TS. Lê Xuân Nghĩa: Phải tập trung vào thị trường nội địa, quan trọng nhất là bất động sản và du lịch
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế như đã đề ra, bắt buộc chúng ta phải tập trung vào thị trường nội địa mà quan trọng nhất là bất động sản và du lịch.
*****
Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định và tiềm ẩn nhiều rủi ro, kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với dự báo. Điều này cho thấy tình hình thực tế đang khó khăn hơn rất nhiều, nhất là thị trường bất động sản, tài chính, du lịch, công nghiệp…
Để phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp điều hành nền kinh tế hiện nay, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) đã có cuộc cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.
Nhiều thị trường đang ở đáy và có thể phục hồi từ năm 2024
PV: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn bủa vây như hiện nay?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Theo tôi, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam hiện đang ở dưới đáy và đáy này có thể sẽ kéo dài trong thời gian tới.
Để hiểu đúng được bản chất của một nền kinh tế, chúng ta phải nhìn vào thực chất nền kinh tế. Tại các nước phát triển trên thế giới, họ tính chỉ số GDP dựa trên những thống kê sơ bộ, và 3 - 4 tháng sau họ sẽ công bố chỉ số chính thức, tức là có thêm chỉ số điều chỉnh. Cụ thể trong đó, họ bóc tách hết những thông tin trùng lặp, chồng chéo và cuối cùng sẽ cho ra chỉ số GDP thực của nền kinh tế.
Còn đối với Việt Nam, chúng ta mới chỉ thống kê ban đầu và giữ luôn chỉ số đó làm kênh tham chiếu chứ không có chỉ số GDP thực 100%. Và trên thực tế, nếu tính ra chỉ số đúng của nền kinh tế thì sẽ khác hơn con số được công bố chính thức. Có thể thấp hơn và cũng có thể sẽ cao hơn.
Hiện nay, chúng ta có thể tin tưởng vào Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI). Cụ thể, vào tháng 11/2022, chỉ số này của Việt Nam là 47,4 - ở ngưỡng quá thấp và ngưỡng tối thiểu cần đạt được phải là 50. Tới tháng 12/2022 thì chỉ số này giảm xuống 46,4; tháng 1/2023 thì tăng lên 47,4; tháng 2/2023 tăng lên 51,2; tháng 3/2023 lại tụt xuống 47,7. Bước sang quý II/2023, chỉ số các tháng 4, 5, 6 lần lượt như sau: 46,7; 45,3; 46,2. Trong tháng đầu tiên của quý III, PMI của Việt Nam đã tăng lên 48,7 điểm. Chỉ số này thể hiện số lượng đơn đặt hàng mà một nền kinh tế có được, tức là không chỉ riêng tại Việt Nam mà ở Mỹ hay châu Âu đều như vậy. Hiện nay, chỉ số này tại Mỹ và Châu Âu đều rơi vào tình trạng dưới 50 và ít khi rơi vào tình trạng như vậy.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence: "Theo dữ liệu chỉ số PMI mới nhất, ngành sản xuất Việt Nam vẫn chịu áp lực trong tháng 7 khi các công ty tiếp tục khó kiếm được đơn đặt hàng mới và đã phải giảm sản lượng tương ứng. Tuy nhiên, mặc dù sản lượng kỳ này giảm, các công ty vẫn còn tồn kho hàng hóa chưa bán được. Trong khi đó, giá cả tiếp tục giảm, và thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn khi năng lực sản xuất trong ngành chưa được dùng hết. Một điểm tích cực hơn là, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể ổn định khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm nhất trong thời gian năm tháng. Các công ty sẽ hy vọng điều này có thể giúp số lượng đơn đặt hàng tăng trở lại trong những tháng tới".
Nguyên nhân được cho là do khủng khoảng và trong bối cảnh xung đột của Nga - Ukraine tiếp diễn thì chỉ số này duy trì ở mức thấp sẽ còn kéo dài. Và khi chỉ số này thấp nghĩa là các quốc gia này không có nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam, do đó Việt Nam không có đơn hàng và không thể tiếp tục sản xuất. Một thực tế ta sẽ thấy rõ là: Xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài sẽ khiến nền kinh tế châu Âu và Mỹ càng suy giảm. Vì vậy, chỉ số sản xuất giảm và kéo theo chỉ số đơn đặt hàng của Việt Nam cũng giảm.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có tăng trưởng hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thị trường nội địa. Ở thời điểm mùa hè, sẽ có thêm nhu cầu về du lịch, kéo theo đó là nhu cầu về chi tiêu, ăn uống… Nhưng đây không được gọi là chỉ số sản xuất, vì sản xuất phải là công nghiệp.
Theo dự đoán của tôi thì có thể từ quý III, chỉ số PMI của Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng nhưng rồi vẫn đứng trước nguy cơ lại sụt giảm. Và nếu phục hồi nhanh thì cũng phải đến quý II, quý III/2024. Do đó, theo tôi, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ đạt ở mức 5,3 - 5,5%. Mặc dù mùa đông này giá xăng dầu có thể lên tới 140 USD/thùng, cao kỷ lục, nhưng đó cũng mới chỉ là dự báo. Nhưng để giá xăng dầu có thể tăng lên thì còn phụ thuộc vào tỷ giá đồng USD (đang trên đà đi xuống). Vì vậy, có thể nhận định rằng, áp lực lạm phát từ bên ngoài vào Việt Nam là không quá lớn vì còn phụ thuộc vào giá đồng USD.
Ví dụ, chúng ta nhập 01 tấn hàng với giá 10.000USD nhưng phải nhân với tỷ giá hối đoái thì mới ra được giá Việt Nam. Chính vì thế, khi đồng USD mất giá thì tiền Việt Nam lên giá, và áp lực lạm phát sẽ không lớn vì còn phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái. Mặc dù giá xăng dầu tăng nhưng tỷ giá hối đoái vẫn thấp, nên giá của nhiều mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản vẫn thấp.
Mặt khác, có một thực tế hiện nay là xuất khẩu của Việt Nam sang các nước khác sẽ bị Trung Quốc cạnh tranh. Khi Trung Quốc đóng cửa thì đó chính là cơ hội làm ăn của Việt Nam đối với việc xuất khẩu hàng hóa, nhưng nếu Trung Quốc mở cửa thì cơ hội phát triển về xuất khẩu của Việt Nam chỉ thuộc về mặt hàng nông sản (xuất khẩu được lượng lớn nông sản sang Trung Quốc), còn các mặt hàng công nghiệp sang các nước đều sẽ bị Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt vì họ cũng sẽ có mặt hàng tương tự nhưng với giá thành rẻ hơn.
Từ đó dẫn tới việc từ 4 tháng trở lại đây cán cân thương mại vẫn thặng dư, nhưng trong thời gian tới sẽ thâm hụt hoặc thặng dư rất ít. Và trong trường hợp đó thì cán cân tài chính, đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài sẽ giảm. Trước đây, cán cân thương mại thâm hụt ít nhưng cán cân vãng lai thâm hụt nhiều sẽ được bù bằng cán cân tài chính, tức là đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài. Còn trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì không còn nguồn lực để bù cho cán cân vãng lai. Cán cân vãng lai bao gồm cán cân thương mại và mặc dù cán cân thương mại dương nhưng chưa chắc cán cân vãng lai đã dương vì còn dịch vụ. Trong trường hợp cán cân tài chính thâm hụt sẽ làm cho cán cân thanh toán tổng thể âm và đến lúc đó mới có áp lực lớn đối với tỷ giá hối đoái. Và rủi ro thì chỉ có thể ở khía cạnh đó còn nhìn chung, áp lực lạm phát tại Việt Nam không quá lớn nhưng áp lực đối với tăng trưởng là rất lớn.
"Hiện nay thị trường vốn, thị trường tài sản bao gồm: Bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán gần như đang bị tê liệt, và sự tê liệt này làm cho toàn bộ nền tảng tài chính của các doanh nghiệp cho dù không nằm trong ngành bất động sản vẫn bị ảnh hưởng nặng nề".
- TS. Lê Xuân Nghĩa -
Ngoài ra, hiện nay thị trường vốn, thị trường tài sản bao gồm: Bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán gần như đang bị tê liệt, và sự tê liệt này làm cho toàn bộ nền tảng tài chính của các doanh nghiệp cho dù không nằm trong ngành bất động sản vẫn bị ảnh hưởng nặng nề.
Ví dụ, tất cả các công ty bất động sản đang nợ các nhà thầu khoảng 100.000 tỷ đồng (nhà thầu chủ yếu là các công ty xây dựng). Kéo theo đó, những doanh nghiệp nhà thầu lại tiếp tục nợ những doanh nghiệp vật liệu xây dựng… Sau cùng, cả doanh nghiệp vật liệu xây dựng, nhà thầu và tập đoàn bất động sản… đều nợ ngân hàng và thực tế là áp lực đang đè nặng lên khu vực ngân hàng. Đặc biệt, trong ngành ngân hàng, những thống kê của Ngân hàng Nhà nước đều là những con số bình quân và những số liệu này chưa phản ánh hết thực trạng. Khi thống kê con số bình quân thì ta không thể nhìn thấy mối nguy hiểm cụ thể đang nằm ở đâu.
Ví dụ như bình quân cho vay bất động sản là 21% thì con số này hiện rất ổn định nhưng thực chất, có những ngân hàng cho doanh nghiệp bất động sản vay tới trên 70% thì sao?
Đó là rủi ro lớn nhất của kinh tế vĩ mô trong trung hạn. Do đó, như tôi đã chia sẻ thì nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đang ở đáy và có thể phục hồi từ năm 2024 nhưng với điều kiện là không xảy ra những rủi ro như trên.
PV: Để giữ vững được nền kinh tế trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, ông đánh giá ra sao về sự vào cuộc, quyết tâm, hành động của Chính phủ và các bộ, ngành?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Thực tế, trong điều hành nền kinh tế, Chính phủ đã phối hợp tốt các chính sách, nhất là những chính sách về tài chính, tiền tệ và thương mại. Một số chương trình còn tồn đọng từ nhiệm kỳ trước thì đến nay đã được Thủ tướng thúc đẩy rất nhanh như: Đầu tư công, năng lượng… Một loạt công trình trọng điểm được Chính phủ đôn đốc, trực tiếp chỉ đạo và đang được triển khai tốt.
Và thành công lớn nhất của Chính phủ là giữ được sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Phải nhìn nhận rằng, Chính phủ vẫn duy trì được lòng tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tốt hơn so với giai đoạn 2009 - 2011, mặc dù khó khăn hiện tại thậm chí có lớn hơn nhiều. Niềm tin đó được tạo ra bởi năng lực điều hành của Chính phủ, sự phối hợp của Quốc hội và công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Điều hành của Chính phủ có sự quyết liệt hơn và thống nhất giữa lời nói, hành động. Tuy nhiên, tôi mới thấy sự vào cuộc nổi bật của Thủ tướng và Chính phủ, còn chưa thấy rõ được sự vai trò của một số bộ, ngành địa phương.
PV: Ngày 9/5 thảo luận tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phát biểu: Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì có thể bán được là bán hết chỉ bằng 50% giá thực và hầu hết doanh nghiệp mua lại là doanh nghiệp nước ngoài.
Đây chính là câu chuyện thâu tóm đã được nhiều chuyên gia cảnh báo, ông đánh giá như thế nào về nhận định này trong bối cảnh như ông vừa phân tích?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Hiện nay, tìm được người mua, kể cả người nước ngoài đã là tốt rồi. Những tài sản của các tập đoàn lớn vừa bị xử lý hình sự là rất lớn nhưng nếu bán thì ai sẽ là người mua? Rất khó để có thể bán được chứ không phải dễ dàng. Vì vậy, có những trường hợp để cho nhà đầu tư nước ngoài mua thì sẽ có thanh khoản và giúp giảm nợ xấu. Nhưng bên cạnh tính tích cực thì vấn đề cấp bách hiện nay là giám sát việc người nước ngoài mua như thế nào? Nếu doanh nghiệp nước ngoài mua theo hướng kinh doanh bình thường thì không thành vấn đề nhưng nếu mua theo hướng thâu tóm, lũng đoạn trong tương lai thì chúng ta phải cảnh giác.
Trong điều hành nền kinh tế, Chính phủ đã phối hợp tốt các chính sách, nhất là những chính sách về tài chính, tiền tệ và thương mại. (Ảnh minh họa: Reatimes)
Nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, hầu hết các lĩnh vực đều đang bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Từ thức ăn chăn nuôi gia súc, đến trang trại chăn nuôi; từ nước ngọt giải khát đến bánh kẹo và rất nhiều dự án bất động sản. Trong đó ta thấy, những ngành như bán lẻ, công nghiệp thực phẩm, nước giải khát thì vấn đề không quá nghiêm trọng nhưng riêng hai ngành là: Chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi (liên quan đến an toàn lương thực thực phẩm) và bất động sản (liên quan đến đất đai) thì cần phải hết sức cẩn trọng.
Hiện rất nhiều dự án bất động sản trên cả nước đang được công khai quảng bá với nhiều tên gọi nước ngoài như: Daewoo, Gamuda, CapitaLand… Theo ước tính của các chuyên gia, các dự án này có thể mang lại cho nhà đầu tư nước ngoài hàng tỷ USD trong tương lai gần.
PV: Sự suy giảm của đầu tàu kinh tế TP.HCM cũng ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế cả nước trong thời gian vừa qua?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng vừa qua, đầu tàu kinh tế TP.HCM rơi vào khủng hoảng cấu trúc. Nghĩa là một nền kinh tế đang dựa vào lao động, dịch vụ thì đột ngột bị mất đà và tăng trưởng sụt giảm. Và muốn thay đổi cấu trúc kinh tế đó thì phải có công nghệ, công nghiệp. Như vậy, chỉ có công nghệ, công nghiệp mới thay đổi được cấu trúc kinh tế của một quốc gia, địa phương.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM lẽ ra nên phát triển để trở thành một trung tâm nghiên cứu, trung tâm phát triển công nghệ, công nghiệp, từ đó sẽ đưa ra được những sáng kiến mới về công nghệ, công nghiệp. Nhưng thực tế hiện nay, TP.HCM chưa có các viện nghiên cứu chuyên sâu, chưa có tập đoàn nào đầu tư mạnh mẽ và cũng chưa có trường đại học nào tập trung mạnh vào nghiên cứu phát triển công nghệ, công nghiệp. Một thành phố lớn mà không có công nghệ, công nghiệp mạnh mà dựa vào lao động và dịch vụ thì khó để có thể phát triển bền vững. Và đây cũng là bằng chứng cho việc một nền kinh tế đang bị phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, dựa chủ yếu vào đầu tư nước ngoài.
Cần tập trung vào phục hồi, phát triển ngành bất động sản và du lịch
PV: Có nhiều quan điểm cho rằng: Nên lựa chọn thị trường bất động sản là một trong những trọng tâm để phục hồi và tạo ra đà bứt tốc cho nền kinh tế. Ông nhận định như thế nào về quan điểm này?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng là như vậy. Đầu tiên, chúng ta phải thấy rằng, tại thời điểm này, không thể chỉ trông cậy và phụ thuộc vào mỗi thị trường quốc tế mà phải tập trung vào thị trường nội địa. Tại thị trường nội địa, bất động sản là một yếu tố quan trọng vì ngành bất động sản được đánh giá là ngành có khả năng lan toả đến nhiều ngành nghề kinh tế quan trọng như: Xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất, điện nước, du lịch, tài chính - ngân hàng...
Thứ hai, thanh khoản của thị trường bất động sản hiện nay đang ở mức rất thấp. Khi thị trường bất động sản không phục hồi được thì toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng rất lớn do bị chôn vốn. Và ngược lại, nếu thị trường bất động sản phục hồi sẽ giải phóng được lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, thường là vốn trung và dài hạn, làm cho thanh khoản vào thị trường dần dần được phục hồi. Và rất có thể khi đó, các nhà đầu tư được thanh toán tiền trái phiếu sẽ tham gia đầu tư vào các lĩnh vực khác cùng những đột phá mới với nhiều khởi sắc.
Lý do tiếp theo là khi đã không thể trông cậy vào thị trường bên ngoài thì đồng nghĩa với việc toàn bộ ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng rơi vào tình trạng khó khăn do không hấp thụ được vốn. Ví dụ như ngành sản xuất giày da, dệt may… hiện nay không có đơn hàng. Mà thực tế không chỉ có khu vực nội địa mà cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng đang gặp khó khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp đều đang phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất.
Do đó, bắt buộc Việt Nam phải tập trung vào thị trường nội địa mà quan trọng nhất là bất động sản và du lịch. Đây là hai thị trường có thể tạo ra lượng cầu ổn định và bền vững.
PV: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, hiện nay khó khăn lớn nhất là tâm lý thị trường và niềm tin xã hội và tình trạng né tránh, sợ nhiệm của cán bộ thực thi các cấp. Ví dụ như TP.HCM hỏi hơn 500 văn bản trong năm 2022, Bộ KH&ĐT trả lời hơn 600 văn bản nhưng không thực hiện. Hay tại giai đoạn 2018 - 2021 thì TP.HCM cấp phép trung bình là 70 dự án bất động sản/năm nhưng trong 2 năm vừa qua thì chỉ có 8 dự án được cấp phép.
Ông đánh giá hiện tượng này có tác động ra sao tới thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tâm lý là yếu tố đi sau yếu tố thực nghĩa là thực tế phải xảy ra như thế nào mới ảnh hưởng tới tâm lý của con người. Thực là bên ngoài không có nhu cầu, bên trong nhu cầu cũng rất yếu do bị bóp nghẹt về thanh khoản, từ đó dẫn đến vỡ nợ trái phiếu, thậm chí một số ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn. Đó chính là yếu tố thực và tác động tới tâm lý của doanh nghiệp cũng như chính quyền các cấp. Từ đó, cũng đã dẫn tới tâm lý sợ sệt, né tránh, đùn đẩy và bế tắc của cán bộ, công chức.
Về trách nhiệm, còn có một yếu tố khác là các cán bộ sợ phạm luật vì người ta nhìn rõ nhãn tiền là ranh giới giữa “dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo” và “cố ý làm trái” khá mong manh. Và vào giai đoạn thị trường đi xuống thì đương nhiên con người ta sẽ có tâm trạng và tâm lý tiêu cực. Vậy nên, cán bộ sẽ căn cứ theo luật để hành động nhưng hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam còn chồng chéo; một số vấn đề chưa có luật, một số vấn đề thì luật lại chưa rõ ràng…
PV: Vậy theo ông, giải pháp để có thể giải quyết tình trạng sợ sệt, ngại không dám làm của cán bộ, công chức?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Hiện tượng này đang khá phổ biến vì ta phải hiểu với mỗi cán bộ khi thực hiện công việc thì động lực tốt là chính nhưng động lực xấu (tham nhũng) cũng không ít. Trong bối cảnh hiện tại thì động lực tốt ít đi và động lực xấu cũng không dám làm. Tức là không còn động lực và nhiều cán bộ rơi vào tình trạng thủ thế, chờ thời.
Do đó, giải pháp cấp thiết là phải tạo ra động lực, khích lệ cho cán bộ. Và trong bối cảnh như hiện nay thì phải dùng kỹ thuật để giải quyết các vấn đề có tính tâm lý và cụ thể là số hoá toàn diện chính quyền.
Tức là, tất cả tiếp xúc của người dân, doanh nghiệp với chính quyền như thủ tục hành chính xin duyệt dự án, cấp phép… đều phải được số hoá. Khi số hoá thì mọi việc sẽ trở nên minh bạch, rõ ràng và không thể đùn đẩy trách nhiệm hoặc tham nhũng được. Mọi việc nên được quy định rõ thời gian, trách nhiệm… khi đó sẽ giải quyết được vấn đề cả về năng suất lao động, sự lảng tránh hay không có chuyện tiếp xúc “face to face” giữa người dân và chính quyền. Khi đó, người dân cũng dễ thực hiện mà cán bộ cũng dễ xử lý. Và kinh nghiệm để xử lý khủng hoảng tâm lý (khi kỷ luật rơi vào tình trạng không thể khắc phục được bằng giáo dục hay răn đe) là phải dùng biện pháp kỹ thuật: Dùng kỹ thuật để giải quyết vấn đề tâm lý.
Cần tiếp tục giãn, hoãn, giảm thuế cho doanh nghiệp
PV: Vậy theo ông, để đạt được mục tiêu cao nhất về tăng trưởng kinh tế như đã đề ra thì định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô từ giờ đến cuối năm nên như thế nào?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đầu tiên, để phối hợp tốt các chính sách đầu tư nhằm tạo ra sự cân bằng thì phải tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tài khoá. Có thể thấy, năm 2022, chính sách tài khoá có đóng góp quan trọng trong việc chống lạm phát; sắp tới đây sẽ giảm thêm Thuế VAT và trọng tâm là thuế xuất nhập khẩu. Và trong trường hợp cần thiết thì tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu nếu giá xăng dầu tăng cao.
Thứ hai là một loạt các chính sách do Bộ Tài chính đề xuất về hoãn, giãn thuế mới đây cũng giúp cho các doanh nghiệp bớt khó khăn vì nhiều doanh nghiệp hiện nay vừa không có tiền trả cho cán bộ nhân viên và vừa không có tiền để trả tiền thuế. Có thể thấy, lãi ngân hàng, lương của cán bộ công nhận viên và thuế là 3 khó khăn lớn của phần lớn doanh nghiệp hiện nay.
Vậy có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng cách giảm dần lãi suất cho vay, mỗi một đợt có thể giảm 0,5% và từ nay đến cuối năm có thể giảm 2%. Và quan trọng nhất bây giờ là giãn hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ. Vì nếu vẫn phải chuyển nhóm nợ, chiếu theo các điều kiện hiện tại thì doanh nghiệp không thể vay mới được. Cho nên, cần phải đẩy mạnh được các gói tín dụng mới và phải chú ý đến cả khu vực tiêu dùng vì phải có tiêu dùng mới sản xuất được. Cho vay tiêu dùng, cho vay học sinh sinh viên, cho vay khu vực nông nghiệp, bán lẻ dịch vụ, khu vực có triển vọng phục hồi sớm… Còn khu vực công nghiệp chế tạo lại phụ thuộc nhiều vào ngân hàng và nếu giảm lãi suất cho khu vực này sẽ giúp họ tự lực vì tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài chứ không phải chỉ một vài tháng. Và cuối cùng, điều hành chính sách vĩ mô cần tập trung phục hồi thị trường nội địa.
PV: Ông có dự báo như thế nào về lãi suất từ nay đến cuối năm?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Lãi suất sẽ phụ thuộc vào điều hành thực tế của Ngân hàng Nhà nước nhưng theo tôi từ nay đến cuối năm, có thể giảm thêm được 1% nữa. Vấn đề quan trọng nhất là cung tiền. Tăng cung tiền trong bối cảnh hiện nay là phải tăng cung tiền cơ sở (tức in thêm tiền), chứ không phải tiền gửi, thì lãi suất cho vay mới giảm được. Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán trên cơ sở lạm phát có đáng lo ngại không. Theo tôi, trong bối cảnh tín dụng và cung tiền thấp như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang có cơ hội để tăng cung tiền cơ sở.
Nếu cung tiền tăng chậm như hiện nay, chưa giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công thì sẽ dẫn đến khan hiếm thanh khoản. Lượng lớn tiền của ngân sách từ vốn Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng quốc doanh không giải ngân được, cung tiền thấp, vòng quay của tiền quá thấp: 0,64 vòng/năm. Giảm lãi suất là điều kiện quan trọng, nhưng dòng tiền có chảy hay không còn quan trọng hơn nhiều.
PV: Trọng tâm trong điều hành chính sách thời gian tới là phải tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp lý thì mới có thể giải phóng được các nguồn lực?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng vậy. Nhưng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp thì tạm thời phải để cho doanh nghiệp tự tái cấu trúc lại các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp giống như việc ngân hàng tái cấu trúc nợ cho doanh nghiệp, hay một số quy định của Bộ Tài chính khuyến cáo nhà phát hành và nhà đầu đàm phán để giãn nợ thêm 2 năm…
Nhưng thực tế có được như vậy hay không còn phụ thuộc vào quan hệ và khả năng xử lý của từng doanh nghiệp.
PV: Trong bối cảnh như vậy, ông có lời khuyên nào dành cho cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Khó khăn của doanh nghiệp bất động sản và xây dựng sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Ta thấy hiện nay, các chương trình phát triển nhà ở xã hội tiến triển có phần còn chậm so với kỳ vọng. Chưa có dấu hiệu nào để khẳng định thị trường hình thành được mặt bằng giá mới vững chắc, và dựa trên nền tảng giá đó để tái cấu trúc lại doanh nghiệp bất động sản. Chính vì vậy, thay vì tập trung phát triển dự án mới cho thị trường thì doanh nghiệp bất động sản đang chìm trong việc mua bán sáp nhập, khất nợ… Phía phải chịu hậu quả nặng nề nhất chính là doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng. Và cuối cùng, như tôi đã phân tích ở trên thì mọi áp lực cũng như khó khăn sẽ dồn hết về phía ngân hàng.
Do đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần có thái độ cũng như cách thức xử lý linh hoạt. Ví dụ, đối doanh nghiệp bất động sản, không còn cách nào khác, phải giải quyết khó khăn theo hướng: Đưa lợi nhuận tích trữ được trước đây (nếu còn) ra để xử lý, bù đắp cho thời điểm khó khăn hiện tại hoặc thanh lý tài sản để trả nợ.
Nhưng đối với doanh nghiệp xây dựng thì thực sự khó khăn vì doanh nghiệp này vừa bị ngân hàng đòi nợ, vừa bị các doanh nghiệp bất động sản chậm trả, khất nợ… Vì vậy, các doanh nghiệp xây dựng nên tập trung, ưu tiên vào các dự án đầu tư công đang được ưu tiên. Từ đó, sẽ giải quyết được cả vấn đề cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Còn các doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường bên ngoài như dệt may, giày da… thì nên tiết giảm chi phí, đưa về mức phòng thủ, phòng vệ và chờ cơ hội. Vì xung đột của Nga - Ukraine ngày càng diễn biến phức tạp và có nguy cơ sẽ kéo dài, do đó kinh tế châu Âu tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.
PV: Trân trọng cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi này!