Aa

Từ 1/12, thêm nhiều quyền lợi cho người có thẻ BHYT

Thứ Năm, 01/11/2018 - 02:06

Ngày 31/10, Bộ Y tế đã tổ chức thông tin đến báo giới về nghị định 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/12 tới. Nhiều điểm mới sẽ giúp người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng lợi.

 

 Người tham gia BHYT sẽ được hưởng nhiều quyền lợi theo quy định khi khám chữa bệnh. Ảnh: Chí cường

Người tham gia BHYT sẽ được hưởng nhiều quyền lợi theo quy định khi khám chữa bệnh. Ảnh: Chí cường.

Thêm trường hợp được hưởng quyền lợi về BHYT

Chiều 31/10, ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong một số trường hợp, quyền lợi về BHYT được bổ sung gồm: Trường hợp người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến xã thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm theo quy định.

Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân đi lại khó khăn được đi khám, chữa bệnh tại nơi gần chỗ cư trú, tiết kiệm thời gian, chi phí. Nghị định 146 quy định bổ sung việc quỹ BHYT sẽ thanh toán trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh gửi mẫu bệnh phẩm, chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.

Ông Toàn dẫn chứng: Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ không điều trị nhưng có các máy móc hiện đại để xét nghiệm nhiều loại bệnh. Quy định mới sẽ cho phép các viện khác gửi mẫu đến đây để xét nghiệm và người bệnh vẫn được thanh toán BHYT.

“Quy định mới sẽ tạo điều kiện để thành lập các trung tâm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, giúp tiết kiệm chi phí. Bệnh nhân có thể được cơ sở khám chữa bệnh đang điều trị gửi mẫu xét nghiệm hoặc chuyển bệnh nhân tới nơi khác mà vẫn được thanh toán BHYT”, ông Toàn nói.

Thẻ BHYT hết hạn vẫn được thanh toán trong 15 ngày

Cùng đó, theo quy định mới, trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ hết hạn sử dụng thì vẫn được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện, nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ khi thẻ hết hạn. Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện việc cấp, hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh. Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến nơi khác thì được Quỹ BHYT thanh toán như trường hợp trái tuyến.

Nghị định 146 không giao quỹ cho cơ sở có người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu dựa trên số thu BHYT của những người có thẻ đăng ký tại đây như hiện nay. Theo ông Toàn, quy định này sẽ đảm bảo tính chia sẻ của quỹ BHYT, phù hợp với việc khám chữa bệnh thông tuyến, đồng thời không gây áp lực cho cơ sở khám chữa bệnh có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Các trạm y tế xã cũng không bị rào cản về việc bị khống chế tỷ lệ quỹ được sử dụng tại trạm là dưới 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT như hiện nay.

Theo ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, khi bỏ trần khống chế, các cở sở khám chữa bệnh tuyến xã có thể cung cấp đầy đủ dịch vụ cho người có thẻ BHYT theo đúng phạm vi quyền lợi, đảm bảo chất lượng. “Quy định khống chế mức chi phải dưới 20% mức tiền thu được như trước đây đã phát sinh điểm chưa phù hợp. Theo đó, trên thực tế các bác sĩ, nhân viên y tế xã có thể làm được các chuyên môn nghiệp vụ, xét nghiệm, kê đơn thuốc nhưng vì khống chế mức dưới 20% nên họ sẽ không thực hiện được. Điều này khiến niềm tin của người dân dành cho y tế cơ sở không cao nên người dân đi lên tuyến trên, vòng luẩn quẩn quá tải sẽ xảy ra”, ông Khảm nói.

Với quy định mới, ông Khảm khẳng định sẽ tiết kiệm chi phí gián tiếp, chi phí xã hội trong việc bệnh nhân không phải lên tuyến trên. Ông Khảm lấy ví dụ, Bộ Y tế ban hành thông tư 39 về gói dịch vụ y tế cơ bản tại Trạm y tế xã. Nếu có danh mục thuốc, kỹ thuật được thực hiện tại y tế xã nhưng không có cơ chế tài chính phù hợp thì thông tư 39 sẽ không thực hiện thuận lợi được.

Ngày 31/10, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo lộ trình Đề án 316 của Chính phủ về liên thông kết quả xét nghiệm, chậm nhất năm 2018, liên thông kết quả xét nghiệm với các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt. Đến năm 2020, liên thông phòng xét nghiệm cùng mức chất lượng trong phạm vi mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2025 sẽ áp dụng tới các phòng xét nghiệm trên toàn quốc. Trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ đánh giá các phòng xét nghiệm của các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt, để công bố kết quả. Trên toàn quốc có ít nhất 3.000 phòng xét nghiệm.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay, đã có 28 bệnh viện tuyến Trung ương được thí điểm thực hiện hiện liên thông kết quả xét nghiệm. Điều kiện để được liên thông kết quả xét nghiệm là bệnh viện phải có phòng xét nghiệm đạt ISO 15189. Đến hết năm 2018, Bộ Y tế sẽ tổng kết 28 bệnh viện này. Từ đó, Bộ xem xét giữ nguyên tiến độ theo như kế hoạch hay đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Võ Thu

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top