Aa

TS. Cấn Văn Lực: Cần thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 26/10/2022 - 06:05

Nói về giải pháp thúc đẩy loại hình bất động sản chăm sóc sức khoẻ phát triển, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, cần thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt.

 

Thị trường bất động sản Wellness Việt Nam còn nhiều khó khăn

Đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đã tác động mạnh đến lối sống, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng, kéo theo sự thay đổi xu hướng bất động sản và du lịch. Trong đó, dòng sản phẩm bất động sản chăm sóc sức khỏe đang được chú ý nhiều hơn khi dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy mạnh về các dự án du lịch ưu tiên chăm sóc sức khỏe - nghỉ dưỡng. 

Theo số liệu của tổ chức Global Wellness Institute (GWI), tổng kinh tế Wellness toàn cầu năm 2020 đạt khoảng 4.400 tỷ USD và dự kiến đạt đến 7.000 tỷ USD vào năm 2025.

Cũng theo báo cáo trên, riêng lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khoẻ - (Wellness Tourism) toàn cầu đạt 617 tỷ USD năm 2017 và 720 tỷ USD năm 2019, dự kiến tăng lên 816,5 tỷ USD năm 2022 và lên đến 1.127,6 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng trung bình có thể lên đến 20,9%/năm.

Nhìn nhận về xu hướng này, tại Hội thảo: “Đón đầu xu hướng bất động sản chăm sóc sức khoẻ” do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức, các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển của thế giới khi được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài, nhiều thắng cảnh và di tích văn hóa, lịch sử, cùng với nền y học cổ truyền đặc sắc, nhiều hệ thống suối khoáng nóng… thích hợp với nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe của khách du lịch.

Trong những năm qua, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch bao gồm các cơ sở chăm sóc sức khoẻ đạt tiêu chuẩn cũng dần hình thành, được quan tâm đầu tư, có thể kể đến như: Kim Bôi (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), các khu du lịch, nghỉ dưỡng của Sun Group ở Quảng Ninh, Phú Quốc… các khu đô thị như Novaworld Phan Thiết (Bình Thuận), Ecopark (Hà Nội)… cũng đã tạo sức hút đối với khách hàng và du khách quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, các chuyên gia khẳng định, thị trường bất động sản Wellness ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam nhìn chung còn ít, chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm phổ biến nhất chỉ mới có spa và tắm nước khoáng nước nóng.

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản. (Ảnh Nhà Đầu tư)

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng, Chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản đánh giá, quy mô và tính chất của bất động sản du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam còn khá rời rạc, manh mún, chủ yếu dựa trên sự tự phát của riêng mỗi doanh nghiệp, cùng với rất nhiều những khó khăn thách thức và yếu kém.

Theo đó, vị chuyên gia đã chỉ ra 3 yếu tố gây ra những khó khăn lớn, cản trở sự phát triển và bứt phá của bất động sản chăm sóc sức khoẻ. 

Thứ nhất, bất động sản chăm sóc sức khoẻ hay du lịch chăm sóc sức khoẻ là khái niệm mới tại Việt Nam, chưa được định nghĩa, định hướng rõ ràng, chưa có các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.

Thứ haisự quảng bá tiếp thị chung cho du lịch Việt Nam ra quốc tế còn rất hạn chế nghèo nàn. Cũng nằm trong vấn đề về cơ chế - chính sách, vấn đề chuyên môn nghiệp vụ và sự quản lý liên quan còn thiếu chặt chẽ.

Thứ ba là nút thắt từ nguồn vốn phát triển. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói chung và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khoẻ nói riêng hiện đang là đối tượng hàng đầu không được ưu tiên hỗ trợ vốn trong bối cảnh kiểm soát chặt tín dụng bất động sản. Việc khó khăn về nguồn vốn phát triển đã khiến nhiều doanh nghiệp từ có ý định thành không có ý định xây dựng các dự án bất động sản chăm sóc sức khoẻ hay nhiều dự án đang xây dựng dở thì bị trì hoãn kéo dài…

“Không có sự hỗ trợ cho nguồn vốn mới, hàng bán trì trệ dẫn đến nhiều dự án dở dang hoặc hoạt động không hiệu quả làm ảnh hưởng không chỉ giá trị kinh tế mà còn là cơ sở vật chất - hạ tầng của ngành du lịch nghỉ dưỡng”, ông Hoàng nhấn mạnh. 

Cần thành lập các định chế tài chính cho bất động sản chuyên biệt

Để bất động sản chăm sóc sức khoẻ phát triển mạnh mẽ, không đi ngoài xu thế của thế giới và xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của Việt Nam, các chuyên gia đều đồng tình với việc luật định rõ ràng các khái niệm “bất động sản chăm sóc sức khoẻ”, “du lịch chăm sóc sức khoẻ” trong các văn bản pháp luật, để từ đó có cơ sở pháp lý cụ thể cho loại hình này.

Theo TS. KTS. Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng), tại Luật Du lịch 2017 hình thức du lịch “chăm sóc sức khỏe” chưa được đề cập đến tại Điều 3 (giải thích từ ngữ). Tương tự trong luật chưa gắn du lịch với y tế và chăm sóc sức khỏe tại các Điều 5 (Chính sách phát triển du lịch); Điều 15 (Các loại tài nguyên du lịch); Điều 23 (Điều kiện công nhận điểm du lịch) và Mục 3 Lưu trú du lịch. Đây sẽ là điểm tồn tại khó khăn pháp lý. Bởi đây là căn cứ cơ sở để xác định, lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch chăm sóc sức khỏe cho các nhà đầu tư cũng như với chính quyền các cấp để quy hoạch sử dụng đất hình thức bất động sản này.

Ông Quang cho rằng, với công tác quy hoạch các dự án du lịch chăm sóc sức khoẻ, có thể cân nhắc phát triển theo hướng: Khu nghỉ dưỡng khép kín (đáp ứng đầy đủ các dịch vụ đáp ứng cho nhu cầu ăn uống, giải trí, mua sắm, spa...); Khu nghỉ dưỡng phức hợp (tích hợp đầy đủ các tiện ích, đa dạng các loại hình dịch vụ giải trí, khu mua sắm và nhà hàng cao cấp, gắn với các đô thị); Khu nghỉ dưỡng tiện lợi (những khu du lịch hiện hữu, truyền thống được cải tiến, thêm các tiện ích - dịch vụ mới chăm sóc sức khỏe, gắn với dạng nhỏ lẻ, homestay).

TS. KTS. Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng). (Ảnh Nhà Đầu tư)

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất, cần sớm hoàn thiện quy hoạch về đất đai, trong đó có các quy hoạch về bất động sản nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ; đẩy nhanh quá trình sửa các luật liên quan và hoàn thiện khung pháp lý, các hướng dẫn để phát triển các mô hình quỹ đầu tư, đầu tư trên nền tảng số, gọi vốn cộng đồng, mua chung.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần có những cơ chế ưu tiên về nguồn vốn, nhằm khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong trong phát triển dòng sản phẩm bất động sản chăm sóc sức khoẻ. 

Theo đó, cần thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt như: Quỹ/cơ quan tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư bất động sản, cơ quan tái tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản... Cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho người dân, minh bạch thông tin, thiết kế sản phẩm phù hợp tùy vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư...

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ông Nguyễn Anh Tuấn cũng bày tỏ, để bất động sản du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam bứt phá, vươn lên dẫn đầu thay vì đi sau các nước trên thế giới thì ngoài nguồn vốn trong nước, cần thu hút thêm các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. 

Để làm được điều này, trước hết cần tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài qua các cam kết của chính quyền bảo vệ các dự án đầu tư. Thứ hai, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo giải quyết nhanh chóng việc cấp phép dự án. Thứ ba, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, nên cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng. “Khi chúng ta đang trong thời đại mở, hội nhập sâu thì việc người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam là việc cần thiết. Vấn đề ở đây là quản lý ra sao, các luật cần hợp nhất, đồng bộ để có các quy định cụ thể”, ông Tuấn nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top