Aa

TSQ Việt Nam: Một lịch sử đầy rắc rối

Thứ Năm, 28/02/2019 - 14:31

Thật đáng quý khi trong làn sóng người nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam có mặt các Việt Kiều, nhưng liệu TSQ Việt Nam có phải là một ví dụ đem lại nhiều dấu ấn tích cực?

Trong vòng hơn mười năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến một làn sóng các Việt Kiều tìm về nước để sinh cơ lập nghiệp. Đây quả là điều đáng mừng, vì phần lớn các Việt Kiều này không chỉ sở hữu tài năng, kinh nghiệm, khả năng tài chính, mà họ còn có lòng yêu tổ quốc nhiệt thành, mong muốn được xây dựng đất nước. Tinh thần này đã được ông Hoàng Mạnh Huê, Việt kiều Ba Lan và Chủ tịch Liên đoàn các Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, chỉ ra rất rõ khi trả lời phỏng vấn của VTV:

Ông Hoàng Mạnh Huê (nguồn: VTV)

Ông Hoàng Mạnh Huê (nguồn: VTV)

“… Sau những năm lăn lộn thì chúng tôi trở về quê hương… ngoài đương nhiên làm kinh doanh thì… chúng tôi còn có cái tâm huyết là muốn làm những công trình gì đó tô điểm và để lại một kỷ niệm đối với quê hương. Thực ra, chúng tôi cũng dồn nhiều tâm sức vào trong đó, ví dụ như xây dựng Làng Việt kiều Châu Âu”.

Thị trường bất động sản Việt Nam quả thật đã được hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng đầu tư từ các Việt Kiều. Hiện các Việt Kiều sở hữu đến 5,8 tỷ USD tiền vốn trong các tập đoàn, dự án bất động sản trải dài khắp Việt Nam, và con số này dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới. Chắc chắn sẽ có nhiều công trình chất lượng cao tiến đến phục vụ người dân được hình thành nhờ sự đóng góp của các Việt Kiều.

Tuy vậy, liệu có đúng không khi ông Hoàng Mạnh Huê nhắc đến Làng Việt kiều Châu Âu, và qua đó là TSQ Việt Nam, công ty sở hữu dự án này? Tuy hiện đang sở hữu một số bất động sản có quy mô và đáng kể như làng Việt Kiều Châu Âu, chung cư cao cấp Euroland, hay tới đây nữa là Tòa tháp Thiên niên kỷ Hatay Millennium, nhưng trong lịch sử hoạt động hơn 12 năm của mình, TSQ Việt Nam liên tục gặp phải hằng loạt các vấn đề liên quan đến tài chính và luật pháp.

Được thành lập vào tháng 11/2006 với tư cách là công ty con của tập đoàn TSQ Finance, TSQ Việt Nam là tâm huyết của ba anh em Đỗ Trường, Đỗ Sơn và Đỗ Quân, những Việt kiều đã sáng lập nên công ty mẹ ở Cộng hòa Ba Lan. TSQ Finnance hoạt động trên nhiều mảng như vật liệu xây dựng, dệt may…, có chi nhánh ở Cuba, Trung Quốc, Nga, Đức, EU... và nhà máy may hàng xuất khẩu Hoà Hưng tại Hà Nội.

Ông Đỗ Trường là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện theo pháp luật của TSQ Việt Nam; còn em trai ông, ông Đỗ Quân, là Tổng Giám đốc công ty. Ông Đỗ Quân từ lâu được cộng đồng Việt kiều biết tới như một “mạnh thường quân” hào phóng hỗ trợ cho các sinh hoạt của cộng đồng bà con ở Ba Lan, lẫn những hoạt động xây dựng quê hương, đất nước. Vì vậy, khi TSQ Việt Nam được thành lập, đã có rất nhiều người mong chờ những thành công rực rỡ từ công ty. Nhưng ngay từ dự án đầu tiên, TSQ Việt Nam đã gặp khó khăn nan giải.

Dự án Khu đô thị mới Mỗ Lao (Hà Nội) được khởi công vào năm 2007 với trị giá vốn 331 triệu USD, trong đó có đến 60 triệu USD thuộc sở hữu của TSQ nhằm xây dựng khu biệt thự Làng Việt Kiều Châu Âu và khu chung cư cao cấp Euroland. Hai dự án được hứa hẹn sẽ đem lại không gian sống tiện nghi, hiện đại, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn Châu Âu ngay trên vành đai sông Nhuệ.

Khu chung cư Euroland (nguồn: Báo Mới)

Khu chung cư Euroland.

Dự án được triển khai vào tháng 4/2007 và dự kiến hoàn thành vào năm 2009; tuy vậy, 7 năm sau khi làm thủ tục mở bán, vẫn còn nhiều người mua chưa nhận được nhà. Trong thời gian thi công, TSQ Việt Nam có nhiều lần gặp vướng mắc, phải mời khách mua nhà đến để trao đổi, giải thích, thậm chí là điều chỉnh phụ lục hợp đồng.

Người mua căn hộ tại Euroland liên tục phải chịu những yêu sách “oái oăm” của TSQ Việt Nam, trong đó có việc nộp tiền lãi suất lên đến mức 24% vì chậm nộp tiền đất áp cả với những khách hàng chưa bao giờ lỡ một đợt trả tiền cho TSQ. Không những vậy, diện tích các ô đất mà khách hàng mua sẽ bị điều chỉnh giảm từ 20 – 30m2 so với đơn mua bán nhà đã được hai bên ký vào năm 2007.

Những người mua biệt thự tại Làng Việt Kiều Châu Âu cũng phải trả thêm 2% giá nhà do chi phí vật liệu xây dựng tăng, cộng thêm một khoản khác trong mỗi đợp nộp tiền đất do chênh lệch tỷ giá đô-la Mỹ (khách hàng mua nhà theo giá đô-la Mỹ/m2). Sốc hơn nữa là khi một số khách hàng tìm đến lô đất mình đã mua vào cuối năm 2008, họ mới phát hiện chưa có một căn biệt thự nào được khởi công xây dựng cả. Khách hàng tìm đến trụ sở của TSQ Việt Nam thì bị bảo vệ chắn cửa, tuyên bố: “Sẽ chỉ tiếp những khách hàng có giấy mời”.

Người mua nhà và bảo vệ trước trụ sở của TSQ Việt Nam (nguồn: báo Giáo dục)

Người mua nhà và bảo vệ trước trụ sở của TSQ Việt Nam

Mong mòn chờ đợi bàn giao nhà còn chưa đủ, theo nhiều người mua nhà tại Euroland thì họ còn phải trả cho chủ đầu tư những khoảng tiền “bôi trơn”. Những người chưa nhận nhà phải nộp từ 1 - 2 triệu đồng/m2 để để chủ đầu tư đi “vận động hành lang”; còn số ít đã nhận nhà rồi muốn có sổ đỏ cũng phải nộp thêm tiền.

Ông Nguyễn Văn Mỹ sống ở tòa nhà T2B cho biết vào tháng 5/2014 ông nhận được thông báo từ Công ty TSQ Việt Nam, về việc nộp 7 triệu đồng liên quan đến làm sổ đỏ:

“Sau khi nhận thông báo tôi đã mang 7 triệu lên sàn TSQ nộp, nhân viên thu giấy thông báo nộp 7 triệu đồng mà không đưa lại hóa đơn chứng từ. Khi tôi thắc mắc, nhân viên tại đây nói khoản tiền này do cấp trên yêu cầu phải có tiền bôi trơn mới được cấp sổ đỏ”, ông Mỹ kể.

Thông báo về việc nộp số tiền 7 triệu (nguồn: BizLive)

Thông báo về việc nộp số tiền 7 triệu (nguồn: BizLive)

Không chịu được nữa, nhiều khách hàng mua nhà tại Kepler Land và Euroland đã tự mình liên lạc với chính quyền và các cơ quan truyền thông nhằm bày tỏ bức xúc của mình. Ngay lập tức, TSQ Việt Nam đã bác bỏ thông tin này và cho biết việc thu “phí bôi trơn” chỉ là tin đồn. Riêng số tiền 7 triệu đồng gồm có phí trích lục căn hộ, phí kiểm tra, phí thẩm định hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, và phí in ấn sổ.

Ngày 28/9/2012 TAND quận Hà Đông đã đưa ra xét xử vụ tranh chấp hợp đồng kéo dài tại dự án Làng Việt kiều châu Âu giữa bà bà Nguyễn Thị Thoa (người mua nhà) đối với Công ty TSQ Việt Nam. Bà Thoa không đồng ý với khoản phải trả thêm do chênh lệch tỷ giá là khoảng 100 triệu đồng, thậm chí còn đề nghị tòa buộc bên TSQ Việt Nam bồi thường cho bà hơn 100 triệu đồng. Tuy vậy, sau khi xem xét vụ việc, Hội đồng xét xử đã bác đơn kiện của bà Thoa.

Tuy đến nay việc TSQ Việt Nam bàn giao nhà cho người mua ở hai dự án Làng Việt Kiều Châu Âu và Euroland đã hoàn thành, nhưng người dân sinh sống ở đây vẫn không thể nào yên ổn mà “an cư lập nghiệp” được. Tại Làng Việt Kiều Châu Âu, người dân hằng ngày bị “tra tấn” bởi mùi hôi từ hệ thống cỗng rãnh chạy qua khu biệt thự, hay cảnh ngập mỗi khu mùa mưa đến. Còn ở Euroland, người dân đang lo ngại bởi hệ thống thang máy mặc dù đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn được đơn vị quản lý tòa nhà đưa vào vận hành sử dụng.

Mùi hôi từ hệ thống cống rãnh đang hằng ngày làm khổ người dân sống tại Làng Việt Kiều Châu Âu

Mùi hôi từ hệ thống cống rãnh đang hằng ngày làm khổ người dân sống tại Làng Việt Kiều Châu Âu

Ngoài hai dự án bất động sản kinh doanh có tổng trị giá 60 triệu USD, TSQ Việt Nam còn làm chủ thầu hai dự án công trình công cộng tại Khu đô thị mới Mỗ Lao là Trung tâm thế giới tuổi thơ và Trung tâm triển lãm. Quỹ đất được UBND TP. Hà Nội giao cho TSQ để thực hiện hai dự án này lên đến hơn 15.000m2.

Một dãy chung cư “ngự” tại khu đất đáng lẽ ra là của khu vui chơi trẻ em là nhà triển lãm (nguồn: Báo Kinh doanh và Pháp luật)

Một dãy chung cư “ngự” tại khu đất đáng lẽ ra là của khu vui chơi trẻ em là nhà triển lãm (nguồn: Báo Kinh doanh và Pháp luật)

Tuy vậy, sau 12 năm từ khi được chính quyền phê duyệt, dự án mà TSQ dựng lên lại là một dãy chung cư kết hợp ki-ốt kinh doanh. Bên trong mỗi căn hộ đều có hệ thống điện nước đầy đủ, sẵn sàng đón người đến ở. Khách hàng có nhu cầu thuê căn hộ sẽ phải trả từ 10 - 75 triệu đồng/tháng cho một đối tượng không rõ tên.
Đã có doanh nghiệp đến kinh doanh tại khu chung cư (nguồn: CafeF)

Đã có doanh nghiệp đến kinh doanh tại khu chung cư (nguồn: CafeF)

Cách giải thích của TSQ Việt Nam khi vụ việc sử dụng đất sai mục đất này cũng rất đáng nghi. Theo ông Đỗ Quân thì dãy chung cư/ki-ốt này đúng là hình thức đã được chính quyền phê duyệt của Trung tâm thế giới tuổi thơ và Trung tâm triển lãm. TSQ Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nối hai công trình này, và phủ nhận việc có cho bất kỳ đối tác nào thuê lại.

Tuy phạm sai lầm nghiêm trọng nhưng những công trình của TSQ Việt Nam đề cập ở trên đều đã hoàn thành, trái ngược hẳn với dự án công trình Tháp thiên kỷ Hà Tây – Hatay Millenium Tower. Tòa tháp nằm tại vị trí đắc địa trên đường Chu Văn An, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, được khởi công vào tháng 7/2008 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2010 để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội. Tuy nhiên, trong vòng hơn 10 năm, công trình hoàn toàn bị bỏ không. Đến tháng 8/2011, Hatay Millenium Tower được UBND TP. Hà Nội xếp vào danh mục các công trình cấp bách của thành phố giai đoạn 2011 - 2020, nhưng vẫn không có chuyển biến gì trong việc thi công.

Bên trong khu vực thi công bị bỏ hoang (nguồn: TSQ Việt Nam)

Bên trong khu vực thi công bị bỏ hoang (nguồn: TSQ Việt Nam)

Phải đến năm 2017, việc thi công Hatay Millenium Tower mới tiếp tục trở lại, và theo TSQ Việt Nam thì đã xây xong 3 tầng hầm và 15 tầng nổi. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành phần thô vào quý IV/2019, bàn giao công trình vào quý IV/2020. Ngày 29/09/2018, công ty chính thức mở bán 683 căn hộ ở Hatay Millenium Tower tại khách sạn Mariott (Hà Nội).

Buổi mở bán căn hộ Hatay Millenium Tower (nguồn: VTV)

Buổi mở bán căn hộ Hatay Millenium Tower (nguồn: VTV)

Vậy lí giải cho sự chậm chễ hơn 10 năm này là gì? Theo TSQ Việt Nam trả lời báo thì có ba vấn đề khiến công ty không thể triển khai dự án. Thứ nhất là sau khi tỉnh Hà Tây được sát nhập vào Hà Nội năm 2008, việc thi công bị ngừng lại theo diện công trình được rà soát theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đợt thanh tra thứ hai diễn ra trong khoảng 2010 - 2011 do công trình nằm trên vành đai sông Nhuệ.

Lý do thứ ba mang tính chủ quan, do TSQ Việt Nam xin cấp phép được nâng công trình từ 29 tầng lên 44 tầng nổi và 3 tầng hầm, cùng với một loạt các điều chỉnh thiết kế khác. Điều này đã khiến công ty phải làm lại toàn bộ hồ sơ dự án, và đến tháng 6/2017, công ty mới được UBND TP. Hà Nội giao đất để tiến hành thi công.

Khách tham gia buổi mở bán Hatay Millenium Tower (nguồn: VTV)

Khách tham gia buổi mở bán Hatay Millenium Tower (nguồn: VTV)

Chúng ta rút ra được điều gì từ việc điểm lại lịch sử của TSQ Việt Nam? Có quá nhiều "scandal" xoay quanh mọi dự án bất động sản của TSQ Việt Nam kể từ khi được thành lập đến nay, khiến những người quan sát không khỏi tự đặt những câu hỏi như: “Liệu có vấn đề nào đang ảnh hưởng đến hoạt động nội bộ của công ty hay không?”; “Tiềm lực thật sự của TSQ Việt Nam đến đâu?”… Hiện chúng ta vẫn còn quá ít thông tin để trả lời những câu hỏi này - ngay cả công luận trong nước cũng chỉ biết đến công ty mẹ là tập đoàn TSQ Finnancial qua thông tin do bên TSQ Việt Nam cung cấp, chứ không rõ thực chất hoạt động của doanh nghiệp này tại nước bạn ra sao.

Mặt khác, có lẽ chúng ta cũng nên nói đến một phần vai trò của chính quyền. Kể từ khi vụ việc sử dụng sai mục đích Trung tâm thế giới tuổi thơ và Trung tâm triển lãm được "phát giác" vào năm 2016, đến nay vẫn chưa có cách giải quyết thỏa đáng từ các cấp chính quyền. Không tính đến những "scandal" khác, chỉ riêng vấn đề này đáng lẽ đã phải làm cho chính quyền Hà Nội xem xét lại TSQ Việt Nam thay vì giao đất cho công ty tiếp tục thi công một dự án đã chậm tiến độ 10 năm.

Năm 2019, hay dài hơn nữa là trong tương lai gần, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ là “điềm sáng” thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, trong đó chắc chắn sẽ có phần đóng góp của các Việt Kiều. Nếu chúng ta muốn tận dụng tối đa được cơ hội này thì phải tìm cách rà soát lại thị trường, chỉ ra và loại bỏ hoạt động có vấn đề trong cả giới doanh nghiệp lẫn chính quyền. Chỉ có làm được như thế thì người nước ngoài nói chung và các bà con Việt Kiều nói riêng mới có thể yên tâm tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top