Aa

TS. Huỳnh Thế Du: "Đừng kỳ vọng 'rũ bùn' là đứng dậy thành ngay cư dân 5 sao"

Mai Dương
Mai Dương dohongvan115@gmail.com
Thứ Năm, 27/09/2018 - 03:30

Một nhà quy hoạch đã từng nói: Đô thị hóa là quá trình không thể đảo ngược, tức là chúng ta đang vun vút trên con tàu một chiều và không thể quay lại vị trí cũ.

Sự ra đời của những tòa cao ốc như một lẽ hiển nhiên đang hiện diện trên đất nước này. Nhưng sự hình thành quá nhanh và có phần lấn át của các tòa chung cư trong các đô thị lớn, cùng sự xuất hiện của đông đảo lớp người đến từ các vùng miền khác nhau bỗng chốc trở thành thị dân đang tạo nên những xung đột về lối sống, gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, những tòa nhà cao tầng với những căn hộ chung cư quản lý tốt đang giúp người Việt hình thành thói quen hay suy nghĩ vì cái chung, vì cộng đồng và trở nên văn minh hơn. Những cư dân trẻ sẽ tạo dựng nên một không gian sống mang bản sắc mới của riêng mình và của thời đại, nó thực sự mang dấu ấn và thuộc về những con người sinh sống trong lòng nó.PV Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. Huỳnh Thế Du để cùng có một góc nhìn mới về câu chuyện này.

PV: Thưa TS. Huỳnh Thế Du, mới đây, trong một bài viết của mình, ông đã đưa ra quan điểm, nếp sống ở chung cư sẽ tạo nên một nền văn minh mới, giúp con người dần dần bỏ được những thói quen mang tính làng, xã. Tuy nhiên, thực tế, nhiều người lo ngại, chính cuộc sống ở chung cư tạo nên những con người “lạnh nhạt”, làm mất đi những nét truyền thống tốt đẹp của người Việt như tình làng, nghĩa xóm, sự quan tâm tương trợ lẫn nhau?

TS. Huỳnh Thế Du: Tôi nghĩ cuộc sống ở các tòa cao ốc không làm cho con người trở nên lạnh nhạt với nhau hơn. Dĩ nhiên, ở chung cư, mỗi người đến từ một vùng đất với văn hóa và thói quen sinh hoạt riêng nên sẽ hạn chế khả năng giao tiếp với nhau, không giống như những con người cùng được sinh ra tại một ngôi làng và ăn đời ở kiếp nơi đó, họ có thời gian và chiều dài lịch sử đủ để hiểu về cội nguồn, về cuộc sống của nhau. Nhưng nếu so với nhà phố, nhà ống, tôi nghĩ chung cư tạo ra nhiều cơ hội cho con người giao tiếp với nhau hơn.

Bản chất chung cư có rất nhiều không gian sinh hoạt chung, ví dụ đi làm về mọi người đều phải vào cùng thang máy, các tầng chung nhau một lối hành lang, lên - xuống căn hộ đều đi chung qua một cửa ở sảnh tòa nhà… Chẳng hạn, một chung cư có 100 căn hộ thì xác suất chủ nhân các căn hộ đó giao tiếp, chạm mặt nhau chắc chắn sẽ nhiều hơn 100 hộ gia đình trong một hẻm hay một dãy phố. Bởi nếu ở nhà mặt đất, cùng lắm khi đi lại, giao tiếp, bạn chỉ gặp gỡ với đôi, ba nhà ở sát cạnh nhà bạn.

Thế nên với những chung cư hiện nay, chúng ta không nên lo lắng về câu chuyện mất đi “tình làng nghĩa xóm”. Bởi xét ở một góc độ nào đó, có những cuộc tụ tập mang tính làng xóm nhưng bản chất chỉ là đàn đúm nhậu nhẹt, trong những buổi gặp gỡ đó, người ta không nói nhiều đến những thứ tích cực mà đi vào soi mói đời sống riêng tư của người này, người kia. Sự giúp đỡ, chia sẻ với nhau chỉ nằm ở một số hoạt động như ma chay, cưới hỏi. Vì thế, theo tôi, những hoạt động không mang đến sự tích cực nên được loại bỏ bớt đi để con người tiệm cận dần với đời sống văn minh đô thị.

PV: Theo ông, cuộc sống chung cư sẽ giúp các cư dân phát huy được ưu điểm gì để tiến gần với văn minh đô thị?

TS. Huỳnh Thế Du: Tôi nghĩ rằng, đây là một trong những môi trường thực hành dân chủ lý tưởng nhất. Không phủ nhận, chúng ta đã có những những sinh hoạt tập thể mang tính làng, xã, tổ dân phố nhưng tính chất của các cuộc họp này khác với những cuộc họp ở chung cư. Những cuộc họp kia có thể chỉ mang tính chất thông báo, phổ biến tình hình. Còncộng đồng cư dân trong chung cư cùng sở hữu những không gian sinh hoạt, tài sản chung như hành lang đi lại, thang máy, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi… những công việc như duy trì các dịch vụ, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa… cũng gắn chặt với lợi ích và cuộc sống hàng ngày của họ. Vì thế mỗi biểu quyết, cái giơ tay hay bỏ phiếu gắn chặt vào họ, tác động trực tiếp đến lợi ích của họ và gia đình họ. Chung cư chính là một mô hình thực hành dân chủ lý tưởng.

PV: Có một thực tế, cư dân trong các chung cư, khu đô thị ở nước ta hiện nay thường xuất phát từ nhiều vùng quê khác nhau, với những thói quen sinh hoạt và văn hóa sống khác nhau. Và họ mang theo tất cả những “đặc sản” ấy về nơi sinh sống mới của mình khiến nhiều khu chung cư dường như bị nông thôn hóa?

TS. Huỳnh Thế Du: Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên nhìn nhận mọi việc theo cả chiều dài của sự tiến hóa và thay đổi. Nếu như một người mới ở quê ra thành phố, họ sống ở nhà riêng thì có thể vẫn giữ những nếp sống và thói quen sinh hoạt như thế. Nhưng nếu chuyển lên sống ở chung cư, ít nhiều thói quen này sẽ dần thay đổi. Ví dụ nhiều người Việt vẫn có thói quen vứt rác bừa bãi, khi chuyển về chung cư, ngày ngày thấy những người quét dọn vệ sinh lau chủi cẩn thận và sạch sẽ, hành lang luôn bóng loáng, thùng rác để cố định từng tầng, có thể 1 lần, 2 lần bạn theo thói quen xả rác bừa bãi, nhưng đến lần thứ 3, bạn sẽ phải suy nghĩ lại và điều chỉnh hành vi của mình.

Ở đây tôi muốn nói đến việc, cấu trúc không gian thay đổi sẽ làm con người thay đổi hành vi và thói quen. Chung cư có những quy định rất rõ ràng, có camera giám sát chặt chẽ tạo nên ngoại cảnh tác động đến thói quen và sinh hoạt của con người. Và cứ từ từ như thế, nếp sống văn minh sẽ dần hình thành. Cũng giống như một người ở làng bao nhiêu năm quen với nhà tranh, chân đất, khi vào ở khách sạn 5 sao, dĩ nhiên họ chưa thể thích nghi và quen ngay được cách hành xử 5 sao. Chúng ta đừng kỳ vọng “rũ bùn” là có thể đứng dậy sáng lòa ngay lập tức.

Muốn xây dựng nếp sống văn minh có khi phải mất vài thế hệ. Nhưng rõ ràng cuộc sống chung cư là cách thiết thực nhất để tạo lập một nếp sống mới, dựa trên những quy tắc, quy chuẩn nhất định. Dĩ nhiên quá trình văn minh nhanh hay chậm, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như phát triển kinh tế. Giống như Singapore hay Hàn Quốc, họ cũng mất khoảng 30, 40 năm để có thể chuyển sang nếp sống hoàn toàn khác, hiện Seoul có khoảng chừng 2/3 dân số sinh sống ở những tòa chung cư.

PV: Ông cho rằng, chung cư chính là một trong những môi trường thực hành dân chủ lý tưởng nhất. Nhưng hiện nay, các chung cư ở nước ta lại đang tồn tại một nhức nhối, đó là mâu thuẫn giữa cư dân – bản quản trị - ban quản lý tòa nhà và chủ đầu tư?

TS. Huỳnh Thế Du: Người Việt Nam có một thói quen là hay đổ lỗi. Có thể, nhiều người từ bé đã quen với nếp nghĩ, khi ở nhà, bố mẹ luôn đúng, khi đi học thầy cô luôn đúng, khi ra ngoài thì chính quyền luôn đúng, nếu thắc mắc gì, xem lại điều trên. Thế nên sau này lớn lên, dường như hình thành thói quen và nếp nghĩ như vậy, dẫn đến con người lười tương tác, ngại đưa ra ý kiến cá nhân hay phản biện. Và vì thế, khi xảy ra bất cứ vấn đề gì, câu cửa miệng lại là “do chính quyền”, do chủ đầu tư, do ban quản lý tòa nhà...

Ở một số chung cư, khi bầu ra ban quản trị tòa nhà, nhiều người đã quen với việc bảo sao làm vậy, lớt phớt nên ai đề xuất gì cũng “gật gật”, không thực sự tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề và cho rằng đã có người khác lo cho mình. Chính vì thế mới dẫn đến câu chuyện, khi xảy ra các khúc mắc, mâu thuẫn lại ngay lập tức đổ lỗi mà quên mất rằng, quyền và trách nhiệm của mình là phải đưa ra ý kiến, không phải vì ai, mà vì mỗi lợi ích đề gắn chặt với bản thân, và vì mình phải đưa ra ý kiến đóng góp thì môi trường sống chung mới trở nên tốt đẹp hơn. Chung cư là là nơi bạn không thể đỗ lỗi cho ai mà bạn phải quyết định cuộc sống của chính mình.

Nhìn ở góc độ phát triển, chung cư là môi trường lý tưởng để mỗi người có ý thức cộng đồng hơn, có trách nhiệm hơn và sống văn minh hơn. Đó cũng chính là triết lý sâu sa của câu chuyện phát triển đô thị nén. Chúng ta đừng nhìn câu chuyện chung cư dưới góc độ tiêu cực, một vài hiện tượng xấu mà khuếch đại lên, làm sai đi bản chất. Cuộc cách mạng chung cư chính là cuộc cách mạng của sự phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top