Aa

TS. Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp đang “chết mòn“ vì đại dịch

Thứ Hai, 26/07/2021 - 06:30

Các biện pháp giãn cách xã hội trong dịch Covid-19 đang khiến doanh nghiệp, nhất là vừa và nhỏ chết dần chết mòn và khó vực dậy nếu không có giải pháp đột phá.

TS. Vũ Tiến Lộc - (Đại biểu Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng 6 tháng cuối năm và giải pháp phòng chống COVID-19, sáng 25/7.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - Đại biểu Đoàn Hà Nội.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - Đại biểu Đoàn Hà Nội.

TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2021, cùng với quá trình chuyển giao bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, chúng ta đã trải qua một giai đoạn gian nan bậc nhất của nền kinh tế suốt trong nhiều thập kỷ qua.

Nhưng với tinh thần “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung tay của Quốc hội và nỗ lực của toàn dân, Chính phủ đã khá chủ động, linh hoạt, uyển chuyển trong việc đối phó với dịch COVID-19, để vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh tế.

“Chúng ta vừa chăm lo sinh mệnh người dân, vừa nỗ lực bảo vệ sinh kế cho người dân, đây là mục tiêu kép, cả hai mục tiêu này đều rất hệ trọng. Và chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chăm lo, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách thể chế ngay trong bối cảnh khó khăn”, TS. Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Về tăng trưởng kinh tế 7 tháng đầu năm 2021, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam đạt nhịp độ tăng trưởng 5,64% nhưng chưa như kỳ vọng. Tuy nhiên, nếu so với khu vực thì đây là một tỉ lệ rất cao. Kết quả chưa như kỳ vọng vì thực trạng kinh tế tại thời điểm đầu quý III/2021 đã xấu đi rất nhiều.

Đây là vấn đề chúng ta cần tính toán thận trọng trong kế hoạch phát triển ở những tháng cuối năm. Nếu chỉ căn cứ vào con số của 6 tháng đầu năm thì thấy có sự phân hóa rất lớn trong sự phát triển của các khu vực trong nền kinh tế.

Tại khu vực kinh tế đối ngoại thì phục hồi rất mạnh mẽ, với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hơn 30% so với năm 2020. Trong khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua yếu.

Tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm gần như đứng yên so với cùng kỳ 2 năm trước. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng thấp ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, chưa bằng ½ khu vực công nghiệp, xây dựng.

“Đây là tín hiệu rất lo ngại vì chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ như “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, sự tương phản này là từ đại dịch COVID-19. Các biện pháp giãn cách xã hội đang được tăng cường đã khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là DNNVV, cụ thể là các doanh nghiệp dịch vụ.

Trong khu vực dịch vụ, ngoài tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thì các lĩnh vực khác như hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... cũng là những vùng trũng của nền kinh tế trong thời điểm hiện tại.

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng 6 tháng cuối năm và giải pháp phòng chống COVID-19.
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng 6 tháng cuối năm và giải pháp phòng chống COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... đang “chết mòn”, thậm chí không còn khả năng vực dậy sau đại dịch, nếu không có biện pháp hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, TS. Vũ Tiến Lộc hoàn toàn đồng tình với những định hướng lớn của Chính phủ đã và đang thực hiện.

Thứ nhất, đó là đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt tại các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế để vừa bảo vệ sinh mạng người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa tránh đứt, gãy nguồn cung.

Thứ hai, chuẩn bị lộ trình mở cửa nền kinh tế tương ứng với tỷ lệ tiêm vaccine của người dân.

Thứ ba, giải pháp của Chính phủ về quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm 2021, cắt giảm, thu hồi của các bộ, địa phương làm chưa tốt để bổ sung cho các cơ quan trung ương và địa phương có tốc độ giải ngân tốt.

Với bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa trong việc chống lạm phát trong tương lai, TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất và đồng thuận với các ngân hàng thương mại trong việc cố gắng giảm lãi suất.

Với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được Chính phủ ban hành cũng được ghi nhận khi cắt giảm được thủ tục hành chính để giải ngân nhanh.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa của Bộ Tài chính cũng rất tích cực, nhưng tại thời điểm hiện nay khi doanh thu của doanh nghiệp không nhiều, nên theo TS. Vũ Tiến Lộc việc hỗ trợ từ nhà nước sẽ hiệu quả hơn nếu tăng chi tiêu cho các đối tượng yếu thế.

“Trong trường hợp này vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được vấn đề xã hội. Như vậy, một mũi tên sẽ trúng được hai đích”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực dịch vụ, theo TS. Vũ Tiến Lộc điều kiện quan trọng nhất là trợ giúp tài chính, nhưng tăng cường hộ chiếu vaccine cũng rất cần thiết. Hộ chiếu vaccine không chỉ hiểu là dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mà phải dành cho toàn dân Việt Nam.

“Khi chúng ta có được tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine thì đây sẽ là động lực để nền kinh tế có thể quay trở lại”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Trong các giải pháp cải cách thể chế, TS. Vũ Tiến Lộc cũng rất đồng tình với Chính phủ đã tập trung rà soát những thủ tục bất hợp lý, chồng chéo để kiến nghị Quốc hội sửa đổi.

“Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ thành lập các tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy hỗ trợ các dự án sớm triển khai. Nhưng không chỉ với các dự án đầu tư công, FDI... mà các dự án của tư nhân đang gặp trở ngại về thủ tục cũng cần được hỗ trợ để đẩy nhanh giải quyết các thủ tục nhằm đưa nhanh dự án vào sản xuất kinh doanh”, TS. Vũ Tiến Lộc kiến nghị.

TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, trên đây là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top