Aa

Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Tư duy mới trong cách tiếp cận công nghệ tài chính

Thứ Hai, 21/08/2023 - 10:38

Cần tư duy mới trong cách tiếp cận lĩnh vực công nghệ tài chính, đưa ra quy định vừa thúc đẩy phát triển, vừa quản lý tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung.

Sau khi nghiên cứu báo cáo đánh giá về quá trình thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), tờ trình lên Chính phủ, Quốc hội về sự cần thiết soạn thảo Luật Các TCTD sửa đổi và toàn văn các chương điều Luật Các TCTD sửa đổi (có so sánh với quy định trước đây), chúng tôi đồng tình với các nhận định đánh giá của Ban soạn thảo về những điểm tích cực của sự ra đời Luật Các TCTD 2010 và những điểm hạn chế trong quá trình thực thi. 

Lĩnh vực dịch vụ tài chính được công nghệ số xâm nhập mạnh nhất, mà bản thân các nhà quản lý trên thế giới hay trong nước đang rất lúng túng. (Ảnh minh họa)

Dự thảo tờ trình cũng đã nêu rõ căn cứ chính trị, pháp lý cần thiết kế một Luật mới trên cơ sở thừa kế Luật Các TCTD 2010 và cập nhật điều chỉnh khắc phục những hạn chế…

Với những nội dung được cập nhật, sửa đổi lần dự thảo này đã được trích dẫn (trong tờ trình) các vấn đề lớn của ngành ngân hàng tại các Đề án, Chiến lược phát triển, Chiến lược tài chính toàn diện, hay sự phát triển nở rộ của công nghệ tài chính trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi cuộc sống hàng ngày, hàng giờ.

Trong đó, lĩnh vực dịch vụ tài chính được công nghệ số xâm nhập mạnh nhất, mà bản thân các nhà quản lý trên thế giới hay trong nước đang rất lúng túng, cần phải có tư duy mới trong cách tiếp cận, đưa ra quy định để vừa thúc đẩy phát triển, vừa quản lý tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung.

Đặc biệt, công nghệ tài chính ngày càng phát triển, cung ứng dịch vụ ngân hàng không chỉ là của các TCTD như hiện tại, nhiều tổ chức kinh tế và cá nhân khác, nhất là tập đoàn công nghệ hay tập đoàn thương mại điện tử đều có thể cung cấp dịch vụ ngân hàng như thanh toán, tín dụng tiêu dùng cho người dân; cá nhân có thể cho vay qua các sàn cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Như vậy, Luật Các TCTD sửa đổi lần này không chỉ đề cập nội dung về ngân hàng số mà cần bao quát những nội dung quan trọng này, với ít nhất 3 vấn đề cần quản lý gồm cấp phép; giám sát; và xử lý rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ ngân hàng số. Cụ thể:

Một , đề nghị phần phạm vi điều chỉnh cần thêm nội dung: “tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng có tham gia hoạt động ngân hàng”... Tương tự như vậy bổ sung đối tượng này trong Điều khoản đối tượng áp dụng.

Hai , đề nghị thêm điểm trong Điều 3 giải thích từ ngữ để giải thích rõ về “tham gia hoạt động ngân hàng” của tổ chức, cá nhân không phải là TCTD.

Ba , đề nghị thêm một mục là mục 8 - Hoạt động ngân hàng số trong Chương IV Hoạt động của TCTD, tại mục này cần có các điều khoản tối thiểu như (Điều khoản, hoạt động của ngân hàng thuần số; Điều khoản của về hoạt động ngân hang số trong TCTD truyền thống; Một số điều khoản quy định phải đáp ứng an toàn về công nghệ số…).

Tương tự như vậy, các quy định về giới hạn an toàn với hoạt động của ngân hàng số; kết nối, giám sát cơ sở dữ liệu của hoạt động ngân hàng số với cơ quan quản lý nhà nước; quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng số, cung ứng dịch vụ ngân hàng trong môi trường số phải thêm các điều khoản tương thích.

Thứ tư , đề nghị thêm một điều khoản có tính nguyên tắc trong Luật này là trong trường hợp phát sinh những vấn đề mới về hoạt động ngân hàng số chưa có tiền lệ, chưa được luật pháp quy định, Chính phủ ban hành cơ chế thử nghiệm cho hoạt động này.

Cần thêm một điều khoản có tính nguyên tắc trong Luật này là trong trường hợp phát sinh những vấn đề mới về hoạt động ngân hàng số chưa có tiền lệ.

Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy một trong xu hướng lớn nhất hiện nay của toàn cầu là các Định chế tài chính cần phải kinh doanh có trách nhiệm với Biến đổi khí hậu; Thiên nhiên; Sản xuất điện; Bình đẳng giới; Quyền con người; Quyền lao động; Đầu tư vào vũ khí; Tài chính toàn diện; Tham nhũng; Thuế; Bảo vệ người tiêu dùng; Minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Qua nghiên cứu khảo sát đánh giá, nhóm nghiên cứu Fair Finance Vietnam chỉ ra, việc triển khai bộ tiêu chí ESG của các NHTM Việt Nam đều ở mức điểm rất khiêm tốn, thậm chí nhiều tiêu chí các NHTM Việt Nam chưa đạt điểm nào. Bên cạnh đó, hầu hết các NHTM ở Việt Nam đều là các công ty đại chúng (ngoại trừ Agribank, VDB, VBSP) nên cần trở thành các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao hơn.

Chúng tôi kiến nghị trong lần sửa đổi Luật các TCTD kỳ này, cần cập nhật vào chương IV về hoạt động của các TCTD ít nhất 2 điều khoản có tính nguyên tắc: TCTD phải xây dựng và có lộ trình trở thành tổ chức hoạt động kinh doanh có trách nhiệm; và Ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ, đánh giá xếp loại TCTD bền vững theo các trụ cột và tiêu chí cụ thể và công bố hàng năm.

Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top