Aa

TTCK rung lắc do "thiên nga đen", cổ phiếu bất động sản biến động mạnh

Chủ Nhật, 19/11/2023 - 10:30

Thị trường chứng khoán trong tuần từ 13 - 17/11 gặp phải "thiên nga đen" và có những sự rung lắc nhất định khiến VN-Index về sát mốc 1.100 điểm. Nhóm bất động sản là tâm điểm của thị trường khi có biến động mạnh.

VN-Index trải qua tuần giao dịch với biến động khá mạnh. Tiếp đà hồi phục của 2 tuần trước đó, VN-Index có 3 phiên tăng điểm giữa tuần, tuy nhiên áp lực bán mạnh vào phiên cuối tuần đã thổi bay toàn bộ thành quả các phiên trước, đưa VN-Index quay trở lại về sát mốc 1.100 điểm.

Chốt phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa ở mức 1.101,19 điểm, giảm 0,49 điểm (-0,04%) so với tuần trước. HNX-Index kết thúc tuần ở mức 226,54 điểm, giảm 0,11 điểm (-0,05%) so với tuần trước.

Trong tuần thanh khoản trên thị trường tiếp tục có sự cải thiện hơn tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân ở mức 21.200 tỷ đồng/phiên, tăng 4,6% so với tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 6,6% lên 19.302 tỷ đồng/phiên.

Thị trường tuần qua đón nhận một số thông tin như Ngân hàng Nhà nước công bố 5 giải pháp chính gỡ khó cho thị trường bất động sản; rà soát Thông tư 03 và Thông tư 06 để ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp; Luật Đất đai sửa đổi sẽ chưa được thông qua tại kỳ họp 6 của Quốc hội.

Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục là tâm điểm và có những biến động khá mạnh ở tuần giao dịch từ 13 - 17/11. Thống kê 125 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, tuần qua có 60 mã tăng và 42 mã giảm.

Nhóm cổ phiếu họ “Vin” gây rất nhiều sự chú ý, đặc biệt trong phiên cuối tuần, và đây cũng chính là nhóm tác động thị trường giảm mạnh. VHM của CTCP Vinhomes giảm gần 8%, VIC của Tập đoàn Vingroup giảm hơn 6%, VRE của CTCP Vincom Retail giảm 4,8%. Việc các cổ phiếu họ “Vin” giảm mạnh đến từ thông tin hai hãng luật điều tra khả năng vi phạm của VinFast tại Mỹ. Biến động của cổ phiếu họ “Vin” đã gần như xóa đi những thành quả ở 3 phiên đầu tuần của nhóm cổ phiếu bất động sản.

Tuy nhiên ngay sau đó, VinFast bác tin đồn bị kiện tại Mỹ. Bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Vingroup kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách Pháp chế công ty VinFast cho biết: "VinFast luôn hướng tới việc công bố thông tin minh bạch tới nhà đầu tư tại thị trường. Hiện tại, VinFast vẫn đang hoạt động hoàn toàn bình thường tại Mỹ. Tuy nhiên, việc kiện tụng là hết sức bình thường, thường xuyên ở Mỹ nên chúng tôi luôn sẵn sàng đối diện với việc này từ khi quyết định triển khai các hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ".

20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm BĐS trong tuần 13 - 17/11.
20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần 13 - 17/11.

CEO của Tập đoàn C.E.O ghi nhận mức giảm 3%. Cổ phiếu CEO đã được giao dịch rất sôi động trong tuần qua. Ở phiên 16/11, hơn 46,7 triệu cổ phiếu CEO được khớp lệnh ghi nhận con số kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết. Giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn nghìn tỷ đồng. Đó cũng là ngày 242,7 triệu cổ phiếu CEO trong đợt chào bán ra công chúng chính thức được giao dịch. Trước đó, vào ngày 26/9, doanh nghiệp này đã kết thúc đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu 252,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 100:98) với giá 10.000 đồng/cp.

IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam giảm gần 4,6%. Theo công bố mới đây, doanh nghiệp này mới nhận đơn xin từ nhiệm vị trí Quyền Tổng giám đốc của ông Nguyễn Quang Huy do lý do vướng một số công việc cá nhân. Trước đó, CTCP Chứng khoán Apec công bố đã nhận đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Nguyễn Quang Huy với lý do tương tự như trên.

Trong khi đó, các vị trí đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản đều nằm trong diện thanh khoản thấp. Cổ phiếu PTN của CTCP Phát triển Nhà Khánh Hòa giảm mạnh nhất với hơn 14%. Theo thông báo mới đây, hơn 5,8 triệu cổ phiếu PTN sẽ hủy đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM từ 7/12/2023. Ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM vào 6/12/2023. Lý do được đưa ra là doanh nghiệp này cổ phần hóa sau 1 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng. Được biết, cổ đông lớn nhất của PTN là CTCP Du lịch - Khoáng nóng Nha Trang Seafoods F17 khi nắm giữ hơn 2,7 triệu cổ phiếu PTN, tỷ lệ 46,56%. Cổ đông lớn thứ hai là Tổng Công ty Sông Đà với gần 2,09 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 36%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu BIG của CTCP Big Invest Group tiếp tục gây chú ý khi là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản với 12,7%. Tiếp sau đó, hai cổ phiếu EFI của CTCP Đầu tư Tài chính Giáo dục và V11 của CTCP Xây dựng số 11 đều có mức tăng giá trên 12%. Tuy nhiên, hai cổ phiếu này nằm trong diện thanh khoản rất thấp.

20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm BĐS trong tuần 13 - 17/11.
20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản trong tuần 13 - 17/11.

Cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt gây bất ngờ khi tăng gần 10% bất chấp những sự rung lắc nhất định xảy ra của thị trường chung. Mới đây, HĐQT PDR đã thông qua chủ trương cho hai công ty con là CTCP Bất động sản Đầu tư và Phát triển Cao Ốc Thiên Long và CTCP Bất động sản Đầu tư và Phát triển Cao Ốc Hòa Phú quyền tài sản hình thành từ 2 dự án tại Bình Dương làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Quân Đội (MBBank). Theo đó, MBBank “bơm” cho PDR 3.200 tỷ đồng để thực hiện dự án gần 11.000 tỷ đồng tại Bình Dương. Tổng hạn mức cấp tín dụng không bao gồm khoản tiền gần 700 tỷ đồng mà MBBank đã giải ngân cho chủ đầu tư tại hai dự án Thuận An 1 và Thuận An 2 tại Bình Dương.

Cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng ghi nhận mức tăng gần 5%. Doanh nghiệp này vừa công bố tình hình sử dụng vốn huy động 1.500 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021. Theo kế hoạch huy động vốn ban đầu, số tiền huy động trong đợt chào bán này được Công ty DIC Corp sử dụng để đầu tư vào dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. Tính đến nay, DIC Corp cho biết đã giải ngân được 1.320,5 tỷ đồng, còn lại hơn 179 tỷ đồng chưa giải ngân. Số tiền đã giải ngân, công ty sử dụng thanh toán chi phí công tác chuẩn bị đầu tư dự án, đền bù giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu, phường 12, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; và thanh toán tiền cho CTCP Đầu tư và Phát triển Tân Long.

Xu hướng phục hồi của các chỉ số chứng khoán chưa bị vi phạm

Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục đầu tiên và vận động lỏng lẻo, thị trường sẽ cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy. SHS kỳ vọng nền tích lũy sẽ hình thành trên 1.100 điểm, phiên cuối tuần VN-Index có xu hướng test lại vùng hỗ trợ quanh 1.100 điểm nhờ nỗ lực giữ hỗ trợ cuối phiên và SHS hy vọng ngưỡng này sẽ được giữ vững trong tuần giao dịch tiếp theo.

Về tình hình vĩ mô, các hoạt động kinh tế trong nước vẫn đang có những tín hiệu cải thiện dần trong quý cuối năm, lãi suất ở mức thấp, các dữ liệu lạm phát tại Mỹ và châu Âu cũng đang có xu hướng giảm dần. Mặc dù vậy tình hình địa chính trị thế giới vẫn chưa hết bất ổn, lãi suất toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao và thị trường bất động sản trong nước cần thêm thời gian để phục hồi. Với tình trạng vĩ mô hiện tại nếu thị trường tìm đến điểm cân bằng và tạo nền tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, xu hướng phục hồi của các chỉ số chứng khoán chưa bị vi phạm sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua. Bên cạnh đó, tình hình vĩ mô đang cho thấy xu hướng cải thiện khá tích cực. Cụ thể, áp lực tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong bối cảnh thị trường tin rằng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành. Tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép chính sách tiền tệ “dễ thở hơn”. Trong 6 phiên đấu thầu gần nhất, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hẳn việc phát hành tín phiếu và bơm ròng trở lại thị trường nhờ lượng tín phiếu cũ đáo hạn. Tính từ đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng trở lại hơn 108.000 tỷ đồng và kéo lượng tín phiếu lưu hành giảm về còn gần 100.400 tỷ đồng. Động thái này đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trở lại. Do đó, lo ngại về nguy cơ “đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước” đã được gỡ bỏ và điều này sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong những tuần giao dịch cuối năm.

Ngoài vấn đề tỷ giá và chính sách tiền tệ, nhiều chỉ báo cho thấy đà phục hồi tăng trưởng của Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện. Liên tiếp trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại với tốc độ tháng sau cao hơn tháng trước. Đồng thời, các chỉ báo khác liên quan tới công nghiệp, dòng vốn FDI cũng cho thấy xu hướng cải thiện tích cực. Trong bối cảnh đó, ông Hinh kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi tích cực và là lực đẩy cho thị trường chứng khoán từ nay tới Tết âm lịch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top