Aa

Từ nhà tranh vách đất đến vật liệu xanh cho tương lai

An Vũ (thực hiện)
An Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 21/01/2020 - 06:06

Với các giá trị đặc trưng của nền văn minh lúa nước, kiến trúc truyền thống Việt Nam được biết đến qua cách sử dụng tinh tế nhóm vật liệu riêng.

Các vật liệu truyền thống này cơ bản đều có nguồn gốc từ thiên nhiên và gắn bó bền vững với thiên nhiên. Đó có thể coi là khởi nguồn cho hành trình xanh của hiện tại. Để hiểu rõ giá trị và tính kế thừa vật liệu xanh truyền thống, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam).

PV: Thưa Tiến sĩ, là người có nhiều nghiên cứu về công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, bà có suy nghĩ gì về những ngôi nhà truyền thống vùng nông thôn và miền núi phía Bắc, đặc biệt là về kiến trúc và sử dụng vật liệu truyền thống?

TS. KTS Lê Thị Bích Thuận: Những ai từng đắm say trong các bài hát then, điệu xòe đều không thể quên được những nếp nhà sàn, mái nhà tranh hay nhà trình tường. Nếu ai đó có dịp đi nhiều nơi và để ý, tìm hiểu về kiến trúc dân gian, kiến trúc truyền thống thì không thể không đặt ra các câu hỏi, rằng tại sao ở trên vùng cao, đồng bào còn rất nghèo nhưng vẫn chống chọi được với cái rét cắt da cắt thịt trong những tháng mùa đông mưa dầm gió bấc? Rằng tại sao ở vùng miền Trung gió Lào cát trắng, người dân vẫn có thể sống chung với cái nóng như nung trong những tháng hè nắng cháy?

Nhưng nếu chỉ cần để ý, xem xét kỹ một chút thôi, ta sẽ thấy người dân các vùng miền đã rất sáng tạo trong việc tạo lập không gian sống cho mình. Những ngôi nhà dùng đất trình những bức tường dày, những mái nhà lợp bằng lớp cỏ tranh, lá gồi hay rơm rạ dày không những có thể che mưa nắng hay gió rét mà lại có tính cách nhiệt rất tốt. Chính vì vậy, những ngôi nhà truyền thống với những vật liệu tưởng như đơn sơ ấy lại rất ưu việt, mùa đông thì ấm áp còn mùa hè lại mát mẻ.

Rõ ràng, ngay từ xa xưa cha ông ta đã biết sử dụng một cách tài tình các loại vật liệu để tạo dựng cho mình một ngôi nhà có không gian tối ưu. Khi đó, thế giới chưa có các phát minh về năng lượng điện để sử dụng các trang thiết bị như quạt máy, điều hòa không khí hoặc thiết bị sưởi ấm, nên ngôi nhà truyền thống với những vật liệu thiên nhiên nói trên tạo sự thích ứng rất tốt cho con người.

Thế rồi theo thời gian, những người thợ xây dựng trong quá khứ dần dần đã biết tận dụng đá, đất sét làm gạch nung, đục đẽo gỗ một cách tỉ mỉ hơn để tạo nên những công trình chất lượng, khang trang và đầy giá trị mỹ thuật. Trên các trụ cột, mái nhà, hành lang, vách tường thường được trang trí thêm nhiều chi tiết, hoa văn, hình vẽ con vật… Trong những công trình đình làng, chùa chiền, hoặc những ngôi biệt thự, nhà từ đường cổ xưa…, người thợ xây dựng chủ yếu tận dụng nguồn vật liệu tự nhiên để tạo nên những công trình kiến trúc nghệ thuật.

Có thể thấy, trong điều kiện khắc nghiệt của xứ nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, của nền kinh tế nông nghiệp đầy rủi ro, cha ông ta đã tìm hiểu kỹ về thiên nhiên xung quanh, để có những giải pháp ứng phó với môi trường mà vẫn thân thiện, những kinh nghiệm mà đến nay chúng ta rất cần phải học tập, gìn giữ và phát triển.

TS. KTS Lê Thị Bích Thuận:

PV: Như vậy, những vật liệu truyền thống này đều là từ thiên nhiên, rất thân thiện, gần gũi và cũng rất phù hợp với tiêu chí của kiến trúc xanh ngày nay. Vậy theo bà, chúng ta cần kế thừa những vật liệu truyền thống ấy để đưa vào đời sống hiện đại như thế nào và thực tế đã làm được đến đâu?

TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận: Thực ra, trong xây dựng, chúng ta vẫn dùng gạch, đá, tre, gỗ… cùng một số chất liệu truyền thống khác nhưng cách thể hiện ở mỗi loại công trình như nhà ở hay đình chùa có sự khác nhau. Thậm chí, giới kiến trúc sư muốn vẽ kiểu kiến trúc đô thị mới cũng cân nhắc phải vẽ ra làm sao để lấy “đất” mà phô diễn chất liệu truyền thống.

Tuy nhiên, nhu cầu hưởng thụ của con người ngày một nâng cao theo hướng gần gũi với thiên nhiên, người ta cần một môi trường sống, sinh hoạt và nghỉ ngơi tốt hơn, hiện đại nhưng phải thân thiện với môi trường. Chính vì thế, những công trình nhà ở, khu nghỉ dưỡng, công trình công cộng (trường học, bệnh viện, xí nghiệp…) đều đòi hỏi nguồn vật liệu xây dựng chất lượng cao, hiện đại và thẩm mỹ.

Những vật liệu xây dựng hiện đại thì có vô số, tùy thuộc vào nhu cầu đa dạng của người dùng và công năng của từng công trình mà các kiến trúc sư sẽ tư vấn và lựa chọn vật liệu phù hợp. Đá hoa cương, kính cường lực trong suốt và gần gũi với môi trường, gạch ngói hiện đại đủ màu sắc, kiểu dáng…. là những vật liệu quan trọng và gần như không thể thiếu trong mỗi công trình xây dựng hiện đại.

Đặc biệt, sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ cùng những thay đổi về gu thẩm mỹ đã cho ra đời ngày càng nhiều những vật liệu xây dựng hiện đại hơn. Những tấm pin năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường cũng là một trong những vật liệu xây dựng tiên tiến và được khuyến khích sử dụng. Những công trình xanh, hiện đại, những ngôi nhà “tàng hình” bí ẩn và độc đáo… là những minh chứng cho thấy vật liệu xây dựng ngày một hiện đại và tiên tiến hơn.

Trong khi đó, vật liệu truyền thống cũng ngày càng được chú ý và đưa vào nhiều loại công trình. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng, những vật liệu truyền thống trong một nền kiến trúc Việt Nam đang đổi mới, đang có nhiều những xáo trộn đã và đang phát triển theo những chiều hướng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Có những kiến trúc đô thị phô trương truyền thống rởm, nhà bậc trung thì tìm đến kiến trúc phú quý, những nhà khá giả lại sưu tập những cái truyền thống nửa mùa, khập khiễng. Thế nên mới có chuyện, giữa đô thị hiện đại mọc lên những nhà rông, nhà tranh khiến cho giá trị truyền thống bị biến thành một thứ lạ lẫm.

Do đó, việc kế thừa và phát huy các giá trị vật liệu xây dựng truyền thống từ quá khứ cho đến kiến trúc đương đại và tương lai là cần thiết, nhưng phải có những tính toán rõ ràng, hài hào, hợp lý, khoa học và thậm chí phải rất tinh tế.

Vật liệu tre nứa được kế thừa và đưa vào kiến trúc hiện đại

PV: Vậy theo bà, từ những chất liệu xanh của cha ông, chúng ta cần phát triển và chuẩn hóa như thế nào trong hành trình xanh hóa của thời hiện đại?

TS. KTS Lê Thị Bích Thuận: Trong danh mục tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay, xem xét riêng các tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng, chúng ta hiện có nhiều tiêu chuẩn về xi măng, cát sỏi, gạch ngói, thủy tinh, kính... Các tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng (VLXD) đã bao trùm lên hầu hết các chủng loại vật liêu xây dựng cơ bản, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển ngành công nghiệp VLXD.

Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch và hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn về VLXD theo hướng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường thì đến nay vẫn chưa được nghiên cứu và đặt ra đúng với vai trò của nó trong xây dựng. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, nếu quản lý tốt khâu thiết kế xây dựng công trình theo hướng sử dụng năng lượng có hiệu quả sẽ tiết kiệm được từ 20 - 30% năng lượng tiêu thụ trong khu vực này.

Tại Việt Nam, tiêu chuẩn về vật liệu bao che phải đạt được yêu cầu chống bức xạ mặt trời, nhiệt truyền qua tường bao ngoài và mái, bao gồm cả phần cách nhiệt của tường ngoài và mái cùng với thiết kế bố trí cửa sổ và cửa đi. Điều này sẽ là lời giải cho bài toán cùng một loại vật liệu bao che nhưng sử dụng cho khí hậu nhiệt đới gió mùa miền Bắc sẽ phải khác khi sử dụng xây dựng cho các công trình ở khí hậu nhiệt đới nóng ẩm miền Nam.

Việc có các tiêu chuẩn VLXD tính đến tiết kiệm năng lượng kết hợp với các giải pháp kiến trúc hợp lý như chọn hướng nhà, tận dụng gió thông phòng, chiếu sáng tự nhiên thông qua chỉ tiêu tỷ lệ cửa sổ, sàn, nguồn năng lượng mặt trời… với việc sử dụng các trang thiết bị như đèn, quạt, bình đun nước nóng hiệu suất cao…, chúng ta sẽ sớm có những tòa nhà “thông minh”, những cao ốc “xanh” hoặc văn phòng “thân thiện”…

Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top