Aa

TTCK ngày 26/3: Đà tăng tập trung một số cổ phiếu vốn hóa lớn

Thứ Ba, 27/03/2018 - 08:20

Chốt phiên giao dịch ngày 26/3, VN-Index tăng 17,6 điểm lên 1.171 điểm. HNX-Index cũng tăng 1,79 điểm lên 133,67 điểm.

Cổ phiếu lớn ngành thép lại có phiên giảm điểm đồng đều.

Cổ phiếu lớn ngành thép lại có phiên giảm điểm đồng đều.

Sắc xanh khá áp đảo với 139 mã tăng trên HoSE, trong khi lượng mà giảm điểm chỉ là 128 mã. Trên HNX, lượng cổ phiếu tăng, giảm điểm lần lượt là 84 và 63 mã.

Điểm đáng chú ý là đà tăng tập trung chủ yếu vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, BVH, VIC, VNM, BID… Sự phân hóa là rất rõ nét giữa nhóm cổ phiếu bluechips và phần còn lại của thị trường. Ngoài ra, diễn biến giảm sàn của một vài cổ phiếu dầu khí như PVD, PVS… do thông tin bất lợi liên quan đến triển vọng hoạt động của các mỏ và KQKD quý I cũng thu hút được sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư.

Trong rổ Vn30, số mã tăng điểm chiếm ưu thế với 17 mã trong khi có 11 mã giảm điểm. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình với 270 triệu cổ phiếu trên cả hai sàn. Nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng trị giá 93 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Thanh khoản trên hai sàn xấp xỉ gần 8.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, có hơn 1.600 tỷ đồng được giao dịch thỏa thuận, tập trung chủ yếu ở VJC (hơn 1.050 tỷ đồng) và HPG. Trong đó, hơn 1,7 triệu cổ phiếu HPG thỏa thuận giá kịch sàn với giá trị tròn 100 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, trừ EIB và STB, các cổ phiếu đều tăng mạnh. BID kết phiên tăng hơn 6% lên 44.900 đồng/cp, cũng là mức cao nhất trong phiên giao dịch của cổ phiếu này. HDB cũng tăng 4,56%.

Cổ phiếu lớn ngành thép có phiên giảm điểm. Cổ phiếu HPG đã bị khối ngoại bán mạnh với giá trị bán ròng lên tới 3.700 tỷ đồng. Giá đóng cửa HPG cũng giảm tới hơn 4%. Trong khi, HSG cũng giảm 4,22%.

Khối ngoại trên thị trường giao dịch theo chiều hướng tiêu cực tại hai sàn niêm yết nhưng lại có diễn biến bất ngờ trên sàn UPCoM. Cụ thể khối ngoại tại HoSE và HNX đã mua vào tổng cộng 13,5 triệu cổ phiếu, trị giá 791 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 22,8 triệu cổ phiếu, trị giá 1.002,8 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 9,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng vào khoảng 211,6 tỷ đồng.

Có thể nhận thấy, áp lực tăng vốn đối với các ngân hàng ngày càng lớn. Theo Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 thì việc áp dụng thí điểm Basel II trên 10 ngân hàng sẽ phải hoàn thành vào cuối năm 2018.

Theo tính toán của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tới cuối năm 2020, các nhà băng sẽ phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 – 2 lần mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Một áp lực tăng vốn khác đến từ chính nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho hay, nếu như trước đây, việc tăng vốn thường chủ yếu nhờ vào nguồn vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thì thời gian vừa qua, một số ngân hàng đã huy động tiền mới thành công từ các thương vụ phát hành riêng lẻ hay chào bán cho cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn được coi là giải pháp có thể kỳ vọng trong năm nay.

Trên thị trường quốc tế, Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm giải pháp nhằm hạ nhiệt nguy cơ chiến tranh thương mại. Phiên thứ 6 cuối tuần trước, trước những lo ngại liên quan đến khả năng bùng phát chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chỉ số Dow Jones tiếp tục mất thêm 1,7% giá trị, đưa mức mất điểm trong cả tuần lên hơn 6% - mức giảm mạnh nhất tính theo tuần trong vòng 2 năm.

Tuy nhiên, những thông tin mới xuất hiện trong ngày hôm nay lại cho thấy triển vọng tích cực hơn về vấn đề này. Cụ thể, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin thì Mỹ và Trung Quốc đang có những cuộc trao đổi rất tích cực và hy vọng sẽ sớm đi đến một thỏa thuận mới.

Như vậy, là đúng như dự đoán, sau khi ông Trump ra thông báo sẽ áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị hàng hóa bị áp thuế dự kiến khoảng 50 tỷ USD; thì hai bên đã sớm có các biện pháp đàm phán nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại.

Trung Quốc dự kiến cũng sẽ có động thái trả đũa nhưng mức độ ban đầu khá khiêm tốn (ước chỉ nhắm vào hàng Mỹ với giá trị khoảng 3 tỷ USD).

Về cơ bản, BVSC cho rằng sẽ còn rất nhiều diễn biến mới ở phía trước xung quanh vấn đề này nhưng những động thái của các bên cho thấy một cuộc chiến thương mại không phải là giải pháp được ưa thích của cả hai bên.

Tuy vậy, đây vẫn là một biến số ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam mang tính khách quan rất khó định lượng nên nhà đầu tư vẫn nên thận trọng với rủi ro này.

Quan sát thông tin trong nước và quốc tế, BVSC cho rằng, với biến động mạnh của TTCK toàn cầu trong thời điểm hiện tại kết hợp với việc chỉ số Vn-Index đã tăng mạnh và đang biến động quanh vùng đỉnh lịch sử, nhiều khả năng áp lực chốt lời tiếp tục diễn ra. Do vậy, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn của Vn-Index hiện được đánh giá ở mức cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top