TS. Lê Xuân Nghĩa: "Nói không ngoa, ở Việt Nam, Vingroup là đẳng cấp số 1”

TS. Lê Xuân Nghĩa: "Nói không ngoa, ở Việt Nam, Vingroup là đẳng cấp số 1”

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Năm, 08/08/2019 - 08:00

Tôi có cơ hội được thường xuyên trò chuyện cùng TS. Lê Xuân Nghĩa tròn 5 năm. Từng đó thời gian đủ để cảm nhận phần nào một con người hoài cổ, dung dị, đa đoan, nhạy cảm; thích làm thơ nhưng không bao giờ xuất bản; thích Phật giáo nhưng không bao giờ giảng đạo. Người ta biết đến ông là nhà tư vấn hàng đầu của Chính phủ trong nhiều nhiệm kỳ; vị chuyên gia kinh tế xuất hiện tại nhiều hội thảo với những phát biểu thẳng thắn, khoa học. Đi cùng những thăng trầm của nền kinh tế, và cả những thăm trầm của cuộc đời, TS. Lê Xuân Nghĩa thích chiêm nghiệm nhưng rất ít khi lên tiếng bình luận về một cá nhân hay doanh nghiệp nào đó, chứ chưa nói đến việc sẽ đăng tải các thông tin trên báo. Tuy nhiên, khi nói đến Vingroup, một nguồn cảm hứng đặt biệt đã thôi thúc ông nói ra những điều chưa bao giờ nói…

Những ngày cận lập thu, khép lại cuốn sách “Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa đọc xong trên tay, TS. Lê Xuân Nghĩa thưởng một tách trà đặc, rít một điều thuốc lào, ngâm một bài thơ rất tình và bắt đầu câu chuyện về một vị tỷ phú số 1 của Việt Nam.

1 (1)

- Thế giới không chỉ biết đến Việt Nam anh hùng, mà phải biết đến một Việt Nam trí tuệ và đẳng cấp. Đó là mong muốn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Hôm kỷ niệm 25 năm thành lập Tập đoàn, tôi rất ấn tượng trước việc lần đầu tiên, Vingroup công bố rõ chiến lược 10 năm tới thì công nghệ sẽ là số 1, công nghiệp là số 2 và thương mại dịch vụ là số 3. Ông có suy nghĩ gì về định hướng này của Vingroup, nhất là khi chiếu vào khát vọng trên của ông Phạm Nhật Vượng?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Vingroup đánh dấu sự chuyển hướng sang công nghệ với việc ra mắt Công ty phát triển công nghệ VinTech, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Big Data), Viên Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT).

Cuộc chuyển hướng sang công nghệ chẳng bao giờ là muộn. Gần như nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế thời gian tới đây là dựa vào công nghệ. Phát triển công nghệ là xu hướng chủ đạo, đồng thời, đây là lĩnh vực có mức độ lan tỏa cho tất cả các ngành nghề khác. Công nghệ đứng độc lập không hề có tác dụng. Công nghệ phải đi vào các lĩnh vực khác, chẳng hạn như bất động sản.

Ví dụ như khi ông Phạm Nhật Vượng xây dựng đô thị thông minh, công nghệ sẽ đi sâu vào quy trình xây dựng, các giải pháp hạ tầng kỹ thuật, quản trị và vận hành… Hay như sản xuất ô tô, xe máy, sẽ xuất hiện robot công nghiệp. Công nghệ phải đi vào quản lý hệ thống logistics, bán lẻ…

Hiện nay, công trình xanh, bệnh viện, trường học đều phải dùng đến công nghệ. Do đó, việc Vingroup xác định chiến lược công nghệ là số 1 hoàn toàn đúng đắn.

2 (1)

Ông Phạm Nhật Vượng đặt ra định hướng chiến lược phát triển công nghệ rất bài bản, có tầm nhìn dài hạn. Phải hiểu rằng, đầu tư và phát triển công nghệ không bao giờ chậm, bởi hiện Việt Nam không có nền tảng công nghệ nào đáng tin cậy. Hệ thống giáo dục kém phát triển, dân chúng không có thói quen đọc sách, Chính phủ cũng chưa có cơ chế tài chính thực sự để phát triển công nghệ. Nước ta không có những Viện nghiên cứu phát triển công nghệ lớn như của châu Âu hay Trung Quốc – những viện gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp, chứ không phải viện nghiên cứu sách vở như ở Việt Nam.

Tư duy nổi trội của ông Phạm Nhật Vượng, đó là chuyển hướng sang công nghệ không phải là buông bỏ những thứ khác.

- Nói đến đây, tôi lại nhớ đến một lời dạy của Phật: Người khôn là người biết “buông bỏ” chứ không phải “từ bỏ”. Khi tập trung phát triển công nghệ, ông Phạm Nhật Vượng không buông bỏ những thứ khác, như thương mại, dịch vụ, là khôn, hay là dại, trong bối cảnh hiện nay?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thương mại dịch vụ là một lợi thế của Việt Nam. Lợi thế đó đến từ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di sản, nông nghiệp, người tiêu dùng đông, trẻ, sức mua lớn, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh... Điều quan trọng nhất, đó là ông Phạm Nhật Vượng đã nhìn ra và biết tận dụng tất cả những lợi thế đó. Ở Vingroup, bất động sản cũng nằm trong thương mại, dịch vụ.

Việc phát huy thương mại, dịch vụ để hỗ trợ và làm nền tảng cho phát triển công nghiệp và công nghệ là cách đặt vấn đề rất đúng và trúng. Bởi công nghệ, công nghiệp còn rất mới mẻ. Thương mại, dịch vụ có cơ sở hơn, nền tảng vững vàng hơn, nhiều lợi thế hơn. Tuy nhiên, ngay trong lĩnh vực bán lẻ, cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại hiện rất khốc liệt. Do đó, dứt khoát phải có sự hỗ trợ của Chính phủ.

Trên thực tế, đối với Vingroup, thương mại, dịch vụ hiện vẫn là chủ đạo, ít nhất trên phương diện tài chính, là “kho thóc” để nuôi nấng những đứa trẻ mới khai sinh là công nghệ và công nghiệp. Buông thương mại, dịch vụ bây giờ thì lấy gì để nuôi? Khôn, hay dại, nhìn vào cách mà ông Phạm Nhật Vượng dẫn dắt Vingroup sẽ thấy. Đó là tư duy làm đẹp cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình. Bởi ông Phạm Nhật Vượng lỡ làm người rồi, nên ông làm gì cũng nghĩ đến việc không thể sống một cuộc đời phí hoài.

4 (1)

- Tôi tâm đắc với một câu nói của nguyên Thủ tướng Anh Winston Churchill: “Thành công không phải là điểm dừng, thất bại cũng không phải là hồi kết. Lòng can đảm để bước tiếp mới là quan trọng nhất”. Nhìn vào cách ông Phạm Nhật Vượng can đảm đầu tư vào công nghiệp, và coi đây là ưu tiên số 2 của Vingroup, ông cảm thấy thế nào?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Công nghiệp của Vingroup còn khá non trẻ (cười). Mà phát triển công nghiệp non trẻ vào thời điểm hiện tại giống như một đứa trẻ trần trụi giữa bầy sói.

Ví dụ như công nghiệp ô tô, đã có vài chục hãng khổng lồ, có nền tảng hàng trăm năm trên thị trường, với đội ngũ kỹ sư hùng hậu. Thậm chí, nhiều tập đoàn sản xuất ô tô có Viện nghiên cứu khoa học – công nghệ khổng lồ. Chính vì thế, ở thời điểm hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng phát triển công nghiệp ô tô đồng nghĩa với việc, một đứa trẻ được sinh ra và đương đầu với cả bầy sói. Nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, nếu không có sự bảo hộ của chính sách công nghiệp thì gần như không thể sống sót được chứ chưa nói đến việc phát triển.

Ngoài ra, nhà đầu tư phải có một chiến lược đúng đắn cho thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu, cho phát triển công nghệ - đi thẳng vào công nghệ hiện đại. Nhà đầu tư cũng sẽ gặp những khó khăn rất lớn, đặc biệt là cần một nguồn vốn tập trung khổng lồ. Tiếp nữa là những khó khăn của thị trường. Đối với ngành công nghiệp ô tô, đang có cả một đàn sói đi săn mồi. Do đó, dứt khoát phải có sự bảo hộ của Chính phủ. Bảo hộ kiểu gì để không lộ liễu, không vi phạm các nguyên tắc cam kết WTO, Hiệp định thương mại tự do… là việc của Chính phủ.

6 (1)

Thứ ba, phải có một ý chí phát triển công nghiệp của cả dân tộc. Công nghiệp quyết định công nghệ. Công nghiệp càng phát triển mới tạo ra nhu cầu sử dụng và kích thích công nghệ phát triển. Đồng thời, công nghiệp là lĩnh vực thu hút lao động và nhân tài rất lớn. Nếu như cả dân tộc thờ ơ với công nghiệp thì không thể nào phát triển được. Tôi lấy ví dụ, ở Hàn Quốc, từ Thủ tướng cho đến dân thường đều đi xe nội địa, không đi xe nhập nhẩu; tất cả dân chúng đều sài điện thoại nội địa, máy điều hòa nội địa.

Như vậy, cần một ý thức dân tộc thực sự trong phát triển công nghiệp. Tức là cần một ý thức hệ văn hóa để phát triển công nghiệp. Từ việc giáo dục trong nhà trường, kỷ cương, kỷ luật của người công nhân, cho đến thái độ của người tiêu dùng đối với hàng công nghiệp của quốc gia đó. Có như thế mới tạo nên sự hỗ trợ đắc lực cho phát triển công nghiệp.

Đừng nghe nước ngoài họ kêu gọi phải tự do thị trường, bình đẳng… Họ đã từng một thời phát triển nhờ bảo hộ của chính phủ, giờ đã đứng trên đỉnh cao, đạp cái thang bảo hộ đi và nói cần tự do, bình đẳng. Đó là những lời ngụy biện, kể cả của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Thực tế, Trung Quốc, Hàn Quốc… không nghe những lời ngụy biện giả dối như vậy cho nên họ mới phát triển được.

Muốn phát triển công nghiệp cần có nguồn lực tài chính. Do đó, Chính phủ cần tập trung nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Phải khẳng định rằng, hiện nay, trong ba định hướng, phát triển công nghiệp là một trong những lĩnh vực phức tạp nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất của ông Phạm Nhật Vượng. Tuy nhiên, nhìn vào Vingroup để thấy, năm 2016, Tập đoàn thay đổi slogan hoạt động từ “Nơi tinh hoa hội tụ đồng hành cùng sự phát triển” thành “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp!”. Như vậy, sẽ luôn giữ được ngọn lửa ấy, lý trí ấy, tác phong làm việc ấy. Chứ không phải có tư tưởng hưởng thụ và hài lòng với những gì mình có.

TS. Lê Xuân Nghĩa.
TS. Lê Xuân Nghĩa.

- Một câu hỏi vui, nhưng nếu như cách ví von của ông, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang trần trụi giữa bầy sói, thì liệu ông ấy có sợ bị “làm thịt” không?

TS. Lê Xuân Nghĩa: (Cười) Có vẻ như đây là một hoài bão lớn. Và đó cũng là một người rất dũng cảm mới dám làm. Khi lòng dũng cảm cộng với hoài bão lớn thì ông Phạm Nhật Vượng không sợ đâu. Còn thương trường thì luôn hiểm ác.

Cho dù đối thủ của mình từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào khác thì đều là cá lớn nuốt cá bé, hễ cứ hành động dại dột là bị nuốt chửng ngay. Bởi mục tiêu của doanh nghiệp là tìm kiếm và tối đa hóa lợi nhuận bằng bất cứ thủ đoạn nào, miễn không phạm pháp.

Chiến lược ông Phạm Nhật Vượng đưa ra rất thông minh, dựa trên những lợi thế hiện có của Việt Nam. Đó là thương mại, dịch vụ du lịch, nông nghiệp. Tất nhiên, để biến những lợi thế đó trở thành những lợi thế thực sự thì không phải dễ.

Ví dụ, nông nghiệp phải sạch. Nhiều người nước ngoài đi vào chợ thực phẩm của Việt Nam như bước vào một bãi mìn. Có những “quả mìn” mua về ăn sau hai tiếng “phát nổ”, nhưng cũng có những “quả mìn” cứ âm ỉ “nổ” lâu dài và hủy hoại sức khỏe của con người.

Hay như không phải ngẫu nhiên, Philip Kotler - “ông vua” marketing của thế giới - đã nhận xét: Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là tự biến mình trở thành bếp ăn của thế giới. Câu nói đó đã được nghiền ngẫm rất kỹ khi ông ta nhận ra rằng, Việt Nam có một văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng, lành mạnh bậc nhất thế giới.

Hay như du lịch, chỉ cần xóa bỏ văn hóa chặt chém, lừa gạt khách, kỳ thị và nếu như mỗi người dân Việt Nam trở thành một đại sứ du lịch thân thiện thì thu nhập khi khách du lịch tăng thêm còn nhiều hơn cả xuất khẩu.

Dựa vào những thế mạnh đó để tạo ra lợi nhuận hỗ trợ cho khu vực công nghiệp và công nghệ là một chiến lược hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, ngay cả những khu vực có lợi thế, cũng không phải dễ dàng tìm kiếm được lợi nhuận. Ví dụ như dịch vụ y tế, giáo dục cũng hết sức khó khăn, nhất là giai đoạn đầu. Ngay cả những trung tâm bán lẻ của Vingroup cũng bị cạnh tranh gay gắt.

Vingroup phát triển theo hướng mở rộng đến các tỉnh lẻ, với khoảng 70 trung tâm. Tuy nhiên, những đơn vị khác như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K… cũng mở rộng theo hướng như vậy. Và dù sao, họ cũng là những doanh nghiệp sừng sỏ, có bề dày kinh nghiệm, tư duy bán hàng và nghệ thuật kinh doanh đặc sắc.

Về công nghệ, thung lũng silicon của Vingroup dự kiên quy tụ hàng trăm ngàn kỹ sư công nghệ thông tin, từ thành đạt cho đến học việc, để lựa chọn trong số đó vài ba chục người có đầu óc, bản lĩnh, kỹ năng tầm cỡ như Alibaba trong tương lai. Đó là ý tưởng tuyệt vời, bắt nhịp cùng bước tiến của thời đại.

Vingroup dự định số hóa các mảng y tế, giáo dục, đào tạo, xây dựng bản đồ y học của Việt Nam, thành phố thông minh, hệ thống quản lý tòa nhà… Rồi họ thành lập rất nhiều Viện nghiên cứu… Nhưng xem ra, giai đoạn đầu còn rất gian nan. Lãnh đạo thì tuyển dụng từ nước ngoài, nhưng nhân viên trong nước chưa thu hút được nhiều. Cho nên, cần một thời gian dài để thành công, nhất là khi hệ thống giáo dục – đào tạo phải có sự cải cách thực sự.

- Nghe ông phân tích, tôi thấy khó khăn chồng chất khó khăn. Ai sẽ là người gỡ khó đây, nhất là trong lĩnh vực còn non trẻ ở Việt Nam như công nghiệp?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thực ra ở Việt Nam, chúng ta hay nói một câu chung chung: Công nghiệp chế biến, chế tạo. Tức là bao gồm công nghiệp chế biến và công nghiệp chế tạo. Chế tạo là sản xuất máy móc, còn chế biến như sản xuất, may mặc quần áo. Hai ngành công nghiệp này có hai thang giá trị hoàn toàn khác nhau. Chế tạo có thang gia trị rất cao, còn chế biến có thang giá trị thấp. Nếu phân công nghiệp theo hướng thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn thì chế biến là hạ nguồn, chế tạo là thượng nguồn, trung nguồn là lắp ráp. Nếu hiểu như vậy thì ở Việt Nam, ngoài Vinfast, chưa có công nghiệp chế tạo, mà chỉ là lắp ráp.

Phân tích như vậy để thấy rằng, ở Việt Nam có một chiến lược công nghiệp hóa từ năm 1993, với slogan là công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Nhưng thực ra, chúng ta hiểu công nghiệp hóa chưa chuẩn. Ví dụ như điện, nước, sản xuất vật liệu xây dựng, gọi là công nghiệp nhưng thực ra đó là cung ứng dịch vụ công nghiệp. Công nghiệp cốt lõi là chế tạo máy, tức là dứt khoát phải có máy, như động cơ ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay… Với những ngành công nghiệp như vậy gắn với một trình độ công nghệ rất cao. Ví dụ, phải có ngành luyện kim, ngành cơ khí chính xác… Và phải có một thời gian rất dài để đào tạo con người, đào tạo kỹ sư… Nếu không đào tạo được thì “ăn cắp” ý tưởng. Nhưng “ăn cắp” thì phải làm chủ được.

Bất kỳ quốc gia nào cũng coi công nghiệp chế tạo là rường cột. Bởi trong chuỗi giá trị sản phẩm, nó khẳng định giá trị cao nhất. Đồng thời, nó cũng khẳng định đẳng cấp và giá trị của một quốc gia công nghiệp. Quan trọng hơn nữa, nó gắn với an ninh, quốc phòng của quốc gia. Ngay như Thụy Sỹ, một quốc gia nhỏ bé, đẳng cấp là chế tạo đồng hồ và các loại máy móc chính xác.

Vì có một vai trò đặc biệt quan trọng với một quốc gia, cho nên, nước nào cũng coi là rường cột và ra sức bảo hộ trước những bão táp của cạnh tranh, của thương trường. Đương nhiên, một ngành công nghiệp chế tạo non trẻ, chịu sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều quốc gia, nếu không có sự bảo hộ sẽ chết yểu. Bởi đó không phải là ngành dễ dàng thay thế. Nó gắn liền với những bí kíp, gắn liền với cả một ngành khoa học – kỹ thuật cơ bản nên phải ra sức bảo hộ.

Lý luận để bảo hộ công nghiệp chế tạo non trẻ dựa trên cơ sở đó. Các quốc gia chăm chút lĩnh vực này kinh khủng lắm. Ngay cả ở Mỹ, sau gần 200 năm công nghiệp hóa, hàng loạt tập đoàn lớn ra đời nhưng vẫn được Chính phủ Mỹ ngầm bảo hộ. Khi một tập đoàn tuyên bố đóng cửa một số nhà máy, sa thải 15.000 công nhân, Tổng thống Mỹ đã lên tiếng tuyên bố, nếu làm như vậy, chính phủ sẽ cắt hết viện trợ. Điều đó chứng tỏ có sự bảo hộ và chống lưng phía sau của chính phủ Mỹ.

- Với những tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, sự bảo hộ này có ý nghĩa như thế nào? Trong tư duy của tôi, sự bảo hộ, có lẽ không chỉ đến từ phía Chính phủ?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ở Việt Nam, Vingroup có thể được coi là một trong những tập đoàn công nghiệp chế tạo đầu tiên. Sản phẩm ô tô Vinfast là đứa con đầu đời, non trẻ của ngành công nghiệp Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc rủi ro của nó trên thương trường là rất lớn.

Thứ nhất, vốn liếng còn hạn hẹp. Khi doanh nghiệp huy động vốn của ngân hàng để đầu tư thì lãi suất vẫn cao, chứ chưa hề nhận được ưu đãi.

Thứ hai, nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ còn thiếu, nhiều khi phải thuê rất nhiều nhân lực nước ngoài, với một mức lương rất cao.

Thứ ba, cũng là rủi ro quan trọng nhất, đó chính là sự cạnh tranh về giá cả, nhất là khi Vinfast phải đấu với những thương hiệu lớn, trường vốn. Xe của họ đã có mặt trên thị trường hàng trăm năm, giá cả lại hấp dẫn hơn, tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Thứ tư, là rủi ro chính sách. Ngay cả những tập đoàn nước ngoài lớn như vậy, nhưng đằng sau lưng họ đều có Chính phủ chống lưng. Bây giờ có thể sự bảo hộ đã giảm, nhưng trong quá khứ, họ được tài trợ rất nhiều để có được vị thế như hiện tại. Chúng ta vừa non trẻ, vừa yếu thế, vừa đi sau, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì rủi ro rất lớn.

Cuối cùng, là ý thức của người tiêu dùng. Phần lớn các nước đều có ý thức bảo hộ tiêu dùng hàng nội địa. Dưới hình thức chỉ dẫn văn hóa, thông qua các giá trị yêu nước. Ngày trước ở Mỹ, từ Chính phủ cho đến dân chúng, đều bài xích xe của Nhật Bản. Rõ nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều không dùng xe nhập khẩu, trừ những trường hợp rất đặc biệt. Thậm chí, chính phủ Hàn Quốc còn dùng xe nội địa phục vụ lãnh đạo cấp cao.

10

Tôi đồng ý với bạn, sự bảo hộ bao hàm một nghĩa rộng hơn là chỉ từ phía Chính phủ: Cả một dân tộc dùng xe nội địa. Cả một dân tộc dùng điện thoại nội địa. Cả một dân tộc dùng ti vi, hàng điện tử nội địa. Đó là những sự bảo hộ vô cùng lớn!

Ở Việt Nam bây giờ, làm thế nào để có được những sự hỗ trợ như vậy không hề đơn giản, bởi vì mình đã trót khuếch đại kinh tế thị trường, đã trót mở cửa, đã trót tạo ra một thói quen tiêu dùng chuộng hàng ngoại. Không phải quay lưng mà là đánh giá thấp hàng nội địa. Hay nói cách khác, không có một tâm hồn thực sự của người Việt dành cho hàng Việt.

Đó là những yếu tố bên ngoài tác động vào Vingroup. Và bản thân Vingroup cũng phải tự nỗ lực khi lớn lên trong bối cảnh như vậy, muốn tồn tại, phải có năng lực quản trị vượt bậc, từ quản trị sản xuất kinh doanh, cho đến quản trị chất lượng, quản trị tài chính, quản trị bán hàng cần chặt chẽ và chuyên nghiệp.

Phải có ý thức không trông đợi vào thị trường nội địa mà phải tìm mọi cách để xuất khẩu. Rất cần cẩn trọng trong việc bán hàng và giữ gìn uy tín, bởi các sản phẩm thay thế hiện rất nhiều. Tôi hy vọng và luôn tin ông Phạm Nhật Vượng sẽ tìm được những nhà quản lý tầm cỡ để thực hiện chiến lược đó.

- Tôi nhớ tại một diễn đàn mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có chia sẻ một thông điệp, muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Và Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ. Ông có cho rằng, đây là điều cần lưu tâm để góp phần nào đó bảo hộ cho ngành công nghệ, công nghiệp còn non trẻ của Việt Nam không?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nguồn hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước từ mua sắm của Chính phủ là rất lớn. Chính phủ hằng ngày cũng phải mua điện thoại, máy tính, ô tô, vật liệu xây dựng…

Mua sắm của Chính phủ là nguồn cầu vô cùng quan trọng, cổ vũ hàng tiêu dùng nội địa. Nhưng nói thật, tôi đã từng nhìn thấy một nghịch cảnh. Đó là khi đến thăm một cơ quan nhà nước đứng đầu một tổ chức liên quan đến việc khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, nhưng trớ trêu thay, tất cả các sản phẩm trong trụ sở đó đều là hàng nhập khẩu. Thực ra, hàng nội địa đâu thua kém hàng nước ngoài?

Còn bây giờ, khi nói rằng Chính phủ cần tạo ra những định chế để phát triển công nghệ thì có vẻ không hợp thời. Bởi vì những công nghệ cơ bản các nước khác đã đi từ rất xa.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp thì tốt nhất, nên đầu tư xây dựng Viện nghiên cứu về công nghệ. Trước hết là về công nghệ ô tô vì đây là sản phẩm thay đổi hàng ngày và có sức lan tỏa tốt nhất. Tại sao các nước coi ô tô là ngành trụ cột vì chứng tỏ đẳng cấp công nghệ, trí tuệ, quốc phòng. Từ một chiếc ô tô không biết bao nhiêu dịch vụ ở đó… Vì mức độ lan tỏa như vậy nên phải có 1 viện nghiên cứu nâng cao trình độ để ô tô Việt Nam đạt được tầm quốc tế.

12

- Ông đánh giá ra sao về triển vọng xuất khẩu của Vingroup?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Về lâu dài, muốn chiến thắng, Vingroup phải đưa sản phẩm ra được thị trường nước ngoài. Nếu phụ thuộc thị trường trong nước sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Xuất khẩu tạo ra cơ hội, đồng thời là sức ép thực sự để doanh nghiệp thường xuyên đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu quốc tế, đáp ứng được trình độ phát triển của công nghệ thế giới. Vingroup có những lợi thế nhất định để xuất khẩu, như công nghệ có đẳng cấp, công nghiệp tiên tiến. Thứ nữa là sản xuất ở Việt Nam thì chi phí rẻ hơn.

Đồng thời, cần những chiến lược xúc tiến thị trường mang tầm quốc gia chứ không phải ông Phạm Nhật Vượng đơn phương đi chiến đấu. Rất nhiều nước, Tổng thống bán xe ô tô cho doanh nghiệp, tham gia đàm phán hiệp định thương mại, mặc cả cho doanh nghiệp…

Tức là phải có chiến lược marketing tầm cỡ quốc gia. Bởi đó là những sản phẩm mang tính rường cột về công nghiệp và an ninh quốc phòng. Song song với các chuyến viếng thăm của lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài cũng nên có một chiến lược hỗ trợ, vận động, ký kết, tranh thủ những thị trường thế giới.

Tôi cho rằng, suy cho cùng, phải có người dẫn dắt.

- Ông có thấy mô hình tổ chức và hoạt động của Vingroup na ná với tập đoàn nào trên thế giới không?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thực ra, ít có tập đoàn cơ khí chế tạo nào mà đi lên giống con đường của Vingroup. Ông Phạm Nhật Vượng đi lên từ bất động sản và thương mại dịch vụ và cách đi của Vingroup là một cách tuần tự, phát triển từ những lợi thế quốc gia trước chứ không phải như các nước khác - có sức mạnh công nghệ và họ đi thẳng vào công nghệ.

Khác biệt ở chỗ, Vingroup có thể đón đầu công nghệ. Họ có đủ khả năng mua công nghệ chứ không phải tìm tòi, mất nhiều thời gian. Chính vì thế, để đi nhanh thì vấn đề quan trọng nhất là làm chủ công nghệ và tiếp tục phát triển, không dừng lại. Như tôi đã phân tích, muốn vậy thì phải đẩy mạnh xuất khẩu. Xuất khẩu là 1 trong những lò thử về công nghệ, khi đem ra so sánh với trình độ của thế giới. Ngay cả các nước như Malaysia cũng ra được ô tô. Thái Lan, Trung Quốc cũng vậy nhưng vô cùng vất vả. Thế mạnh của Trung Quốc cũng chỉ là ô tô tải chứ chưa có thế mạnh về ô tô con.

- Đâu là điều ông hài lòng nhất ở Vingroup?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Có thể nói không ngoa là ở Việt Nam, Vingroup đẳng cấp số 1 về trình độ tổ chức sản xuất. Không có một tập đoàn nào có trình độ sản xuất cao như Vingroup, từ hệ thống bán lẻ dịch vụ, nông nghiệp, bất động sản, công nghiệp, công nghệ cao.... Cách thức tổ chức của Vingroup rất hiện đại. Như công nghệ chẳng hạn, Vingroup ký hợp đồng cộng tác với 50 trường Đại học của Việt Nam và nhiều trường nước ngoài về đào tạo kỹ sư CNTT. Một tầm nhìn như vậy chưa có doanh nghiệp nào làm được.

14 (1)

Vingroup là số 1 trong những tập đoàn xây dựng nhanh nhất, sạch nhất và chất lượng ổn định nhất. Kỷ luật rất lớn, thưởng phạt nghiêm minh, làm ăn chỉn chu. Điều đó phản ánh một trình độ tổ chức có đẳng cấp quốc tế mà trụ cột những người thực hiện phần lớn là người nước ngoài. Dần dần mới đào tạo người Việt Nam thay thế. Đó là cách đi đúng, khi anh đi sau thì phải tận dụng những thế mạnh của cả mình lẫn thiên hạ.

Vingroup tổ chức những siêu thị lớn, trung tâm mua sắm lớn cho đến những cửa hàng tiện lợi nhỏ đều có gì đó rất chỉn chu, chuyên nghiệp. Đó là điều tôi ấn tượng nhất.

- Có lẽ ông không muốn trả lời, nhưng đây là câu hỏi cuối cùng, và tôi rất tò mò: Điều gì khiến ông tâm đắc nhất ở ông Phạm Nhật Vượng?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Là một con người có tầm nhìn, thông minh, tâm huyết. Ông Phạm Nhật Vượng sống cực kỳ giản dị. Ăn mặc vẫn tuềnh toàng, áo bỏ ngoài quần, mặt thì phúc hậu… Trung tuổi rồi nhưng tuần nào cũng đi đá bóng với bọn thanh niên…

6

Khi bạn nhắc đến Winston Churchill, tôi cũng phải nói thêm rằng, người đàn ông sau này trở thành Thủ tướng Anh duy nhất nhận giải Nobel Văn học, năm 23 tuổi từng viết cho em trai mình: "Thứ duy nhất khiến anh lo lắng trong cuộc đời là tiền bạc. Sở thích quá độ, lối sống tốn kém, tiền bạc lại ít - đó là căn nguyên của rắc rối". Theo quan sát của tôi, ông Phạm Nhật Vượng là người thích kiến tạo nên những biểu tượng, nhưng không hề ham tiền!

TS. Lê Xuân Nghĩa và tác giả.
TS. Lê Xuân Nghĩa và tác giả.

- Trân trọng cảm ơn ông đã dành ra một ngày để cùng tôi giải mã thêm những điều lý thú ở ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup!

Nguyễn Thành Công
Minh Thảo
08/08/2019 08:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top