Aa

Tuyên Quang: Chậm giải ngân vốn đầu tư công và biện pháp tháo gỡ

Thứ Sáu, 08/11/2024 - 13:33

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là hết năm 2024, song kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hiện vẫn đạt thấp. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Tuyên Quang đã và đang quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương, chủ đầu tư khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để giải ngân nguồn vốn, tránh dồn vào cuối năm.

Giải quyết các điểm “nghẽn”

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý hơn 6,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn giao năm 2024 hơn 5,8 nghìn tỷ đồng, còn lại là vốn từ năm trước chuyển tiếp sang năm nay. Nguồn vốn này được tỉnh và các địa phương bố trí để xây dựng các công trình chuyển tiếp và khởi công mới thuộc lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, y tế, môi trường… và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Đến hết tháng 10, toàn tỉnh giải ngân đạt khoảng 45%, chậm so với kế hoạch đề ra.

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 10-2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố, chủ đầu tư phải ưu tiên số một thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, phải tập trung tháo gỡ bằng được những khó khăn, vướng mắc, nhất là những điểm “nghẽn” làm chậm tiến độ thi công ở các công trình trọng điểm của tỉnh như dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Bệnh viện đa khoa tỉnh,…

Tuyên Quang: Chậm giải ngân vốn đầu tư công và biện pháp tháo gỡ- Ảnh 1.

Toàn cảnh công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Quyết liệt thực hiện chỉ đạo, Ban QLDA và xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã rà soát lại hết các dự án giao thông đang thi công. Đặc biệt là dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) có chiều dài thi công qua tỉnh 77 km.

Ông Nguyễn Thiện Tuyên, Giám đốc Ban QLDA và xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Ban đang tập trung cao độ cho Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, tham mưu cho UBND tỉnh phương án điều chỉnh tổng thể làm căn cứ thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố tập trung gỡ vướng về mặt bằng để đẩy mạnh thi công. Đến nay các chủ đầu tư đã bàn giao gần 57 km cho đơn vị thi công, đạt gần 82%. Tuy nhiên, công tác GPMB toàn tuyến còn nhiều điểm “nghẽn” liên quan đến 265 hộ dân do chưa phê duyệt phương án bồi thường; đất đắp chưa đáp ứng cho nhu cầu thi công; khối lượng đất đá của dự án hơn 9,2 triệu m3 nhưng nhiều điểm đổ thải chưa tiếp cận được... Đảm bảo tiến độ đến 31-12 phải xong mặt bằng toàn tuyến, Ban đang tiếp cận từng hộ vướng mắc để cùng với  địa phương gỡ khó từng hộ, từng điểm; phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết điểm đổ thải; đôn đốc các nhà thầu thi công “3 ca, 4 kíp” đảm bảo tiến độ thi công, tiến độ giải ngân năm 2024.

Công trường thi công Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đang được đơn vị thi công khẩn trương thực hiện. Theo ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đơn vị chủ đầu tư: Sau hơn 10 tháng khởi công, tiến độ dự án cơ bản đáp ứng được kế hoạch, tổng giá trị khối lượng hoàn thành ước tính đến hết tháng 10-2024 đạt 250 tỷ đồng (khoảng 23% giá trị hợp đồng). Hiện dự án đang thiếu khoảng 60.000 m3 đất đắp, san lấp mặt bằng.  Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề nghị chấp thuận chủ trương sử dụng nguồn đất dư thừa của dự án Xây dựng đường từ Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm đến QL2D kết nối với Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ để đắp cho dự án. Hiện nay, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng (nhà thầu thi công hạng mục san nền) đang làm thủ tục để khai thác đất. Giải quyết được đất đắp sẽ đẩy nhanh khối lượng thi công, đảm bảo việc giải ngân nguồn vốn.

Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu

Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư đồng nghĩa việc sớm đưa các công trình vào sử dụng, đáp ứng phát triển kinh tế, xã hội. Ngày 14-10-2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4720/UBND-ĐTXD chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024. Theo đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo quyết liệt, cụ thể và hiệu quả; tổ chức thực hiện phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh… không để “vốn chờ dự án”. Kiên quyết siết chặt kỷ luật trong quá trình giải ngân. Đồng thời, văn bản nêu rõ, sẽ xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Tuyên Quang: Chậm giải ngân vốn đầu tư công và biện pháp tháo gỡ- Ảnh 2.

Thành phố Tuyên Quang.

Huyện Hàm Yên tiến độ giải ngân vốn đầu tư đến ngày 30-10 đạt 562 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch. Về vốn Chương trình MTQG: Vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giải ngân đạt 31%; vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giải ngân đạt 84% kế hoạch. Vốn sự nghiệp thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 26% kế hoạch.

Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Đỗ Đức Chiến cho biết: Đối với dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua địa phương, đến nay, cơ bản đã GPMB xong 19 khu tái định cư phục vụ GPMB cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Từ nay, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng hạ tầng các khu tái định cư, cam kết sẽ GPMB xong trên 47 km phục vụ thi công cao tốc trong năm 2024.

Huyện Yên Sơn đang triển khai 295 dự án, gồm 3 dự án vốn Di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, 156 dự án vốn đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 65  dự án vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới, 71 dự án vốn khác. Theo Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn Nguyễn Hữu Phương: Huyện đang quyết liệt từng giải pháp thi công đối với từng công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh như cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đường 2D… Bên cạnh đó, huyện yêu cầu các đơn vị hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, bàn giao, quyết toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Huyện đang tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc thuộc thẩm quyền, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo cho rằng: Để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền các đơn vị, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo thực hiện, đánh giá tiến độ thường xuyên và cụ thể từng công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm phải đánh giá theo tuần. Các chủ đầu tư nắm chắc khả năng giải ngân của từng dự án để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn sang các dự án đảm bảo khối lượng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục tăng cường đôn đốc các địa phương kịp thời phát hiện vướng mắc của từng dự án, từ đó đề xuất các giải pháp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Với những giải pháp trên, công tác giải ngân vốn đầu tư công đang được tỉnh, các địa phương tăng tốc thực hiện, phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top