TS. Nguyễn Văn Đáng: "Khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá cần gắn liền với xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi"

TS. Nguyễn Văn Đáng: "Khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá cần gắn liền với xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi"

Hà Thương (Thực hiện)
Hà Thương (Thực hiện) ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 10/10/2023 - 06:00

Để hóa giải những biểu hiện “trì trệ công quyền” hiện nay, bên cạnh khuyến khích, bảo vệ cán bộ đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được quy định tại Nghị định 73/2023/NĐ-CP, cũng cần nghiêm khắc xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi.

******

Câu chuyện sợ trách nhiệm đã được nói đến từ lâu nhưng có lẽ chưa khi nào chủ đề này lại “nóng” như thời gian gần đây. Không chỉ xảy ra ở các bộ, ngành, thành phố lớn, tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh cũng xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước.

Nếu không được hóa giải, tâm thế “an phận, thủ thế” có thể khiến cho việc giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp bị đình trệ; kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đáng nói, đây cũng là yếu tố có thể bào mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước. 

Vì vậy, sau nhiều lần làm nóng nghị trường Quốc hội, cùng với những kiến nghị cần có cơ chế bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”, ngày 29/9 vừa qua, Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã được ban hành.

Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, nhà nghiên cứu quản trị công và chính sách, hiện đang công tác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nghị định 73 là điểm tựa pháp lý để cán bộ tích cực phát huy trí tuệ, năng lực, mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, để hóa giải hoàn toàn những biểu hiện "trì trệ công quyền", công phá được căn bệnh sợ trách nhiệm, bên cạnh khuyến khích, bảo vệ cán bộ đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm được quy định tại Nghị định 73, cũng cần nghiêm khắc xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi. 

TS. Nguyễn Văn Đáng: \"Khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá cần gắn liền với xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi\"- Ảnh 3.

PV: Là một nhà nghiên cứu quản trị công và chính sách, ông nhìn nhận như thế nào về Nghị định 73/2023/NĐ-CP mới được ban hành?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Trong bối cảnh hệ thống công quyền đang có những dấu hiệu trì trệ, thiếu linh hoạt thì sự ra đời của Nghị định 73 là rất cần thiết. 

Nghị định 73 thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc cần thúc đẩy bộ máy công quyền năng động, sáng tạo, chuyển động nhanh hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng của nền kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Nghị định 73 cũng tạo cơ sở pháp lý cho cán bộ, tổ chức muốn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì công việc chung.

Trước đây, chúng ta chỉ mới khuyến khích chung chung mà chưa có các quy định pháp lý cụ thể nên rất khó để cán bộ có thể đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nhưng hiện nay, với sự ra đời của Nghị định 73, có thể xem đây là một điểm tựa để cán bộ tích cực phát huy trí tuệ, năng lực, mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đồng thời cũng hạn chế tối đa việc lợi dụng chủ trương khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo để thực hiện hoặc bao che cho những hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

TS. Nguyễn Văn Đáng: \"Khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá cần gắn liền với xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi\"- Ảnh 4.

PV: Theo ông, chúng ta nên hiểu như thế nào về khái niệm “cán bộ đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Khoản 3, Điều 3 của Nghị định 73 xác định cán bộ dám đột phá là người có ý tưởng, đề xuất hành động để “tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương”. Như vậy, có thể hiểu khái quát, “cán bộ đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” là những người có ý tưởng và đề xuất hành động khác với các quy định hiện có do các cơ quan thuộc hệ thống hành pháp ban hành.  

Trong đó, sáng tạo hay đổi mới là tư duy và hành động khác so với những gì đang tồn tại hiện nay, tiến bộ hơn. Kết quả và tác động từ sự sáng tạo phải thúc đẩy cái mới, không bị gò bó, phụ thuộc vào cái đã có, từ đó tạo ra những kết quả tích cực, đóng góp những giá trị mới.

Còn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là người cán bộ có đủ tự tin để nghĩ, để nói, để làm, để chịu trách nhiệm về việc gì đó, dù biết là khó khăn và nhiều rủi ro. Trên thực tế, người dám nghĩ và có thể tư duy về cái mới đã ít, người dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung còn ít hơn. Bởi từ ý tưởng, suy nghĩ đến hành động là một khoảng cách rất xa, có rất nhiều rào cản. 

Không ít người có ý tưởng hay, nêu ra thuyết phục và họ phân tích được hành động dự kiến nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đề xuất triển khai do họ nhìn thấy được những khó khăn, rào cản khi thực hiện, trong khi kết quả đạt được chưa chắc đã đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân. Vì vậy, nếu không có các giải pháp khuyến khích mạnh mẽ để chuyển từ ý tưởng sang hành động cho cá nhân, tổ chức thì ý tưởng sẽ mãi chỉ là ý tưởng. 

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn những rào cản hiện nay làm ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ có ý tưởng đột phá, sáng tạo?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Theo nhìn nhận của tôi, hiện nay đang có 3 rào cản chính. 

Thứ nhất là rào cản về tâm lý, gồm tâm lý của người đứng đầu và tâm lý đồng nghiệp trong cùng đơn vị. Đột phá là làm khác các quy định hiện hành, làm khác với thông thường. Liệu rằng tâm lý những người xung quanh có muốn làm khác như thế hay không? Nếu chỉ số nhỏ cán bộ trong đơn vị ủng hộ thì người muốn sáng tạo, đột phá sẽ trở thành thiểu số. Mặc dù không ai phản đối ý tưởng sáng tạo, đột phá nhưng thái độ im lặng hoặc không ủng hộ sẽ có thể khiến cá nhân muốn đột phá nản chí.

TS. Nguyễn Văn Đáng: \"Khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá cần gắn liền với xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi\"- Ảnh 5.
Không ít cán bộ có ý tưởng hay, nêu ra thuyết phục và họ phân tích được hành động dự kiến nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đề xuất triển khai do họ nhìn thấy được những khó khăn, rào cản khi thực hiện. (Ảnh minh họa)

Về phía người đứng đầu, liệu rằng họ có sẵn sàng tâm lý để ủng hộ cán bộ của mình sáng tạo, đột phá? Bởi cho phép làm khác với các quy định hiện hành thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, mất nhiều thời gian hơn trong việc đốc thúc, đánh giá, giám sát trong khi lợi ích cho chính họ thì có thể chưa rõ ràng. Hơn nữa, cho dù cấp dưới trình bày đầy đủ cơ sở cho tính khả thi và kết quả tích cực tiềm năng của một ý tưởng đột phá, thì liệu người đứng đầu có vượt qua được cái tôi, lo sợ cấp dưới thành công và nổi bật hơn mình hay không? 

Thứ hai là rào cản lợi ích. Sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung có nghĩa là đem lại lợi ích cho cơ quan, đơn vị, lợi ích của lĩnh vực hoặc rộng ra là cộng đồng. Như vậy, việc sáng tạo đó là đem lại lợi ích cho người khác chứ không chắc sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho những người thực hiện. Với cơ quan Nhà nước, người thực hiện đôi khi chỉ đơn thuần được ghi nhận và khen thưởng. 

Vì vậy, cán bộ sẽ có sự cân nhắc giữa lợi ích đem lại cho mọi người và đem lại cho mình khi thực hiện đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đem lại lợi ích chung nhưng không đem lại lợi ích cụ thể cho cá nhân trong đơn vị thì cũng không chắc sẽ tạo ra nhiều động lực tham gia cho các thành viên cơ quan. Đó là chưa tính đến khả năng những đề xuất thay đổi cũng có thể làm giảm bớt lợi ích của chính các thành viên trong cơ quan thì cũng sẽ không được ủng hộ.

Thứ ba là rào cản về thể chế. Sáng tạo, đột phá là làm khác so với thông thường nên các quy định hiện tại có thể chưa cho phép điều đó. Vì vậy, hầu hết các sáng tạo đột phá thường xung đột với các quy định hiện hành, đặc biệt là các quy định pháp luật, chưa kể còn những thông lệ bất thành văn. Nếu cá nhân vẫn muốn thực hiện thì buộc phải đi hỏi các cấp cao hơn, vừa mất thời gian trong khi cơ quan các cấp cũng có thể không dám khẳng định nên hay không nên thực hiện sáng tạo, đột phá đó. 

TS. Nguyễn Văn Đáng: \"Khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá cần gắn liền với xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi\"- Ảnh 6.

PV: Trên đây ông có nói hệ thống công quyền hiện nay đang có biểu hiện trì trệ, thiếu linh hoạt. Ông có thể phân tích rõ hơn?   

TS. Nguyễn Văn Đáng: Dạo gần đây xuất hiện những câu nói cửa miệng như “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, “làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm không sai”. Những câu nói vui nhưng không ngẫu nhiên xuất hiện. Nó phải phản ánh một thực tế nào đó đang tồn tại bên trong hệ thống công quyền ở nước ta hiện nay. Theo như quan sát của tôi, đó là hiện tượng e ngại, thủ thế, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. 

Tại các kỳ họp Quốc hội, hội nghị Trung ương, thực tế này cũng được nhắc đến rất nhiều. Đơn cử như trong Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV (31/5), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thẳng thắn thừa nhận, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ không chỉ diễn ra đơn lẻ mà đang diễn ra ở nhiều địa phương, ở cả một số bộ, ngành Trung ương. Tình trạng này thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp...

Thật ra, những biểu hiện sợ sai, sợ trách nhiệm, thủ thế của cán bộ không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có từ trước đây. Tuy nhiên, dạo gần đây "căn bệnh" này mới trở nên trầm trọng và có biểu hiện lan rộng hơn. Điều này khiến cho việc giải quyết nhiều công việc chính đáng của người dân, doanh nghiệp bị đình trệ; gây tác động tâm lý không tích cực; có thể kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nếu không nhanh chóng hóa giải, tâm thế “sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm” có thể bào mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước.

PV: Tại sao quản lý đất đai, bất động sản lại là một trong những lĩnh vực khiến cán bộ mang nặng tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm khi thực thi công vụ, thưa ông? 

TS. Nguyễn Văn Đáng: Rất rõ ràng, đất đai là một vấn đề phức tạp, được quy định trong nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản… Tuy nhiên, các quy định liên quan đến đất đai trong mỗi luật vẫn còn chưa hoàn chỉnh và thiếu thống nhất. 

Có thể nhận thấy hai bất cập lớn liên quan đến các quy định của chính sách đất đai hiện nay. Thứ nhất là nhiều khái niệm mù mờ, cho nên có thể hiểu và diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Thứ hai là nhiều quy định chồng chéo, thiếu tính đồng bộ, thậm chí là xung đột nhau. Khi soạn thảo, cơ quan soạn thảo của luật nào thường chỉ tập trung vào luật đó mà chưa đặt vào tổng thể, tương quan với các luật có liên quan. Vô hình trung, cùng một đối tượng, một vấn đề nhưng mỗi luật lại có những quy định vênh nhau, có khi là xung đột nhau. 

TS. Nguyễn Văn Đáng: \"Khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá cần gắn liền với xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi\"- Ảnh 7.

Thực tế nêu trên dẫn đến những khó khăn cho cán bộ các cấp trong việc giải quyết các thủ tục quản lý hành chính, cấp phép đầu tư. Thông thường, khi gặp vấn đề gì khó quyết định thì cán bộ có xu hướng đi hỏi cấp cao hơn. Vì vậy, trung bình một dự án bất động sản có thể phải mất 2 - 3 năm, thậm chí là 5 năm mới xong thủ tục. Đó cũng là một lý do khiến nguồn cung bất động sản hạn chế qua mỗi năm, cung không đáp ứng được cầu trên thị trường hiện nay. 

PV: Bên cạnh hệ thống pháp luật có nhiều bất cập thì còn nguyên nhân nào khác khiến cán bộ thủ thế khi thực thi chính sách liên quan đến đất đai, bất động sản?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Hiện tượng sợ sai, sợ trách nhiệm xảy ra mạnh mẽ trong khoảng 2-3 năm trở lại đây trùng hợp với giai đoạn các hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Rất nhiều cán bộ từ Trung ương đến địa phương đã phải “tra tay vào còng”, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao đang đương chức cũng đã bị xử lý, cán bộ đã hết nhiệm kỳ vẫn bị tước hết chức vụ trong Đảng, thậm chí truy tố. Chúng ta không khẳng định các nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các biểu hiện trì trệ hay không nhưng rõ ràng, giữa chúng có mối liên hệ nhất định. 

Vì vậy, có thể xem việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang là một trong những yếu tố bối cảnh có thể khiến cán bộ trở nên e dè, thận trọng hơn, thậm chí né tránh thực thi chính sách trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là thực thi chính sách trong các lĩnh vực phức tạp như quản lý đất đai. 

Tất nhiên, hiện tượng cán bộ thủ thế, chỉ làm tròn vai để giữ mình còn có liên quan đến nguyên nhân muôn thuở là chế độ đãi ngộ còn thấp nên họ không thực sự cống hiến qua công việc. Thay vào đó, không ít người công khai suy nghĩ “làm đến đâu hay đến đó, hết giờ thì về”. 

TS. Nguyễn Văn Đáng: \"Khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá cần gắn liền với xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi\"- Ảnh 8.

PV: Khi chưa hoàn thiện việc sửa chữa đồng bộ các quy định của pháp luật, việc ban hành Nghị định 73 liệu  chữa được bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ hiện nay hay không, theo ông?

TS. Nguyễn Văn Đáng: Nghị định 73 khẳng định quan điểm rõ ràng của Đảng, Chính phủ trong việc khuyến khích, bảo vệ các ý tưởng sáng tạo, đột phá của cán bộ. Nghị định cũng đã cung cấp một phương tiện pháp lý để các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thể dựa vào đó thực hiện ý tưởng sáng tạo, đột phá một cách bài bản, đúng quy trình và được bảo vệ. 

Tuy nhiên, để nói đã đủ mạnh để "công phá", chữa trị tận gốc "căn bệnh" sợ sai, sợ trách nhiệm hay chưa, thì tôi cho là chưa. Chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động của Nghị định đến tâm lý và hành động của cán bộ. Bởi như tôi đã nói, chủ trương là như vậy, thể chế là như vậy nhưng thực tế sẽ có nhiều rào cản, cho nên sẽ không hề đơn giản nếu ai đó muốn thực hiện sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm. Tôi cho rằng, để đánh giá chính xác tác động của Nghị định 73 thì cần thêm thời gian, có thể là 1-2 năm nữa. 

Hơn hết, Nghị định 73 là cần thiết nhưng chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. Căn cơ hơn chính là việc hiện đại hóa bộ máy công quyền theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, trong đó có thể vận dụng những kỹ năng, nguyên tắc quản lý của khu vực tư nhân vào khu vực công, đẩy mạnh hợp tác công tư. Chỉ khi hiện đại hóa đồng bộ hệ thống công quyền thì khu vực công mới có thể chuyển động như kỳ vọng, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể kỳ vọng rằng, Nghị định 73 trước hết sẽ góp phần thay đổi tâm lý cán bộ theo hướng tích cực. Chúng ta có cơ sở để mong đợi những tấm gương đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm sẽ xuất hiện sau một thời gian Nghị định 73 được áp dụng. 

PV: Để Nghị định 73 phát huy tác dụng, theo ông, yếu tố nào cần lưu tâm nhất? 

TS. Nguyễn Văn Đáng: Một đặc điểm then chốt của cấu trúc quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay là quyền lực được tổ chức tập trung và thống nhất. Tại mỗi cơ quan, đơn vị trong khu vực Nhà nước, người đứng đầu thường cũng đảm nhiệm cả hai vai trò: lãnh đạo chính trị (Bí thư) và lãnh đạo hành chính, chuyên môn (thủ trưởng). Vì thế, người đứng đầu và rộng ra là thành viên Ban lãnh đạo đơn vị sẽ giữ vai trò then chốt với khả năng sáng tạo, đột phá. 

TS. Nguyễn Văn Đáng: \"Khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá cần gắn liền với xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi\"- Ảnh 9.
Vai trò của người lãnh đạo là rất quan trọng để thúc đẩy cơ quan, đơn vị, cá nhân sẵn sàng đổi mới, sáng tạo. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Nếu người đứng đầu và thành viên Ban lãnh đạo luôn cởi mở trong việc khuyến khích sáng tạo, đột phá thì cơ quan, đơn vị đó rất dễ triển khai. Nhưng khi Ban lãnh đạo, nhất là người đứng đầu e ngại đối diện thách thức, lảng tránh những vấn đề trì trệ của đơn vị, không sẵn sàng thay đổi thông qua thử nghiệm cái mới thì mọi ý tưởng về đổi mới, sáng tạo rất khó để thực hiện. 

Trên thực tế, những người năng động, nhiều ý tưởng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và có thể làm thường thuộc về thiểu số bởi họ tư duy và hành động khác, thậm chí ngược với số đông còn lại trong đơn vị. Đa phần họ trăn trở cho sự nghiệp chung, muốn công việc trôi chảy hơn, kết quả tốt hơn nên họ luôn rất sốt sắng. Vì thế, những người muốn đột phá không chỉ dễ có thái độ phê phán, bức xúc với những biểu hiện trì trệ, mà còn luôn chủ động nêu vấn đề, đề xuất những ý tưởng và hành động mới. Do đó, họ khó tránh khỏi những sơ suất trong phát ngôn và hành động, và dễ bị đồng nghiệp, cấp trên nhìn nhận là thiếu tích cực, thiếu thiện cảm, thậm chí có thể bị tập thể quy chụp, ghét bỏ, trù dập. 

Khi đó, người đứng đầu cơ quan phải là người có tầm nhìn xa hơn những thành viên trong đơn vị, hết sức công tâm, rộng lượng, dám đối diện với những thách thức nảy sinh trong công việc và đứng ra chịu trách nhiệm cùng với cán bộ của mình, bảo vệ cái đúng, cái mới. 

Vì vậy, để Nghị định 73 phát huy tác dụng, tôi cho rằng cần lưu tâm hàng đầu là vai trò của người đứng đầu, rộng hơn là ban lãnh đạo mỗi đơn vị. Khi người đứng đầu cởi mở với sự năng động, sáng tạo thì Nghị định 73 cũng sẽ được họ phổ biến rộng rãi với cấp dưới, với toàn cơ quan. Căn cứ vào đặc thù của từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị, họ sẽ ban hành những văn bản dưới Nghị định để hướng dẫn thực hiện Nghị định. 

PV: Bên cạnh khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, phải chăng cũng nên nghiêm khắc xử lý thói lười biếng, trì trệ để lành mạnh hóa hệ thống công quyền, thưa ông? 

TS. Nguyễn Văn Đáng: Đúng vậy, cùng với việc khuyến khích, bảo vệ sự đột phá thì cũng cần xử lý nghiêm thói lười biếng, trì trệ. Bởi một người sáng tạo, đột phá nhưng có tới ba người lười biếng, ngại thay đổi thì dần dà sẽ chẳng có ai muốn, thậm chí muốn cũng khó có thể triển khai sự đột phá. 

TS. Nguyễn Văn Đáng: \"Khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá cần gắn liền với xử lý thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi\"- Ảnh 10.

Thói lười biếng, tâm thế ngại thay đổi là đồng minh của tình trạng trì trệ nhưng lại là kẻ thù của sự sáng tạo, đột phá. Vì thế, nếu xử lý được thói lười biếng, đẩy lui được tâm thế ngại thay đổi, thì bối cảnh tự nhiên sẽ khuyến khích, tạo không gian cho cán bộ muốn đột phá để cống hiến. 

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top