Aa

TS. Võ Đại Lược: "Tôi bất ngờ vì trưởng đặc khu Incheon là một phụ nữ Mỹ"

Thứ Ba, 22/05/2018 - 06:00

TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng, đặc khu kinh tế muốn thành công, cần phải có người đứng đầu táo bạo và quyết liệt. Nhìn về sự thành công của đặc khu kinh tế Incheon (Hàn Quốc), ông chia sẻ: "Điều tôi bất ngờ nhất về trưởng đặc khu ở nơi đây là một phụ nữ người Mỹ, gốc Hàn".

Ngay từ thời điểm lên kế hoạch dự án, thông tin Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) được xây dựng trở thành đặc khu kinh tế tương lai đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi nơi đây được kỳ vọng trở thành đòn bẩy cho nền kinh tế cả nước. Đi kèm với kỳ vọng đó, người ta còn hy vọng về một mô hình hành chính – chính quyền gọn nhẹ, hiệu quả, nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài cũng như tăng cường tính tự chủ, linh hoạt của các đặc khu.

Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới về mô hình thể chế chính quyền ở các đặc khu kinh tế.

PV: Xuất hiện từ năm 1960, tính đến nay trên thế giới đã có hơn 4.500 đặc khu kinh tế và loại hình tương tự tại 140 quốc gia ra đời với mục tiêu chủ yếu là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Để tạo được sức hấp dẫn với nhà đầu tư, các đặc khu kinh tế đều xây dựng mô hình thể chế chính quyền đặc biệt. Thưa ông, các nước trên thế giới đã "phá rào" thế nào để tạo nên thành công?

TSKH. Võ Đại Lược: Nếu nhìn ra thế giới, rõ ràng các đặc khu kinh tế sinh ra chỉ để thu hút đầu tư nước ngoài. Vì mục tiêu là hút đầu tư nước ngoài nên các đặc khu chú trọng xây dựng một mô hình thể chế chính quyền gọn, nhanh và cởi mở.

Tôi lấy ví dụ về đặc khu kinh tế Incheon của Hàn Quốc. Thể chế chính quyền của đặc khu này hoàn toàn nhập từ Mỹ, đúng là một thể chế mang đặc trưng của Mỹ. Mục tiêu của Incheon là chỉ thu hút các tập đoàn lớn của Mỹ vào. Ngay cả các tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực như Nhật Bản cũng không thuộc diện nhà đầu tư nước ngoài cần thu hút. Đặc khu Incheon cấm các tập đoàn, công ty Hàn Quốc đầu tư vào.

Khi tôi sang Incheon, điều tôi bất ngờ nhất về trưởng đặc khu ở nơi đây. Đó là một phụ nữ người Mỹ, gốc Hàn. Bà là một chuyên gia tài chính cao cấp có tiếng ở Mỹ. Điều dễ hiểu là vì mục tiêu của họ là thu hút tập đoàn Mỹ, họ cần một người đứng đầu là chuyên gia tài chính, hiểu biết về luật cũng như đặc điểm nền kinh tế Mỹ.

Mô hình thể chế chính quyền thứ hai mà tôi mới chia sẻ là trung tâm tài chính ở Dubai. Quốc vương Dubai thuê một người Anh về làm thị trưởng đô thị tài chính quốc tế. Tôi tò mò và hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này rằng: “Tại sao bà lại đi thuê một người nước ngoài về quản lý và nắm toàn bộ quyền lực kiểm soát trung tâm tài chính. Nước bà không lo sợ việc mất chủ quyền quốc gia sao?”. Bà trả lời rằng: “Tôi thuê họ bằng hợp đồng quyền lợi rõ ràng. Phía tôi là ông chủ thì có điều gì mà chúng tôi sợ. Hợp đồng kinh tế quy định chặt chẽ về quyền lợi và nghĩa vụ, nếu ông ta vi phạm hợp đồng sẽ bị cắt quyền ngay lập tức”.

Ở trung tâm tài chính Dubai, ông thị trưởng có toàn quyền lựa chọn những người dưới, không có câu chuyện tuyển người thân quen. Vì cơ chế như vậy nên nơi đây tuyệt đối nói không với tham nhũng.

 PV: Từ câu chuyện ở Incheon (Hàn Quốc) hay Dubai, theo ông, Việt Nam cần phải xác định điều gì để tạo ra một "tổ chim phượng hoàng" hấp dẫn thay vì hình thái "nửa dơi, nửa chuột"?

TSKH. Võ Đại Lược: Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có tới 80% là châu Á, 20% là châu Âu và Mỹ. Các tập đoàn kinh tế châu Á vào Việt Nam bởi họ dễ dàng thích ứng với tệ tham những ở nước ta. Tôi nghĩ họ thích ứng khá nhanh. Còn ở châu Âu và Mỹ, họ khó thích ứng bởi luật rất chặt chẽ. Các nhà đầu tư nước ngoài mà tham nhũng, họ sẽ có nguy cơ bị đưa ra tòa để xử phạt rất cao.

Tôi vẫn nhớ khi ông Lý Quang Diệu sang Việt Nam đã từng nói rằng: “Singapore không xem các nhà đầu tư châu Á là nhà đầu tư chiến lược cho nên Singapore không có ưu đãi nào dành cho các nhà đầu tư châu Á. Chúng tôi chỉ dành ưu đãi cho các nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ”. Sự phát triển của Singapore đã chứng minh được chính sách phát triển đúng đắn của chính quyền nước này.

Quay trở lại với đặc khu kinh tế Incheon, đến nay, nơi đây đã thu hút nguồn đầu tư của Mỹ lên tới hàng trăm tỷ đô. Họ sở hữu một hệ thống sân bay, bến cảng cũng như các công trình giao thông khác rất ưu việt và vượt trội. Để được thành công đó là nhờ thể chế chính quyền hiện đại.

Hiện nay, trong Dự thảo Luật hành chính đặc khu, chính quyền đặc khu đặt ngang cấp huyện, do một ông thường vụ tỉnh ủy hoặc phó chủ tịch đảm nhiệm. Chính quyền đặc khu cũng có UBND, HĐND không hề khác gì một bộ máy tổ chức chính quyền huyện ở nước ta. Vấn đề đặt ra, nếu chúng ta chỉ quản lý người Việt Nam thì bộ máy chính quyền này là hợp lý nhưng khi mục tiêu là thu hút người nước ngoài thì cơ chế này sẽ sinh ra các tệ nạn, khó tìm kiếm được nhân tài cũng như hút nguồn tiền từ tập đoàn kinh tế lớn.

Do vậy, trước hết chúng ta phải xác định rằng, chúng ta xây dựng đặc khu là thu hút nhà đầu tư nước ngoài, chứ không phải nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài thì định hướng tốt nhất là châu Âu và Mỹ. Từ đó, chúng ta học hỏi kinh nghiệm xây dựng thể chế chính quyền ở các đặc khu khác trên thế giới.

PV: Mục tiêu chúng ta muốn là thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, và vì thế, cần chính những người nước ngoài điều hành để hiểu và nắm bắt tâm lý nhà đầu tư, nhưng việc này không đơn giản thưa ông?

TSKH. Võ Đại Lược: Trong bộ luật của đề án Bắc Vân Phong, Tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ đã bỏ ra 20 triệu đô để thuê một nhóm luật sư viết luật về trung tâm tài chính mà họ định xây dựng ở Bắc Vân Phong. Theo đó, chúng ta cần có một hội đồng đặc khu, người đứng đầu hội đồng là người Việt Nam, thành viên của hội đồng sẽ gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài, số lượng ngang nhau. Quy định nêu rõ, trưởng đặc khu là người Việt Nam sẽ có quyền quyết định các vấn đề về chính trị, an ninh quốc gia, đối ngoại.

Phó đặc khu là người thuộc tập đoàn đầu tư chiến lược, có quyền quyết định về mặt kinh doanh. Khi có vấn đề về chính trị hay an ninh quốc gia, hai bên có quyền tham gia ý kiến như nhau nhưng phía Việt Nam có tính quyết định. Ngược lại, trong vấn đề có tính kinh doanh, phía nước ngoài có quyền quyết định. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận chung như làm ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh thì phía nhà đầu tư chiến lược sẽ rút.

Tuy nhiên, hiện nay mô hình ở đặc khu kinh tế chưa tạo cơ hội và quyền cho nhà đầu tư nước ngoài. Thế nên, bóng dáng của các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào đặc khu còn mờ nhạt vì rõ ràng họ chưa tìm được quyền lợi của mình ở đâu.

PV: Như ông vừa chia sẻ, bóng dáng của các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào đặc khu còn mờ nhạt vì rõ ràng họ chưa tìm được quyền lợi của mình ở đâu. Ông đánh giá như thế nào về năng lực thu hút đầu tư ở Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong ở thời điểm hiện tại?

TSKH. Võ Đại Lược: Thứ nhất là mô hình thể chế chính quyền phải mang tính hội nhập quốc tế, tạo quyền lợi cho nhà đầu tư chiến lược thì khả năng hấp dẫn và thu hút ở đặc khu kinh tế mới cao. Nhưng chúng ta đang chưa có thế mạnh về mô hình thể chế chính quyền.

Thứ hai, vấn đề thuộc về đất đai. Tôi không biết chính xác ở Vân Đồn còn bao nhiêu quỹ đất sạch nhưng ở Phú Quốc, một lãnh đạo đã chia sẻ, chỉ còn 18ha quỹ đất sạch là chưa có nhà đầu tư nào bước vào. Vậy, nếu các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam họ buộc phải mua đất của các chủ sở hữu tư nhân với mức giá cao, các cuộc thương lượng rất phức tạp. Lợi nhuận sẽ là bao nhiêu nếu chi phí của họ bỏ ra đã lớn.

Ở Bắc Vân Phong, thực trạng đất đai khả quan hơn vì nơi đây hoang vu, quỹ đất sạch lên tới 300km2. Mới đây, Bắc Vân Phong được một nhà đầu tư Úc muốn rót 50 tỷ đô la vào. Tôi nghĩ đó là một khả quan lớn.

Quay trở lại với vấn đề thu hút nhà đầu tư, rõ ràng, các nhà đầu tư lớn muốn đến đặc khu thì họ muốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu cơ sở hạ tầng tốt, họ sẽ hưởng lợi được từ giá đất tăng. Các đặc khu cần phải xây dựng kết cấu hạ tầng theo yêu cầu của nhà đầu tư chiến lược chứ không phải là định hướng theo ý của các nhà đầu tư Việt Nam. Nếu không đáp ứng việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư lớn thì chúng ta chỉ thu hút được nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Cái quan trọng nhất là chúng ta phải xem mình đang đón ai, nhà đầu tư nào để biết được phương hướng xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp.

Tôi lấy ví dụ, Vân Đồn đã sắp hoàn thành sân bay Vân Đồn, đường cao tốc Vân Đồn - Hạ Long nhưng chất lượng liệu có đúng chuẩn quốc tế. Đó là chưa kể, các cơ sở hạ tầng khác như khách sạn tiêu chuẩn quốc tế còn chưa có thì đối tượng vận chuyển là ai, có đúng là khách quốc tế.

Đầu tiên chúng ta phải thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới. Nếu xây dựng khách sạn chuẩn Novotel thì cần có tập đoàn AccorHotels. Họ không chỉ xây dựng khách sạn lớn mà chính họ là người đưa khách tới.

PV: Để tạo lực bẩy cho các đặc khu kinh tế thì rõ ràng cần phải có các nhà đầu tư chiến lược. Theo TSKH. Võ Đại Lược, nhà đầu tư chiến lược ở các đặc khu kinh tế nên được định nghĩa thế nào cho đúng?

TSKH. Võ Đại Lược: Trong dự thảo luật hành chính đặc khu kinh tế đã có quy định nhà đầu tư chiến lược là gì, theo đó, chỉ với 300 triệu đô la đã được gọi là nhà đầu tư chiến lược. Tôi cho rằng, nếu đặt tiêu chí 300 triệu đô la là nhà đầu tư chiến lược thì khả năng đặc khu kinh tế Việt Nam sẽ chỉ thu hút được nhà đầu tư trong nước là chủ yếu.

Một nhà đầu tư chiến lược phải rót vào đặc khu đến tiền tỷ đô la, chứ không thể là triệu đô la. Với mốc 300 triệu đô la đã gọi là nhà đầu tư chiến lược, tôi lo ngại khả năng hút tiền từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ rất khó.

- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top