Theo Báo Lao Động, ngày 8/7, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 25 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2025) nhằm xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đề ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và thảo luận các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng đã trình bày báo cáo tóm tắt về công tác chỉ đạo, điều hành, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
Về phát triển hạ tầng đô thị, cấp thoát nước, chiếu sáng và xử lý ô nhiễm môi trường, ông Dũng cho biết thành phố đã phê duyệt toàn bộ 83/83 đồ án quy hoạch đô thị cùng 4 quy chế quản lý kiến trúc, đồng thời hoàn thành thêm 4 đồ án mới về không gian xây dựng ngầm, phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống và quy hoạch bến, bãi đỗ xe, góp phần định hình không gian đô thị hiện đại, đa trung tâm.

Phối cảnh cầu Ngọc Hồi. Nguồn ảnh: Báo Lao Động
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 52,5%, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Thành phố cũng đã triển khai 19 dự án nhà ở đủ điều kiện kinh doanh với 21.648 căn, cùng một dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp.
Các dự án giao thông trọng điểm được đẩy nhanh theo cơ chế làn xanh.
Cụ thể, cầu Tứ Liên đã khởi công ngày 19/5/2025 với tổng mức đầu tư 20.200 tỷ đồng, chiều dài 11,5km.
Các cầu Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc và Thượng Cát dự kiến lần lượt khởi công từ tháng 8 đến tháng 10, trong đó cầu Ngọc Hồi vào ngày 19/8, cầu Trần Hưng Đạo và Vân Phúc vào dịp 2/9, còn cầu Thượng Cát vào ngày 10/10.
Ngoài ra, các dự án Vành đai 4 (giải ngân 17,3%), Vành đai 1 (51,4%), Quốc lộ 6 (21%) và Đại lộ Thăng Long (31,7%) cũng đang được triển khai tích cực.
Về cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000m3/ngày đêm đã hoàn thành hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, đạt 37,6% tiến độ giải ngân và đã vận hành thử nghiệm trong 6 tháng đầu năm.
Tỉ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 99,8% tại khu vực đô thị và 85% ở khu vực nông thôn, cao hơn mức trung bình toàn quốc (98% đô thị, 80% nông thôn).
Về chiếu sáng đô thị, thành phố đã triển khai hệ thống chiếu sáng thông minh tại 5 quận nội thành, thay thế 10.000 bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng, nâng hiệu suất chiếu sáng lên 20% so với cùng kỳ, đồng thời giảm 15% lượng điện năng tiêu thụ.
Trong công tác bảo vệ môi trường, số vụ vi phạm giảm 30,3% so với cùng kỳ, với số tiền thu nộp ngân sách đạt 14 tỷ đồng. Chương trình cải tạo các sông Tô Lịch, sông Lừ và sông Sét đã giúp giảm 20% mức độ ô nhiễm. Hệ thống xử lý rác thải đạt công suất 7.500 tấn/ngày, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, Cầu Ngọc Hồi và 2 đường dẫn dài 7,5km (trong đó 5,4km thuộc Hà Nội, 2,1km thuộc Hưng Yên), điểm đầu tại huyện Thanh Trì kết nối với đường Vành đai 3,5 và điểm cuối tại huyện Văn Giang (Hưng Yên), nối với đường Vành đai 3,5 cách đê Tả Hồng khoảng 700m. Tổng vốn đầu tư 11.844 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2030.
Cầu Trần Hưng Đạo dài khoảng 5,6km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp và 2 làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h, tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng. Dự án bắt đầu từ ngã 5 Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông (Hoàn Kiếm) và kết thúc tại đường Vũ Đức Thận (Long Biên), dự kiến thi công giai đoạn 2025–2027, hoàn thành trong năm 2027.
Cầu Vân Phúc do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, có tổng vốn dự kiến 3.443 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 29/2022 của HĐND TP.
Cầu Thượng Cát, tổng chiều dài toàn tuyến 5,226km, gồm cầu chính dài 780m, cầu dẫn phía Bắc Từ Liêm – Đông Anh dài 3,125km và đường hai đầu cầu dài 1,321km. Cầu có 8 làn xe (6 cơ giới, 2 thô sơ), bề rộng cầu chính 35m, cầu dẫn 31m, đường dẫn phía Nam rộng 60m (6 làn cơ giới, 2 thô sơ, 2 đường song hành), đường dẫn phía Bắc rộng 50m (4 làn cơ giới, 2 đường song hành). Dự án thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư khoảng 7.300 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội thực hiện.