Aa

TS Nguyễn Trí Hiếu: Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi gõ cửa ngân hàng

Thứ Bảy, 18/05/2019 - 21:00

Nếu ngân hàng cứ cứng nhắc theo kiểu đòi tài sản thế chấp thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ khát vốn sẽ khó có thể tiếp cận nguồn tín dụng...

TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Trí Hiếu tại Hội thảo về Cải cách hành chính ngành ngân hàng diễn ra ngày 16/5.

Tiếp tục trao quyền chủ động cho Ngân hàng Thương mại

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, những năm qua, các ngân hàng đã cải cách hành chính theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, dịch vụ chuyển tiền, kiều hối và các dịch vụ thanh toán khác… Điều này đã giúp các ngân hàng cắt giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ.

Các ngân hàng cũng cung cấp thông tin đầy đủ tới khách hàng; phối hợp trong nội bộ để xử lý kịp thời phản ánh, khiếu nại của khách hàng về chất lượng và giá cả dịch vụ…

Liên tiếp trong 4 năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn dẫn đầu các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính. Bên cạnh đó, chỉ số “tiếp cận tín dụng” năm 2018 của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ tư trong khu vực ASEAN.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, thời gian tới, các ngân hàng phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa; phát huy sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại đưa ra các sản phẩm tiện ích đa dạng. Đồng thời, các ngân hàng phải có những đề xuất, tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương thực hiện quyết liệt hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ số, chuỗi khối (blockchain)… trong các dịch vụ của ngành.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng cũng phải tự chịu trách nhiệm đối với khoản cho vay của mình để tránh tình trạng nợ xấu tăng thêm cho nền kinh tế. Các ngân hàng tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn vốn, hạn chế rủi ro trong hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khi gõ cửa ngân hàng

Theo các chuyên gia tài chính, mục tiêu cải cách hành chính của ngành ngân hàng phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm. Do đó, cải cách phải tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ hiện nay rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nguyên nhân là vì vướng vào cơ chế tín dụng, muốn vay vốn nhưng phía các ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp mới được vay.

"Nhiều khách hàng chia sẻ với tôi, doanh nghiệp của họ có phương án hoạt động tốt, có hàng tồn kho, có khoản thu nợ khách hàng, có thị trường… nhưng lại khá thiếu vốn vì không vay được. Thế là tôi chạy đi gặp lãnh đạo ngân hàng, nhưng họ chỉ chịu thế chấp khoản phải thu cho các “ông lớn” còn những doanh nghiệp nhỏ thì không dám", ông Hiếu kể.

Theo ông Hiếu, đã đến lúc các ngân hàng Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ, tức là nguyên tắc "cho vay theo công thức và tài trợ dựa vào tài khoản", hình thành tập quán cho vay căn cứ trên khoản phải thu và hàng tồn kho.

“Ngân hàng Nhà nước nên xây dựng tiêu chí xếp hạng tín dụng cho hệ thống ngân hàng và cá nhân, để tạo cơ sở đánh giá cho vay. Ở Hoa Kỳ, dựa vào xếp hạng tín dụng, ngân hàng chỉ cho vay trong vòng chưa tới 5 phút. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có biện pháp tăng cường bảo lãnh tín dụng vì các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương hoạt động chưa hiệu quả. Có như thế thì các doanh nghiệp nhỏ mới tiếp cận được nguồn vốn để phát triển, kể cả người dân muốn vay vốn cũng dễ hơn”, ông Hiếu chia sẻ.

Không thể “một mình một ngựa”!

Từ góc độ nhà tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho giới doanh nghiệp, luật sư Vũ Quyết Tiến (Công ty Luật Globalink) cho rằng cải cách trong ngân hàng sẽ đạt hiệu quả tốt hơn khi các bộ ngành cùng nhau tháo gỡ các nút thắt. Trong đó, đáng chú ý là các vướng mắc về quản lý tiền tệ do khác biệt pháp lý giữa luật pháp Việt Nam và luật pháp các nước.

Theo ông Tiến, từng có doanh nghiệp “mắc kẹt” với quy trình chuyển vốn ra nước ngoài nhằm mục đích đầu tư vào hộ kinh doanh cá thể ở Phần Lan, nơi thừa nhận tài khoản của loại hình doanh nghiệp này gắn liền với tư cách cá nhân. Thế nên, dù đã có xác nhận của Ngân hàng Nhà nước cho phép chuyển vốn ra nước ngoài nhưng Ngân hàng thương mại lại “bắt bẻ” rằng tiền phải được chuyển vào đúng tài khoản của dự án, không phải là tài khoản cá nhân.

Nói thêm về thủ tục đầu tư ra nước ngoài, người đại diện Globalink cũng cho rằng thực tế thời gian để doanh nghiệp hoàn tất một thủ tục hành chính luôn dài hơn lý thuyết.

Cụ thể, quy định về đầu tư ra nước ngoài nói nhà đầu tư sẽ được cấp phép trong 15 ngày kể từ lúc nộp đủ hồ sơ, nhưng hãng luật thường mất từ 30 - 60 ngày mới hoàn thành. Sau đó là giai đoạn nhà đầu tư sang Ngân hàng Nhà nước để làm thủ tục xin chuyển vốn đi, nếu “may mắn” mới có thể lấy được xác nhận ấy trong 10 ngày như quy định.

Tiếp theo là “phần việc” của Ngân hàng thương mại… “Với ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay, liệu có thể rút ngắn thời gian đăng ký thủ tục hành chính của nhà đầu tư không? Có thể cho nhà đầu tư đăng ký thủ tục hành chính trực tuyến không? Thủ tục này có cần thiết phải duy trì hay không?”, vị luật sư đặt câu hỏi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top