TS. Lê Xuân Nghĩa: Phụ nữ Việt Nam là người Mẹ vĩ đại của một Dân tộc vĩ đại!

TS. Lê Xuân Nghĩa: Phụ nữ Việt Nam là người Mẹ vĩ đại của một Dân tộc vĩ đại!

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Tư, 08/03/2023 - 09:09

 

- Chào Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa! Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, ông có thể chia sẻ về hình ảnh nữ doanh nhân Việt Nam trong con mắt của ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thời trẻ của tôi, doanh nhân nữ không có nhiều. Tiêu biểu nhất phải kể đến bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương), bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi)…

Họ đều là những nữ Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, là những doanh nhân mở đường của Việt Nam để lại dấu ấn nhất định trên thương trường. Tuy nhiên, do tác phong quản trị còn ít nhiều hạn chế, nhân lực chuyên nghiệp thì yếu và thiếu, nên khi mong muốn đổi mới mạnh mẽ, họ đã gặp phải nhiều trở ngại.

Phụ nữ khi kinh doanh sẽ có những lúc độc đoán, làm gì trái ý mình chút là không ổn ngay (cười). Từ đó, dẫn đến những sơ suất về tài chính không đáng kể, nhưng lại để lại hệ lụy xấu.

Nếu nói về doanh nhân nữ Việt Nam thì thế hệ đầu những năm hội nhập, đổi mới là đông nhất, hùng hậu nhất cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, từ khi có chủ trương về cổ phần hóa mạnh mẽ doanh nghiệp Nhà nước và có chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân, phụ nữ tham gia vào thương trường ngày càng nhiều. Họ thành công kha khá nhưng thất bại cũng không phải là ít.

Nói cách khác, các nữ doanh nhân có thừa tâm huyết, đam mê nhưng trong quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp thì còn những hạn chế nhất định, việc áp dụng nền tảng công nghệ vững chắc chưa thật sự cao nên khó phát triển bền vững.

Có vẻ như, đó là đặc điểm chung của doanh nhân Việt Nam, riêng phụ nữ thì gặp phải nhiều khó khăn hơn.

- Vậy với lớp nữ doanh nhân thế hệ sau, họ đã có những bước trở mình trong sự đổi mới và hội nhập của nền kinh tế?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Có lẽ phải bắt đầu từ chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Chính sách này đã khơi dậy tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, từ các doanh nghiệp lớn cho đến doanh nghiệp khởi nghiệp, từ doanh nghiệp do nam giới hoặc phụ nữ quản trị. Đặc biệt, đã xuất hiện đội ngũ doanh nhân nữ mang trong mình tư duy, khát vọng đổi mới và hội nhập khá hùng hậu ở tất cả các lĩnh vực: Kinh tế nông nghiệp - thực phẩm công nghệ cao là sự vươn lên và chiếm lĩnh thị trường của "người đàn bà" sữa Thái Hương, người sáng lập Tập đoàn TH và làm Tổng Giám đốc Bắc Á Bank; lĩnh vực hàng không là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air; lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bất động sản là nữ tướng Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank; ngành kim hoàn là nữ tướng vàng nữ trang Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ…

Đó đều là những doanh nhân luôn trẻ trong tinh thần, năng động, tâm huyết, đam mê và có khát vọng cống hiến đặc biệt.

Và ngay trong các tập đoàn lớn, phụ nữ cũng tham gia ngày càng nhiều ở những vị trí quản lý quan trọng như tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc tài chính, marketing, hành chính, nhân sự…

Ở đội ngũ doanh nhân trẻ khởi nghiệp, phụ nữ cũng chiếm tỷ lệ khá đông và thường tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ và kinh doanh số.

Như vậy, phải khẳng định rằng, từ chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước đã làm xuất hiện các doanh nhân nữ tiêu biểu, hoạt động đa đạng trong nhiều lĩnh vực.

- Trong những người phụ nữ ông đã từng gặp, ông cảm thấy ngưỡng mộ ai nhất, hay có tình cảm sâu sắc nhất với ai?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Câu hỏi này khó quá! Tôi không thể nói rõ được là mình ngưỡng mộ ai hay có tình cảm sâu đậm nhất với ai (cười).

- Vậy còn với nữ doanh nhân, chắc hẳn một nhà kinh tế học như ông có thể “đo lường” được chứ?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi ấn tượng nhất với nữ doanh nhân, Anh hùng Lao động Thái Hương. Người phụ nữ không chỉ tài năng trong kinh doanh mà còn thấm đẫm triết lý đạo và đời.

Trong những cuộc trò chuyện trước, chúng ta đã bàn thảo về con đường bước vào ngành sữa với những mục tiêu quyết liệt vì tầm vóc và giống nòi Việt, với trái tim ấm nóng của một người mẹ đầy bản năng yêu thương và vô cùng bản lĩnh. Trên con đường đó, bà Thái Hương đã tạo nên cuộc cách mạng trên thị trường sữa Việt Nam. Các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn của sản phẩm sữa tươi được thay đổi, người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự phân định rõ ràng khái niệm sữa tươi với sữa bột pha lại, sữa hoàn nguyên, giảm một cách ấn tượng tỷ lệ sữa dạng lỏng pha lại từ sữa bột.

Bà Thái Hương không những thành công ở thị trường trong nước mà còn đầu tư thành công ra thế giới, được cộng đồng quốc tế đón nhận và tin yêu. 

Bên cạnh sữa, dấu ấn tiên phong của Anh hùng Lao động – doanh nhân Thái Hương còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác. Đó là việc xây dựng hệ thống trường học TH School tiêu chuẩn quốc tế, là tổ hợp y tế công nghệ cao tiêu chuẩn 5 sao. Đó là con đường đồ uống tốt cho sức khỏe và một hệ sinh thái các sản phẩm thực phẩm sạch, hữu cơ – mọi thứ mà một người nội trợ tử tế có thể cần đến trong bếp ăn nhà mình.

Gần đây, tôi thực sự bất ngờ và khâm phục khi một lần nữa, nữ doanh nhân Thái Hương thể hiện tầm nhìn chiến lược và hành động quyết liệt của mình, nhưng không phải trong lĩnh vực tài chính hay sản xuất, chế biến sữa, mà là trong bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của những tán rừng Việt Nam. Thật tự hào và xúc động. Đó là con người ấy có trái tim cực kỳ ấm áp.

Đó là hình ảnh một nữ doanh nhân đã rất tâm huyết lên tiếng bảo vệ rừng, hiến kế làm kinh tế dưới tán rừng. Mà không chỉ hiến kế đâu, bà ấy còn đang thực sự bắt tay để triển khai những ý tưởng đẹp, đầy khát vọng đó.

- Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của ông. Bởi trong một vài cuộc trò chuyện với chúng tôi từ đôi ba năm trước, bà Thái Hương khẳng định rằng, bà đã chọn nông nghiệp – một lĩnh vực khó khăn nhất để đi lên và người dân đã thừa nhận sự thành công đó của bàkhông chỉ Việt Nam mà còn trên thế giới. Hiện nay, Tập đoàn TH đang phát triển đa ngành, nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, du lịch… nhưng luôn lấy sức khỏe người dân chú trọng hàng đầu. Nắm bắt được chiến lược quốc gia về phát triển dược liệu dưới tán rừng, bà Thái Hương tiên phong nhận nhiệm vụ như một sứ mệnh.

Nghe ông nói thì tôi cảm nhận được, sau sữa sạch, khi bắt đầu với kinh tế dưới tán rừng, bà Thái Hương còn đang mong muốn “truyền lửa” để tạo ra một thế hệ các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất thảo dược dưới tán rừng, để thảo dược trở thành sản phẩm hữu cơ mũi nhọn, thậm chí tạo ra vùng lưu trữ bảo tồn và phát triển thảo dược của Việt Nam?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Cách làm của bà Thái Hương vừa trí tuệ, vừa nhân văn, phù hợp với xu hướng kinh doanh xanh, sinh thái, đã hình thành và phát triển rất mạnh mẽ ở châu Âu.

Theo tôi, việc bà Thái Hương quyết làm kinh tế thảo dược dưới tán rừng đồng thời giải quyết được bốn vấn đề rất lớn. Thứ nhất là giữ được môi trường sinh thái, giữ được rừng. Mà giữ được rừng là bán được chứng chỉ carbon. Nghĩa là chắc chắn sẽ có tiền, rất nhiều tiền.

Thứ hai là sản xuất được những vùng dược liệu rất lớn. Đây lại là sản phẩm có nhu cầu xuất khẩu rất mạnh cả ở hiện tại và tương lai. Các hợp đồng đặt hàng về dược liệu ngày càng tăng lên và chắc chắn không bao giờ có xu hướng giảm.

 

Thứ ba là nhân sinh, đời sống của cộng đồng được bảo đảm và ngày càng được nâng lên. Tức là, người dân ở quanh rừng, đồng bào vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa bao đời nay bám rừng sẽ có việc làm, có thu nhập và tự họ sẽ tham gia vào quá trình quản trị kinh doanh, tự họ quản lý và bảo vệ rừng của mình. Chính họ tạo ra trách nhiệm để giữ rừng.

Cuối cùng, đồng bào dưới tán rừng sẽ duy trì được toàn bộ văn hóa. Văn hóa ở đây có hai ý nghĩa: Luật tục của vùng đó và luật pháp của Nhà nước đều được bảo vệ. Khi điều đó gắn kết với nhau thì không ai dám vào chặt phá rừng, không ai dám vào đó để săn bắn vì vừa phạm pháp, vừa vi phạm luật tục.

- Ông muốn nhấn mạnh sự quyết tâm và tư duy của bà Thái Hương đặc biệt có ý nghĩa khi kinh tế dưới tán rừng gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nếu làm được như vậy thì những cánh rừng đó có thể nói là “bất khả xâm phạm”, muôn đời bạt ngàn, xanh ngát mênh mông.

Bà Thái Hương đi theo mô hình như vậy sẽ tạo ra những vùng đất mà ở đó, một nhóm người trẻ sẽ được đào tạo bài bản về 4 vấn đề trên. Những người này sẽ là nòng cốt để quản trị toàn bộ khu dược liệu.

Bởi vì, đó là những vùng đất rất rộng lớn, có rất nhiều làng bản. Khi nhiều làng bản cùng làm như vậy, liên kết lại với nhau sẽ trở thành quy mô lớn, mở ra không gian rừng bạt ngàn.

Bà Thái Hương định hướng cho người nông dân tập hợp thành nhóm sản xuất, thành hợp tác xã, tôi sẽ cung cấp giống cho họ. Người dân sẽ làm 2 việc: Một là hái lượm thảo dược hữu cơ tự nhiên dưới tán rừng hoặc nhân giống, trồng dược liệu hữu cơ xung quanh bìa rừng… TH sẽ liên kết thu mua sản phẩm cho bà con, thực hiện khâu sơ chế, chế biến và phân phối sản phẩm ra đến chuỗi cuối cùng.

Tôi phải khẳng định rằng, đó là tầm tư duy rất chiến lược. Gần như đàn ông hiếm có ai nghĩ đến điều đó, và sự thực là chưa có ai làm được điều đó! Đàn ông hầu hết toàn đi vào thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu và kinh doanh những thứ khác mà thôi.

Chính vì thế, tôi đã từng ví bà Thái Hương có những nét đặc trưng của một “thánh mẫu” trong ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đại (cười).

- Bà Thái Hương cũng chia sẻ với chúng tôi rằng, dù đi sau, đi hơi muộn nhưng không thể về sau khi làm dược liệu dưới tán rừng. "Trong vòng 10 năm nữa, TH sẽ chiếm vị trí tốp đầu trong bảng danh dự về thảo dược của thế giới. Trong đó, 5 năm đầu tôi đặt mục tiêu thế giới sẽ phải biết đến những sản phẩm tốt nhất về thảo dược của Việt Nam được kết hợp trong sữa, trong nước uống”, bà Hương quả quyết như vậy.

Theo ông, điều gì thôi thúc nữ doanh nhân Thái Hương chọn con đường đi vừa khó, lại vừa khác biệt như vậy, khó đến mức chưa có người đàn ông nào tham gia vào?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ, xuất phát từ việc bà Thái Hương là người am hiểu sâu sắc về đạo Phật. Chính việc am hiểu sâu về đạo Phật đồng nghĩa với việc hiểu sâu về vô ngã. Hiểu về vô ngã đồng nghĩa với bảo vệ tất cả những gì tạo nên loài người. Loài người không phải chúa tể của trái đất. Loài được tạo ra bởi những thứ không phải loài người. Muốn loài người tồn tại được thì phải bảo vệ những thứ không phải là loài người đó, đặc biệt là môi trường. Hủy hoại môi trường đồng nghĩa với việc chúng ta giết chính mình, giết cái tôi - bản ngã. Bà Thái Hương hiểu rất rõ điều đó. Vì vậy, bà đi vào sữa sạch, đi vào sinh thái của những vùng đất cằn cỗi và đi vào liên kết rừng - rẫy của đồng bào dân tộc.

 

Ngoài ra, thẳng thắn mà nói thì phụ nữ thường yêu môi trường hơn đàn ông. Đó là bản chất của phụ nữ. Hiện nay, có nhiều nữ doanh nhân khác cũng có khuynh hướng bảo vệ môi trường và tạo ra hệ sinh thái xanh, kể cả trong ngành xây dựng. Như bà Lưu Thị Thanh Mẫu trong ngành bất động sản cũng rất “máu” hướng kinh doanh xanh, bảo vệ môi trường.

Lý do cũng đơn giản thôi! Họ giàu lòng yêu thương con người. Điều này đồng nghĩa với việc họ giàu lòng yêu thương tất cả những gì liên quan đến con người.

- Đúng như ông nói, trong tiềm thức của người phụ nữ thì ý thức về môi trường thường cao hơn đàn ông. Nhưng tôi nghĩ rằng, bà Thái Hương không chỉ yêu môi trường đâu mà con muốn đưa Việt Nam trở lại trên bản đồ dược liệu thế giới. Đó là khí chất của một nhà kinh doanh thực thụ, đầy bản lĩnh và khát vọng trên thương trường quốc tế đấy chứ!

TS. Lê Xuân Nghĩa: Có một học thuyết mới cho rằng nền y học của loài người đã đi sai hướng. Tức là, thay vì gắn kết với thiên nhiên thì y học ngày càng xa rời thiên nhiên. Trung Quốc là nước tiêu biểu nhất khi đưa y học quay trở lại gắn liền với thiên nhiên, trở lại với y học cổ truyền của họ. Học thuyết này cho rằng, con người sống trong thiên nhiên nhưng tự mình đang sử dụng thiên nhiên không tốt. Điều đó khiến cho không chỉ mình có bệnh mà còn tạo ra cả đại dịch nữa. Như vậy, không còn cách nào khác, chúng ta phải dùng chính thiên nhiên để chế ngự những dịch bệnh đó. Cách chống lại chủ động nhất là đừng tàn phá, xâm phạm thiên nhiên. Đồng thời, sử dụng tất cả những sản phẩm từ thiên nhiên để thiết lập lại cân bằng cho loài người. Cân bằng cho loài người với loài người và loài người với thiên nhiên là nền tảng để bảo vệ sức khỏe. Tôi nghĩ bà Thái Hương đã hiểu được điều đó và tư duy của bà quả thực rất phù hợp với xu hướng đó.

Ở châu Âu, xu hướng sử dụng y học hiện đại là dùng tất cả hóa chất, kể cả từ dầu mỏ để chế tạo ra thuốc thì giờ cũng bắt đầu có những dấu hiệu lỗi thời. Hiện nay, họ đã bắt đầu tập trung bào chế ra chế phẩm từ thiên nhiên nên nhu cầu dược liệu thiên nhiên ngày càng lớn. Vì vậy, các đơn hàng từ Úc, châu Âu về dược liệu thiên nhiên ngày càng gia tăng.

Ở Việt Nam, có đầy đủ các điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng để trồng dược liệu. Ví dụ như trồng gừng, nghệ, sả, tía tô, sâm… đều phát triển và cho giá trị rất tốt. Đó là thế mạnh trong tương lai mà bà Thái Hướng đã nhanh chóng chớp lấy.

Hiện tại, có nghiên cứu chỉ ra rằng, tổng giá trị thị trường dược liệu trên thế giới ước đạt trên 120 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 10-12%. Ngân hàng Thế giới dự báo đến năm 2050, tổng giá trị thị trường dược liệu sẽ là 5.000 tỷ USD. Có thể thấy, đây là một thị trường quá rộng mở cho Việt Nam.

Hướng kinh doanh của bà Thái Hương đạt được 2 hiệu ứng: Hiệu ứng về bảo vệ môi trường và hiệu ứng về thu nhập. Đáng quý là cả hai hiệu ứng này đều rất lớn. Đọc những thống kê về tàn phá rừng vùng Tây Nguyên, tôi thấy quá hổ thẹn. Độ bao phủ rừng nơi đây đã và đang suy giảm nghiêm trọng. Nhiệm vụ phục hồi lại rừng Tây Nguyên là một bài học vô cùng quan trọng và đây là trách nhiệm lớn với Tổ quốc.

Bà Thái Hương lâu nay đã rời bỏ kinh doanh bất động sản, trái phiếu, chỉ đi vào nông nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục. Cũng có nhiều chuyên gia, đại gia nói rằng, đi vào hướng đó thì hiệu quả thấp. Thấp là điều đương nhiên, bởi cách đi vào nông nghiệp của bà Thái Hương hay như cách ông Phạm Nhật Vượng đi vào công nghiệp chế tạo thì hiệu quả giai đoạn đầu sẽ rất thấp, rủi ro cao. Nhưng đó là điều tất yếu. Nhưng đó lại là yếu tố quyết định số phận của dân tộc Việt Nam trong tương lai. Thu nhập và vị thế của dân tộc trong tương lai chính là hướng đi đó.

 

Đi vào hướng đó thì phải đầu tư dài hạn vì hiệu quả thấp. Nhưng đáng khen là họ đã nhận thấy điều đó. Họ thấy rõ hiệu quả thấp nhưng lại nhìn ra một tương lai sáng lạn. Có thể nói đó là ngành nghề kinh doanh nhân văn, rất có tương lai và đầy trách nhiệm, sự tự hào và niềm kiêu hãnh với tổ quốc.

- Một nhà quản trị doanh nghiệp như bà Thái Hương có cần phải nghiên cứu từ những điều nhỏ nhất trước khi ra quyết định kinh doanh?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Bà Thái Hương là người bỏ ra rất nhiều công sức nghiên cứu các tác phẩm của Lê Hữu Trác về dược học. Bà ấy muốn lý giải căn nguyên nguồn gốc, vai trò và mối liên hệ của thảo dược với hệ sinh thái rừng và sự phát triển của con người.

Từ đó, bà Thái Hương đã đúc rút ra cách làm, tôi cho là rất chuẩn xác.

Đầu tiên phải xây dựng được nguồn nguyên liệu bền vững và rộng lớn, đủ cung ứng cho các nhà máy và xuất khẩu. Muốn vậy, TH đã kết hợp với các chuyên gia Đông y và nhà khoa học trong cả nước để lập một bản đồ về thảo dược trên toàn cõi Việt Nam, từ đó thành lập Viện Dược liệu TH nhằm nghiên cứu cách bảo tồn cũng như cách phát huy giá trị thảo dược trong 2 mục tiêu lớn. Một là nâng cao thể trạng cho người Việt, phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây; hai là thảo dược trong y tế dự phòng.

Bà Thái Hương thật sáng suốt khi đi theo hướng hữu cơ (organic) và phát triển theo hướng không di thực - vùng nào xa xưa đã có các loài thảo dược nào thì bây giờ phát triển nó lên trở thành hàng hoá và xây dựng những nhóm dược liệu có giá trị đặc hữu như các loại sâm, các loại gấc của mình. Trở thành đặc hữu rồi thì làm thương hiệu để tất cả người Việt Nam biết đến và hưởng thụ nó, tiếp đó sẽ đưa ra thế giới.

Thứ hai là đầu tư nhà máy chiết xuất áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới dưới sự giám sát của các chuyên gia. Sản phẩm của các tập đoàn được chế biến theo tiêu chuẩn FDA của Mỹ là tiêu chuẩn cao nhất về an toàn sức khỏe. Như vậy, “chìa khóa vàng” là công nghệ cao, công nghệ 4.0 tiếp tục được TH vận dụng trong cuộc cách mạng thảo dược của mình.

Nhưng ở thời điểm này mấy ai lại làm như thế chứ (cười). Tôi cho rằng, đó là cách làm bài bản, khoa học và đầy trách nhiệm. Nếu không am hiểu về những cây, con quý hiếm của Việt Nam thì không thể nào kinh doanh dược liệu dưới tán rừng. Vì dược liệu bắt nguồn từ những thứ rất đơn giản, như giống hay cách thức chăm sóc để đạt hiệu quả cao nhất, tạo ra uy tín vững vàng, lâu dài với đối tác nước ngoài cả về quy mô, chất lượng. Đó không phải chuyện đơn giản đâu. Rõ ràng, phải nghiên cứu rất kỹ và bà Thái Hương đã làm được điều đó.

- Có lẽ với những biến cố vừa rồi của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, lại là cái may cho bà Thái Hương khi không tham gia vào “cơn bão dữ dội” này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi không nghĩ vậy. Bởi phát triển kinh doanh theo hướng bà Thái Hương đang làm cần khối lượng vốn dài hạn lớn, lãi suất thấp để chịu được rủi ro cao. Như vậy, rõ ràng phải tập trung nguồn lực. Tôi nghĩ bà Thái Hương không còn nguồn lực hay tâm trí đâu để lao vào bất động sản nữa. Kinh doanh bất động sản là gì? Là kinh doanh sinh lời ngắn hạn. Khi mình đầu tư vào nông nghiệp sạch, dược liệu thì phải buông bỏ cái kia thôi (cười). Nhưng đúng là nghĩ lại thì đây cũng là cái may của bà Thái Hương đấy!

- Ông có nghĩ, từ chiến lược phát triển kinh tế dưới tán rừng của quốc gia và sự vào cuộc truyền cảm hứng mạnh mẽ của bà Thái Hương sẽ tạo ra thế hệ doanh nhân tiếp theo tham gia vào sản xuất dược liệu dưới tán rừng không?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Điều đó nó còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Quan trọng nhất là tư duy và sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Nhiều địa phương thích cấp đất cho các đại gia bất động sản làm sân golf. Thực tế, có địa phương đã cấp đất rừng để làm sân golf rồi.

Hay như bi kịch của Tây Nguyên là chặt phá rừng để trồng cây ngắn ngày, thu nhập ngắn hạn. Đáng nói, không phải địa phương nào cũng có tầm nhìn bảo vệ rừng như tư duy của bà Thái Hương đâu. Tầm nhìn đó ngoài vốn, chiến lược, đầu vào, đầu ra thì còn cần địa phương hỗ trợ, cấp đất, bảo vệ rừng, khôi phục rừng. Điều đó đôi khi không phù hợp với tư duy lợi ích ngắn hạn của một bộ phận cán bộ.

Tư duy kinh doanh sinh thái nhân văn sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ở châu Âu chẳng hạn, cà phê được trồng từ những khu rừng bị chặt đi để trồng cây cà phê, khi bán ra là người dân dứt khoát không mua. Dần dần, người Việt Nam mình phải tỉnh ngộ ra điều đó. Cứ hủy hoại hệ sinh thái của mình để kiếm lợi trước mắt là vô cùng nguy hiểm. Cho đến một ngày nào đó, người ta không còn thừa nhận sai lầm nữa. Vì khi người ta không thừa nhận nữa thì rừng bị chặt phá hết rồi.

- Chính xác. Đó là tính cấp bách. Lúc đó, có muốn làm dược liệu dưới tán rừng cũng không còn cơ hội. Đó là cơ hội có một không hai!

Để Việt Nam có thể đứng vào top đầu các quốc gia trồng, chế biến và xuất khẩu thảo dược và các sản phẩm từ thảo dược, chính bà Thái Hương cũng đã khẳng định, một mình TH không thể làm nên bức tranh của thảo dược Việt Nam.

Tôi được biết, bà Thái Hương luôn nỗ lực xây dựng chiến lược trình Chính phủ, theo đó tại các bìa rừng cho trồng theo diện tích lớn các loại thảo dược đặc hữu để làm hàng hoá ra thế giới. Cần xây dựng mô hình điểm, với các doanh nghiệp đã thực hiện thành công rồi thì các bộ ban ngành cần khích lệ họ và đưa ra một chính sách thoả đáng hơn nhằm lôi kéo thêm nhiều doanh nhân, doanh nghiệp khác vào cuộc. Được như vậy, chắc thảo dược Việt Nam sẽ cất cánh ra thế giới và Việt Nam trở thành những điểm du lịch trang trại, thảo dược, vùng dược liệu đặc hữu...

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi đã từng gặp trường hợp muốn làm dự án giống như của bà Thái Hương, quy mô nhỏ hơn, khoảng 500-700ha. Xã thì đồng ý, huyện đồng ý, nhưng tỉnh lại không đồng ý. Cuối cùng đành chịu thôi…

- Nhiều người họ ngại chọn cách va chạm với người nông dân. Bởi làm kinh tế dưới tán rừng thì người nông dân là mắt xích rất quan trọng mà

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tư duy như vậy để thu tiền ngắn hạn cho ngân sách là một sai lầm.

- Nhưng như vậy thì thu ngân sách mới cao?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Mới hoành tráng…

- Quay trở lại chủ đề chính của cuộc trò chuyện ngày hôm nay - doanh nhân nữ. Theo nhiều nghiên cứu, Việt Nam có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp đứng hàng đầu châu Á. So với các quốc gia phát triển, các nữ doanh nhân thuộc top người giàu nhất nước của Việt Nam cũng chiếm số lượng cao. Ông có thể lý giải điều này?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đó là những đánh giá hoàn toàn xác đáng. Theo ước tính của chúng tôi, tỷ lệ doanh nhân nữ thành đạt là chủ doanh nghiệp cỡ vừa trở lên đã chiếm khoảng 30 - 35%; phụ nữ tham gia vào giới quản lý từ cấp trung trở lên chiếm khoảng 38 - 40% và trong số đó, có rất nhiều người có triển vọng trở thành quản lý cấp cao hoặc thành lập doanh nghiệp độc lập.

Hiện nay, xuất hiện xu hướng phụ nữ thích tạo lập doanh nghiệp độc lập. Nhìn vào các doanh nghiệp trẻ có thể thấy rằng, doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 35%). Đó là con số hiếm thấy ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới chứ không riêng châu Á. Điều này nói lên điều gì?

Thứ nhất, phụ nữ Việt Nam được giáo dục, đào tạo, rèn luyện tốt và vì thế, họ có bản lĩnh độc lập cao hơn. Họ không còn thích phụ thuộc vào đàn ông mà muốn có vai trò thực sự trên thương trường - nơi mà mọi thử thách là lớn nhất, gian nan nhất.

Bên cạnh đó, điều này cũng cho thấy cơ hội làm ăn ở Việt Nam rất rộng mở. Vì phụ nữ thường không mạo hiểm bằng đàn ông, nhưng họ nhìn thấy cơ hội kinh doanh tốt hơn, rõ ràng hơn nên mới chấp nhận mạo hiểm nhảy vào. Còn ngược lại, trước đây, khi phát triển kinh tế trì trệ, cơ hội kinh doanh không nhiều, chủ yếu do cơ chế thì chắc chắn phụ nữ không dám nhảy vào đâu.

Khi kinh tế phát triển, bắt đầu hình thành dần một chuỗi sản xuất - cung ứng nội địa, phụ nữ có thể lựa chọn vị trí, lĩnh vực phù hợp để dần trở thành doanh nghiệp độc lập.

Ví dụ, một trong những ngành nghề nhiều phụ nữ tham gia nhất là kinh doanh bất động sản, vì họ nhìn thấy cơ hội ở khắp nơi như bất động sản nhà ở, bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp…

Họ dễ dàng nhìn thấy trong kinh doanh cần dựa vào chính sách và quan hệ. Họ nhìn thấy cơ hội tạo lập doanh nghiệp với nhiều yếu tố, từ vốn liếng, cơ hội, kinh nghiệm, quan hệ và giáo dục, đào tạo…

Có lẽ đây là truyền thống của phụ nữ Việt Nam - dù rất thận trọng nhưng khi đã chắc chắn và ý chí thông suốt, họ sẵn sàng tham gia vào những khu vực nước sôi lửa bỏng. Ngày xưa, khi đất nước có chiến tranh, “nợ nước thù nhà” họ sẵn sàng trả. Và bây giờ hòa bình, họ sẵn sàng kinh doanh trên bình diện quốc tế.

- Nghe ông nói, tôi nhớ đến câu nói của Phật hoàng Trần Nhân Tông về vợ của mình: “Trước mắt ta, hoàng hậu mới là người đẹp nhất, người đồng cam cộng khổ, cùng ta trải qua các cuộc kháng chiến, sinh cho ta những người con giỏi giang, không có những người phụ nữ như bà thì làm sao ta trị vì được đất nước”.

Sau này, Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng có câu nói rất nổi tiếng: “Người đàn bà Việt Nam là người có tính dân tộc hơn ai hết”!

TS. Lê Xuân Nghĩa: Quả đúng là như vậy. Thậm chí có khi còn hơn thế nữa. Nói như vậy để thấy rằng, trong tâm hồn các nữ doanh nhân luôn có dấu ấn truyền thống lịch sử của người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Không phải phụ nữ cạnh tranh, ganh đua gì với đàn ông, nhưng họ cũng có bản lĩnh để tạo nên những điều phi thường như đàn ông.

Mấy nước có được lịch sử về phụ nữ oai hùng như Bà Trưng - Bà Triệu, cưỡi voi đánh giặc, đền nợ nước, trả thù nhà khi đánh sang tận sào huyệt của giặc mà chưa người đàn ông nào làm được điều đó (cười).

Tôi bỗng nhớ đến câu đối tại đền thờ tướng lĩnh Hai Bà Trưng ở Trung Quốc:

“Nhất kiếm Nam Hồ kinh vũ đế

Ngàn gươm Ngũ Lĩnh chấn lưu cơ”.

Thời đại nào, Việt Nam cũng có những người phụ nữ như vậy. Đó chủ yếu là những người mang trong mình “nợ nước, thù nhà”, yêu nước bằng cách cầm gươm, súng ra trận. Nhưng cũng có những phụ nữ mang trong mình tâm hồn khác, yêu nước theo cách của người trí thức. Việt Nam là quốc gia có nhiều nữ sĩ anh tài… Nữ nhà thơ/nhà văn thì ở châu Âu có một vài người nổi bật, Trung Quốc cũng hiếm và châu Á thì lại càng ít nhưng ở Việt Nam thật đặc biệt khi có rất nhiều. Nữ sĩ Bạch Tuyết miền Nam, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm… đã để lại những dấu ấn nổi bật về văn học - nghệ thuật cho Tổ quốc.

Trong các lĩnh vực sản xuất cũng thế. Tấm gương bà Liễu Hạnh - người dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm cai quản cả một vùng, dậy dân làm ăn và trở thành một đạo thánh mẫu hiếm thấy ở châu Á.

- Ông có thể phân tích rõ hơn về đạo thánh mẫu mà ông vừa nhắc đến?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Trên thế giới chỉ có ba đạo kiểu như vậy: Đó là đạo do thái, đạo thần giáo (Nhật Bản) và đạo thánh mẫu của Việt Nam. Có thể coi đó là những quốc đạo rất đặc thù, riêng biệt. Ở Việt Nam thú vị và khác biệt ở chỗ, đó là đạo của phụ nữ, của người mẹ, người vợ, đạo của sự yêu thương con người, gắn bó với thiên nhiên, đạo của người nghèo. Tôi nghĩ, bà Thái Hương chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thể hiện được cái đạo đó.

Đạo này cũng dậy cho người dân cách làm ăn đủ lĩnh vực, ca ngợi công đức của người hùng (có cả nam giới). Khi cần, họ cũng chiến đấu bảo vệ tổ quốc - hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất chống giặc ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là điều hiếm thấy ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Chúng ta thấy hình ảnh nữ hoàng đế ở Trung Quốc, Áo, Nga, Anh… Chức tước đó dựa trên nền tảng quyền lực được kế thừa hoặc tranh giành để đoạt lấy. Chứ còn ở Việt Nam, phụ nữ không làm chuyện đó mà thực sự là một người vợ, người mẹ. Họ không ham vương quyền mà luôn sống cuộc đời bình dị cùng hàng triệu con người Việt Nam. Họ là người từ dân chúng và vì dân chúng thực sự. Vì vậy, họ mang màu sắc dân gian. Chính vì thế nên mới trường tồn được. Còn nếu mang màu sắc cung đình thì khi triều đại này suy tàn, văn hóa cũng mai một theo.

Giờ chúng ta chỉ còn lại một vài nét văn hóa cung đình Huế và so với sự mênh mông của văn hóa dân gian thì không thấm gì. Triều đình Huế cũng là triều đình gần nhất còn giữ lại chút văn hóa cung đình, chứ những triều đại trước đó đều vơi dần. Trong khi đó, văn hóa dân gian trường tồn mãi mãi và trong đó có cả văn hóa, có cả tâm linh, cả tín ngưỡng. Đó là một trong những nét đặc thù và tiêu biểu của dân tộc Việt Nam nói chung và của phụ nữ Việt Nam nói riêng.

- Điều này có ý nghĩa gì trong thời đại ngày nay?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Phải coi đó là một trong những động lực phát triển xã hội trong thời gian tới. Nó không chỉ là động lực phát triển về kinh tế mà là động lực phát triển toàn diện về con người, về tình yêu thương con người, yêu thương đồng loại và tình yêu Tổ quốc.

 

Nếu chúng ta chỉ hùng cường về mặt kinh tế thì cũng không bền vững. Chúng ta phải hùng cường cả về văn hóa, về những giá trị, nền tảng tinh thần vững chãi, kể cả văn hóa tâm linh. Vì những thứ đó mới tạo ra nền tảng phát triển kinh tế, nền tảng cho an ninh quốc phòng. Tôi nghĩ, ở Việt Nam, doanh nhân Thái Hương là người đã hiểu được điều đó và đang hướng doanh nghiệp của mình, hướng cả một lượng đông đảo lao động trong xã hội đi theo con đường đó.

- Có phải dụng ý của ông là phụ nữ bây giờ nếu đọc nhiều và nghiên cứu nhiều về văn hoá và dân gian, sẽ không chỉ thấy rất rõ và hiểu được điều đó mà có thể tu tập và thừa hưởng giá trị từ đó?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nếu giả sử, họ chưa đọc, chưa nghiên cứu thì sâu thẳm trong tâm hồn họ, đâu đó cũng có những đặc điểm ấy của người phụ nữ Việt Nam. Như Bác Hồ đã khái quát rất chuẩn xác: “Trung hậu - Đảm đang” nhưng mà lại “Anh hùng - Bất khuất”. Chúng ta nhìn thấy rất rõ điều đó trong đạo thánh mẫu và tấm gương của người Mẹ Việt Nam anh hùng. Chúng ta cũng nhìn thấy rất rõ trong những người phụ nữ hiện đại, những nữ doanh nhân hiện đại như Anh hùng Lao động Thái Hương.

Để tạo dựng được cơ nghiệp, doanh nghiệp mà một doanh nhân nữ còn có cả ngân hàng như bà Thái Hương thì họ phải hy sinh rất nhiều. Đam mê, khát vọng thì chưa đủ mà phải cộng thêm cả những yếu tố khác như sự khiêm tốn, nhẫn nhịn, cần cù, chăm chỉ, trí tuệ và chấp nhận rủi ro thì mới thành công được.

- Họ có điểm yếu nào không, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Kinh doanh giống như chiến trường, phải có chiến lược, sách lược chứ không chỉ đơn giản là sự dũng mãnh về tinh thần, thể chất hay đơn giản là khát vọng chiến thắng.

Kinh doanh cần có chiến lược, mưu lược, thế nên cần có binh thư. Tức là, cần phải có khoa học của kinh doanh, của quản trị, đặc biệt là môi trường kinh doanh hiện đại. Đó là điều mà giới kinh doanh Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ còn thiếu. Phải học thật sự, không phải chỉ từ sách vở, mà phải từ thực tiễn để tổng kết, rút kinh nghiệm, tạo ra một bộ máy quản lý chuyên nghiệp và thích ứng nhanh với sự biến đổi khôn lường của thị trường.

Nhà kinh tế nổi tiếng của thế giới Janet Yellen - nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử 100 năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), gần đây nhất là Giáo sư Philip Kotler - “trùm” Marketing của thế giới nhưng thực chất là nhà kinh tế vĩ mô, đều nhận xét:

“Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên hỗn loạn”. Chúng ta nhìn thấy những biến đổi về khí hậu, thiên tai, dịch bệnh khôn lường. Chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của công nghệ quá nhanh. Ngày xưa, động cơ hơi nước kéo dài mấy chục năm, tạo ra một thời đại kinh tế. Hiện tại, công nghệ thay đổi quá nhanh, chưa kịp tạo ra thời đại gì đã thay đổi với những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, công nghệ được tạo ra nhanh, nhưng thay đổi cũng rất nhanh. Khi chúng ta chưa kịp làm quen với công nghệ này thì công nghệ khác đã thay thế.

Thứ hai, chính công nghệ thông tin giúp cho công nghệ khoa học lan truyền nhanh.

Thứ ba, việc cạnh tranh kinh tế thật sự ngày càng khốc liệt. Chưa bao giờ các chuyên gia kinh tế phải sử dụng từ “siêu cạnh tranh”. Có nghĩa là gần như ít ai có thể giữ được những bí kíp công nghệ lâu như trước.

Thứ tư, càng ngày càng xuất hiện những quỹ đầu tư quốc gia trở thành “con sói lớn” trong “khu rừng” kinh doanh. Trong đó, có 3 quỹ đầu tư của Trung Quốc, 2 quỹ đầu tư của Singapore, 1 quỹ của Bắc Âu và còn lại là của Ả Rập. Đó là những quỹ đầu tư khổng lồ, ra đời và sẵn sàng làm thay đổi cân bằng tài chính toàn cầu. Bất cứ chỗ nào có cơ hội, đám đầu tư nhảy vào với vốn liếng khổng lồ khiến các doanh nghiệp khác không thể trở tay.

Thứ năm, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.

Cuối là sự cạnh tranh, giành giật quyền lực của các cường quốc và nước lớn. Bởi trong thế hỗn loạn, ai cũng muốn là thượng phong. Vì chỉ có ở thế thượng phong mới có thể bảo vệ quyền lợi, vị trí của mình.

Vì vậy, người ta nói câu rất hay: “Hỗn loạn là một chuẩn mực của tình trạng bình thường mới”. Trong trạng thái bình thường mới bây giờ có yếu tố hỗn loạn. Nó tác động rất mạnh vào các doanh nghiệp. Đối tượng bị tác động trực tiếp là các doanh nghiệp vì cạnh tranh quá khốc liệt, công cuộc thay đổi quá nhanh; kỹ năng quản lý thay đổi nhanh; rủi ro từ bên ngoài như tài chính, y tế, thiên tai cũng đập vào doanh nghiệp quá nhanh, quá lớn. Cho nên, bản thân doanh nghiệp không có khả năng khắc phục và chẳng có quốc gia nào có khả năng khắc phục. Chúng ta chỉ có thể làm được mỗi một điều, đó là làm thế nào để các cơn sóng ấy nó nhẹ đi, dãn ra. Tức là với đồ thị “hình sin” thì chóp không nhọt hoắt nữa mà dãn ra và chúng ta phải chấp nhận một “hình sin” như vậy.

 

Điều đó có nghĩa, các doanh nghiệp cần có khả năng thích ứng. Phải xây dựng doanh nghiệp với cấu trúc tổ chức nền tảng tài chính thích ứng nhanh với sự thay đổi. Giống như chúng ta phóng nhanh qua một con đường gồ ghề thì phải có giảm sóc tốt, chứ chúng ta không tránh được. Giảm sóc tốt là đệm về tài chính, dự phòng về tài chính để khắc phục những cú sốc lớn và cần dự phòng về cả nguồn nhân lực.

Nhưng yếu tố hỗn loạn như vậy đồng nghĩa với cơ hội xuất hiện rất nhiều và rất nhanh, những nữ doanh nhân cũng phải có một nhãn quan về thương trường rất nhạy cảm để nhanh chóng tiếp cận cơ hội và dùng chính cơ hội ấy để giảm nhẹ tính hỗn loạn của thị trường. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý và đặc biệt là các doanh nhân nữ.

Thật đáng mừng là, tôi nhìn thấy sự thay đổi và thích nghi rất nhanh với sự hỗn loạn và bất ổn của thị trường trong con người doanh nhân Thái Hương. Việc bà ấy làm kinh tế dưới tán rừng là một sự thích ứng điển hình!

- Dường như, hàm ý của ông là những doanh nhân nữ, nếu chỉ dùng con tim để kinh doanh trong thời đại hỗn loạn như bây giờ thì thật khó có cơ hội thành công?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nếu làm kinh doanh theo lối đam mê, lãng mạn, nhân văn thì cũng tốt, nhưng không đủ để vượt qua được thử thách khốc liệt như vậy. Phải luôn nhớ rằng, chúng ta đang sống trong “kỷ nguyên hỗn loạn”. Cho nên, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay của thế giới đã thay đổi hẳn chiến lược quản trị theo hướng linh hoạt hơn, dễ thích ứng hơn và thường trực để chớp cơ hội được tốt hơn.

Nhiều quốc gia đã xây dựng cơ quan chống khủng hoảng. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chưa có thiết chế đó. Khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Như Covid-19 vừa rồi là khủng hoảng y tế nhưng tác động mạnh vô cùng tới kinh tế. Thậm chí, tác động y tế không lớn bằng tác động về kinh tế. Và vì thế, từ một cuộc khủng hoảng như vậy có thể dẫn đến nhiều khủng hoảng khác, như: Khủng hoảng tài chính, khủng hoảng thương mại, khủng hoảng tiền tệ… Các quốc gia có cơ quan nghiên cứu toàn diện về rủi ro, nghiên cứu được nhịp độ của hỗn loạn, dự phòng để giảm nhẹ rủi ro.

- Đâu là điều ông mong muốn các nữ doanh nhân thay đổi trong thời đại ngày nay?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Điều quan trọng nhất mà phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là những nữ doanh nhân cần lưu ý đó là: Họ thường rất nhạy bén về phương diện chiến thuật nhưng không nhạy bén về phương diện chiến lược. Nói cách khác, họ khá bảo thủ về mặt chiến lược.

Thứ hai, chính sự bảo thủ nên hành động dễ trở thành thói quen. Và khi trở thành thói quen thì rất khó thay đổi. Và để thay đổi sẽ mất rất nhiều công sức và nước mắt. Chính vì thế, họ có khả năng thích ứng chậm hơn nam giới, nhất là trong xu hướng mới về công nghệ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tìm được nhiều người tài và tập hợp được đội ngũ giúp mình thay đổi nhanh, thích ứng nhanh.

Thứ ba, phụ nữ thường lãng mạn. Ý tưởng kinh doanh bị chi phối bởi tính lãng mạn này rất lớn mà đôi khi còn xem nhẹ tính toán thực tiễn. Đặc biệt là tính toán về tài chính. Cách làm tốt nhất đó là, nếu doanh nghiệp của mình đã lớn rồi thì cần phải có một đội ngũ chuyên phân tích tài chính để đầu tư. Bất cứ ý tưởng nào cũng phải đưa cho họ để họ phân tích, tìm kiếm số liệu, phương tiện, tìm kiếm các chuyên gia có nhiều kỹ năng hơn để giúp mình phân tích chiến lược đầu tư nhanh, hiệu quả. Chí ít, họ cũng có thể đưa ra lời khuyên để cảnh báo. Chứ còn nếu cứ thấy có cơ hội nào đó mà thấy cũng hay, nhìn về lâu về dài có hiệu quả nhưng cho đến khi có hiệu quả thì đã phải trả một giá tài chính rất đắt. Ví dụ như vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu lãi cao…

Thứ tư, phải tạo ra văn hóa của công ty. Người phụ nữ thì hay tất bật suốt ngày với đủ các thứ việc. Một nhà quản trị nữ nếu quá bận rộn để đến mức chính sách cũng không nghiên cứu được, kiến thức sách vở cũng không đọc được, suốt ngày phải chạy tới, chạy lui thì rất là nguy hiểm.

Chúng ta nên nhớ rằng, người đọc sách nhiều nhất thế giới và cũng là người giàu nhất thế giới chính là ông Bill Gates. Các doanh nhân của nước Mỹ có tỷ lệ sách đọc nhiều gấp hàng chục lần giáo sư, tiến sỹ của Việt Nam. Chúng ta cần nghĩ rằng, họ không phải là những người rảnh rỗi không có việc gì làm, mà họ có một kỷ luật dành thời gian cho việc đọc sách vừa là để thư giãn, vừa là để nghiên cứu, tìm hiểu để làm phong phú thêm cho cuộc sống và hoạt động kinh doanh của họ.

Doanh nhân nữ Việt Nam có người thường tất bật, lúc nào cũng vô cùng bận rộn, không sắp được lịch nhưng đơn giản thôi bởi họ khó sắp đặt được, khó ủy thác được và không hiền tài để giúp. Giống như ông vua, “thượng vàng hạ cám” đều phải làm, từ đánh trận cho đến trị vì nơi hậu cung. Như vậy, doanh nhân nữ cần tìm những người gánh vác trách nhiệm cho mình ở những mảng lớn.

- Tôi nghĩ, doanh nhân nữ họ biết hết đấy nhưng chưa hành động thôi…

TS. Lê Xuân Nghĩa: Phụ nữ thường đa nghi (cười) nên vì thế, họ nghĩ đến chuyện nếu không phải là mình thì con em nhà mình chứ khó có thể tin ai được (cười lớn). Tư duy đó trong quy mô kinh doanh nhỏ nhất định nào đó thì còn phù hợp, chứ khi ở quy mô lớn, thì không thể như vậy được nữa. Ông Phạm Nhật Vượng là tấm gương khi chỉ quản trị chiến lược, còn tất cả các mảng khác đều có người làm. Người Việt Nam không làm được thì thuê Tây làm, chứ không ôm đồm. Bà Thái Hương cũng đang làm theo cách đó. Từ nghiên cứu chính sách, phân tích thị trường cho đến đầu tư đều có cơ quan chuyên môn. Tức là, nếu muốn đi xa thì phải có một bộ máy quản trị công việc chặt chẽ, dần dần sẽ trở thành văn hóa.

Sự phân công đó phải được hỗ trợ bởi nền tảng văn hóa. Chúng ta không tin cấp dưới bởi xây dựng văn hóa công ty quá kém. Ngược lại, nếu xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt thì anh em bên dưới cũng sống đầy lòng tự trọng chứ người ta không tham lam, khuất tất. Và thậm chí anh em bên dưới họ sẽ nhìn nhau, học tập nhau xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt. Còn nếu như văn hóa không tốt thì họ kệ, nhìn thấy hay không cũng kệ.

- Ở góc độ cá nhân, ông thấy phụ nữ thường hay đa nghi. Vây, trong chính trải nghiệm cuộc đời mình thì ông có hay va vấp phải điều đó?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đa nghi thì tôi va vấp thường xuyên (cười).

- “Lê Xuân Nghĩa đa tình lắm!”. Câu nói này khá phổ biến trong giới kinh tế và truyền thông đấy!

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đó chỉ là lời đồn thôi (cười). Có lẽ, tôi là người may mắn được nhiều phụ nữ và trẻ em yêu quý. Đó cũng là một cốt cách. Người quân tử được trọng dụng hay bị lợi dụng là như nhau. Có lẽ vì thế nên phụ nữ và trẻ em người ta thích tôi thôi (cười).

Nhiều khi, tôi biết người ta lợi dụng nhưng đó cũng là chuyện bình thường thôi, nếu nói sâu thêm sẽ không hay bởi sẽ dùng khái niệm mà một số người sẽ hiểu nhầm. Thực ra, đừng nghĩ anh được người khác sử dụng thì đấy là vinh quang và vỗ ngực về chuyện ấy. Đừng vì như vậy mà trở lại chèn ép người yếu thế lợi dụng mình, các cụ ngày xưa gọi là tiểu nhân. Chèn ép không coi họ ra gì, không cho họ bất cứ cơ hội nào ở mình, thì anh sống để làm gì? Anh chỉ là một người thừa.

Đối với tôi, được sử dụng hay bị sử dụng, là như nhau. Tôi cũng được sử dụng rất nhiều và bị lợi dụng rất nhiều, nhưng nó là như nhau (cười).

- Mối tình đầu tiên của ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Mối tình đầu tiên của tôi ở bên Tây (cười lớn).

- Với ông, phụ nữ có phải những người “nhớ lâu thù dai” không?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đúng rồi. Người đàn ông như tôi “sợ” nhất ở phụ nữ ba điều.

Một là, họ thường nhạy cảm. Người phụ nữ nhạy cảm rất khó sống, đặc biệt là sống với đàn ông. Đàn ông họ có những thói quen riêng, ví dụ thích được ngồi một mình không bị ai quấy rầy, làm việc gì ra việc ấy, hoặc họ có khả năng tập trung cao. Khi tập trung việc gì đấy thì họ thường quên việc khác và nếu người phụ nữ nhạy cảm thì cảm thấy rằng ông ý vô tâm, chỉ quan tâm tới sự nghiệp nhưng đấy là những bản năng của đàn ông. Người phụ nữ quá nhạy cảm sẽ cảm thấy đau khổ suốt ngày, cảm thấy không được quan tâm và chấp nhặt. Nhiều khi đàn ông họ không nghĩ tới điều ấy chứ không phải nghĩ tới mà không làm.

Điều “đáng sợ” thứ hai của phụ nữ trong mắt một người đàn ông, đó là sự đeo bám. Phụ nữ thường đeo bám nên khó buông bỏ. Từ, bi, hỉ họ có, nhưng mà xả thì không có. Không buông bỏ được, có gì đó họ sẽ suy nghĩ mãi và không dứt được quá khứ. Không dứt được những gì đã xảy ra, sẽ nhớ và nghĩ mãi.

Đối với người đàn ông, họ sẽ đeo bám và dẫn tới chuyện họ kiểm soát và nghi kỵ, theo dõi, khiến đàn ông cảm thấy vô cùng khó chịu. Họ mất hết tự do, mất hết sức mạnh vốn có của một người đàn ông.

Thứ ba, phụ nữ thường nhớ lâu và thù dai (cười). Ở một nghĩa nào đó, đây cũng chính là điều thứ hai, vì căn nguyên là do không buông bỏ được. Điều này khiến cuộc sống lẽ ra là bình thường nhưng lại trở nên bi kịch. Họ không biết quý trọng những gì họ đang có, mà thực ra, những gì họ đang có hiện tại là cái quan trọng nhất nhưng họ không nghĩ được điều ấy mà họ ôm cả quá khứ vào hiện tại, họ ôm cả đường xá, cơ quan lên giường (cười lớn).

Tức là khi nằm bên cạnh chồng, họ không chỉ nghĩ đến chuyện hai vợ chồng sẽ làm cái gì, họ không chỉ nghĩ về chồng, về gia đình, mà họ nghĩ và kể rất nhiều chuyện xảy ra trong ngày. Và cuối cùng, họ làm cho người chồng mất hứng thú.

- Lê Xuân Nghĩa nói về phụ nữ như vậy không sợ bị thù dai thêm sao?

TS. Lê Xuân Nghĩa: (Cười lớn). Những gì còn lại thì phụ nữ rất đáng yêu. Ba điều trên không phải không đáng yêu mà họ khiến đàn ông “sợ”. Mà “sợ” là phải thôi. Cứ cho loài người đã có trên trái đất này 10 triệu năm, tất cả đứa trẻ sinh ra đều gọi phụ nữ là Mẹ.

Đàn ông chúng ta mới chỉ được gọi là bố khoảng 3 ngàn năm nay thôi (sau thế hệ mẫu hệ), trước 3 ngàn năm đó, con có biết bố là ai đâu! (cười lớn). Cho nên, ca dao có câu: “Em lên xứ Lạng cùng anh / Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em”. Ca dao cũng chỉ gọi “Bác – Mẹ” thôi!

Tôi tin rằng, từ cổ chí kim, phụ nữ Việt Nam luôn là những người Mẹ vĩ đại của một Dân tộc vĩ đại. Chúng ta phải sống xứng đáng với Mẹ ta, với Dân tộc ta!

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! Chúc ông có ngày 8/3 hạnh phúc bên những người phụ nữ của đời mình!

08/03/2023 09:09

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top