Aa

Trương Gia Bình–“Bưởng trưởng” mỏ vàng trí tuệ Việt Nam, Kỳ 2: “Phải làm cho các cụ hiểu đã”!

Thứ Tư, 05/10/2016 - 06:01

Bất kỳ ai là người Việt Nam khi thấy đất nước mình thua kém thiên hạ đều cảm thấy canh cánh có một nỗi nhục quốc thể, muốn nỗ lực gột rửa. Ở lĩnh vực phần mềm lại càng thể hiện rõ nét hơn.

Các cuộc thi toán học, vật lý quốc tế cho thấy tiềm năng trí tuệ của người Việt  trong lĩnh vực này đâu có kém, huy chương vàng, huy chương bạc rải khắp mọi miền đất nước. Vậy mà tại sao công nghiệp phần mềm (CNPM) của Việt Nam lại không phát triển?

Trở lại quán cà phê Le Tonkin, câu chuyện của 3 doanh nhân trẻ đầy khát vọng ấy không gì khác là phải tìm cách rửa nỗi nhục này.

Thế nhưng nên bắt đầu từ đâu?

Trong 3 người ở quán cà phê hôm đó, chỉ Trương Gia Bình là có nhiều cơ hội tiếp cận với các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ. Anh hiểu rằng, nếu các “cụ” ở trên mà chưa thông thì khó có thể có những chính sách hỗ trợ cho nền CNPM phát triển. Trương Gia Bình nhớ lại: “Trong đầu các vị lãnh đạo khi đó rất ủng hộ phát triển công nghệ, khoa học... nhưng nói chung là không hiểu chúng hình hài như thế nào. Tôi hỗ trợ nhưng các bạn tự làm, giống như hỗ trợ Vật lý, Toán. Vì thế, mình phải thuyết phục đây là một ngành công nghiệp, gọi là Công nghiệp phần mềm. Mà khi nói đến công nghiệp tức là động tới sản xuất. Mà động tới sản xuất là các vị bắt đầu quan tâm”.

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình

Thực ra, năm 1995, Chương trình Quốc gia về CNTT được Chính phủ phê duyệt để thực hiện từ 1995 đến 2000. Nhưng cuối năm 1998, Chính phủ lại quyết định rút chương trình này ra khỏi các chương trình mục tiêu của Nhà nước. Mặc dù có nhiều lời can ngăn từ nhiều nhà khoa học nhưng Chính phủ vẫn giữ nguyên quyết định và chỉ thị phải tiến hành tổng kết Chương trình Quốc gia CNTT để chấm dứt.

Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, kể: “Chúng tôi đã phải thi hành theo quyết định của Chính phủ song cũng nhận thức rõ, nếu không còn Chương trình Quốc gia CNTT thì tình hình phát triển CNTT ở các Bộ, các ngành, các địa phương sẽ lâm vào tình trạng như "rắn mất đầu". Trước mối nguy đó, dưới sự chỉ đạo của GS. Đặng Hữu, chúng tôi đã soạn thảo báo cáo thuyết phục Bộ Chính trị ra một Nghị quyết hay Chỉ thị về CNTT để tiếp tục định hướng, thúc đẩy CNTT phát triển, với mong muốn "lấp đầy" khoảng trống do Chương trình Quốc gia CNTT chấm dứt. May thay, lúc bấy giờ, lực lượng trẻ làm phần mềm rất ủng hộ đề xuất của Ban soạn thảo. Chúng tôi đã giải thích với cấp trên rằng, người trực tiếp làm là các DN mà các DN đã đảm bảo họ có thể làm được thì tại sao lại không cho họ làm?”.

Cuộc gặp gỡ của 3 doanh nhân trẻ hôm ấy chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ nhưng lại là thời khắc đáng ghi vào sử sách của nền CNPM Việt Nam bởi tầm tư duy, lòng nhiệt huyết và sẵn sàng đương đầu với thách thức:

  • Chúng ta không thể đi bán máy tính mãi như thế này được. Các nước như Ấn Độ, Trung Quốc đang phát triển công nghệ phần mềm ầm ầm, doanh thu hàng chục tỷ đô la mà mình sao có thể bó tay chịu đói khổ, nghèo hèn?
  • Muốn làm thì phải hội tụ được ít nhất là 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nay thiên thời thì bí rì rì như thế, địa lợi thì lơ mơ. Người ta làm ầm ầm nhưng chưa chắc mình làm đã thành công. Còn mỗi nhân hòa là có vì anh em chúng ta ai cũng nóng lòng nóng ruột.
  • Làm phần mềm phải có nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Với cung cách đào tạo kỹ sư phần mềm của Việt Nam lọ mọ như thầy bói đi đêm hiện nay, làm được để cạnh tranh với họ không phải dễ.
  • Thời thế tạo anh hùng nhưng anh hùng cũng có thể tạo ra thời thế. Thiên thời đã bắt đầu xuất hiện. Bộ Chính trị vừa có nghị quyết chuyên về phát triển IT. Chính phủ cũng đã bật đèn xanh cho lĩnh vực này với mục tiêu từ nay đến 2005 thực hiện cho được 500 triệu USD trong sản xuất phần mềm, trong đó xuất khẩu 200 triệu, trong nước 300 triệu. Còn địa lợi, người ta làm được thì mình cũng làm được. Chúng ta phải chớp lấy thời cơ này…

Thế rồi cả 3 cái đầu chụm lại bàn mưu tính kế và đi đến quyết định phải tập hợp lực lượng để hình thành một tổ chức xã hội-nghề nghiệp chuyên về phát triển phần mềm. Bởi nếu như hiện nay, các doanh nghiệp IT của Việt Nam còn quá nhỏ bé, khó lòng chen chân vào một thị trường có tính quốc tế hóa cao như thị trường phần mềm.

Ngay lập tức, anh Bình quyết định đóng góp 10.000 USD, anh Minh góp 5.000 USD, anh Quang góp 3.000 USD để chi phí cho việc thành lập hiệp hội.

Kỳ sau: “Bưởng trưởng” xuất hiện và đi “lùa” nhân tài!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top