Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN (Thông tư 43) quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Dự thảo có một số nội dung đáng lưu ý và có xu hướng siết chặt hoạt động của công ty tài chính.
Theo đó, dự thảo quy định hình thức công ty tài chính giải ngân cho vay tiêu dùng theo hai cách: Giải ngân thông qua bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ) và giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Đồng thời, công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (cho vay tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Lý do là vì, theo NHNN, cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, nên cần hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt.
PV: Việc đưa ra hạn chế mà cụ thể là kiểm soát tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không được vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính như dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 43, theo ông, có ý nghĩa như thế nào?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Việc có những giới hạn trong quản lý là điều cần thiết và thực tế trong lĩnh vực tài chính, có rất nhiều giới hạn như vậy, chẳng hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tỷ lệ cho vay một khách hàng trên vốn tự có, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng… Tuy nhiên, việc đặt một giới hạn trong cho vay tiêu dùng cần thiết phải xem xét kỹ hơn, nhất là đặt một mức có thể gây nhiều tác động không có lợi tới hoạt động trong cho vay công ty tài chính.
Thứ nhất, hạn chế này sẽ gây ra trở ngại đối với những khoản vay nhỏ, nhưng số lượng mục đích sử dụng của khách hàng không hề nhỏ. Khi đó, thủ tục hành chính, chi phí hồ sơ, việc chứng minh mục đích sử dụng vốn sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Thậm chí, sẽ đẩy chi phí vay lên cao hơn hoặc thậm chí, khách hàng sẽ không thể tiếp cận được với công ty tài chính.
Phải nhìn nhận rằng, người tiêu dùng có quyền sử dụng tiền vay theo mục đích vay. Ví dụ như vay tiêu dùng 30 triệu đồng, người tiêu dùng có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như mua sắm trang thiết bị, tài trợ cho con đi học, thậm chí là khám sức khỏe, chữa bệnh… mà mất nhiều thủ tục chứng minh mục đích sử dụng để được giải ngân thì đến khi vay được mọi chuyện đã lỡ rồi.
Hoặc như trường hợp ở những vùng quê, miền núi xa xôi, khi vay tiêu dùng để đóng góp quỹ cho địa phương, hoặc trường hợp cưới xin, ma chay… sẽ cần giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nhưng lại bị giới hạn tỷ lệ giải ngân trực tiếp; hoặc để giải ngân thông qua bên thụ hưởng sẽ vô cùng phức tạp, thậm chí, chưa chắc bên thụ hưởng đã có tài khoản để có thể nhận tiền.
Thứ hai, việc phân biệt hình thức giải ngân như dự thảo có thể trở thành kẽ hở cho những đối tượng xấu lợi dụng và trục lợi. Ví dụ, trường hợp khách hàng muốn nhận tiền trực tiếp để tiêu dùng theo nhu cầu của họ, có thể móc nối với các đơn vị trung gian cung ứng hàng hóa, dịch vụ để làm hồ sơ, chứng minh mục đích vay vốn và được giải ngân qua bên thụ hưởng. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận tiền, bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ chuyển lại tiền cho khách hàng và nhận phí hoa hồng từ khách hàng.
Như vậy, vô hình chung khách hàng sẽ phải chịu phí hai lần, vừa phải trả tiền đã vay kèm lãi suất cho công ty tài chính, vừa phải trả tiền hoa hồng cho bên cung ứng hàng hóa, nhưng thực chất, mục đích sử dụng cũng đã thay đổi.
Việc lách luật này hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế và người chịu thiệt lớn nhất chính là khách hàng có nhu cầu vay. Trong bối cảnh “tín dụng đen” đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc hạn chế này sẽ đẩy khách hàng tìm đến loại hình tín dụng phi chính thức này nhiều hơn, bởi nhu cầu tiêu dùng cao và có thật trên thị trường.
Thứ ba, chính cơ quan hành chính Nhà nước sẽ rất khó để có thể thanh tra, giám sát được hoạt động cho vay sẽ được tiến hành theo hình thức nào. Điều đó là phi thực tế và hoàn toàn không thể kiểm soát được, nhất là trong bối cảnh, tín dụng tiêu dùng đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Thậm chí theo tôi, chi phí để có thể thanh tra, giám sát với hàng triệu lượt vay tiêu dùng có thể sẽ lớn hơn cả chi phí lãi vay trong nhiều trường hợp. Ngoài ra, việc quy định này là không cần thiết, bởi thực tế, khi vay tiêu dùng, khách hàng đã phải chịu quy định theo hợp đồng và chứng minh khả năng trả nợ; còn công ty tài chính đã phải thẩm định và chịu trách nhiệm khi cho vay.
Thứ tư, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, phần lớn người nghèo đều không có tài khoản ngân hàng. Và không quen với giao dịch bằng tài khoản, nhất là với những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Vậy cho nên, quy định như dư thảo chưa phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
PV: Điều này có thể được hiểu là nên xem xét một hạn mức giải ngân trực tiếp cho khách hàng cao hơn với các công ty tài chính?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Theo tôi, không nên phân biệt các hình hình thức giải ngân trong cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hai hình thức thông qua bên thụ hưởng và giải ngân trực tiếp cho khách hàng như Dự thảo. Bởi nếu làm như vậy, sẽ nảy sinh nhiều bất cập và kìm hãm sự phát triển của các công ty tài chính và thị trường tín dụng tiêu dùng.
Và đặc biệt là khi phân định 2 loại hình giải ngân này lại xuất hiện một loại (giải ngân trực tiếp cho khách hàng – PV) có giới hạn, loại kia thì không, điều này sẽ dẫn tới sự khó hiểu vì bản chất hình thức nào cũng đều phục vụ mục đích vay tiêu dùng của người dân.
Do vậy, không nên phân biệt loại hình giải ngân, và khi đã không phân biệt thì đương nhiên sẽ không có hạn mức, chứ không phải là một hạn mức cao hơn.
Trong lịch sử cho vay ngành ngân hàng nói chung, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi, mà trong đó có sự nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước, trong việc từ vay chỉ định sang cho vay thương mại “thuận mua vừa bán”.
Do đó theo tôi, việc giới hạn tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính là không thỏa đáng. Ngân hàng Nhà nước nên để công ty tài chính và khách hàng tự thỏa thuận hình thức giải ngân phù hợp, hạn mức tín dụng theo quy luật của thị trường.
PV: Thêm một điểm nữa trong Dự thảo mà nhiều công ty tài chính khá băn khoăn đó là việc công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Theo ông, quy định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhu cầu vay của khách hàng mới và hoạt động của các công ty tài chính?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Câu hỏi đặt ra là, đối với nhóm khác hàng mới, chưa từng vay tại công ty tài chính đó, sẽ không thể được giải ngân theo hình thức trực tiếp mà phải thông qua bên thụ hưởng? Như vậy, nhu cầu đa dạng của khách hàng đã bị thu hẹp và không thể đáp ứng hết. Điều này hoàn toàn không hợp lý và gây ra trở ngại lớn đối với các công ty tài chính muốn phát triển khách hàng mới.
PV: Dễ thấy tín dụng tiêu dùng còn nhiều dư địa phát triển ở Việt Nam. Và theo ông, khi tín dụng tiêu dùng thực sự phát triển, có thể góp phần hạn chế “tín dụng đen”?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Việt Nam hiện có thị trường cho vay tiêu dùng vô cùng nhỏ bé. Chính điều này đã khiến “tín dụng đen” có đất nở rộ. Quan sát để thấy, các nước Đông Nam Á hay Bắc Á đã từng có một thời chịu ảnh hưởng của “tín dụng đen” nhưng dần dần, các nước này đã khắc phục được bằng cách phát triển hệ thống cho vay tiêu dùng chính thống.
Phải khẳng định rằng, tín dụng tiêu dùng hay công ty tài chính không những không phải là “tín dụng đen”, mà còn là một cứu cánh cho những “khách hàng” của loại hình này. Còn nếu muốn nói tới khía cạnh lãi suất cao thì nên hiểu rằng, rủi ro cao tất nhiên sẽ song hành với lãi suất cao.
Cao ở đây là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, chứ nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp thì lãi suất này mới chỉ đủ bù cho các chi phí vận hành.
Bên cạnh đó, nhu cầu trong nền kinh tế hiện tại rất lớn, đặc biệt với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình, học sinh, sinh viên, cá nhân có ý tưởng kinh doanh, làm dịch vụ, làm đẹp, học hành, đi du lịch, chữa bệnh… giải quyết các chi tiêu bất thường. Nếu không có tín dụng tiêu dùng, “tín dụng đen” sẽ phát triển nhanh khủng khiếp, trở thành vấn đề như của Hàn Quốc cách đây 20 năm. Khi đó, Chính phủ nước này đã đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để giảm tối đa “tín dụng đen”, vốn tạo ra những bất ổn xã hội và cả về thị trường tiền tệ.
Nếu Việt Nam muốn giải quyết những bước cơ bản về “tín dụng đen”, thì Chính phủ cần phải đẩy mạnh các tổ chức tài chính phi ngân hàng và ngành ngân hàng cũng phải dùng nguồn lực để cho vay tiêu dùng, hướng đến mục tiêu để lãi suất cho vay tiêu dùng ở mức hợp lý và thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Trân trọng cảm ơn chuyên gia!