Trong quá trình tu bổ và tôn tạo di tích Hộ Thành Hào (phía Nam Kinh thành Huế), việc đơn vị thi công đưa máy xúc vào dỡ bỏ toàn bộ phần bờ kè đá cũ để thay mới bằng đá granit, còn phần chân móng thì xây bằng bê-tông cốt thép, đã dấy lên nhiều nghi ngại trong công luận.
Theo tìm hiểu, Hộ Thành Hào là một vòng tường bảo vệ Kinh thành Huế được triều Nguyễn xây dựng từ đầu thế kỷ 19, đắp bằng đá núi (dân gian gọi là đá gan gà) theo kỹ thuật xếp đá khan không sử dụng vữa kết dính.
Năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt dự án tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế với tổng mức đầu tư hơn 1.280 tỷ đồng, thực hiện từ 2011 - 2015. Tuy vậy, do vướng mắc về nguồn lực cũng như công tác giải phóng mặt bằng, dự án được điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2020. Đến nay, khi dự án mới thi công được khoảng 1,5km trên tổng số 10km tuyến Hộ Thành Hào thì bất ngờ xuất hiện những phản ứng từ dư luận.
Theo đó, việc đơn vị thi công đưa máy xúc vào dỡ bỏ toàn bộ phần bờ kè đá cũ để thay mới bằng đá granit, còn phần chân móng thì xây bằng bê-tông cốt thép đã khiến nhiều người chỉ trích cách làm đó chẳng khác nào phá hoại và xây mới, chứ không phải là trùng tu...
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay khi nhận được thông tin, UBND tỉnh đã yêu cầu Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế tạm dừng hoạt động duy tu để làm rõ những tồn tại, vướng mắc.
Theo một số chuyên gia, việc đơn vị thi công thay thế đá gan gà bằng đá granit, đổ bê-tông chân móng, hay việc dùng máy xúc làm giảm bớt sức người đã khiến dư luận phản ứng gay gắt là điều dễ hiểu. Tới đây khi được làm lại, chắc chắn đơn vị thi công phải làm cẩn thận hơn, từng tí một. Những chỗ cần bóc bằng tay, phía Ban quản lý di tích sẽ phải yêu cầu đơn vị thi công làm bằng phương pháp thủ công.
Chuyên gia cũng cho rằng, phương án thi công như trên mặc dù thoạt nhìn thì phản cảm, nhưng trên thực tế đã được Hội đồng khoa học tán thành và cũng là giải pháp tối ưu nhất ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng phù hợp với Hiến chương Athens (1931) và Venice (1964) của Quốc tế.
Về phần kè, phải xây mới bằng bê-tông vì phần cũ đều bị hỏng chân do hiện tượng cát chảy ở dưới. Bên cạnh đó, định hướng phát triển du lịch địa phương là sau này sẽ có dịch vụ du thuyền quanh hào nước, người đi bộ tham quan trên mặt thành. Nếu giữ kết cấu cũ chỉ là đá ghép, thì không những không thể chịu được lực đập của sóng nước mà còn sớm hỏng và thậm chí nguy hiểm đến du khách. Do đó, việc đổ bê tông là phương án khả thi, tiết kiệm chi phí, tránh sự ăn mòn gây sụt lún, thay vì sử dụng vật liệu đá gan gà.
Hơn nữa, phần kè này nằm khuất bên dưới nên ít bị ảnh hưởng về thẩm mỹ. Khi kè xong, đơn vị thi công sẽ tận dụng đá cũ để dán bên ngoài, chỗ nào thiếu thì mới buộc dùng đá granit, sau một thời gian sẽ có rêu mọc ở các khe đá, nên cấu trúc hình dáng về tổng thể vẫn giữ được sự cổ kính, không thay đổi nhiều.
Đồng quan điểm trên, kỹ sư Lê Văn Quảng - nguyên Giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung cho rằng, trải qua gần 200 năm, loại đá này bị phong hóa dẫn đến thiếu lực ma sát nên càng dễ sụt lún hơn, đoạn kè vừa thi công là đoạn bị sụt lún, hư hại đến gần 80%. Tuy nhiên, hiện nay không có đủ đá gan gà để làm lại kè như nguyên gốc, hơn nữa nếu làm như cũ thì quá tốn kém, nên phải dùng đá granit và bê tông cốt thép xử để thay thế. Phương án tối ưu để thực hiện thi công ở các đoạn bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng này phải là đổ bê tông cốt thép.