Aa

Từ vụ Davina Dentist hoạt động không phép: Rủi ro tiềm ẩn từ các phòng khám chui

Thứ Năm, 26/03/2020 - 10:20

Chưa có giấy phép hoạt động, bất chấp quy định của pháp luật, hàng loạt phòng khám "chui" vẫn ngang nhiên hoạt động, gián tiếp tạo ra các rủi ro tiềm ẩn cho khách hàng...

Hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ xảy ra ở một lĩnh vực mà còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức khác nhau. Vụ việc Viện nha khoa thẩm mỹ Quốc tế Davina Dentist tại địa 32 Thi Sách (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngang nhiên hoạt động khi chưa được cấp phép không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của các phòng khám chính thống khác mà đây còn được coi là hành vi lừa dối khách hàng/ người tiêu dùng.

Hoạt động không phép, bất chấp pháp luật

Chưa được cấp phép, chưa có sự xác minh về bằng cấp chuyên môn nhưng hàng loạt cơ sở hành nghề y mở phòng khám "chui" vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh khiến nhiều người lo ngại.

Phòng khám nha khoa này nằm trên đường trục chính, biển bảng lớn treo ngang nhiên nhưng lại không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý sai phạm.

Mới đây, theo khảo sát của PV, tiếp tục xuất hiện thêm một số phòng khám hoạt động khi chưa hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép của Sở Y tế. Dù chưa đủ điều kiện nhưng vẫn thực hiện làm răng, bọc răng sứ, thực hiện chuyên môn răng hàm mặt kết hợp các dịch vụ xâm lấn cho khách hàng, ảnh hưởng tới uy tín các phòng khám nha khoa chính thống, cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bệnh nhân, bất chấp quy định của pháp luật đối với phòng khám chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt (cả về chuyên môn và trang thiết bị của phòng khám) là rất chặt chẽ.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối cho biết: “Theo quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 29 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:

“6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; …”.

Ngoài ra, còn bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.

Điểm a Khoản 5 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi “Hành nghề không có chứng chỉ hành nghề”.

Trước thực trạng các phòng khám ngang nhiên hoạt động không phép, cung cấp các dịch vụ chưa đủ tiêu chuẩn cho khách hàng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, GS.TS. Nguyễn Tài Sơn, Nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu Thuật Hàm Mặt và Tạo Hình, Bệnh viện QĐTW 108, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghị Thẩm mỹ Quốc tế VSAPS  từng chia sẻ: “Trong bối cảnh ngành dịch vụ thẩm mỹ tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, luôn sẵn sàng cập nhật các kỹ thuật mới, tiên tiến trên thế giới và đã đạt được những thành công nhất định thì vẫn còn các hoạt động thẩm mỹ chưa an toàn, làm quá phạm vi cho phép dẫn đến tai biến, tai nạn nghiêm trọng, gây bức xúc cho xã hội. Trong đó, phải kể đến là các đơn vị thẩm mỹ, spa không được trang bị đầy đủ kiến thức y khoa và trang thiết bị y tế nhưng vẫn tiến hành phẫu thuật cho khách hàng”.

Các chuyên gia không khỏi lo ngại về các biến chứng của các thủ thuật đang được thực hiện lan tràn tại các cơ sở “3 không”. Đó là không đảm bảo y tế, không đảm bảo quy trình, không phải là bác sĩ có kiến thức chuyên môn thực hiện.

Lừa dối người tiêu dùng

Theo sự phát triển của kinh tế - xã hội, vì nhiều nguyên nhân nên quyền lợi chính đáng của khách hàng không phải lúc nào cũng được bảo đảm. Là một hành vi nằm trong nhóm hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, lừa dối khách hàng là hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Lý do là vì những doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh này đã bất chấp đạo đức, lừa dối khách hàng chỉ vì mục đích muốn thu lợi nhuận cao.

Theo Thông tư số 41 năm 2011 của Bộ Y tế thì mỗi phòng khám phải hội tụ đủ những tiêu chí như: Có diện tích tối thiểu khoảng 40m2, được phân thành 3 khu vực riêng biệt để tránh “lây nhiễm chéo” (gồm phòng chờ, khu khám bệnh và khu vực làm các thủ tục nha khoa). Đó là chưa kể phòng khám phải có các thiết bị chuyên dùng và đặc biệt phải có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề… Nhưng tại cơ sở nha khoa, phòng khám "chui", đa phần không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí trên.

Cụ thể, như trường hợp Viện nha khoa thẩm mỹ Quốc tế Davina Dentist: Không phép vẫn liều làm dịch vụ như chúng tôi đã đưa tin trước đó, nếu khách hàng biết cơ sở này chưa được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động thì chắc chắn sẽ không ai dám tin tưởng để sử dụng dịch vụ tại đây. Từ đó, dư luận đặt ra câu hỏi là về chuyên môn tay nghề của các bác sĩ phòng khám, cơ sở vật chất, nguyên vật liệu tại đây đã đảm bảo đúng tiêu chuẩn hay chưa? Nếu không may xảy ra bất cứ vấn đề gì, người thiệt hại đầu tiên cả về sức khỏe và tiền bạc là khách hàng. Việc phòng khám này bất chấp quy định, ngang nhiên hoạt động thu lợi khi chưa được cấp phép cũng có thể coi là hành vi gián tiếp lừa dối người tiêu dùng. 

Hoạt động khi chưa được cấp phép sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng

Trong thời điểm liên tiếp các tai biến trong ngành đang xảy ra, chia sẻ về các biến chứng, tai biến do thực hiện sai quy trình chuyên môn, ThS.BS Lê Hữu Điền cho biết: “Có đến 90% ca tai biến do thực hiện tại spa không có chuyên môn, không do bác sĩ thực hiện. Các sản phẩm chất làm đầy không rõ nguồn gốc mua bán, sử dụng tràn lan trên thị trường cũng dẫn đến việc các bác sĩ rất khó xử lý khi có tai biến xảy ra. Cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng không nắm rõ kỹ thuật thực hiện đã gây nhiều biến chứng khác nhau. Nhẹ thì bầm tím, sưng nề, u hạt… Biến chứng tắc mạch là nặng nề nhất".

Theo Cẩm nang y học Việt Nam, những tai biến, biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào (gây tê, gây mê, phẫu thuật, hậu phẫu…), biểu hiện phức tạp và diễn biến rất khó lường.

Với nhóm phẫu thuật hút mỡ toàn thân – ghép mỡ, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như: Giảm thể tích tuần hoàn, hạ thân nhiệt, huyết khối – thuyên tắc mạch, hội chứng tắc mạch mỡ, nhiễm trùng, viêm mô tế bào, hoại tử mỡ, sốc sepsis… 

Với nhóm phẫu thuật thẩm mỹ vùng hàm mặt như gọt hàm, độn cằm, phẫu thuật hàm hô, người bệnh thường gặp các tổn thương mạch máu. Để dự phòng, trước mổ cần nắm vững giải phẫu, lên kế hoạch mổ tỉ mỉ, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, dự trù lượng máu sẽ mất để chuẩn bị sẵn trong trường hợp cần.

“Ứng phó một cách chủ động, huấn luyện cấp cứu theo tình huống” là lời khuyên của TS. BS Đỗ Quốc Huy – PGĐ Bệnh viện nhân dân 115 về xử trí và hạn chế rủi ro trong thẩm mỹ bởi tai biến, biến chứng là một phần rủi ro trong các cuộc phẫu thuật. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải chủ động ngăn ngừa, chủ động ứng phó với tiêu chí: An toàn người bệnh, an toàn trong phẫu thuật là vấn đề cốt lõi.

Những vụ việc tai biến nghiêm trọng trong phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra thời gian qua là lời cảnh tỉnh cho mọi khách hàng, không nên ham rẻ khi có nhu cầu làm đẹp. Các lưu ý quan trọng để phẫu thuật thẩm mỹ an toàn được các chuyên gia khuyến cáo là khách hàng cần lựa chọn cơ sở thẩm mỹ được Bộ Y tế cấp phép hoạt động; bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn, được đào tạo bài bản, trực tiếp tư vấn, giải thích rõ những vấn đề cần quan tâm trước – trong và sau khi phẫu thuật; có quy trình thăm khám chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn; tất cả các ca phẫu thuật gây mê phải được thực hiện trong bệnh viện; vật liệu, trang thiết bị rõ nguồn gốc xuất xứ, được phép lưu hành của Bộ Y tế; chế độ chăm sóc hậu phẫu chu đáo, đúng cách và cam kết bảo hành uy tín.

Theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) quy định về" Tội lừa dối khách hàng":

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình có thể gây thiệt hại cho khách hàng, nhưng vẫn thực hiện.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top