Aa

Từ bầu Đức đến "trùm tôn" Lê Phước Vũ, hàng loạt đại gia Bình Định "gặp hạn"

Thứ Năm, 22/09/2016 - 14:13

Gặp khó khăn trong tài chính, bị buộc rời khỏi vị trí lãnh đạo công ty do chính mình gầy dựng, gặp phải làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận... là các vấn đề mà nhiều đại gia gốc Bình Định gặp phải trong năm nay.

Dù mới đang ở tháng cuối cùng của quý III/2016, giới tài chính trong nước đã phải chứng kiến hàng loạt “đại gia” Việt rơi vào cảnh lao đao. Trong số đó không thể không kể đến các doanh nhân gốc Bình Định như ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), ông trùm gỗ Võ Trường Thành, ông Lê Phước Vũ. 

“Bầu Đức” lao đao, cổ phiếu rẻ hơn rau muống

Ông Đoàn Nguyên Đức (có biệt danh là bầu Đức) sinh năm 1962, quê quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Đình. Sau 4 lần thi trượt đại học, ông Đoàn Nguyên Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ tên là Hoàng Anh, chuyên đóng bàn ghế học sinh tại xã. Đến năm 1990, ông Đức phất lên như “diều gặp gió”, liên tục được biết đến là người sở hữu hàng loạt bất động sản trong và ngoài nước.

Ông nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh sang rất nhiều lĩnh vực và trở thành tên tuổi hàng đầu giới kinh doanh. Cuối năm 2015, bầu Đức đứng thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với tài sản 3.616,762 tỷ đồng.

Chân dung bầu Đức

Chân dung bầu Đức

Tuy nhiên cũng vào thời điểm này, do rất nhiều tác động mà các hoạt động kinh doanh của ông Đoàn Nguyên Đức đều gặp khó khăn.

Quý cuối cùng của năm 2015, cả 2 doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) bất ngờ công bố lỗ lớn, trong đó Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lỗ lên tới gần 590 tỷ đồng trong quý IV/2015. Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - Agrico, doanh nghiệp con của Hoàng Anh Gia Lai cũng điều chỉnh kết quả kinh doanh quý IV/2015 từ lãi sang lỗ trên 110 tỷ đồng trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư.

Đến cuối năm 2015, tổng nợ của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng thêm gần 12 nghìn tỷ đồng lên 32,6 nghìn tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của HAGL tính tới cuối 2015 đứng ở mức gần 12,8 nghìn tỷ, trong đó vay ngắn hạn là hơn 8 nghìn tỷ đồng, tương đơn hơn 50% vốn chủ sở hữu. Nợ dài hạn đạt gần 20 nghìn tỷ, trong đó vay dài hạn lên tới gần 19,1 nghìn tỷ đồng.

“Vận đen” của bầu Đức dường như chưa dừng lại ở năm 2015 mà kéo sang năm 2016. Tháng 3/2016, công ty của bầu Đức bị Ngân hàng thương mại cổ phần ACB “siết nợ” gần 6 triệu cổ phiếu. Theo đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu chi nhánh Gia Lai đã thực hiện bán giải chấp chứng khoán cầm cố (5,85 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico) để thu hồi nợ vay.

Thời điểm này, giá cổ phiếu của HAGL Agrico giao dịch ở mức 7.500 - 8.100 đồng/đơn vị. Đây được ghi nhận là mức giá thấp nhất kể từ khi niêm yết. Liên tục trong vòng hai tháng trước đó, giá cổ phiếu của HAGL Agrico đã lao dốc, mất khoảng 75% giá trị.

Không chỉ giá cổ phiếu của HAGL Agrico, vào thời điểm đầu tháng 8 giá cổ phiểu của Tập đoàn HAGL chỉ còn 5.100 đồng mỗi cổ phiếu. Trang Zing.vn nhận định giá cổ phiếu của HAGL thời điểm đó đã rẻ hơn mớ rau muống: “Mã HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), hiện đang giao dịch ở mức rẻ hơn bó rau muống, là 5.000 đồng mỗi cổ phiếu. Sau bốn phiên giảm, ngày 5/8, mã HAG tiếp tục bị bán tháo và có thời điểm giảm sàn xuống chỉ còn 5.100 đồng mỗi cổ phiếu”.

Giá cổ phiếu giảm khiến bầu Đức mất khoảng 5 nghìn tỷ đồng trong vòng khoảng 1 năm qua. Sau rất nhiều những biến động, thăng trầm, bầu Đức đã có “tâm thư” gửi tới các cổ đông, nhà đầu tư đã gắn bó với Tập đoàn HAGL trong những thời điểm khó khăn nhất. Lần đầu tiên chia sẻ công khai về những khó khăn gặp phải, bầu Đức mong nhận được sự cảm thông của cổ đông, nhà đầu tư cám ơn khách hàng cùng nhân viên của tập đoàn đã cống hiến, đồng hành cùng tập đoàn trong những thời điểm khó khăn nhất.

Ông Đức khẳng định những khó khăn mà doanh nghiệp ông gặp phải chỉ là tạm thời, và chắc chắn HAGL sẽ vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển.

“Ông trùm” gỗ Việt mất quyền kiểm soát công ty

Khi thị trường gỗ và bất động sản trong nước chứng kiến sự nổi danh mạnh mẽ của Hoàng Anh Gia Lai, có một doanh nhân gốc Bình Định khác cũng âm thàm từng bước chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong ngành gỗ xuất khẩu, đó là ông Võ Trường Thành - người sáng lập Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành. Trong suốt thời gian lăn lộn trên thương trường ông Võ Trường Thành đã đưa doanh nghiệp của mình vượt qua bao thăng trầm, thậm chí cả khi đứng trước nguy cơ phá sản ông Thành vẫn từng bước tái cơ cấu, đưa doanh nghiệp ổn định trở lại, trở thành đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam, đầu năm 2016, cổ phiếu Gỗ Trường Thành còn đạt kỷ lục từ khi niêm yết.

Thế nhưng tháng 8 vừa qua, giới tài chính phải một phen “sốc nặng” khi Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành báo cáo tài chính quý II/2016 cho thấy khoản lỗ lên đến 1.123 tỷ đồng trong khi quý liền trước đó doanh nghiệp này còn lãi 54 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế 6 tháng tới 1.037 tỷ đồng của Gỗ Trường Thành khiến không ai hiểu có chuyện gì đang xảy ra.

Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đơn vị kiểm toán của gỗ Trường Thành cho biết, sở dĩ có khoản lỗ khổng lồ trên là do đơn vị này đã phát hiện có tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán.

Ông Võ Trường Thành

Ông Võ Trường Thành

Đến cuối tháng 6/2016, hàng tồn kho của Gỗ Trường Thành giảm xuống còn 1.777 tỷ đồng. Các khoản phải thu của công ty cũng giảm hơn 218 tỷ. Doanh thu công ty sụt giảm 34,5% xuống còn 883 tỷ đồng. Tổng tài sản bốc hơi hơn 800 tỷ xuống còn 3.573 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ vay nợ đã tăng lên gần 86%, ăn mòn vốn chủ sở hữu của đại gia gỗ này.

Trước đó, vào khoảng cuối năm 2015, Tập đoàn Vingroup đã chi 1.800 tỷ đồng để sở hữu 49,9% vốn cổ phần tại Gỗ Trường Thành. Tuy nhiên đến ngày 19/7 vừa qua, Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup) đã công bố việc tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.201 tỷ đồng với 69,7 triệu cổ phiếu TTF (để nâng sở hữu lên khoảng 75%) vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa một bên là số liệu mà đại gia này công bố cho nhà đầu tư và tình hình thực tế mà Tân Liên Phát nắm được.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu TTF đã giảm sàn liên tục, từ mức giá 43.600 đồng/cổ phiếu xuống 15.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại, tương ứng mức giảm gần 3 lần.

Không chỉ thế, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ra thông báo về việc đưa cổ phiếu TTF của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 09/8/2016 để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Đến ngày 12/8, ông Võ Trường Thành phải rời khỏi chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Trường Thành sau 2 thập kỷ chèo lái doanh nghiệp này.

Không chỉ ông Thành mà con trai ông là Võ Diệp Văn Tuấn cũng phải rời vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ông chủ Tập đoàn Hoa Sen vướng sóng gió vì “Ngu gì không làm thép”

Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Bình Định, ông Lê Phước Vũ vẫn hoàn thành khóa học tại trường Trung cấp Giao thông. Sau khi từ chối lời mời ở lại trường làm giảng viên, ông Vũ cùng gia đình khăn gói vào miền Nam. Trải qua nhiều công việc làm thuê, năm 1994, ông Vũ khởi nghiệp với 2 chỉ vàng và mở một cửa hàng bán tôn rồi tự mở xưởng cán tôn và dần phát triển công việc kinh doanh của mình.

Năm 2001, ông Lê Phước Vũ thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, vỏn vẹn 22 nhân viên. Từ một công ty nhỏ, sau hơn 10 năm, giờ đây Hoa Sen đã vững vàng với vị thế một Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam.

Ông Lê Phước Vũ

Ông Lê Phước Vũ

Năm 2016, được “cao nhân” chỉ đường, ông Vũ cho biết sẽ đầu tư vào bất động sản, khách sạn, resort… Dù không gặp khó khăn về tài chính, ông chủ Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ lại vướng phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dư luận bởi phát ngôn “Ngu gì không làm thép” tại một đại hội khi nói về dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận vốn đang là tâm bão, nhất là vào thời điểm 4 tỉnh miền Trung vẫn đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ "sự cố môi trường Formosa". 

Nhiều người liên tục “đào xới” thông tin về dự án thép Cà Ná, hàng loạt phương tiện báo chí truyền thông đã “mổ xẻ” dự án này và dư luận dường như không mấy ủng hộ đại gia Hoa Sen. Thông tin dự án có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD (đều từ đi vay) có công suất 16 triệu tấn/năm, cần 33.000m3 nước sạch/ngày trong giai đoạn đầu càng dấy lên nỗi lo ngại trong dư luận nhân dân và các chuyên gia đầu ngành. Bởi Cà Ná - Bình Thuận vốn là khu vực rất khô hạn, trong khi nhiều hồ nước ngọt trơ đáy, hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng nghìn con cừu còn bị chết đói và khát... thì dự án thép Cà Ná sẽ còn "ngốn" đến 180.000m3 nước/ngày nếu đi vào vận hành tất cả các hạng mục. Những con số này khiến dư luận phải đặt câu hỏi Hoa Sen sẽ lấy đâu ra nước để làm thép? Khi nhà máy đi vào hoạt động thì sự thiếu hụt nước sẽ như thế nào? 

Chưa kể việc xây dựng dự án thép ở Cà Ná còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi sinh sống của người dân, những người đã có truyền thống làm nghề muối từ đời này sang đời khác. Cho rằng cả nhà đầu tư và UBND tỉnh Ninh Thuận đều không đề cập đến tác động của dự án thép đến đời sống người dân, dư luận lại một lần nữa phản ứng tiêu cực với dự án của ông chủ ngành tôn.

Trước sóng gió do chính phát ngôn của mình tạo nên, dù trước đó đã có nhiều phát biểu rất từ tin về công nghệ và đảm bảo môi trường, ông Vũ vẫn phải “đăng đàn” giải thích chính thức về dự án thép Cà Ná. Theo đó, trả lời trên VnExpress, ông Vũ khẳng định đây mới là ý tưởng từ năm 2015 nhưng đến nay tập đoàn của ông chưa có bất cứ giấy phép nào cho dự án này, vẫn đang trong quá trình xin thủ tục cấp phép. Vậy là, dù không “đen đủi” lỗ nặng như 2 đại gia đồng hương, nhưng những thông tin tiêu cực từ siêu dự án thép Cà Ná cũng làm giá của phiếu của tập đoàn Hoa Sen giảm nhẹ 0,9%. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top