Phân tích về hướng phát triển giao thông trong đô thị hiện nay của Hà Nội, ông Olivier Jacques - nghiên cứu sinh tiến sĩ về phát triển đô thị (*), đã thẳng thẳn nhận định: dường như Hà Nội đang cố giả vờ hài lòng với những định nghĩa mù mờ về đô thị, một thành phố "sáng, xanh, sạch, đẹp".
Ở Hà Nội, luật chính về quy hoạch cây xanh đô thị xuất phát từ Bộ xây dựng (Điều 2 phần II Thông tư 20/2005/TT-BXD), nhưng việc quản lý cây xanh được điều hành bởi UBND thành phố Hà Nội (7109/QĐ-UBND). Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết cụ thể của luật pháp và việc thực hiện chúng, vì tôi quan tâm về các khía cạnh định tính của sự phát triển hơn.
Trong 15 năm qua, hạ tầng giao thông của Hà Nội đã được phát triển dựa theo các tiêu chuẩn đô thị hoá nhanh chóng, phát triển tập trung vào giao thông xe ô tô. Ai cũng có thể chứng kiến rõ ràng xu hướng này sau khi xuất hiện nhiều cầu vượt mới ở Hà Nội, và nhiều vòng xuyến khổng lồ ở các khu vực đô thị mới.
Tôi luôn nghe thấy người Việt Nam tôn sùng “hiện đại Singapore”, hoặc “phong cách châu Âu”, thay vì xác định một nền văn hóa đô thị khác biệt Việt Nam.
Olivier Jacques
Mặc dù những phát triển này thiên về giao thông đường bộ nhiều hơn, chúng tạo ra các hình thái đô thị thiếu "tính thẩm thấu" đô thị. Ví dụ: Các khu vực dân sinh cũ bị cắt đứt bởi các con đường huyết mạch, hoặc nhiều đường cụt, các con đường huyết mạch mới mở đều không có tính khuyến khích người đi bộ, và ngược lại khuyến khích việc di chuyển dài hơn bằng ô tô.
Đây là một xu hướng ở các nền kinh tế mới đang phát triển nhanh của châu Á: luôn có ý tưởng cho rằng định nghĩa đô thị sẽ xuất phát từ những lý tưởng có tính chất suy đoán như “văn minh, hiện đại và có trật tự”.
Điều này đặc biệt hài hước theo quan điểm của tôi, vì những từ này có sức lan tỏa, được sử dụng trong các chiến lược tiếp thị nhiều như các tài liệu pháp lý chính thức, mặc dù ý nghĩa của chúng khá trừu tượng.
Cũng đúng trong mọi khía cạnh cuộc sống khi tôi luôn nghe thấy người Việt Nam tôn sùng “hiện đại Singapore”, hoặc “phong cách châu Âu”, thay vì xác định một nền văn hóa đô thị khác biệt Việt Nam.
Xe ô tô (so với xe máy) và đại lộ lớn cho thấy một hình ảnh của một thành phố văn minh mang hơi hướng phương Tây. Nhưng nhiều thành phố được xây dựng xung quanh văn hóa xe ô tô (ví dụ ở Mỹ) hiện đang vật lộn để đối phó với hiệu ứng của những con đường lớn trên thành phố, mà ngăn chặn "tính thẩu thấu" đô thị như đã nói ở trên.
Cụ thể hơn, chúng ta có thể thấy trường hợp của đường Vành đai 3, đây là một ví dụ rõ ràng về một khu vực phát triển mà "quy mô con người" bị bỏ qua một bên để ủng hộ lưu thông cơ giới.
Ở nhiều nơi, theo tôi, vấn đề không phải là bây giờ nên di chuyển cây cối, mà ngay từ đầu, đây là những khu vực xanh không bao giờ được tích hợp vào một chiến lược chung để ưu tiên “quy mô con người” (có thể xem cuốn sách "Cities for People" của Jan Gehl).
Theo cách tiếp cận bền vững trong quản lý giao thông, mục tiêu không phải là phủ nhận lưu lượng xe máy hoặc xe ô tô, mà là để làm cho nó ít hấp dẫn hơn bằng cách phát triển các lựa chọn thay thế tốt hơn.
Đảm bảo rằng các phương tiện vận chuyển khác được ưa chuộng và được tích hợp đầy đủ với tất cả các quy mô giao thông (người đi bộ, người đi xe đạp, giao thông công cộng, và xe ô tô,…).
Có thể đạt được điều này bằng cách tạo ra hệ thống phân cấp giao thông: làn đường đi bộ/xe đạp tách biệt với ô tô và xe máy bằng thảm thực vật và ghế băng, góc phố rộng và xanh, không gian công cộng kết nối các trạm giao thông công cộng, phố đi bộ lớn có đèn giao thông riêng,...
Không gian xanh không nên bó buộc một cách “tĩnh”, như giới hạn cây xanh trong một khoang nhỏ hình hộp trên vỉa hè hay nằm giữa dải phân cách, mà chức năng của không gian xanh là kích hoạt cuộc sống đô thị, và gắn kết chặt chẽ với "thiết bị cảnh quan đô thị" (ánh sáng, ghế băng, thùng rác, biển báo, thảm thực vật,...)
Cá nhân hơn, khi tôi mới đến Hà Nội, tôi có hai ấn tượng đầu tiên về môi trường đô thị: Một rất tích cực và một rất tiêu cực.
Nổi bật nhất, tôi đã rất kinh ngạc với số lượng, kích thước và sự phong phú của cây xanh ở Hà Nội. Đây cũng là thứ đầu tiên gây ngạc nhiên lớn cho mọi du khách khi mới đến Hà Nội.
Nhưng tôi cũng đã phải trải nghiệm một thành phố không thể đi bộ. Vỉa hè thường trong tình trạng tồi tệ. Mọi người thường vội vã đổ lỗi cho những xe máy trên vỉa hè, nhưng tôi thà đổ lỗi cho thiết kế và quy hoạch đô thị kém.
Cần phải có một định hướng thiết kế nhằm quan tâm nhiều hơn tới “cuộc sống vỉa hè”, và phải đưa định hướng thiết kế này quan trọng ngang tầm với định hướng phát triển giao thông đô thị.Cây xanh nên được giữ, và luôn luôn phải tích hợp nó trong một chiến lược chung tốt hơn cho đô thị.
Rốt cuộc, đây là những gì Hà Nội dường như đang cố giả vờ hài lòng với những định nghĩa mù mờ về đô thị, một thành phố "sáng, xanh, sạch, đẹp".
(*) Olivier Jacques - tác giả bài viết là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học McGill ở Montreal, Canada. Hiện tại ông chuẩn bị mở công ty kiến trúc của riêng mình ở Việt Nam (Song Song Architects).
Nghiên cứu của ông tập trung vào phát triển đô thị mới ở Hà Nội. Olivier Jacques đã sống ở Hà Nội (đi và về) 10 năm, tính từ lần đầu tiên theo dạng sinh viên trao đổi ở Đại học Xây dựng Hà Nội vào năm 2005.