Aa

TS. Lưu Bích Hồ: Tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng còn lớn

Chủ Nhật, 24/06/2018 - 21:01

Trả lời phỏng vấn của Reatimes, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, tốc độ phát triển của loại thị trường này rất khả quan, tăng trưởng tín dụng lên đến trên 60%/năm trong năm 2016, 2017. Tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

PV: Thị trường cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đang ngày càng phát triển với nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường này?

TS. Lưu Bích Hồ: Qua những diễn biễn của thị trường cho vay tiêu dùng năm 2016 và 2017 cho thấy tốc độ phát triển của loại thị trường này rất khả quan, tăng trưởng tín dụng lên đến trên 60%/năm. Tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Đó chính là tiềm năng để phát triển của thị trường này, kể cả của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính.

Vấn đề chỉ là đưa các hoạt động của thị trường đi vào quy củ hơn, bảo đảm an toàn và lợi ích hợp lý của cả bên vay và cho vay, bảo đảm an ninh của hệ thống ngân hàng và tín dụng trong khi chúng ta đang đẩy mạnh tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

TS. Lưu Bích Hồ.

TS. Lưu Bích Hồ.

PV: Trả lời phỏng vấn báo chí, ông từng nói rằng: “Không có một nền kinh tế nào lại không có thị tường tài chính tiêu dùng. Nó là một thước đo, là sức sống của nền kinh tế”. Vậy ở Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng đang đóng vị trí và vai trò ra sao, thưa ông?

TS Lưu Bích Hồ: Thị trường tài chính tiêu dùng đang thật sự có vị trí vai trò quan trọng ở nước ta trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN một cách đồng bộ và tiến dần lên hiện đại. Thực tế cũng thấy rõ qua tình hình tăng trưởng kinh tế năm 2017 đã thể hiện sự đóng góp của tiêu dùng trong tăng trưởng là rất lớn. Tình hình này chắc chắn sẽ còn tiếp tục diễn ra trong năm 2018 và những năm tới.

PV: Tính đến nay, vẫn có một bộ phận người dân cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính vẫn còn quá cao. Ông nhận định ra sao về phản ánh này của người dân?

TS Lưu Bích Hồ: Tôi cho rằng tình hình này cần được Ngân hàng Nhà nước đánh giá toàn diện và cụ thể, chính xác hơn. Điều này cho thấy hệ thống quản lý ngân hàng và các tổ chức tín dụng của ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng kịp nhu cầu phát triển vừa nhanh vừa bền vững, giữ ổn định trong phát triển, đặc biệt không để tình trạng đẩy lãi suất cho vay tiêu dùng lên cao ngất ngưởng và tạo rủi ro cho hệ thống ngân hàng tín dụng cũng như không để xảy ra tình trạng bong bóng trên thị trường bất động sản.

Về phía người vay tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết cần thiết trong khi sử dụng dịch vụ này sao cho đúng pháp luật và các quy định, tính toán cẩn thận khi vay để có hiệu quả và trả được nợ.

PV: Làm thế nào để các công ty tài chính tiêu dùng nhận được sự tín nhiệm của người dân cũng như đâu là cách thức để các công ty tài chính tiêu dùng và người dân tiếp cận được với nhau?

TS Lưu Bích Hồ: Các công ty tài chính cần hoạt động theo đúng pháp luật và các quy định của Ngân hàng nhà nước, đồng thời NHNN cũng kịp thời bổ sung hoàn chỉnh các quy định còn chưa có được đặt ra trong thực tế hoạt động của các công ty tài chính khi cho vay tiêu dùng. Các công ty tài chính cần luôn luôn theo đuổi và đề cao việc thực hiện nguyên tắc kinh doanh phục vụ người dân, phục vụ xã hội, xem việc bán các sản phẩm tín dụng cũng như bán hàng hóa và dịch vụ công khác không chỉ để mưu cầu lợi nhuận trên hết.

Về phía người vay tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết cần thiết trong khi sử dụng dịch vụ này sao cho đúng pháp luật và các quy định, tính toán cẩn thận khi vay để có hiệu quả và trả được nợ. Cả hai phía đều không thể vì chỉ vay tín chấp mà coi nhẹ việc bảo đảm các quy định cần thiết. Đặc biệt phải chống tình trạng lừa đảo trong hoạt động cho vay.

PV: Theo ông, cần có những giải pháp nào để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng?

TS Lưu Bích Hồ: Bên cạnh những giải pháp tôi vừa nêu trên, NHNN cần tăng cường quản lý hoạt động của các quỹ tài chính để vừa phát huy được tốt hơn vai trò của các tổ chức này còn nhiều tiềm năng, vừa bảo đảm được hiệu quả hoạt động. tránh được rủi ro. Các quỹ tài chính cần tự mình củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động, chú ý năng lực và phẩm chất nhân sự; sớm đi nhanh vào áp dụng công nghệ thông tin hiện đại theo hướng công nghệ 4.0 để bảo đảm chất lượng hiệu quả cao, giảm chi phí, thuận lợi hóa hoạt động của mình với khách hàng…

Xin cảm ơn ơn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top