Aa

Tương lai nào cho các không gian cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội sau di dời?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 23/10/2021 - 06:00

Việc chuyển các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân Hà Nội, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị.

Tọa đàm với chủ đề “Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp” diễn ra mới đây, các chuyên gia đã chia sẻ những quan điểm cùng góc nhìn đa chiều về thực trạng di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội; kinh nghiệm quốc tế về tái thiết không gian công nghiệp và đặc biệt là những gợi mở quan trọng cho câu hỏi “tương lai nào cho các không gian cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội sau di dời?”

Một số chuyên gia cho rằng, việc chuyển các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân Hà Nội, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị. Nó tạo ra cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa, là nơi ươm các start-up của giới làm sáng tạo. Các không gian sáng tạo chuyển đổi từ các khu công nghiệp có diện tích lớn, là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (HUPI) cho hay, ông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành đô thị. Tuy nhiên trong quá trình đô thị hóa, các cơ sở công nghiệp hiện hữu đã, đang, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường - ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và cản trở phát triển đô thị.

Do vậy, việc di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung là cần thiết và cấp bách.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (HUPI) chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến.

“Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị. Những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, hiện tại có thể thấy cần bảo vệ đô thị, tái thiết đô thị bền vững, đặc biệt là khi các luật về bảo vệ môi trường đặt vấn đề. Nhìn lại, ông Hùng cho hay trước 2020, Hà Nội triển khai di dời 95 cơ sở công nghiệp. Trong đó, 65 cơ sở thành trường học, trung tâm thương mại dịch vụ. Năm 2004, xưởng in Báo Nhân Dân thành Viện Pháp hiện nay. Trung tâm văn hóa Pháp này cũng là nơi kết nối nghệ thuật và sáng tạo.

KTS. Bùi Thị Thúy Ngọc (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) cũng cho biết, một số nghiên cứu của chị và đồng nghiệp cho thấy Đức và Pháp là hai nước tái tạo được nhiều không gian di sản công nghiệp. Các khu di sản công nghiệp này được chuyển đổi thành nhiều khu có công năng khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng chuyển đổi thành khu công cộng chiếm tới 90%, rất ít chuyển thành nhà ở. Thực tế, tại Việt Nam có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trong danh sách di dời đã tạo cảm hứng cho các KTS sáng tạo không gian mới. Chẳng hạn, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Bia Hà Nội đều là các công trình được nhiều KTS làm đồ án thay đổi.

Việc chuyển các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo sẽ cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân Hà Nội, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị. (Ảnh minh hoạ)

Ở góc nhìn quốc tế, ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội cho biết: “Xã hội đang quan tâm đến việc đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp vào nỗ lực bảo tồn di sản bởi không chỉ giàu có về mặt kiến trúc, các cơ sở công nghiệp này đã hình thành nên ký ức quan trọng trong tiến trình xây dựng không gian đô thị của chúng ta, bản sắc của chúng ta và lịch sử của những người lao động, người dân quanh khu vực mà cơ sở công nghiệp đó tồn tại. Rất nhiều ví dụ thành công tại châu Âu và trên thế giới đã cho thấy việc chuyển đổi các cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa, nuôi dưỡng sáng tạo là mô hình có tính đạo đức bởi các dự án chuyển đổi này luôn mang đến tác động tích cực cho các vùng lân cận và được người dân đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống của họ”.

Trong khi đó, KTS người Ý Massimo Roj nói về một khu công trình lớn được cải tạo từ di sản công nghiệp. Sau cải tạo, đó là nơi kết nối người trẻ với di sản. Toàn bộ khu công nghiệp xưa được cấy thêm hệ thống cây xanh tạo hình thái kiến trúc đô thị xanh. Các bối cảnh cũ kết hợp cảnh quan mới tạo thành một bối cảnh đô thị có bản sắc rõ ràng.

“Có kinh doanh nông nghiệp, khu ăn uống, trung tâm giáo dục, chợ nhỏ. Đây là khu sáng tạo mới từ một khu lò cũ. Những gì trước đây công chúng không được tiếp cận thì đã được mở cho công chúng vào. Đó là một địa điểm gặp gỡ, hoạt động tập thể. Chúng tôi cũng chú trọng tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, các thế hệ khác nhau”, ông Massimo chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top