Diện tích trung bình của các căn hộ chung cư ở Singapore đang giảm dần và có rất nhiều bằng chứng về việc này. Ở Mỹ, diện tích trung bình của căn hộ mới cũng giảm 7% kể từ năm 2009, theo phân tích của RCLCO, tập đoàn tư vấn bất động sản ở bang Maryland. Trong giai đoạn 2000-2009, diện tích trung bình của một căn hộ ở Mỹ, nước vốn nổi tiếng với thói quen “nhà to, xe phân khối lớn”, là khoảng 91,8m2. Nhưng diện tích trung bình các căn hộ mới xây trong vòng 6-7 năm trở lại đây chỉ còn 85m2.
Trang 99.co chuyên về bất động sản của Singapore kể rằng, anh Grayson Altenberg phải trả một số tiền khá, tới 1.100 USD để thuê một căn hộ tí xíu ở khu Manhattan, New York. Lợi ích là căn hộ 9,2 m2 chỉ cách chỗ Grayson làm 5 phút đi xe. Còn lại là những bất tiện: anh phải ngủ bênh cạnh toilet. “Bàn ăn” của căn hộ chỉ là một chiếc khay nhỏ, mà điều buồn cười nằm ở chỗ Grayson là một đầu bếp chuyên nghiệp.
Chỗ ở của Grayson như thế vẫn còn rộng chán so với những căn hộ chỉ có 5,6m2 ở Hong Kong. Giá bất động sản ở đây thuộc hạng “chát chúa”nhất hành tinh, cao hơn mức giá ở New York tới 35%.
"Căn hộ ổ chuột" chỉ 5m tại Hong Kong. Ảnh internet.
Mô hình căn hộ siêu nhỏ tại Mỹ đã được giới thiệu với khách hàng có diện tích khoảng 25 – 30 m2. Ảnh internet
Để thích ứng với tình trạng khan hiếm đất ở đô thị, từ lâu tại các đô thị lớn của Nhật như Tokyo, chính quyền đã cho phép phát triển những chung cư mà trung bình diện tích chỉ 25-30m2, thậm chí là nhỏ hơn, trên dưới 10m2.
Thế nhưng mang những căn hộ này so với những dãy nhà trọ lợp mái tôn tồi tàn hiện diện khắp các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội hay TPHCM thì quả là khập khễnh, khác nào “bì phấn với vôi”. Tuy căn hộ của họ nhỏ nhưng được bố trí ngăn nắp, khoa học, đảm bảo tốt những nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt của con người. Trong khi nhà trọ ở ta không theo tiêu chuẩn nào, và chỉ có thể gắn với các từ “nhếch nhác”, “tồi tàn”, “tạm bợ”.
Nhưng trong bối cảnh đó, chính quyền TPHCM vẫn chưa cho phép các doanh nghiệp phát triển hệ thống chung cư dưới 45m2 với lý do chúng “làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội của thành phố hiện đang bị quá tải, phá vỡ quy hoạch được duyệt, nguy cơ xuất hiện “nhà ổ chuột” trên cao”...
Nhà ở và cơ hội việc làm là những nhu cầu tất yếu. Và cũng tất yếu khi người lao động các tỉnh đổ về TPHCM thì phải tìm chỗ ở. Chính quyền thành phố không chấp nhận “những khu ổ chuột trên cao” (cho dù nó có phải là ổ chuột hay không còn phải bàn cãi) thì vẫn đã, đang và sẽ buộc phải chấp nhận những khu ổ chuột thực sự ở dưới đất, những dãy nhà trọ tồi tàn, nhếch nhác, thua xa những thứ mà các vị (chắc chắn đều có nhà cao cửa rộng) coi là “ổ chuột trên cao”.
Những căn hộ với thiết kế này vẫn luôn thu hút và hấp dẫn người mua nhà
Và nếu xây dựng ở ven đô, ngoại thành, ở những nơi mật đô dân cư, giao thông thấp thì đâu có ảnh hưởng gì đến trật tự đô thị và an toàn xã hội?
(Theo Reatimes)