TS. Trương Văn Phước chỉ ra cách vực dậy “người lái xe“ và “chiếc xe bị đổ bên đường“

TS. Trương Văn Phước chỉ ra cách vực dậy “người lái xe“ và “chiếc xe bị đổ bên đường“

Ngọc Nữ
Ngọc Nữ nunn3006@gmail.com
Thứ Hai, 13/03/2023 - 06:12

Theo TS. Trương Văn Phước, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 08, cần sự vào cuộc đồng bộ, nhất quán và quyết liệt từ tất cả các bên.

***

Sau thời gian lấy ý kiến và hoàn thiện, ngày 5/3/2023, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (gọi tắt là Nghị định 08) đã được Chính phủ ban hành.

Phản ứng của thị trường đối với việc ban hành Nghị định 08 diễn ra gần như ngay lập tức. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tăng trần, phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư và thị trường trước những hành động của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, đây mới chỉ là những hành động ban đầu, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính tình thế trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thêm những câu hỏi được đặt ra là Nghị định 08 ra đời sẽ có tác động như thế nào đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp? Để Nghị định 08 phát huy hiệu quả, quá trình triển khai thực hiện cần những lưu ý gì? Cần phải làm gì để giải quyết tận gốc những tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với TS. Trương Văn Phước, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia để góp phần làm sáng tỏ những câu hỏi trên.

PV: Nghị định 08 vừa được Chính phủ ban hành đã trở thành tâm điểm kỳ vọng của mọi chủ thể tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những ngày vừa qua. Ông có góc nhìn ra sao về ý nghĩa của việc ban hành chính sách mới trong bối cảnh hiện nay?

TS. Trương Văn Phước: Cần khẳng định rằng việc ban hành Nghị định 08 sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định số 65/2022/NĐ-CP là hết sức kịp thời trong điều kiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay. Từ nửa cuối năm 2022, những trục trặc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng không chỉ tới thị trường tài chính mà còn cả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Do vậy, Nghị định 08 đã ra đời và được đón nhận trong một tâm trạng chờ đợi và kỳ vọng của cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu lẫn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để những quy định của Nghị định 08 đi vào thực tiễn và đem lại hiệu quả, giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuyển qua một trạng thái phát triển mới, thông suốt, an toàn, hiệu quả và bền vững hơn thì còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác.

Nghị định 08 trái phiếu

PV: Theo ông, cần tổ chức thực hiện chính sách này như thế nào để mang lại hiệu quả như kỳ vọng?

TS. Trương Văn Phước: Bất kỳ chính sách nào cũng cần trải qua 2 giai đoạn có tầm quan trọng như nhau là xây dựng và triển khai. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới quá trình triển khai Nghị định 08 trong thực tiễn. Cũng vẫn là những câu chữ trên Nghị định đó, nhưng chính sách có mang lại thành công hay không phụ thuộc nhiều vào sự triển khai của con người! Đó là những ai, có trách nhiệm gì, cần sử dụng công cụ nào và phối hợp với nhau ra sao để giải quyết được những vấn đề đang hết sức nóng bỏng trên thị trường. Tôi muốn đề cập cụ thể tới 4 chủ thể tham gia và triển khai Nghị định 08:

Trước hết là chủ thể Nhà nước với vai trò hành pháp của Chính phủ;

Thứ hai là vai trò của Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì, xây dựng Nghị định này và chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thị trường trái phiếu doanh nghiệp;

Chủ thể thứ ba là các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, những chủ thể đã phát hành lượng lớn trái phiếu riêng lẻ trong ba năm gần đây đang đứng trước áp lực phải thanh toán gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn;

Và chủ thể thứ tư chính là các nhà đầu tư trước đây đã bỏ tiền mua trái phiếu để tìm kiếm lợi nhuận với mong muốn hiện nay là làm sao quyền lợi của mình được bảo đảm.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới nhiều chủ thể khác có quan hệ mật thiết với thị trường trái phiếu doanh nghiệp như cơ quan nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa; các quy định của pháp luật đối với thị trường bất động sản, hoạt động kinh doanh ngân hàng, công ty đầu tư tài chính… Như vậy, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 08 và các quy định khác điều tiết thị trường trái phiếu doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiện chí và hành động cụ thể của nhiều chủ thể với vai trò, trách nhiệm và quyền lợi hết sức đa dạng.

nghị định 08 trái phiếu
Thị trường trái phiếu chưa phát triển đồng bộ với thị trường tiền tệ, bất động sản. (Ảnh minh họa)

PV: Ông có đề cập tới việc cần phải giải quyết các trục trặc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự phát triển “chưa hoàn hảo” của thị trường? Và Nghị định 08 có giải quyết được nguyên nhân sâu xa đó hay không?

TS. Trương Văn Phước: Để tìm ra căn nguyên, cần trả lời được câu hỏi “vì sao doanh nghiệp đi vay vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại phát sinh ra nhiều vấn đề, rủi ro nằm ngoài ý muốn đến thế?”. Trong khi đó, doanh nghiệp khi đi vay vốn từ thị trường tín dụng truyền thống lại có vẻ được xử lý phần nào thông suốt và tròn trịa hơn. Về nguyên tắc, dù doanh nghiệp đi vay thông qua phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán hay thông qua hệ thống ngân hàng thương mại thì cũng vẫn là việc doanh nghiệp vay tiền để đem vào sản xuất kinh doanh, tạo ra nguồn thu đủ để chi trả lãi, gốc và có được một khoản lợi nhuận.

Vấn đề ở đây là sau hơn 35 năm hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng thị trường tài chính còn nhiều điểm phát triển chưa tương xứng. Thị trường trái phiếu chưa trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, chưa phát triển đồng bộ với thị trường tiền tệ, bất động sản. Nói như vậy để chúng ta nhìn nhận đúng với thực tế những tồn tại, hạn chế đang xảy ra để có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề cho phù hợp.

Có thể ví von rằng nếu một chiếc xe bị đổ khi đang lưu thông trên đường, thì chúng ta không nên hoàn toàn trách cứ người này lái xe cẩu thả, thiếu luyện tập, không tuân thủ luật giao thông… mà câu chuyện cần kíp là với “chiếc xe đang bị đổ bên đường”, chúng ta phải làm gì?

CHÍNH PHỦ ĐANG DẪN DẮT THỊ TRƯỜNG ĐỠ "NGƯỜI LÁI XE" VÀ "CHIẾC XE BỊ ĐỔ BÊN ĐƯỜNG"

PV: Như vậy, việc cần kíp lúc này phải chăng là nhanh chóng vực dậy “người lái xe” và “chiếc xe bị đổ bên đường”?

TS. Trương Văn Phước: Thông qua Nghị định 08 mới được ban hành, có thể nói một cách rất hình tượng là Chính phủ đang tạo ra một cơ chế để những hành khách trên chiếc xe lẫn những người đang tham gia giao thông cùng đỡ “người lái xe” và “chiếc xe bị đổ bên đường” dậy. Có như vậy, “người lái xe” và “chiếc xe” mới có thể tiếp tục đi tới đích, còn giao thông trên đường được diễn ra thuận lợi, không bị ách tắc.

Nghị định 08 đã chỉ ra 4 cách thức để doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng ngồi lại với nhau để nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình, xác định được lợi ích và rủi ro để có ứng xử cho phù hợp.

Điểm mới thứ nhất là doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi đến hạn bằng tài sản khác nếu được nhà đầu tư chấp thuận.

Có những bình luận cho rằng không ai bắt buộc vay bằng tiền thì phải trả bằng tiền. Theo tôi, chúng ta cần hết sức thận trọng khi đánh giá những quan điểm này. Nếu tư duy theo cách đó thì một ngày nào đó, các tổ chức tài chính huy động tiền tiết kiệm của người dân, sau đó nói rằng không có tiền để trả lại và sẽ hoán đổi bằng một chiếc ô tô hay xe máy thì không thể được. Cách tiếp cận sử dụng tài sản để thanh toán cho nhà đầu tư không thể trở thành một thông lệ để từ đó về sau, doanh nghiệp có thể sử dụng nó một cách thông thường. Cách tiếp cận này không phù hợp với khuôn khổ pháp luật lẫn kinh tế thị trường hiện đại. Đã vay gì thì phải trả đấy.

Tuy nhiên, đối với Nghị định 08 và bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay thì đây là một ngoại lệ chấp nhận được. Khi ta nói rằng nhà phát hành trái phiếu và nhà đầu tư thỏa thuận thanh toán bằng tài sản, điều đó phải được phân tích kỹ bằng nghiệp vụ. Đầu tiên, doanh nghiệp thỏa thuận bán tài sản này cho nhà đầu tư bằng một số tiền; sau đó, doanh nghiệp lấy số tiền đó để trả lại cho nhà đầu tư đã mua trái phiếu. Tôi cho rằng quy định mới này của Nghị định 08 là rất linh hoạt, thực tế và khả thi. Còn thỏa thuận giá như thế nào lại là một câu chuyện khác.

Trên hết, chúng ta chấp nhận điều này vì trong giai đoạn hiện nay, để vực dậy “chiếc xe đang bị đổ trên đường” thì chúng ta cần sử dụng mọi công cụ, kể cả sức người, chứ không thể chỉ chờ sức máy. Nghị định 08 được ban hành là một trường hợp đặc thù, cần nhìn nhận và đánh giá nó đặt trong nỗ lực xử lý vấn đề hiện nay của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nghị định 08 2023

Điểm mới thứ hai là cho phép doanh nghiệp được thay đổi các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng gốc. Quy định tại Nghị định 08 là “cho phép” chứ không phải “mặc nhiên”. Trường hợp 65% trái chủ đồng ý nhưng 35% còn lại nói không với các điều kiện, điều khoản mới do doanh nghiệp phát hành đề xuất thì doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Như vậy, Nhà nước đã ban hành quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư sở hữu trái phiếu làm việc với nhau, việc còn lại là doanh nghiệp và nhà đầu tư phải cùng đàm phán, thương lượng sao cho “thuận mua vừa bán”, “có tình có lý” để hai bên cùng đạt được lợi ích.

Điểm mới thứ ba là cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm. Ở một góc độ nào đó, đây không phải là cách làm hoàn toàn mới, nó cũng như cách thức cấu trúc lại kỳ hạn của khoản nợ mà trước đây không chỉ chúng ta mà cả thế giới đã áp dụng đối với các khoản vay vốn ngân hàng và trái phiếu.

Vấn đề ở đây là doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm thế nào để với cơ chế gia hạn kỳ hạn như vậy, họ thể hiện thiện chí của mình đối với nhà đầu tư và nhà đầu tư chấp nhận đề xuất gia hạn. Thực tế là doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền thì nhà đầu tư cũng cần tiền cho các hoạt động tiêu dùng, đầu tư và kinh doanh của mình. Muốn giải quyết thỏa đáng được vấn đề thì hai bên cần sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ để cùng bàn bạc thời gian gia hạn.

Theo tôi, trước tiên doanh nghiệp phát hành cần thu xếp chi trả một phần lãi hoặc gốc theo đúng cam kết để nhà đầu tư thấy được thiện chí và hành động của doanh nghiệp. Niềm tin của nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết để thị trường tài chính vận hành!

Điểm mới thứ tư là việc lùi thời gian triển khai xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành. Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững thì những quy định trên tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không dễ dàng để áp dụng các quy định đó, thậm chí việc áp dụng cứng nhắc có thể khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Chúng ta phải hết sức linh hoạt khi triển khai các quy định sao cho phù hợp với thực tiễn và mục tiêu đặt ra.

Nhận xét tổng thể về cả 4 điểm mới kể trên của Nghị định 08, tôi cho rằng đó là cách tiếp cận tốt trong nỗ lực xử lý những vướng mắc hiện nay của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bất động sản cần hạ giá bán xuống để tiếp cận được với thị trường, giải phóng được hàng tồn kho và thu được tiền để thực hiện nghĩa vụ theo cam kết. (Ảnh: BVD)

 

“CÁI GÌ CỦA CAESAR XIN TRẢ LẠI CHO CAESAR”

PV: Dự kiến năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên tới hơn 200 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có đến 120 nghìn tỷ đồng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành. Năm 2024, con số này cũng vào khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải khó khăn trên nhiều phương diện như dòng tiền, pháp lý, thủ tục hành chính, mất cân đối nguồn cung và sụt giảm nhu cầu.

Theo ông, Nghị định 08 có phải là chìa khóa mở cánh cửa thoát hiểm cho nhóm doanh nghiệp bất động sản hay không?

TS. Trương Văn Phước: Chính phủ thông qua Nghị định 08 để giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, vượt quá khó khăn. Theo tôi, bản thân các doanh nghiệp bất động sản cần tận dụng cơ hội này để đáp lại bằng chính thiện chí của mình với Nhà nước và nhà đầu tư.

Hơn ai hết, chính doanh nghiệp bất động sản biết rõ được giá thành sản phẩm của mình và năng lực hấp thụ của thị trường là như thế nào. Doanh nghiệp bất động sản cần tuân thủ quy luật giá trị, đó là giá cả thị trường không thể vượt quá giá trị của nó mãi được mà phải quay trở về giá trị thực chất của nó.

Giá bất động sản tăng cao trong giai đoạn trước đây cần phải được điều chỉnh lại về đúng giá trị của nó, thu được lợi nhuận cao trong giai đoạn trước nay phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn. “Cái gì của Caesar xin trả lại cho Caesar”, hãy trả lại sự công bằng và hợp lý cho thị trường bất động sản với những sản phẩm theo đúng giá trị của nó.

Nghị định 08 trái phiếu

Thực tế hiện nay, giảm giá bất động sản không chỉ còn là ý kiến, lời kêu gọi của một vài chuyên gia nữa mà đã có một số doanh nghiệp bất động sản chủ động hạ giá bán xuống để tiếp cận được với thị trường. Chỉ có làm như vậy thì doanh nghiệp mới giải phóng được hàng tồn kho, thu được tiền để thực hiện nghĩa vụ theo cam kết. Bởi không làm vậy, doanh nghiệp sẽ không có tiền để trả cho nhà đầu tư, họ cũng sẽ phải cấn trừ tài sản, định giá tài sản thấp xuống thì nhà đầu tư mới đồng ý cho họ hoàn đổi trái phiếu và gia hạn kỳ hạn trả nợ. Theo tôi, giải pháp này cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp bất động sản tự mình bứt ra khỏi khó khăn hiện tại.

"HÃY ĐỂ CHO CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG TỰ CẢM NHẬN, ĐÁNH GIÁ RỦI RO ĐỂ CHO VAY BẤT ĐỘNG SẢN"

PV: Ngoài thị trường vốn, thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng cần có sự phối hợp hành động như thế nào để bảo đảm nguồn vốn cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và ổn định, thưa chuyên gia?

TS. Trương Văn Phước: Trong một nền kinh tế thị trường có điều tiết của Nhà nước, chúng ta cần tiếp cận vấn đề theo quan điểm của thị trường, các chủ thể kinh tế hoạt động theo quan hệ cung cầu và tuân thủ các quy định của Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước là một chủ thể quản lý tiền tệ của đất nước, nhiệm vụ của cơ quan này là làm ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát, góp phần cùng các cơ quan, bộ ban, ngành khác giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Sứ mệnh đó, mục tiêu đó không bao giờ được thay đổi. Điều hành cung ứng tiền và lãi suất để đáp ứng các mục tiêu đó không chỉ là câu chuyện khoa học mà còn là một nghệ thuật của người quản lý.

Quan điểm của tôi là để thúc đẩy các ngành nghề, trong đó có bất động sản phát triển, Ngân hàng Nhà nước cần thiết lập ra hệ số rủi ro cho từng ngành nghề một cách phù hợp. Tự các hệ số rủi ro sẽ tác động đến việc đáp ứng các quy định về an toàn vốn của các tổ chức tín dụng, trở thành căn cứ để các tổ chức này điều chỉnh hành vi của mình.

Còn Ngân hàng Nhà nước không nên can thiệp vào việc tổ chức tín dụng có cho vay hay không cho vay lĩnh vực bất động sản. Hãy để cho các tổ chức tín dụng tự cảm nhận, đánh giá các lợi ích và rủi ro dựa trên một danh mục hệ số rủi ro đã được ban hành. Trong quản trị hoạt động kinh doanh, tự các tổ chức tín dụng sẽ điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản căn cứ vào khẩu vị rủi ro, năng lực chấp nhận rủi ro và các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Tôi cho rằng, nếu Nghị định 08 đã mở ra và tạo rất nhiều điều kiện để các chủ thể cùng nhau xây dựng lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung thì hệ thống ngân hàng cũng nên mạnh dạn làm điều này. Ví dụ, các doanh nghiệp bất động sản chấp nhận thế chấp dự án để vay các tổ chức tín dụng, lấy tiền đó trả cho nhà đầu tư để họ đồng ý gia hạn kỳ hạn trái phiếu. Đó là điều rất tốt cho thị trường hiện nay.

Nghị định 08 trái phiếu

Chúng ta không nên lo ngại rủi ro mà ràng buộc các tổ chức tín dụng vì tự bản thân tổ chức tín dụng sẽ tính toán được lợi ích và rủi ro khi thực hiện nghiệp vụ này. Với khung pháp lý đã có và hệ số rủi ro được quy định theo từng lĩnh vực, tổ chức tín dụng sẽ có quyền "liệu cơm, gắp mắm" và quyết định cho ai vay, với lãi suất, kỳ hạn bao nhiêu để thu hồi được nợ cũng như đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh.

Một thị trường tài chính hoàn hảo phải là một thị trường có cấu trúc đồng bộ, một bên là thị trường tiền tệ đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và bên kia là thị trường vốn đáp ứng nhu cầu vốn trung dài hạn. Điều đáng tiếc là trong mấy chục năm vừa qua, việc huy động và phân bổ nguồn vốn cho nền kinh tế, cả ngắn, trung, và dài hạn đều đổ dồn lên thị trường tiền tệ. Chính vì vậy, luôn có những quan điểm là cần hạn chế hệ thống tổ chức tín dụng cho vay các dự án trung và dài hạn. Chúng ta cần chia sẻ với Ngân hàng Nhà nước và hệ thống tổ chức tín dụng về cách tiếp cận ấy.

Ngoài ra, còn rất nhiều các chủ thể liên quan tới thị trường trái phiếu, bất động sản và khả năng can thiệp để vực dậy thị trường là hoàn toàn có. Chúng ta thấy rằng trong các cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế từ xưa cho tới nay đều xuất hiện vai trò rất lớn, kịp thời và nhất quán của Nhà nước. Nắm trong tay nguồn lực tài chính và thể chế lớn, đồng thời cũng là chủ thể kinh tế có thể tạo ra một nhu cầu đủ mạnh để vực dậy một thị trường, Nhà nước cần có cách tiếp cận làm sao để tạo ra một động lực bứt phá trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc sử dụng các quỹ đầu tư nhà nước để can thiệp vào thị trường theo một cách phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.

"ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ TẤT CẢ PHẢI XẮN TAY LÊN ĐỂ HÀNH ĐỘNG, HÀNH ĐỘNG VÀ HÀNH ĐỘNG"

PV: Quan sát những động thái tháo gỡ khó khăn của Chính phủ trong thời gian qua, mà mới đây nhất là việc ban hành Nghị định 08, liệu chúng ta có thể sớm khôi phục lại được niềm tin của nhà đầu tư, của những doanh nghiệp đang nỗ lực thoát ra khỏi “hố sâu” trên thị trường hay không?

TS. Trương Văn Phước: Câu hỏi này rất khó để trả lời, bởi xử lý vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay cũng giống như giải một phương trình toán học. Có "n" biến số trong một hàm số để xử lý bài toán này. Chúng ta cũng không nhất thiết phải nôn nóng tìm ra câu trả lời khi nào, ở đâu, với ai thì thị trường này sẽ khôi phục lại hoàn toàn. Điều chúng ta quan tâm là với Nghị định 08 này, tất cả phải xắn tay lên để hành động, hành động và hành động.

PV: Dường như công tác dự báo về các biến số của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ còn khó khăn trong thời gian tới và liệu chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai?

TS. Trương Văn Phước: Tôi cho rằng đã làm kinh doanh thì phải xác định không thể tránh khỏi khó khăn, nhưng ngay cả trong khó khăn thì cũng xuất hiện các cơ hội. Đó là đặc điểm của kinh tế thị trường, ai tận dụng thành công cơ hội sẽ trở thành người chiến thắng.

Nắm trong tay nguồn lực tài chính và thể chế lớn, đồng thời cũng là chủ thể kinh tế có thể tạo ra một nhu cầu đủ mạnh để vực dậy một thị trường, Nhà nước cần có cách tiếp cận làm sao để tạo ra một động lực bứt phá trong bối cảnh hiện nay.

- TS. Trương Văn Phước -

Khi có những biến cố xảy ra, điều quan trọng là cần phải đủ thông tuệ để phát hiện ra căn nguyên của vấn đề và nhanh chóng học lấy bài học kinh nghiệm của nhân loại. Đó là cơ sở để cho chúng ta hành động, và chỉ có hành động thì mới đem lại được kết quả.

Nhìn từ kinh nghiệm các nước phát triển trước những biến cố, họ đã biết cách tận dụng vai trò của kinh tế nhà nước để tạo ra bứt phá. Ví dụ, Nhà nước cũng có thể là một nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu như bao lĩnh vực mà kinh tế nhà nước đã và đang xuất hiện. Đương nhiên, các quyết định đầu tư cũng phải được cân nhắc trên cơ sở đánh giá lợi ích và rủi ro đối với an ninh tài chính, kinh tế của quốc gia.

Theo cá nhân tôi, đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gặp khó khăn chủ yếu do thanh khoản thị trường thu hẹp, trong khi năng lực sản xuất kinh doanh và tài sản bảo đảm tốt thì họ là một địa chỉ đầu tư tiềm năng. Nếu được trao cơ hội nhận đầu tư và tạo điều kiện cho thực hiện các dự án theo đặt hàng của Nhà nước, họ sẽ có thể vượt lên khó khăn để trở thành những doanh nghiệp nòng cốt của đất nước, giúp giải quyết bài toán công ăn việc làm, an sinh xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế và đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ nhận thức và nắm bắt được cơ hội này để đưa đất nước vươn xa hơn nữa!

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của chuyên gia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top