TS. Lê Xuân Sang: Phải nỗ lực “thoát ta“ để đón khách du lịch hạng sang
Ngày 15/3/2023, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tròn một năm trước đó, đúng ngày 15/3/2022, du lịch Việt Nam chính thức "mở cửa" trở lại - một dấu mốc quan trọng, thành quả của sự nỗ lực sau thời gian dài "ngủ đông" do đại dịch Covid-19.
Sau 1 năm phục hồi và bứt phá, đến 15/3/2023, du lịch Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định, nhất là sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch nội địa. Tuy nhiên, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa. Đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước, về chậm"?
Trong giai đoạn tới, những “nút thắt” trên liệu có được tháo gỡ để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ tương xứng với tiềm năng sẵn có và hội nhập quốc tế hay không và Việt Nam cần tháo gỡ bằng cách nào?
Để cung cấp góc nhìn và giải pháp phát triển du lịch Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
PV: Tròn một năm mở cửa sau Covid-19, câu chuyện thị thực (visa) của Việt Nam dành cho khách quốc tế bị đánh giá "thiếu thân thiện" vẫn chưa có hướng giải quyết. Theo ông, visa hiện có đang là rào cản lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp tới lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hay không?
TS. Lê Xuân Sang: Theo tôi, hiện nay, visa là một trong những rào cản của ngành du lịch nước ta nhưng không phải là rào cản lớn nhất, vì điều này còn tuỳ thuộc mục đích của từng đối tượng khách du lịch. Nhưng đây cũng được xem là một trong những nút thắt quan trọng cần được tháo gỡ để giúp cho các doanh nghiệp du lịch tồn tại, hồi phục và phát triển trong bối cảnh tình hình chung hết sức khó khăn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy giảm tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới.
Hiện chính sách visa du lịch tại Việt Nam vẫn còn là trở ngại cho khách du lịch quốc tế. Số lượng quốc gia được miễn thị thực khi du lịch đến Việt Nam còn ít, chỉ khoảng 24 nước. Thời gian được miễn thị thực rất ngắn, khoảng 15 - 30 ngày. Trong khi nhiều nước đã mở rộng thời gian này đến 180 ngày. Và bên cạnh visa thì còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới lượng du khách quốc tế đến với Việt Nam.
PV: Tại hội nghị trực tuyến về phát triển du lịch diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết sẽ tăng số quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh Việt Nam, kéo dài thời hạn lưu trú, mở rộng visa điện tử. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến ngành du lịch nước ta trong bối cảnh hiện nay?
TS. Lê Xuân Sang: Từ trước đến nay, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn luôn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước. Do đó, nếu như đề xuất chính sách mới về visa được ban hành, như: Tăng số quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh Việt Nam, kéo dài thời hạn lưu trú, mở rộng visa điện tử (e-visa)… sẽ giúp tăng mạnh lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.
Do đó, nếu như đề xuất chính sách mới về visa được ban hành sẽ giúp tăng mạnh lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Ảnh minh họa
Trước mắt, chính sách này sẽ tạo điều kiện mở rộng lượng khách du lịch đến từ nhiều quốc gia, tăng thời gian lưu trú, tham quan vui chơi của du khách và đặc biệt, e-visa sẽ giúp giảm bớt các thủ tục thị thực rườm rà hay giảm sự e ngại đối với đại dịch Covid-19. Qua đó, sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện đối với ngành du lịch nước ta.
PV: Để sẵn sàng đón những cơ hội do chính sách visa rộng mở mang lại, chúng ta còn phải làm những gì để giữ chân du khách, phát triển ngành du lịch tương xứng với tiềm năng vốn có, thưa ông?
TS. Lê Xuân Sang: Để có thể phát triển du lịch Việt Nam một cách toàn diện và bền vững thì, thứ nhất, cơ quan quản lý cần đưa ra những chính sách phát triển du lịch cụ thể, bài bản và mang tính dài hạn. Cụ thể, phải giảm thiểu được tối đa các tour du lịch “0 đồng” và xây dựng một điểm đến du lịch để du khách tới nhiều lần, khắc phục tình trạng du lịch “một mùa”. Do vậy, cần có nhưng chiến lược đi sâu vào từng vấn đề của ngành du lịch, từ đó mới thu hút được lượng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Thứ hai, cơ quan quản lý Nhà nước cần có những định hướng để hoạt động du lịch phát triển tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song vẫn giữ gìn các giá trị truyền thống và bảo tồn tài nguyên du lịch của đất nước.
Thứ ba, gia tăng hàm lượng cung ứng dịch vụ, tạo ra giá trị gia tăng trong nước nhiều hơn từ ngành du lịch. Cụ thể, phải thay đổi tư duy phát triển kinh tế du lịch, giảm bớt các loại hình du lịch tạo ra ít giá trị trong nước và loại bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ tư, có sự hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng và trang bị kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ làm du lịch. Vì hiện nay, nguồn nhân lực làm du lịch vừa thiếu, vừa yếu, nhất là trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Cuối cùng, tăng cường sự phối hợp, liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương trong nước và khu vực, quốc tế; qua đó, giúp ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng vốn có.
PV: Như ông phân tích ở trên, rõ ràng chỉ mở rộng chính sách thị thực là chưa đủ. Bên cạnh việc tăng số quốc gia được miễn visa, kéo dài thời hạn lưu trú, mở rộng visa điện tử thì theo ông, du lịch Việt Nam cần làm gì để cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới?
TS. Lê Xuân Sang: Trước hết, du lịch Việt Nam phải đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch khi đến với Việt Nam bao gồm: Cảnh quan, địa điểm, loại hình du lịch… Tập trung đi sâu vào thị hiếu, sở thích của từng nhóm khách hàng, từ đó các doanh nghiệp phát triển du lịch sẽ có những chiến lược phù hợp, độc đáo với từng đối tượng và phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng như giá trị văn hoá của từng vùng miền địa phương.
Về sản phẩm du lịch, mỗi địa phương cần phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù; tăng liên kết vùng và liên kết địa phương. Từ đó, mỗi nơi sẽ điều phối để lựa chọn ra sản phẩm đặc trưng, tránh tình trạng phát triển manh mún hay có các sản phẩm na ná nhau.
Song song với đó, du lịch Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ từ phía các công ty trong nước, công ty liên kết quốc tế, đội ngũ du lịch viên và cần giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết. Tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường du lịch, đa dạng hoá dịch vụ, phối kết hợp với những ngành nghề, địa phương khác; hướng đến sự khác lạ, mới mẻ nhằm thúc đẩy sự chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam. Việc tổ chức nhiều hơn tour du lịch theo chủ đề cũng giúp thu hút du lịch hữu hiệu.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ phát triển “chóng mặt” như hiện nay, các doanh nghiệp phát triển du lịch cần áp dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số để thu hút, nâng cao hiệu quả trong việc phiên dịch, giới thiệu, quảng bá du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, cần chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, đồng thời, tập trung xây dựng chiến lược truyền thông mới về hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, ẩm thực Việt Nam - vốn ít được biết đến, thậm chí hiểu sai ở nhiều nước. Đó chính là marketing địa phương và rộng hơn là marketing quốc gia cùng với việc nâng cao sự cởi mở, thân thiện, hiếu khách.
PV: Ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng của du lịch Việt Nam, nhất là hạ tầng du lịch, văn hoá du lịch trong cuộc cạnh tranh quốc tế?
TS. Lê Xuân Sang: Dù đã có sự phát triển nhanh nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là chúng ta chưa có sự sẵn sàng cao bằng nhiều quốc gia khác.
Vì nhìn từ bối cảnh chung, so với nhiều nước, Việt Nam ta vẫn còn nhiều hạn chế vì có xuất phát điểm mở cửa nền kinh tế thị trường muộn, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế du lịch quốc tế và vẫn còn một số vướng mắc, bất cập gây kìm hãm sự phát triển ngành du lịch. Sự sẵn sàng về nhân lực ngành du lịch, phát triển sản phẩm du lịch độc đáo và liên kết du lịch tuy đã nâng cao song vẫn chưa cao so với các nước như Thái Lan, Singapore.
Lưu ý là việc thay đổi để phát triển không phải là chuyện “một sớm một chiều” mà cần những giải pháp chiến lược mang tính căn cơ, dài hạn. Tùy từng thời kỳ, phải xác định rõ, du khách đến với Việt Nam là ai, mong muốn tham quan nơi nào, ăn món gì, chơi ở đâu, mua những gì, giá trị mua sắm trong lãnh thổ Việt Nam là bao nhiêu, để qua đó có những giải pháp đáp ứng nhu cầu và đường hướng mang tính chiến lược trong dài hạn.
Hy vọng rằng, những chính sách đột phá về thị thực sẽ tạo điều kiện cho ngành du lịch thu hút được nhiều khách hơn, mở rộng được thị trường, đặc biệt các thị trường có khách chi trả cao và ở dài ngày.
PV: Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, ngành du lịch cần chuyển từ cung cấp cái mình có sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách cần. Nên hiểu chỉ đạo, định hướng này ra sao, thưa ông?
TS. Lê Xuân Sang: Trong bối cảnh khó khăn cùng nhiều thách thức mới, đòi hỏi mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp phát triển du lịch cần phải có tư duy mới, cách làm mới theo hướng cung cấp những dịch vụ du lịch mà khách cần, chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có. Nên hướng tới sự phát triển và phục vụ những dịch vụ du lịch mới mẻ, khác lạ, mang tính độc đáo và bản sắc, tạo ra nhiều hơn giá trị gia tăng cho địa phương, đất nước.
Muốn làm được điều đó thì các doanh nghiệp du lịch phải nghiên cứu về văn hoá tiêu dùng, văn hoá hưởng thụ và gu thẩm mỹ, gu ẩm thực của từng nhóm đối tượng du khách, nhất là du khách quốc tế sau giai đoạn đại dịch. Và bên cạnh việc phục vụ các dòng sản phẩm du lịch mang tính đại chúng như du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh - lễ hội, du lịch đêm, du lịch ẩm thực... thì hiện nay, ngành du lịch nước ta đã xuất hiện các dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới dựa trên đặc điểm thị hiếu của du khách như du lịch trải nghiệm, du lịch mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch xanh và/hoặc lồng ghép, kết hợp các loại hình du lịch trên.
Tất nhiên, việc phát triển du lịch được gắn kết với chiến lược bền vững của các địa phương. Kinh nghiệm Trung Quốc trong việc khoét rỗng ruột quả núi “thiêng” song vẫn giữ được sự nguyên sơ, phong cảnh thiên nhiên của vỏ/bên ngoài quả núi và vùng phụ cận là một ví dụ có thể tham khảo để phát triển du lịch trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường.
PV: Chiến lược du lịch Việt Nam đến năm 2030 đặt ba mục tiêu là chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Theo ông, giai đoạn này, du lịch Việt Nam nên ưu tiên tập trung vào đối tượng - phân khúc khách nào?
TS. Lê Xuân Sang: Phải tuỳ theo tình hình, thời điểm để phân bổ hợp lý giữa những điều mình mong muốn và những điều mình có khả năng đáp ứng. Cần thay đổi tư duy đón khách vì chúng ta có tiềm năng và tiềm lực để thu hút dòng khách trung - cao cấp chứ không còn là chăm sóc những tour du lịch “0 đồng”, nghĩa là du khách vào Việt Nam mà không chi trả trực tiếp vào ngành du lịch, doanh nghiệp trong nước.
Đối với từng quốc gia và từng đối tượng du khách thì chúng ta cần có chiến lược mang tính đa dạng hoá về chất lượng và giá cả. Cần xem xét khu vực địa lý mà khách du lịch quan tâm. Ví dụ, khảo sát của Vietnam Report cho thấy đối với du lịch trong nước, độ hấp dẫn vùng miền theo mức độ giảm dần là Miền Trung, Miền Bắc và Miền Nam. Trong khi đó, điểm đến hấp dẫn nhất trong du lịch nước ngoài là Đông Nam Á.
Cần có sự liên kết trong thu hút du lịch, liên kết địa phương, liên kết vùng miền và liên kết quốc gia. Cũng cần có sự liên kết chuỗi cung ứng, từ giao thông đến lưu trú, dịch vụ và đi sâu vào chuỗi giá trị du lịch; có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển du lịch thành công, từ đó ta sẽ có tính chủ động trong việc làm du lịch. Làm sao để vừa tăng trưởng được số lượng khách du lịch và vừa làm tăng chi tiêu của khách hàng, vừa tạo thu nhập cho người dân địa phương một cách bền vững?
Điều quan trọng là, song hành với việc phục hồi du lịch nói chung, doanh nghiệp nên dần tập trung vào những phân khúc khách hàng có tiềm năng, khách du lịch hạng trung, hạng sang. Trên thế giới, du lịch sức khỏe là một xu hướng hút dòng tiền từ du khách nhưng Việt Nam ta lại chưa khai thác tốt xu hướng này. Lưu ý là có những vấn đề thuộc về doanh nghiệp nhưng cũng có những vấn đề chỉ có Nhà nước mới có thể giải quyết, hỗ trợ được.
PV: Qua đại dịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã mất đi vị thế. Trong bối cảnh hiện tại, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp du lịch Việt?
TS. Lê Xuân Sang: Trong bối cảnh hậu Covid-19, ngoài nỗ lực phục hồi du lịch với những lợi thế sẵn có, lợi thế so sánh của mình, các doanh nghiệp cần dựa vào tính độc đáo, lợi thế cạnh tranh của riêng mình để củng cố và phát triển chất lượng dịch vụ của mình. Các doanh nghiệp cũng có thể liên kết với các công ty du lịch địa phương khác và nước ngoài. Tuỳ từng ngành, phân khúc và địa phương thì doanh nghiệp cần nghiên cứu để có cách tiếp cận phù hợp.
Doanh nghiệp phải có cho mình tầm nhìn dài hạn chứ không thể phát triển mãi với tư duy “ăn xổi” như thời gian vừa qua. Các doanh nghiệp cần có tư duy toàn cầu gắn với hiểu biết sâu địa phương trong nước. Hiểu biết hơn các nhu cầu của người du lịch là điều rất quan trọng. Nỗ lực “thoát ta”, tức thoát khỏi việc quen với cách làm cũ, thiếu chuyên nghiệp, thiếu chiến lược nâng cao sức cạnh tranh... cũng quan trọng không kém. Doanh nghiệp cần xem trọng các xu hướng gần đây và tương lai ảnh hưởng tới du lịch như số hóa trong thu hút, quản trị hoạt động du lịch, phương tiện thanh toán điện tử, du lịch sức khỏe, liên kết du lịch, du lịch bền vững… Tuy nhiên, việc xác định rõ những khó khăn của chính doanh nghiệp cũng quan trọng không kém, như sản phẩm du lịch còn đơn điệu, kém hấp dẫn; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu.
Tuy nhiên, một số bất cập, yếu kém cần sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân để xử lý hữu hiệu như: Bất cập trong quản lý điểm đến (chặt chém, giành giật khách, xả rác bừa bãi…), chất lượng thấp trong vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng không như quảng cáo, cơ sở hạ tầng vận chuyển khách thiếu, chất lượng kém…
Mong rằng, với sự quyết liệt hơn của Chính phủ, sự sáng tạo, năng động, nhạy bén và khả năng vượt khó, tầm nhìn trung và dài hạn của doanh nghiệp trong giai đoạn hậu Covid-19… sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam tiếp tục là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, tạo ra lợi nhuận cao cho doanh nghiệp và tạo thu nhập cho người dân, gìn giữ bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên… trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!