Aa

TTCK ngày 7/3: VN-Index tiếp tục điều chỉnh theo nhịp "điều hòa"

Thứ Năm, 08/03/2018 - 07:49

Kể từ sau Tết Nguyên đán, TTCK có diễn biến khá nhịp điệu theo chu kỳ: Cứ một phiên tăng thì phiên kế tiếp lại giảm điểm. Chứng khoán toàn cầu đang là yếu tố chi phối diễn biến thị trường trong nước.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/3, VN-Index giảm 8 điểm (0,72%) xuống 1.126,26 điểm. Toàn sàn có 145 mã tăng, 149 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,73 điểm (1,36%) xuống 125,6 điểm. Toàn sàn có 60 mã tăng, 88 mã giảm và 210 mã đứng giá.
 

Thị trường có phiên giảm điểm trên cả 2 sàn với thanh khoản ở mức cao và độ rộng thị trường ở trạng thái tương đối cân bằng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn điều chỉnh trên diện rộng, có thể thấy ở VCB, GAS, BVH, HPG. Nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh đồng loạt trong phiên hôm nay ở số đông các mã trong ngành như VCB, CTG, BID, MBB.

Nguồn BVSC.

Tổng khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 279 triệu cp với trị giá 7.654,9 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khoảng gần 1.462 tỷ đồng. Sàn HNX có gần 72,5 triệu cp trao tay, ứng với giá trị đạt 1.157 tỷ đồng.

Về diễn biến trên thị trường quốc tế, các nước chuẩn bị hoàn tất ký kết Hiệp định CPTPP diễn ra ngày mai, 8/3, tại Santiago (Chile). Về cơ bản, Hiệp định CPTPP có nhiều khác biệt so với Hiệp định ban đầu TPP, với 12 nước tham gia đàm phán (bao gồm Mỹ). Tuy nhiên, CPTPP vẫn được đánh giá là Hiệp định mang tính bao trùm, toàn diện, tác động đến không chỉ về thương mại mà còn về đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều vấn đề khác của các nước tham gia.

Theo đánh giá của giới đầu tư, với việc không có Mỹ tham gia, ảnh hưởng của Hiệp định này đến thương mại của Việt Nam đã giảm đi đáng kể. Do Mỹ là thị trường có quy mô lớn, là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam và Mỹ cũng là nhà đầu tư nằm trong top 10 lớn nhất vào Việt Nam.

Mặc dù vậy, các đối tác còn lại trong Hiệp định như Nhật Bản, Canada, Australia, Mexico… vẫn là những thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu cũng như đầu tư của Việt Nam và tại Việt Nam. 

Theo nghiên cứu mới đây của World Bank, các lĩnh vực được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh của Việt Nam dưới tác động của CPTPP gồm thực phẩm, đồ uống, dệt may, hóa chất, thuốc lá, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và các trang thiết bị khác. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng 4,2-5,3% trong khi năng suất lao động dự kiến tăng 6,9%-7,6%.

Theo một tính toán khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiệp định CPTPP có thể giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng thêm trên dưới 2%, không chỉ đến từ xuất khẩu mà còn trong hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ, cải cách thể chế…

Cần thêm thời gian và thông tin cụ thể về Hiệp định để có thể đánh giá chính xác hơn tác động của CPTPP đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá các ngành hàng tiêu dùng, dệt may, nông thủy sản, bất động sản khu công nghiệp… sẽ là những ngành được hưởng lợi lớn sau khi Hiệp định được chính thức đưa vào thực thi.

Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm sâu do cố vấn ủng hộ thương mại tự do của ông Trump từ chức. Thông tin từ chức của ông Cohn đến trong bối cảnh chính phủ của ông Trump đang chuẩn bị áp dụng thuế nhập khẩu lên hai mặt hàng thép và nhôm - điều mà ông Cohn phản đối, dấy lên lo ngại dự định áp thuế lên 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ của ông Trump thành sự thật.

Với những thông tin tác động, BVSC cho rằng, Vn-Index đang tiệm cận vùng đỉnh cũ, thị trường được dự báo sẽ biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển của dòng tiền, chốt lời ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng mạnh và chảy vào nhóm cổ phiếu mang tính thị trường cao nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong các phiên sắp tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top