Dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài được xây dựng trong phạm vi quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) với điểm đầu dự án là nút giao thông với đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70 do Công ty CP Tasco làm chủ đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy đường). Nhờ dự án này, Tasco đã sở hữu quỹ đất lên tới gần 70ha ở Hà Nội. Cụ thể, 38ha đất tại Xuân Phương; 30ha đất tại dự án Đơn vị số 1, tại Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội); 3.000m2 tại 48 Trần Duy Hưng.
Tổng mức đồng tư là 1.543,6 tỷ đồng với chiều dài 3,51km; quy mô 8 làn xe; trên tuyến có 2 cầu: cầu vượt sông Nhuệ dài 71m và cầu vượt đường sắt dài 365m.
Cầu vượt qua đường sắt là điểm nhấn quan trọng nhất của dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài này.
Khởi công năm 2009, dự án đã thi công xong 800m để phục vụ Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà năm 2010 và ngừng thi công. Dự án này đã bị thanh tra và theo công bố trên báo giới vào đầu năm 2012, chủ đầu tư Tasco đã vi phạm nghiêm trọng trong tính toán áp dụng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí, khối lượng của nhiều hạng mục, tính vào giá trị công trình các khoản chi phí vô lý… khiến tổng mức đầu tư của dự án bị đội lên 437 tỷ đồng.
Từ tháng 4/2015, dự án thi công trở lại và cuối tháng 4/2017 được đưa vào sử dụng sau nhiều lần “lỗi hẹn” hoàn thành. (Trong ảnh là phần đi bộ trên cầu vượt qua đường sắt).
Các hạng mục đường dẫn, đường dưới chân cầu vượt tới thời điểm hiện tại đã tương đối hoàn thiện.
Việc xây dựng tuyến đường này nằm trong quy hoạch hệ thống đường bộ đô thị của Hà Nội, nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực thành phố, nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật, tạo ra sự kết nối liên thông giữa chuỗi đô thị hiện đại nằm phía Tây Nam Hà Nội.
Hệ thống cây xanh, biển báo giao thông, vạch kẻ đường đã được thực hiện.
Cây xanh được trồng trên vỉa hè đều có kích thước lớn...
Theo dự kiến, công trình này sẽ được đưa vào sử dụng ngay trong tháng 4/2017.
Tuy nhiên, trước khi dự án thông xe, các phương tiện đã di chuyển vào tuyến đường này. Để hạn chế việc đi lại của người dân, đơn vị thi công dùng những khối bê tông lớn để chặn đường. Thực tế này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người đi đường.
Một cách khác, đơn vị thi công dùng xe lu đứng giữa đường, hạn chế ô tô đi vào tuyến đường.
Phế thải xây dựng cũng còn ngổn ngang trên đường.
Giao thông lộn xộn trên tuyến đường tiềm ẩn xung đột, gây tai nạn.
Nhiều đoạn vỉa hè vẫn đang trong quá trình thi công.
Biển cấm "vô dụng" tại công trường dự án tuyến đường "dát kim cương này".
BT là một dạng đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng – chuyển giao. Khi thi công một dự án hạ tầng, nhà đầu tư được giao đất để thực hiện dự án khác, và nộp vào ngân sách số tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất của dự án và tổng vốn đầu tư xây dựng công trình BT.
Các dự án BT hầu như nhằm vào mảng làm cầu, đường, hạ tầng để đổi lấy đất xây đô thị và nhà ở vì đây là lĩnh vực tạo lợi nhuận cao. Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, một số chủ đầu tư thường khai “dôi dư” tổng mức đầu tư dự án để đổi lấy nhiều đất hơn.
|