệ của mình sánh ngang với Google và Microsoft...
Không chỉ là một tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin, FPT luôn nỗ lực, làm mới mình, tái cấu trúc để bắt nhịp cùng với xu hướng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo... đưa tin học đến với Việt Nam, hay tiên phong đổi mới giáo dục, tạo đột phá khẩu cho phát triển internet tại Việt Nam, đưa trí tuệ Việt ra thế giới.
Chính sự bản lĩnh của Trương Gia Bình đã đưa FPT ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, đó cũng là minh chứng cho khát vọng đưa đất nước phát triển cường thịnh hơn.
Thứ ba, Trương Gia Bình là một tấm gương sáng về tinh thần doanh nhân dân tộc.
Sự phát triển của Tập đoàn FPT đóng góp rất lớn đối với nền kinh tế, sự phát triển của đất nước, tạo ra rất nhiều việc làm, đóng góp lớn vào ngân sách.
Nhưng ngoài những điều đó, Trương Gia Bình và FPT còn có những đóng góp khó đong đếm hơn, khi những bước đi đầy bản lĩnh và tầm vóc của doanh nhân Trương Gia Bình trên bước đường của mình đã truyền cảm hứng rất lớn, đem lại niềm tin, khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần hình thành nên thế hệ doanh nhân nối tiếp cũng giàu khát vọng và bản lĩnh khẳng định mình.
Điều Trương Gia Bình mong muốn nhất là các doanh nhân trẻ đừng bao giờ thôi ước mơ và từ bỏ ước mơ. Bản thân lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng lưới khởi nghiệp mà Trương Gia Bình khởi xướng, đã tạo ra mức độ lan tỏa rất cao. Với mong muốn mang đến cho các start-up công nghệ tại Việt Nam cơ hội đưa những sản phẩm khởi nghiệp của mình lên tầm cao mới, FPT trở thành nơi ươm mầm cho các start-up bằng việc cung cấp tiền mặt, nguồn lực cũng như kỹ năng về công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
Trương Gia Bình cũng từng khẳng định: Nếu mỗi người Việt đều có tinh thần doanh nhân, có khát vọng thoát khỏi đói nghèo, thì Việt Nam, chẳng bao lâu nữa, sẽ đứng vào hàng ngũ các nước tiên tiến trên thế giới.
Đó là cái tâm, cái tầm của một con người luôn có khát vọng, bản lĩnh và mang trong mình tinh thần dân tộc cao cả.
- Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh -