Aa

Dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm khỏi nội đô: Ì ạch vì thiếu vốn, cơ chế

Thứ Tư, 03/03/2021 - 06:15

Hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm vẫn “án binh bất động” trong các khu vực nội thành sau gần 15 năm Hà Nội triển khai chủ trương di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường khỏi nội đô.

Tình trạng này đang tiếp tục gây ra nhiều lo lắng và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu đường sau nhiều năm vẫn chưa di dời khỏi nội đô
Sau nhiều năm, Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu đường (phố Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) vẫn “án binh bất động” dù nằm trong diện phải di dời. (Ảnh: Hải Nguyễn)

Nhiều nhà máy vẫn “ung dung” hoạt động

Quyết định về chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường chính thức được UBND TP. Hà Nội ban hành từ năm 2003. Suốt nhiều năm sau đó, dựa trên cơ sở quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường và đối chiếu các đồ án quy hoạch của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn làm cơ sở xác định tiêu trí, các sở ban ngành của Hà Nội đề xuất di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp tại 12 quận nội thành ra khỏi khu vực nội đô. Đáng chú ý trong số này, kết quả phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường cho thấy có đến 47 đơn vị gây ô nhiễm môi trường và 11 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đến năm 2015, UBND TP. Hà Nội chính thức thành lập Ban chỉ đạo di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Đồng thời triển khai kế hoạch di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành của thành phố với lộ trình dự kiến phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên theo con số mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến thời điểm hiện nay, Hà Nội mới thực hiện di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận.

Thực tế này khiến trên địa bàn nhiều quận nội thành hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc diện phải di dời nhưng đến nay vẫn “ung dung” hoạt động dù thời hạn cuối cùng 2020 đã hết. Kết quả khảo sát thực địa được PPWG (Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân) công bố mới đây cho thấy, trong số 39 nhà máy thuộc dạng di dời ghi trong danh sách kèm theo Công văn số QHKT/8/2011 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội ở hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân, mới có 21 nhà máy hoàn tất di dời và như vậy vẫn còn 18 nhà máy chưa thể di dời đúng tiến độ.

Rất nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất lớn dù nằm trong diện phải di dời nhiều năm nay nhưng do nhiều nguyên nhân đến nay vẫn hoạt động trong nội đô như Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu đường (Trần Quý Cáp, Đống Đa) hay Nhà máy Bia Hà Nội (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình) vẫn chưa thể hoàn tất di dời.

Chưa có chế tài xử lý khi chậm di dời

Việc di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô quá chậm so với kế hoạch đang là thực tế gây ra rất nhiều bức xúc, lo lắng đối với người dân và là một trong những chủ đề thường xuyên được các cử tri mang ra chất vấn HĐND TP. Hà Nội trong các phiên họp nhiều năm trở lại đây.

Trong một lần trả lời chất vấn cử tri gần đây, ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) lý giải, nguyên nhân dẫn đến việc chậm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành là do tâm lý các cơ sở ngại di dời vì người lao động ngại đi xa và năng lực tài chính của các đơn vị để bảo đảm sản xuất, xây dựng mới cũng còn khó khăn. Trong khi đó, Nhà nước cũng chưa có nguồn kinh phí để hỗ trợ đơn vị thuộc diện phải di dời.

Trong khi đó, lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất gây ô nhiễm chưa thể di dời theo kế hoạch, Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, trên thực tế, việc triển khai thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn chậm và gặp khó khăn do nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí và chưa có phương án xã hội hóa. Đồng thời chưa xây dựng được cơ chế chính sách về tài chính phù hợp để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với Hà Nội, thời gian qua các địa phương trên cả nước đã thực hiện di dời được nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường, tập trung đông người ra ngoài đô thị; tạo nguồn lực tài chính để thực hiện di dời và từ đây tạo được quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng; đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ... góp phần chỉnh trang đô thị mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn những hạn chế, bất cập trong việc ban hành danh mục di dời của các địa phương còn rất chậm; việc đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương tại vị trí mới chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến khó khăn cho các cơ sở khi di dời đến nơi mới trong việc đầu tư xây dựng dự án; chưa thực sự khuyến khích được các cơ sở trong việc thực hiện di dời; chưa có chế tài xử lý đối với việc chậm thực hiện di dời”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá.

* Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ TP. Hà Nội mới đây cũng đánh giá, trong 5 năm qua 2015 - 2020, rất nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của TP. Hà Nội chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra. Trong số này, bên cạnh việc cải tạo chung cư cũ không đạt tiến độ, việc di dời một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu vực nội đô cũng chưa bảo đảm tiến độ đề ra ban đầu.

* Ngay sau vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông (cuối tháng 8/2019), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời công ty này và các cơ sở, nhà máy có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo. C.V

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top