Xu hướng dịch chuyển rõ nét từ vài năm trước
Tại Hội thảo: Bất động sản 2021 & Sự trỗi dậy của những thị trường mới tổ chức sáng ngày 26/9, các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đều khẳng định, không phải bây giờ các chủ đầu tư mới đi tìm vùng đất mới. Tiếp tục xu hướng dịch chuyển dòng vốn đã diễn ra trong vài năm trở lại đây, năm 2020 thị trường bất động sản Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng được nhận định không còn là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản. Thay vào đó, họ sẽ nhắm đến các thị trường mới làm địa điểm phát triển dự án, đầu tư sinh lời. Đặc biệt là những địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đến các thành phố lớn.
Trong năm 2019, bất động sản đã chứng kiến “cuộc đua” mở rộng thị trường đầy sôi động của các doanh nghiệp. Những tập đoàn như Vingroup, FLC Group, CEO, Novaland… đều không bỏ lỡ cơ hội để ghi dấu ấn tại Quảng Ninh, Bình Định, Đồng Nai... với đa dạng dự án. Thậm chí các khu vực “vùng sâu vùng xa” như Tây Nguyên, Tây Bắc… cũng đón nhận hàng loạt dự án mới.
Theo đó, “làn sóng” đầu tư này trong năm 2021 được kỳ vọng trở thành cứu cánh cho sự phát triển, chuyển động vượt khủng hoảng và trở lại chu kỳ tăng trưởng của địa ốc trong thời gian bị tổn thương bởi dịch Covid-19.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: "Thị trường mới là gì? Đó chính là những thị trường bắt đầu có sự phát triển mạnh về kinh tế, trong đó có lợi thế phát triển công nghiệp, kinh tế du lịch. Đây là những địa phương mới mà nhà đầu tư gọi là thị trường mới với nhiều lợi thế hơn. Loại trừ các khu vực đã phát triển mạnh về bất động sản du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh thì thị trường mới của ngành du lịch là các địa phương mà vài năm trở lại đây đã tận dụng được lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên đẹp, các điều kiện tự nhiên tốt như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định… Chúng tôi đồng ý đây là những địa chỉ đang có thị trường mới.
Những lợi thế của các thị trường mới này đó là: Địa phương có chính sách cởi mở, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với địa phương đó tham gia đầu tư vào các dự án phát triển công nghiệp, hạ tầng, kinh tế du lịch… Các nhà đầu tư thường quan tâm đến những địa phương có giá bất động sản còn đang ở ngưỡng thấp nhưng bắt đầu có sự đầu tư mạnh".
Theo ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Đất xanh Miền Bắc chia sẻ: "Xu hướng dịch chuyển từ thị trường truyền thống tới thị trường mới là xu hướng diễn ra vài năm nay. Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã tiếp cận được một cấu trúc hoàn toàn mới, đó là bất động sản đất nền có sức hấp dẫn hơn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng hay chung cư rất nhiều. Tỷ suất lợi nhuận của đất nền cao hơn.
Đặc biệt, từ năm 2018, "những cánh chim đầu đàn" là những đơn vị có dòng tiền lớn đang chiếm giữ nhiều sản phẩm tại các vùng đất mới. Chúng tôi thấy rằng những sản phẩm tại các khu vực mới này nhận được sự đón nhận rất lớn.
Tại các thị trường địa phương, "những cánh chim đầu đàn" có kinh nghiệm vẫn nhìn thấy những giá trị tiềm năng trong tương lai. Tại những vùng đất mới như Quảng Nam, Bình Định, Bắc Ninh, 2 năm vừa qua, các doanh nghiệp lớn đã điền vào chỗ trống với các vị trí như gần khu công nghiệp, làng nghề, trung tâm thị trấn và họ chấp nhận đợi chờ pháp lý".
Dự án nghỉ dưỡng FLC tại Quy Nhơn.
Quy Nhơn sẽ là điểm sáng trong năm 2021
Tại Hội thảo, chia sẻ về tiềm năng của những thị trường mới, giới chuyên gia nhìn nhận, Quy Nhơn đang là một điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư. Nói như TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng: "Tôi cho rằng có 2 lý do dẫn tới sự dịch chuyển về những vùng đất mới: Thứ nhất, không phải tìm đâu xa, mà là FLC Quy Nhơn, nhiều năm trước nơi đây chỉ có cát, các nhà đầu tư xin đất xong để đó không ai làm, chỉ đến khi FLC đặt chân về đây mới thấy được sự quyết tâm để thay đổi diện mạo vùng đất này. Và với chỉ 1 dự án đã làm thay đổi hoàn toàn nơi đây, không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường du lịch mà còn cả thị trường bất động sản. Nếu không có dự án FLC thì chưa chắc đã có người mua đất ở khu đô thị bên cạnh. Do đó, rất cần những nhà đầu tư như FLC đầu tư tại Bình Định và rồi mở ra những thị trường cho nhà đầu tư thứ cấp.
Ông bà xưa đã có câu “Thóc đến đâu, bồ câu đến đó”. Chính dự án này đã mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư. Điều đó cho thấy, thị trường mới nổi sẽ không thể nổi được nếu như không có dự án, không có nhà đầu tư tiên phong. Thứ hai, với thị trường Bình Định, chưa bao giờ trong vòng 4 năm tỉnh có thể làm được cơ sở hạ tầng giao thông kết nối như hiện nay từ Quy Nhơn đi các vùng khác".
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng khẳng định: "Tôi cho rằng Bình Định sẽ là một trong những tỉnh cất cánh mạnh nhất trong thời gian tới. Câu chuyện của Bình Dương, Quảng Ninh là của 10 năm trước còn Bình Định đang đi sau và giai đoạn này chính là điểm sáng nổi bật cho Bình Đình…".
Và cũng tại Hội thảo, chính ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã khẳng định, địa phương này đã và đang nỗ lực với 3 vấn đề để thu hút các nhà đầu tư đến Bình Định: Thứ nhất, quy hoạch chung Quy Nhơn và quy hoạch chi tiết các khu vực, tỉnh nhận biết rõ, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn xa. Bình Định làm đầy đủ, có sự kết nối đồng bộ về quy hoạch để các nhà đầu tư yên tâm.
Thứ hai, chú trọng đầu tư kết nối xây dựng hạ tầng. Trong 10 năm nay, Bình Định đã đầu tư nhiều về hạ tầng. Trong đó, có sân bay đang đón 10 chuyến khách mỗi ngày cả trong nước và nội địa. Cùng với đó còn có cảng biển, đường sắt Bắc - Nam, giao thông thuận tiện. Hiện nay, Bình Định cũng đã mở xong một số đường trục, đường ven biển kết nối Quy Nhơn với các địa phương để góp phần phát triển hạ tầng đô thị và phục vụ du lịch.
Thứ ba, Bình Định rất chú trọng chỉnh trang đô thị, phát triển môi trường sinh thái, đã có những hoạt động đầu tư chỉn chu với hệ thống đường, cây xanh, xử lý nước thải… UBND tỉnh cũng đã phát triển, đầu tư để tạo dựng công viên cây xanh, mang đến bộ mặt mới và an toàn, xanh cho tỉnh./.