Thị trường chứng khoán biến động có phần tiêu cực trong phiên giao dịch đầu tuần (21/6) khi sắc đỏ chiếm ưu thế ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Thị trường khởi động phiên giao dịch với sự thận trọng, các chỉ số đều bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi sự lao dốc của Mỹ trong phiên 18/6. Tuy nhiên, sự phân hóa diễn ra rõ nét ở nhóm cổ phiếu lớn nên các chỉ số có biến động giằng co với những đợt tăng giảm điểm đan xen.
Sang đến phiên chiều, áp lực bán dâng cao hơn và đẩy các chỉ số lùi khá sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Những đợt hồi phục trong phiên chiều cũng chỉ phần nào kìm hãm đà giảm của các chỉ số thay vì giúp tăng điểm trở lại như các thời điểm trước.
Nhóm cổ phiếu tài chính tiếp tục là “gánh nặng” của thị trường, trong đó, SSI giảm 3%, VND giảm 3,9%, LPB giảm 2,7%, BID giảm 2,5%, SHB giảm 2,2%, BVH giảm 2,1%. Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu lớn khác như HBC, VCG, HSG, HPG, VNM... cũng chìm trong sắc đỏ và gây áp lực mạnh lên thị trường chung.
Chiều ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa lớn là điểm sáng như NVL, PLX, MWG, HVN, MSN, FPT... Trong đó, NVL tăng đến 5,8% lên 109.000 đồng/cp. Bên cạnh đó, PLX tăng 3,7% lên 58.600 đồng/cp, MWG tăng 3,4% lên 145.800 đồng/cp, HVN tăng 2,2% lên 27.700 đồng/cp. Theo thông tin từ họp báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế cho biết 3 tổ chức tín dụng gồm SeaBank, MSB và SHB có cam kết tài trợ cho HVN vay với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh NVL thì THD là cổ phiếu vốn hóa lớn giữ được sắc xanh khi tăng 0,2% lên 198.000 đồng/cp. VIC đứng ở mức tham chiếu 117.400 đồng/cp. Trong khi đó, VRE, VHM, PDR hay BCM đều chìm trong sắc đỏ. Kết phiên, VRE giảm 2,2% xuống 31.800 đồng/cp, VHM giảm 0,4% xuống 112.000 đồng/cp, PDR giảm 1,7% xuống 90.500 đồng/cp, BCM giảm 0,9% xuống 54.500 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra mạnh, trong đó, sắc đỏ bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu thanh khoản cao như FLC, TCH, NDN, IDC, FIT, KBC, HDG... Trong đó, FLC giảm sâu 5% xuống 14.400 đồng/cp. Có thời điểm trong phiên giao dịch, FLC bị kéo xuống mức giá sàn 14.100 đồng/cp. TCH giảm 3% xuống 22.800 đồng/cp. Mới đây, Chứng khoán VNDirect đã có dự báo về cơ cấu danh mục của chỉ số VN30 kỳ tới trong đó, đơn vị này dự báo TCH là một trong 3 cổ phiếu bị loại khỏi rổ chỉ số VN30.
Tuy vậy, nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao khác vẫn hút được dòng tiền tốt như HAR, ASM, VRC, HQC, HDC, NTL… Trong đó, HAR tăng 5,8% lên 5.880 đồng/cp, ASM tăng 3,1% lên 26.900 đồng/cp, HQC tăng 2,4% lên 4.250 đồng/cp.
Một cổ phiếu bất động sản khác cũng đáng chú ý đó là BVL. Cổ phiếu này tiếp tục tăng kịch trần lên 33.000 đồng/cp, đây cũng là phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp của BVL kể từ khi lên sàn UPCoM hôm 11/6.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6, VN-Index giảm 5,14 điểm (-0,37%) xuống 1.372,63 điểm. Toàn sàn có 173 mã tăng, 232 mã giảm và 39 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,49 điểm (-0,78%) xuống 316,24 điểm. Toàn sàn có 121 mã tăng, 85 mã giảm và 121 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,57%) xuống 89,71 điểm.
Giá trị khớp lệnh phiên 21/6 thấp hơn phiên cuối tuần trước và ở mức 24.900 tỷ đồng. FLC và HQC là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 44,8 triệu cổ phiếu và 19,4 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng trên 1.100 tỷ đồng trong phiên 21/6, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã NVL với 362 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DXG cũng là cổ phiếu ngành bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với 37 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM được mua ròng mạnh nhất với 128 tỷ đồng. Một cổ phiếu bất động sản khác cũng nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại là KDH với hơn 25 tỷ đồng.
Theo CTCP Chứng khoán MB (MBS), thị trường thế giới phiên giao dịch đầu tuần biến động đã khiến thị trường trong nước giảm điểm. Bên cạnh đó, thị trường tiến sát về 1.400 điểm đã khiến áp lực chốt lời gia tăng, một số nhà đầu tư cũng sẽ mua vào theo tín hiệu kỹ thuật trong khi số khác sẽ chốt dần khi có cầu mới vào thị trường. Tuy nhiên, mức dao động của thị trường ở các phiên giảm là tương đối hẹp và thanh khoản vẫn giữ ở mức cao là tín hiệu tích cực. Do vậy, khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên rung lắc trong các phiên sắp tới, nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì ở mức cao thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm.