Aa

Từ những ngôi nhà "béo bụng", suy ngẫm về vai trò của kiến trúc sư

Thứ Năm, 15/11/2018 - 20:01

Có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên thay đổi suy nghĩ về kiến trúc như là một "sân chơi của nhà giàu".

 
Phố Upper Cross, Singapore (nguồn: Tony Wessman)

Phố Upper Cross, Singapore (Nguồn: Tony Wessman)

Nhìn vào hai cảnh tượng trên, người nào cũng có cảm giác rằng tuy cùng là hai dãy nhà liền kề được thiết kế để vừa làm nơi ở, vừa làm cửa hàng, tuy mỗi căn một thiết kế khác nhau, nhưng lại tạo được cảm giác thanh thoát; trong khi nhìn vào nhà ở Hà Nội thì chỉ thấy sự nặng nề, thậm chí có phần tối tăm?

Có khá nhiều câu trả lời cho vấn đề này, ví dụ như việc đường phố Singapore không chịu cảnh nằm dưới hệ thống dây điện chằng chịt như mạng nhện, hay việc đường phố rộng rãi và những ngôi nhà xây thấp tầng khiến nắng luôn có thể chiếu xuống dưới phố Upper Cross. Tuy vậy, đáp án hiển hiện rõ nhất lại là cách mà những ngôi nhà Hà Nội phình to ở phía trên lên.

Gần như mọi căn nhà ống liền kề ở Hà Nội nếu tầng trên không to hơn tầng dưới cùng thì cũng có ban công dài bằng chiều rộng tầng nhà. Nhìn chéo cạnh, nhà thò ra thụt vào trông thật khó chịu. Với những nhà kiêm luôn cửa hàng thì càng xấu hơn nữa, do chỗ lồi ra thường dùng để trưng biển hiệu, người xem không khỏi có cảm giác như đang ngắm một ông béo đang ưỡn bụng ra để khoe chiếc thắt lưng hàng hiệu.

Trong khi đó, đúng là những căn nhà liền kề có chức năng cửa hàng thường thì sẽ có tầng dưới cùng thụt vào so với các tầng trên, không chỉ ở Singapore mà còn ở một loạt các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia,v.v... Nhưng về tổng thể thì căn nhà vẫn là một khối chữ nhật gọn gàng chứ không lộn xộn như tại Việt Nam.

Phố người Hoa, George Town, Penang, Malaysia

Phố người Hoa, George Town, Penang, Malaysia (nguồn: Barbara Weibel)

Người viết bài này không phải là kiến trúc sư những cũng cảm nhận phần nào được đường phố Hà Nội nói riêng và các đô thị Việt Nam khác nói chung đang bị làm hỏng bởi những ngôi nhà "béo bụng" này. Vậy thử hỏi trong mắt những người có mắt thẩm mỹ, đặc biệt là khách nước ngoài, thì khung cảnh còn xấu đến như thế nào?

Nhưng, câu hỏi cấp thiết hơn mà chúng ta cần tìm lời giải đáp là: Làm sao mà một kiểu mẫu thiết kế mất thẩm mỹ như thế này lại phổ biến và trở thành tiêu chuẩn như thế? Hay rộng hơn là vì sao các đô thị ở nước ta vẫn còn nhiều căn nhà làm mất mỹ quan đô thị?

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, từ xây nhà để đầu cơ, điều kiện kinh tế hạn chế, phần đất xây nhà không được đẹp, người dân không biết mà làm theo số đông, v.v... Tuy vậy, chắc hẳn không ai sẽ phản đối ý kiến rằng nếu như đã có thêm nhiều kiến trúc sư chuyên nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng nhà ở thì khuôn mẫu thiết kế xấu xí này đã không trở nên phổ biến như hiện nay?

Giới kiến trúc Việt Nam hoàn toàn không thiếu những người tài. Từ những người mở đường như Huỳnh Tấn Phát và Ngô Viết Thụ, các kiến trúc sư đương đại Võ Trọng Nghĩa hay Hoàng Thúc Hào đã đem kiến trúc Việt Nam ra thế giới, và cả một thế hệ các bạn trẻ tràn đầy tài năng và nhiệt huyết đang tiếp bước các thế hệ đi trước. Nhưng có vẻ như kiến trúc mỹ thuật - hay ít nhất là kiến trúc hợp thẩm mỹ - vẫn chưa thấm vào cuộc sống hằng ngày. Việc thuê kiến trúc sư thiết kế một căn nhà vẫn còn hiếm, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Rất nhiều gia đình giao toàn bộ quá trình dựng nhà cho những đội thợ xây không có kiến thức sâu về thẩm mỹ.

Mẫu nhà ở S House 3 dành cho các gia đình nghèo của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa

Mẫu nhà ở S House 3 dành cho các gia đình nghèo của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa

Trái với suy nghĩ của nhiều người, các kiến trúc sư Việt Nam luôn dành một phần tâm trí cho việc phát triển nhà ở. Khởi đầu từ mẫu nhà Ánh sáng dành cho người nghèo của cố kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp, đã có hàng chục thiết kế của các kiến trúc sư Việt Nam đảm bảo yếu tố thẩm mỹ mà vẫn phù hợp với khả năng và điều kiện sống của phần đông dân cư nước ta.

Nếu như thời kỳ bao cấp và ngày đầu đổi mới, chúng ta có thể viện dẫn lý do các gia đình còn nghèo và không biết gì nên xây nhà như thế nào cũng được. Nhưng ngày nay, với tầng lớp trung lưu đang tăng dần lên theo từng năm; trong khi ai cũng có thể dành ra vài phút trên Internet để biết được rằng thế nào là một căn nhà đẹp, đồng thời chỉ có cách thuê kiến trúc sư thiết kế và giám sát xây dựng mới được như thế, chúng ta không còn cách nào biện minh cho tình trạng lan tràn những ngôi nhà thiếu thẩm mỹ được.

Thời xưa người ta tiếc cho Vũ Như Tô, một kiến trúc sư tài hoa nhưng thay vì đem cái tài đó phục vụ cho xã hội lại đặt nhầm vào một tên hôn quân. Có lẽ đã đến lúc chúng ta tiếc cho các kiến trúc sư đương đại, những người luôn sẵn sàng phục vụ xã hội nhưng không nhiều người biết mà sử dụng tài năng của họ.

Điều cần nhất bây giờ là làm sao cho thêm nhiều người Việt Nam hiểu được rằng không phải chỉ có một chỗ chui ra chui vào là được. Họ có quyền và có khả năng được sống trong những căn nhà được thiết kế bài bản, phục vụ được tất cả các nhu cầu về chất lượng sống (trong đó có tính thẩm mỹ) của họ. Chỉ có thể qua việc giáo dục, tuyên truyền thì may ra bộ mặt đường phố Việt Nam mới có cơ hội thay đổi được.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top