Tại Hội thảo “Đầu tư kinh doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam: Tìm kiếm cơ hội trong nghịch cảnh” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chia sẻ về bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam cùng những thách thức, cơ hội trong một số ngành nghề nổi bật. Bên cạnh đó, là những thông tin về khung pháp luật của Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ hội thu hút FDI của Việt Nam là rất lớn
Theo TS. Đậu Anh Tuấn, Nhật Bản là một quốc gia đặc biệt quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, mối quan hệ đối tác đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều ý nghĩa và mang chiều hướng tích cực.
Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác của hai nước đang phát triển mạnh mẽ và trở thành mẫu mực trong quan hệ hợp tác giữa một quốc gia phát triển và một quốc gia đang phát triển.
Trước hết, đưa ra những nhận định về môi trường kinh doanh Việt Nam, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, dưới góc nhìn của nhà đầu tư thì hiện nay, Việt Nam là một thị trường đáng quan tâm và nổi bật với vị trí chiến lược đặc biệt. Việt Nam là một quốc gia có vị trí quan trọng khi nằm tiếp giáp với Trung Quốc và nằm trong trung tâm phát triển kinh tế năng động nhất trên thế giới. Chính vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư chuyên nghiệp Nhật Bản.
Qua đó, đại diện VCCI cũng đã điểm qua quá trình phát triển của Việt Nam trong những năm qua và đưa ra nhận định rằng, đây là một hành trình phát triển vững chắc theo hướng đổi mới và thuận lợi hơn trong đầu tư kinh doanh.
“Nếu nhìn trong tất cả dấu mốc trên hành trình đổi mới đất nước có thể thấy rằng, Việt Nam đang dần dần từng bước hội nhập một cách sâu rộng và tích cực với thế giới. Chính vì thế, các nhà đầu tư quốc tế đang dần nhận ra những tiềm năng và muốn phát triển mạnh hơn nữa tại Việt Nam. Chúng ta đang trên hành trình trở thành một quốc gia thuận lợi và đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, TS. Đậu Anh Tuấn đánh giá.
Cụ thể, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư thì có thể thấy, đó là sự tăng trưởng vững chắc, đem lại sự thuận lợi cho cả người dân, cho hoạt động đầu tư kinh doanh và nhiều cơ hội đầu tư lớn cho các đối tác của Việt Nam.
Bằng kinh nghiệm và thông tin thu thập được, TS. Đậu Anh Tuấn cho biết, qua thảo luận thì Việt Nam đang trở thành thị trường quan trọng trong khu vực nhờ sự gia tăng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu. Chính vì thế, việc nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào Việt Nam thì không chỉ là cơ hội cho các quốc gia khác mà bản thân thị trường Việt Nam - thị trường 100 triệu dân cũng có nhiều thuận lợi.
Việt Nam - Nền kinh tế có độ mở cao trong khu vực
Qua đánh giá và những kết quả đã đạt được, có thể thấy Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao. Trong năm 2022 vừa qua, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là 8,02% - nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục, kể cả khi nền kinh tế phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tiếp theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2023, mặc dù thị trường Việt Nam gặp nhiều khó khăn do cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan song về mặt trung hạn thì tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam còn rất lớn. Quý I vừa rồi, tăng trưởng có sự sụt giảm nhưng mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ, Quốc hội Việt Nam vẫn được giữ vững.
“Nhìn tổng thể trong nhiều lĩnh vực thì tốc độ tăng trưởng này cũng hứa hẹn đi lên cùng sự phát triển bền vững”, TS. Đậu Anh Tuấn kỳ vọng.
Từ sự phát triển đó, một trong những lĩnh vực tăng trưởng mạnh tại Việt Nam trong thời gian qua là FDI - đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay, nhìn vào bản đồ tăng trưởng FDI của các thành phố lớn có thể thấy, trong 63 tỉnh thành phố Việt Nam thì đã có hơn 45 tỉnh thành phố có sự hiện diện của nhà đầu tư quốc tế và các dự án từ nước ngoài.
Chia sẻ từ những trải nghiệm của bản thân, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: “Tôi đã có dịp đi rất nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam và nhận thấy rằng, những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã tạo được uy tín rất lớn. Hầu hết, chính quyền các tỉnh, thành phố đều đánh giá cao các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản qua chất lượng dự án, mức độ tuân thủ, thái độ hợp tác và trách nhiệm xã hội…
Về tổng thể, có thể nhận định rằng, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang tăng trưởng tương đối vững mạnh mặc dù quý IV/2022 và quý I/2023 thị trường có sự thay đổi khi các nhà đầu tư gặp khó trong bối cảnh khó khăn chung. Nhưng điều này cũng thể hiện sự rung lắc của nền kinh tế toàn cầu”.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp của vùng và khu vực trong thời gian tới.
Hiện nay, đối tác Nhật Bản nằm trong top 2, top 3 những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh nguồn vốn thì chất lượng đầu tư dự án và sự tin cậy bền chặt của các nhà đầu tư nước ngoài cũng được đánh giá rất cao.
Và nếu đánh giá trên sự tin cậy, hiệu quả và bền chặt thì các nhà đầu tư Nhật Bản luôn đứng đầu trong danh sách các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Đánh giá về cơ cấu của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, ngành sản xuất công nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, máy móc, điện thoại, linh kiện điện tử…
Bên cạnh FDI thì một trong những động lực tăng trưởng khác của Việt Nam - tăng trưởng xuất, nhập khẩu cũng có vai trò rất quan trọng để tạo nên sự tăng trưởng bền vững. Việt Nam từ một nền kinh tế đóng cửa, nền kinh tế tập trung thì giờ có độ mở cao nhất trong khu vực. Hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 200%, đây là một quy mô xuất nhập khẩu lớn (trong khu vực ASEAN chỉ đứng sau Singapore).
Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam hiện đã có những tín hiệu tích cực hơn, tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá điện tử, thiết bị, công nghệ, máy móc… khá lớn và đang có sự chuyển dịch mạnh. Do đó, Việt Nam là một địa bàn rất tốt để xuất khẩu hàng hoá tới các thị trường phát triển.
“Khoảng 10 năm về trước, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng như dệt may, da giày, nông thủy sản, dầu khí… chiếm tỷ trọng lớn thì nay nhóm đứng đầu lại đang là chế biến, chế tạo, những mặt hàng đồ điện tử công nghệ. Điều này đã thể hiện một sự chuyển dịch rất mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và được xem là một điểm sáng”, TS. Đậu Anh Tuấn đưa ra dẫn chứng.
Có một câu hỏi đặt ra rằng: Lý do nào để Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh và trở thành điểm sáng trong khu vực như vậy?
Qua nghiên cứu và thảo luận của các chuyên gia kinh tế thì trong “con mắt” của nhà đầu tư nước ngoài, một trong những điểm mạnh đầu tiên của Việt Nam đó là lực lượng lao động dồi dào và chất lượng lao động tương đối cao.
Tiếp tục chia sẻ về những trải nghiệm cá nhân, TS. Đậu Anh Tuấn nói thêm: “Tháng 10/2022, tôi có chuyến làm việc tại Thung lũng Silicon và khi trao đổi với các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là những nhà đầu tư đến từ Singapore thì câu trả lời của họ về môi trường kinh doanh Việt Nam khiến tôi thực sự ngạc nhiên.
Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư Singapore đang muốn sang Việt Nam để phát triển. Và lý do được các nhà đầu tư quốc tế đưa ra là do chất lượng nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam hiện nay rất tốt”.
Thứ hai là điểm mạnh về chi phí. Hiện nay, chí phí (chi phí hạ tầng, chi phí vận hành, thuế, điện…) tại Việt Nam đang tương đối phù hợp với nhà đầu tư. Đây cũng được xem là lợi thế và động lực cho các nhà đầu tư quốc tế lựa chọn môi trường kinh doanh đầy tiềm năng này.
Theo chuyên gia của VCCI, tại Việt Nam hiện nay, nhà cung ứng trong nước cũng đang dần lớn mạnh. Khác với 10 năm trước đây, trong nhiều lĩnh vực kể cả trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, Việt Nam đang dần có một thế hệ nhà cung ứng đáp ứng tốt các yêu cầu của nhà đầu tư.
TS. Đậu Anh Tuấn nhận định: “Thị trường nội địa Việt Nam rất có tiềm năng và rõ ràng trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài thì thị trường 100 triệu dân so với các quốc gia khác như Singapore chỉ 5 - 6 triệu dân có sự khác biệt rất lớn”.
Song song với đó là lợi ích được mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt FTA với các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản…
“Hiện nay, rất ít các quốc gia trên thế giới có thể duy trì được quan hệ tốt với các cường quốc. Việt Nam với chiến lược làm bạn với tất cả các nước, duy trì quan hệ đối tác với tất cả các nước cũng đã tạo ra một lợi thế đặc biệt trong đầu tư kinh doanh”, TS. Đậu Anh Tuấn đưa ra quan điểm.
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, bên cạnh những điểm thuận lợi thì Việt Nam đang cùng với nhiều quốc gia khác phải đối mặt với vấn đề mới là Thuế tối thiểu toàn cầu. Khi chính sách của Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến có hiệu lực cuối năm 2023 sẽ trở thành thách thức lớn đối với các nhà đầu tư.
“Hiện nay, đối với các dự án FDI lớn đang được ưu đãi về thuế, thông thường chỉ từ 9 - 10%. Nhưng sắp tới, với mức tối thiểu sẽ là 15%, Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc điều chỉnh chính sách như thế nào để vẫn có thể giữ được sức hấp dẫn như hiện nay?
Được biết, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cũng đang thảo luận về vấn đề này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thành lập 1 Tổ công tác về lĩnh vực này và Việt Nam sẽ sớm có một chiến lược, cơ chế phù hợp để tiếp tục giữ vững sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh như hiện tại”, TS. Đậu Anh Tuấn phân tích.
Và cuối cùng, nguồn nhân lực Việt Nam hiện đang rất thuận lợi, độ tuổi lao động từ 15 - 60 tuổi có tỷ lệ cao nhất khu vực. Lực lượng lao động qua đào tạo cũng ngày càng gia tăng và có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp. Như vậy, nguồn cung lao động của Việt Nam là rất lớn và với dòng đầu tư FDI có chất lượng ngày càng cao thì Việt Nam sẽ sớm trở thành cứ điểm sản xuất đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
“Triển vọng kinh doanh của Việt Nam về trung và dài hạn hiện đang rất tích cực, lạc quan”, TS. Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Khung chính sách, pháp luật Việt Nam đang khá cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài
Hiện nay, Việt Nam được xem là quốc gia có môi trường kinh doanh khá cởi mở và thân thiện với các nhà đầu tư quốc tế. Ngay từ sau Đổi mới, những nền tảng pháp lý cho đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã được xây dựng và hoàn thiện.Và quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thu hút vốn FDI luôn bám sát và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Chia sẻ tại hội thảo, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, Việt Nam có nguyên tắc là Không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Hầu hết, nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được đối xử như các nhà đầu tư của Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó cũng vẫn có một số ngoại lệ cần lưu ý như: Quyền sử dụng đất; Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; Thủ tục đầu tư đối với người nước ngoài.
“Một trong những nguyên tắc quan trọng của các nhà đầu tư quốc tế khi đến với Việt Nam là sẽ được bảo đảm đầu tư. Điều này được ghi nhận trong Hiến pháp và được quy định rõ trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và nhiều bộ luật quan trọng khác của Việt Nam”, TS. Đậu Anh Tuấn lưu ý và cho biết thêm.
Song song với đó, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ được bảo vệ quyền đầu tư kinh doanh, bảo đảm quyền chuyển tài sản hợp pháp ra nước ngoài, và được bảo đảm quyền lợi đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật.
Đây là nguyên tắc được khẳng định trong Luật Đầu tư từ nhiều năm qua. Và ngay cả việc giải quyết các tranh chấp đầu tư thì pháp luật Việt Nam cũng cho nhà đầu tư nước ngoài được phép lựa chọn nhiều cơ chế để giải quyết tranh chấp.
Cũng theo TS. Đậu Anh Tuấn, tại Việt Nam hiện nay, ngoài tòa án thì nước ta cho phép giải quyết tranh chấp thương mại bằng cơ chế trọng tài thương mại - luật về Trọng tài thương mại.
“Cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án đang là cơ chế đang nhận được sự quan tâm lớn tại Việt Nam.
Hiện nay, Luật Trọng tài thương mại cũng đang được sửa đổi và chúng tôi hy vọng rằng lần sửa đổi lần này sẽ thay đổi theo hướng tiệm cận với các thông lệ của thế giới. Đây cũng là điểm mới mà chúng ta có thể thấy được trong chuyển dịch pháp luật đầu tư và giải quyết tranh chấp tại Việt Nam”, TS. Đậu Anh Tuấn kỳ vọng.
Đưa ra nhận định về danh mục điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, đại diện VCCI phân tích thêm, các ngành nghề cấm kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được giảm mạnh.
Và nếu so sánh với Luật Đầu tư 2005 trở lại đây thì thấy có sự thay đổi theo hướng cởi mở, tích cực hơn. Mặc dù, hiện nay có nhiều các cách hiểu khác nhau và chưa thống nhất giữa các địa phương song về cơ bản các nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh đa dạng nhiều ngành nghề.
Về thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo TS. Đậu Anh Tuấn, tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. So với các nước khác trên thế giới thì thủ tục tại Việt Nam đang tương đối rộng mở và dễ dàng hơn với nhà đầu tư quốc tế.
Về vấn đề giấy phép lao động với nhà đầu tư nước ngoài thì hiện nay, nước ta đang có một số hạn chế với lao động phổ thông.
“Tại nhiều diễn đàn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, giấy phép lao động với nhà đầu tư cần chủ động hơn nữa. Mặc dù chúng ta đang có sự thay đổi nhưng so với kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài thì vẫn có khoảng cách lớn.
Hiện nay, Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang có kế hoạch thay đổi theo chiều hướng và điều kiện thuận lợi hơn. Tới đây, Quốc hội cũng dự kiến thông qua chính sách mới về visa - thị thực thì hy vọng rằng chính sách visa cho người nước ngoài sẽ được điều chỉnh thông thoáng hơn”, đại diện VCCI thông tin.
Về thuế thì mức thuế của Việt Nam đang ở mức tương đối cạnh tranh trong khu vực: 20%, cùng với đó là nhiều ưu đãi, chính sách hỗ trợ thuế dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Và cuối cùng là về chuyển đổi ngoại tệ, Việt Nam đảm bảo chuyển tài sản hợp pháp ra nước ngoài, bên cạnh đó việc mua tiền Việt Nam khá dễ dàng khi nhà đầu tư quốc tế chỉ cần mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Và khi muốn mua ngoại tệ số lượng lớn thì nhà đầu tư quốc tế chỉ cần chứng minh được nguồn gốc tài sản hợp pháp (ví dụ như hồ sơ thuế)./.