Aa

Tư duy Xanh, hành động Xanh hơn!

Thứ Hai, 06/11/2017 - 20:10

Tôi lắc đầu không hiểu, tại sao trong tư duy của một doanh nhân thành đạt, tiền bạc luôn luôn là hình ảnh thường trực lại quan tâm đến những điều quá xa xôi như thế. Nhân và quả, thiện và ác, lòng trắc ẩn và sự tham lam có quan hệ gì đến cụm từ Công trình Xanh kia không?

Tại buổi họp trù bị cho cuộc hội thảo khởi động Chương trình phát triển Xanh và Bền vững do ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam chủ trì hồi giữa tháng 4/2017, người ta thấy xuất hiện một người đàn ông ăn mặc giản dị, dáng cao gầy trạc ngoài 40, đầu húi cua, đặc biệt có đôi mắt tinh nhanh ánh lên sự hóm hỉnh khi nói chuyện. Tôi cũng không biết đấy là ai nhưng sau khi nghe giới thiệu thì mới ngã ngửa rằng, đó là doanh nhân khá thành đạt trong lĩnh vực BĐS Đỗ Đức Đạt - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House), mà anh em báo chí thường gọi thân thiện là “Đạt Thủ đô”.

Tôi đã được nghe nhiều về Capital House bởi những dự án nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội nhưng vẫn hướng tới mục tiêu “rẻ mà vẫn Xanh”, áp dụng nhiều biện pháp như vật liệu Xanh, công nghệ Xanh, thiết kế Xanh…, khiến cho cuộc sống thường ngày của cư dân an bình hơn, an toàn hơn mà mức chi phí về điện, nước… hằng tháng giảm được ngót 1/3. Quả là con số đáng ghi nhận.

Ông Đỗ Đức Đạt - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô

Ông Đỗ Đức Đạt - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô

Tuy nhiên, con số ấn tượng hơn đối với tôi là tại Chương trình phát triển Xanh và Bền vững này, Capital House đã tiên phong cam kết ngay lập tức dành 1 triệu USD rải đều trong 5 năm đóng góp vào nguồn kinh phí cho Ban điều phối điều hành thực hiện chương trình.

Thú thật, khi ấy tôi cũng cảm thấy hơi… tức ngực. Bởi trong mắt tôi, với một con người bình dị, gương mặt có phần khắc khổ, rồi lại ở một doanh nghiệp BĐS thường thường bậc trung trong hàng ngũ các “đại gia”, khoản tiền ấy không hề nhỏ và cũng không thể chi một cách “hồn nhiên” cho một mục tiêu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế. Và cũng bởi vì trong mắt tôi, còn bao nhiêu doanh nghiệp BĐS đàn anh lừng danh khác, cũng là Hội viên của Hiệp hội, cũng mang danh xanh nọ xanh kia, mà vẫn còn cân nhắc, so đo.

Lúc ấy tôi nghĩ, chắc là Capital House “kiếm” được ở đâu đấy nguồn tài trợ của nước ngoài về Công trình Xanh, nay trích một phần ra để thực hiện.

Thế nhưng, hôm mới đây, tôi có dịp gặp gỡ và nói chuyện với “Đạt Thủ đô” và thấy rằng, tôi đã hoàn toàn nhầm lẫn, mà nhầm lẫn một cách tội lỗi và đầy ân hận.

Tòa nhà EcoLife Capitol cao 36 tầng với 760 căn hộ tại 58 Tố Hữu (Hà Nội) sừng sững đầy kiêu hãnh với kiến trúc độc đáo, tràn đầy cây xanh dưới ánh nắng thu. Nghe nói chi phí đầu tư cho Công trình Xanh cao cấp này đã làm EcoLife Capitol tăng thêm giá trị đầu tư hơn 100 triệu đồng/căn hộ. Tuy nhiên, dự án giúp các hộ cư dân tiết kiệm được 27,5% năng lượng nước; 27,7% năng lượng điện và năng lượng tiết kiệm hàm chứa trong vật liệu giảm 27%.

Capital House nằm ở Tòa A3, nơi có nhiều tầng dành riêng cho hoạt động của các văn phòng. Tại tầng 12, đầy ắp hoa, lá, ánh sáng tự nhiên và nội thất thân thiện.

Phối cảnh toà tháp xanh Ecolife Capitol

Phối cảnh toà tháp xanh Ecolife Capitol

Chúng tôi ngồi với nhau, nói chuyện đông tây kim cổ. Thì ra hồi còn trẻ, Đỗ Đức Đạt là người ham mê đọc sách, mới đầu là tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc, đủ cả Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử, Mạnh Tử. Rồi sau đấy lại nghiên cứu về vũ trụ, về vụ nổ Bigbang, thấy mình quá bé bỏng và cuộc sống dường như vô nghĩa vì tương lai chỉ tỷ năm nữa, loài người lại trở về hư vô như quy luật vốn có. Nhưng rồi nhờ cơ duyên, gặp một ông thầy cực giỏi người Huế, Đạt đến với đạo Phật và ngộ ra nhiều điều. Và từ đấy, mọi tư duy và hành động của Đỗ Đức Đạt đã chuyển sang một hướng hoàn toàn mới.

Đạt tâm sự:

- Em rất tin vào triết lý của đạo Phật, nhất là luật Nhân-Quả, nhân nào thì quả ấy, gieo gì thì hưởng nấy. Mà điều này rất khoa học đấy. Anh đã đọc cuốn “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” của nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Trịnh Xuân Thuận và một nhà sư, vốn là một nhà khoa học Mỹ, Matthieu Ricard chưa? Cuốn sách ấy đã lý giải rất nhiều điều.

Tôi lắc đầu không hiểu, tại sao trong tư duy của một doanh nhân thành đạt, tiền bạc luôn luôn là hình ảnh thường trực lại quan tâm đến những điều quá xa xôi như thế. Nhân và quả, thiện và ác, lòng trắc ẩn và sự tham lam có quan hệ gì đến cụm từ Công trình Xanh kia không?

Theo cuốn sách “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”, điểm khác biệt cơ bản của khoa học Phật giáo và khoa học tự nhiên là khoa học Phật giáo nghiên cứu các chiêm nghiệm nội quan, trong khi các ngành khoa học tư nhiên, trong đó có vật lý, lại nghiên cứu những hiện tượng bên ngoài. Matthieu Ricard nói: “Mục đích của chiêm nghiệm Phật giáo trước hết là chẩn đoán các tri giác hiện thực sai lầm của chúng ta, và sau đó phát hiện ra bản chất của tinh thần và của các hiện tượng, để đáp ứng nguyện vọng của chúng sinh muốn chấm dứt đau khổ và tìm thấy hạnh phúc đích thực”.

Tôi chợt liên tưởng đến các dự án đã hoàn thành của Capital House.

Đó là EcoHome 1 có mức tổng mức đầu tư trên 645,5 tỷ đồng, gồm 4 tòa nhà chung cư 12 tầng, được xây dựng trên khu đất hơn 2ha. Trong đó, có hơn 10.000m2 là diện tích sân vườn, cây xanh, công trình công cộng, tiện tích dịch vụ như siêu thị, đường dạo, nơi đọc sách… EcoHome 1 nằm ở vị trí giao thông thuận tiện, hạ tầng đồng bộ, mỗi căn hộ có giá từ 400 đến 800 triệu đồng.

Đó là khu nhà ở xã hội EcoHome 2 với 980 căn hộ, được xây dựng trên diện tích 15.778m2, gồm hai tòa nhà cao 17 tầng. Với mật độ xây dựng chiếm 38,83% trên tổng diện tích xây dựng, chủ đầu tư đã dành hơn 10.000m2 cho các hạng mục hệ thống cảnh quan sân vườn, đường dạo, khu tập luyện tập thể thao và các dịch vụ công cộng khác...

Đó là EcoHome Phúc Lợi có diện tích xây dựng 8.142,62 m2, gồm 2 tòa nhà cao 22 tầng và 3 tầng hầm. EcoHome Phúc Lợi là dự án đã được Tổ chức Tài chính Quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng thế giới cấp chứng chỉ xanh EDGE và trở thành dự án đầu tiên ở phân khúc giá trung bình tại Hà Nội đạt chứng chỉ xanh quốc tế, tiết kiệm khoảng 30% chi phí sử dụng điện, nước hằng tháng cho cư dân…

Những sản phẩm mắt thấy tai nghe ấy liệu có phải là Nhân của người này nhưng lại là Quả của người khác như Matthieu Ricard nói: “Để đáp ứng nguyện vọng của chúng sinh muốn chấm dứt đau khổ và tìm thấy hạnh phúc đích thực” chăng?

Một bài viết đến đây có lẽ là đã hơi dài. Cho đến lúc ra về, tôi vẫn ám ảnh mãi câu nói của Đỗ Đức Đạt: “Em nghĩ, hãy làm nhiều việc có ích cho nhiều người, chắc chắn những thứ tốt đẹp không bao giờ bỏ rơi mình”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top