Tựu trường qua màn hình laptop

Tựu trường qua màn hình laptop

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Chủ Nhật, 05/09/2021 - 06:00

tựu trường qua màn hình laptop

Suốt mùa hè qua, con gái tôi cũng như bao trẻ em khác đã không được đón mùa hè một cách bình thường như bao năm trước. Không chạy nhảy vui chơi công viên hè phố, không chuyến đi xa trong lời hứa của bố mẹ khi con hoàn thành tốt kỳ thi, quê hương bình yên với bóng dáng ông bà ngóng đợi cũng trở nên xa xôi, cách trở.

Những đứa trẻ tự chơi một mình, giữa bốn bức tường, xung quanh cơ man nào máy tính, iPhone, iPad... nào đồ ăn, sữa ngọt, thú bông… nhưng đứa con của mình liệu có hoàn toàn ổn không thì khó bậc phụ huynh nào đưa ra câu trả lời chắc chắn.

Tôi từng nép sau cánh cửa, ngắm đứa con mình đang học lớp 3 trò chuyện với đám thú bông: “Này em gấu, đây bao lì xì đỏ, Tết vừa qua ông bà mừng tuổi chị. Chị phần nhỏ, nhường em phần lớn nhé”; “Khỉ ơi! bánh kẹo và quả ngọt, chị bày ra chúng mình cùng ăn”; “Nếu ta ngoan thì bức tường sẽ ấm!”…

tựu trường qua màn hình laptop

Tôi thấy cay nơi khóe mắt, chợt nghĩ tới những ngày cơ quan cho làm việc ở nhà, trong phòng riêng của căn hộ chung cư, tôi bỗng nhận ra con người bé nhỏ và tù túng không chỉ bởi 4 bức tường, mà chính xác hơn là 6 bức tường, như đóng thành một chiếc hộp hình bao diêm, treo lơ lửng giữa lưng trời. Cuộc sống đầy nguy nan, hiểm họa còn thiên nhiên thì vẫn đẹp đẽ, bình yên...

Chúng ta chỉ có thể ngắm nghía, cảm nhận qua từng song chắn ban công, cửa sổ. Đâu rồi thế giới rộn rã của trẻ thơ với những bước chân chạy vã mồ hôi, những phút giây rượt đuổi cười tít mắt, những chiếc cặp rực rỡ sắc màu được tung lên cùng bóng bay, cờ hoa ngày bế giảng?... Năm học qua đi trong lặng lẽ. Mùa hè cũng đã qua đi trong lặng lẽ. Và rồi, năm học mới đến từ màn hình máy tính, tiếng trống khai giảng vang qua chiếc loa nhỏ bé… Có lẽ, chưa bao giờ đời sống của trẻ em lại có những bước ngoặt, khúc quanh kỳ lạ và nhiều nỗi niềm đến thế.

Vẫn những tia nắng vàng rực rỡ, những cơn gió trong lành, đàn sóc nâu ngày thường trú ngụ tận đâu nay thản nhiên khoe chiếc đuôi đỏ hoe trên tán cây giữa phố… Nhưng con người không tâm trạng nào mà cảm nhận bởi dịch bệnh tràn đến nên phải căng mình ứng phó và mỗi trẻ em cũng là một chiến binh. Tôi nói với con mình như vậy và gợi mở để con thay đổi nếp sống, sinh hoạt, vui chơi phù hợp tình hình, bối cảnh mới.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật và con gái
Nhà thơ Đoàn Văn Mật và con gái

Chính thời điểm này, nếu chúng ta không gần nhau hơn, không lắng nghe nhịp sống, thì thật khó vượt qua bộn bề thử thách. Thế rồi, từng khoảng ban công đã lâu bị bỏ quên được cả nhà dọn dẹp, trang trí, trẻ em thực hành lại bài tập gieo hạt, chăm sóc cây xanh của môn Tự nhiên và Xã hội mà trước đây chỉ làm qua loa để cô chấm điểm.

Người cha vừa khoan cắt gỗ, đóng bộ bàn ghế uống trà vừa nhắc nhớ, đã bao lâu rồi nhà mình chưa ngồi bên nhau như thế. Người mẹ tỉ mỉ vá may, sửa thêm góc này một tí, góc kia một chút. Từng không gian nhỏ trong ngôi nhà được xếp đặt gọn gàng hơn.

Dầu cuộc sống ngoài kia đầy rẫy những khó khăn, thử thách, song căn bếp, mái nhà của mỗi gia đình có thể sẽ trở nên ấm hơn nhờ tình yêu thương và nỗ lực của từng thành viên. Cơ hội để những đứa trẻ có nhiều thời gian dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, chăm sóc cây cối; để những gia đình thêm nhiều bữa ăn sum vầy… và đặc biệt nhất, câu chuyện tình người qua sóng truyền hình, phát thanh, mạng Internet lay động, lan tỏa đến từng mái ấm.

Ngày nọ, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi cô con gái vừa kết thúc năm học lớp 3 viết được một bản thảo văn học mang tên “Câu chuyện của tôi” với dung lượng khoảng 15.000 chữ. Tác phẩm gồm nhiều câu chuyện nhỏ, chủ yếu là đối thoại, suy ngẫm, tình cảm của một đứa trẻ dành cho sự vật, sự việc xung quanh mình. Cháu nhớ về đôi dép cũ giờ đã chu du tận nơi nào, tưởng tượng cuộc trò chuyện giữa mình với hạt mầm chưa kịp nảy, tình bạn với đám thú bông… Từng mẩu chuyện thơ ngây, trong sáng đó được Đài tiếng nói Việt Nam chọn phát trong chương trình Văn nghệ thiếu nhi và thực hiện những cuộc phỏng vấn tác giả.

Tác phẩm Em bé Điện Biên và con gấu của họa sĩ Lê Huy
Tác phẩm "Em bé Điện Biên và con gấu" của họa sĩ Lê Huy

Sự thích nghi với bối cảnh mới đã mang đến cho trẻ nhỏ nhiều đồng cảm, tự tin khi chia sẻ về gia đình, mái trường và cuộc sống. Cô bé biết rung động trước hình ảnh các bạn nhỏ mặc đồ bảo hộ rộng thùng thình, tạm xa gia đình để vào khu cách ly.

Cháu quyết định dành phần nhuận bút nhà đài gửi tặng nhờ bố mẹ đặt mua bức tượng “Em bé Điện Biên và con gấu” được họa sĩ Lê Huy sáng tạo từ cảm hứng về câu chuyện trên để bày ở góc học tập. So với trước đây, thời gian biểu cháu tự lập mỗi tuần thay vì lịch học dày đặc nay sinh động với lịch ngắm hoa, chăm sóc cây, giúp mẹ nấu cơm, nghe bố nói chuyện thời sự…

Tôi cũng có nhiều thời gian hơn để quan sát, đồng cảm với con mình, viết nên những bài thơ thiếu nhi trong thời đại dịch với từng câu chuyện đầy trắc ẩn, yêu thương:

Bé ngồi yên đó

gõ cửa gió vào

bên này tường cao

bên kia cổng khóa 

bàn tay xinh quá

nở ra mặt trời 

bức tường ấm lại 

trong bài ca vui”.

Tôi còn nhớ cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông chia sẻ, trẻ em là phần trong trẻo và thiêng liêng nhất của cuộc sống này mà ngay cả những tội phạm khủng bố, giết người, cướp của... đôi khi cũng phải dừng lại bởi lòng trắc ẩn trong sâu thẳm dâng lên. Còn một nhà thơ người Mỹ thì nhận định: “Thế giới này nếu có tàn lụi/ Chỉ bởi người lớn không biết cách cúi xuống bế đứa trẻ lên...”.

tựu trường qua màn hình laptop

Đã có nhiều phụ huynh học sinh hỏi tôi: Tại sao các nhà văn, chuyên gia nghiên cứu... không viết cẩm nang hướng dẫn cụ thể để trẻ em ứng phó với dịch bệnh và cách thích nghi khi môi trường sống bị thay đổi? Tôi nghĩ rằng, chúng ta có viết đến 1.000 câu chuyện đi chăng nữa, thì trẻ nhỏ hoàn toàn có thể gặp tình huống thứ 1.001 và bất ngờ, khủng hoảng, kiệt sức… nếu thiếu sự quan sát, đồng hành tận tụy từ bố mẹ!

Ở bối cảnh dịch bệnh, hiểm họa có thể xuất hiện ngay trong đời sống gia đình, khi virus còn chưa “sờ” tới. Bởi lẽ, nhiều khi chúng ta yên tâm rằng mỗi ngày trẻ nhỏ đều đều ăn uống, ngồi chơi, nghe ta dạy bảo là ổn, trong khi đó có thể chỉ là “cái bóng” của trẻ thơ còn con người thực sự đã rời bỏ chúng ta...

Nếu không có dịch bệnh Covid-19, biết đâu cuộc sống con người vẫn bị đảo lộn vì những nguy cơ, hiểm họa khác, nên ngay cả khi trẻ nhỏ đón buổi tựu trường qua màn hình máy tính, nghe tiếng trống khai giảng vang lên qua chiếc loa nhỏ bé… thì ở một mặt nào đó, hiện thực đời sống với đủ mọi sắc thái, tâm trạng sẽ giúp trẻ em thêm trải nghiệm và trưởng thành hơn. Quan trọng là trong từng bước phát triển ấy, luôn cần đến sự nâng niu, đồng hành và yêu thương từ những con người lớn hơn, thế giới lớn hơn./.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Lê Quyên
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top