Aa

TS. Vũ Tiến Lộc: VNREA có trách nhiệm cao không chỉ với thị trường bất động sản mà còn cả nền kinh tế

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Bảy, 06/04/2024 - 06:15

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, do đó các hoạt động tích cực, sôi nổi của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã cho thấy trách nhiệm cao không chỉ với riêng thị trường bất động sản mà còn cả nền kinh tế.

VNREA hoạt động sôi nổi và có đóng góp tích cực

Ngày 5/4, tại Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên năm 2024 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã đánh giá cao vai trò và hoạt động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Thời gian qua, VNREA là một trong những hiệp hội có hoạt động sôi nổi nhất, có đóng góp tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thông qua những kiến nghị, góp ý với Quốc hội, Chính phủ.

"Có thể nói, bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, do đó Hiệp hội đã có trách nhiệm cao không chỉ với thị trường bất động sản mà còn cả nền kinh tế", TS. Vũ Tiến Lộc nhận định. 

TS. Vũ Tiến Lộc: VNREA có trách nhiệm cao không chỉ với thị trường bất động sản mà còn cả nền kinh tế- Ảnh 1.

TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, nền kinh tế Việt Nam vừa bước qua quý I với các chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi kinh tế Việt Nam cần tăng tốc trong thời gian tới nhưng các động lực tăng trưởng lại đang dần suy yếu.

Vừa qua, nền kinh tế nước ta dựa nhiều vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng Việt Nam lại có ít các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, do đó những kế hoạch về việc tạo đột phá trong lĩnh vực này còn khá khó khăn.

Các động lực tăng trưởng từ xuất khẩu, đầu tư công cũng đang có xu hướng suy giảm. Trong đó, đầu tư công không phải là động lực dài hạn cho tương lai vì nguồn lực cho đầu tư công hạn chế; xuất khẩu thời gian qua có tăng trưởng nhưng không cao và khu vực tư nhân trong nước đang suy yếu.

Đáng chú ý, gần đây, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị lần đầu đã nêu rõ yêu cầu phải tập trung thúc đẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp trong nước và doanh nhân dân tộc. Tuy nhiên trên thực tế, khu vực này lại đang suy yếu, trong khi đây mới chính là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tháo gỡ cho thị trường bất động sản để nền kinh tế có thể bật lên là một giải pháp rất quan trọng, nhất là ở giai đoạn này. Vì tăng trưởng trong bất động sản liên quan đến cả chuỗi cung ứng, bất động sản tạo ra mặt bằng, là nền tảng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế; cũng là nơi ở, là cuộc sống của người dân.

TS. Vũ Tiến Lộc: VNREA có trách nhiệm cao không chỉ với thị trường bất động sản mà còn cả nền kinh tế- Ảnh 2.

Bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

"Tác động của bất động sản không chỉ tính bằng những con số mà chúng ta có thể tính toán được bằng tiền bạc mà bất động sản còn có tác động dây chuyền trong cả hệ thống kinh tế, tạo ra tăng trưởng cho các lĩnh vực kinh tế khác. Chính vì vậy, thời gian tới cần dồn lực khôi phục thị trường bất động sản", chuyên gia nhìn nhận.

Dưới góc nhìn của Đại biểu Quốc hội, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng Quốc hội đã thông qua 3 luật quan trọng là: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, 3 luật này được coi như 3 mũi giáp công để thúc đẩy, là cứu cánh cho thị trường bất động sản.

"Chúng ta có thể đặt nhiều kỳ vọng vào tác động của các luật này đối với sự phục hồi và phát triển của thị trường. Tuy nhiên trước mắt, hành trình có thể sẽ còn gian nan, bởi vẫn còn những điểm chồng chéo chưa được sửa đổi một cách triệt để, và việc thực thi luật sẽ phát sinh nhiều vấn đề trong thực tế", ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Thị trường bất động sản với 4 chữ "vướng và chậm, khó và bí"

Đánh giá về tình hình chung của thị trường bất động sản trong năm 2024, TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, thị trường sẽ gắn liền với những từ khóa nổi bật: "Vướng và chậm, khó và bí". Cụ thể là vướng pháp lý, chậm thủ tục, khó nguồn vốn và bí về thanh khoản. Hiện đã có hàng loạt các giải pháp để sắp tới tháo gỡ về pháp luật nhưng quá trình thực thi, triển khai sẽ khó để đạt được như kỳ vọng và thị trường vẫn cần thời gian để thích nghi.

"Chúng ta kỳ vọng một số nội dung có thể triển khai ngay từ ngày 1/7 tới đây, trong đó có sự tham mưu rất tích cực của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng, trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản sẽ không chỉ có màu hồng mà sẽ còn nhiều vấn đề nan giải cần sự vào cuộc của Chính phủ và toàn dân. Chúng ta cần lấy lại niềm tin cho thị trường, khơi dậy nguồn vốn, tháo gỡ về mặt pháp lý để người dân cảm thấy an toàn", ĐBQH Vũ Tiến Lộc đưa ra quan điểm.

TS. Vũ Tiến Lộc: VNREA có trách nhiệm cao không chỉ với thị trường bất động sản mà còn cả nền kinh tế- Ảnh 3.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, hiện nay, thị trường bất động sản gắn liền với những từ khóa nổi bật: "Vướng và chậm, khó và bí".

Hiện theo thống kê đã có 20 chính sách mới được triển khai, song việc thực thi trong thực tế cũng không đơn giản. Ngay cả việc định giá đất, dù có ra luật thì triển khai vẫn khó khăn chứ không hề dễ dàng.

Vì vậy, để giải quyết đồng bộ các vấn đề của thị trường bất động sản, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cần tiếp tục chung tay, sâu sát với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và có những kiến nghị, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Đồng thời, Hiệp hội cần chỉ ra các điểm khó khăn, bất cập cụ thể trong chính sách thì mới gỡ khó được cho doanh nghiệp, thay vì kiến nghị hay bàn luận các vấn đề chung thì cần đi vào chi tiết từng vấn đề.

Từ phía Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc thông tin thêm, các luật đang ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ hơn nhưng rủi ro pháp lý luôn còn, các tranh chấp vẫn sẽ xảy ra. Do đó, việc phòng ngừa rủi ro về mặt pháp lý và xử lý các tranh chấp bất động sản là rất cần thiết.

Thời quan vừa qua, những tranh chấp trên thị trường giữa các doanh nghiệp bất động san với nhau, giữa doanh nghiệp bất động sản với khách hàng, đối tác… đã tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, ông Lộc cho rằng, thị trường cần quan tâm đến rủi ro pháp lý, quản lý rủi ro và xử lý tranh chấp. 

Cùng với đó, trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các doanh nghiệp nên hướng đến hòa giải, thương lượng. Hướng giải quyết này cũng phù hợp với các doanh nghiệp hơn, giúp bảo mật thông tin cho doanh nghiệp và tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp.

"Tôi rất mong các doanh nghiệp bất động sản có tranh chấp thì đừng vội đưa ra tòa án, nếu cần thiết thì đưa ra trọng tài để cả hai bên cùng thắng, sau đó cùng bắt tay tiếp tục hợp tác. Các doanh nghiệp nội địa gắn kết với nhau để làm ăn lâu dài là điều rất cần thiết.

Sau ngày 1/7, chúng ta sẽ triển khai các nghị định nên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đề nghị phối hợp với Hiệp hội tổ chức một hội nghị về triển khai quy định pháp chế toàn ngành bất động sản để có thể thực hiện tốt nhất văn bản pháp luật, phòng ngừa tốt nhất những rủi ro pháp lý để doanh nghiệp kinh doanh an toàn trong thời gian tới. Đây là vấn đề hàng đầu mà các doanh nghiệp quan tâm, chúng tôi sẵn sàng trợ giúp các doanh nghiệp bất động sản trong nỗ lực nâng cao năng lực pháp lý, quản trị rủi ro, phòng ngừa xử lý tranh chấp", TS. Vũ Tiến Lộc đề xuất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top