Aa

Tuyên Quang: Lạ chuyện người dân quanh sông Lô bỏ việc đi giữ đất

Thứ Tư, 16/05/2018 - 15:02

Khi tiếng kêu không thấu, người dân Tuyên Quang đã phải tự cứu lấy nguồn sống của gia đình bằng cách túc trực bên bờ sông Lô, không cho tàu thuyền nạo hút cát gần bờ dẫn đến sạt lở đất canh tác.

Cứ mỗi buổi chiều, người dân xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang lại kéo nhau ra sông Lô canh đất để các tàu không khai thác vào sát bờ.

Cứ mỗi buổi chiều, người dân xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang lại kéo nhau ra sông Lô canh đất để các tàu không khai thác vào sát bờ.

Có 7 sào đất, mất 6 còn 1

Giữa cái nắng oi nồng những ngày đầu hè, ông Nguyễn Đức Linh (thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) chạy đôn chạy đáo từ mép sông Lô dưới chân cầu An Hòa đến hết địa phận xã mình. Công việc của lão nông 65 tuổi là mỗi khi thấy tàu thuyền khai thác cát ở gần bãi đất trồng ngô thì lập tức ngăn chặn. Xua đuổi không được, ông vội chạy về làng hô báo mọi người giúp sức. Chỉ mấy phút sau, hàng chục nhân khẩu của thôn Gò Hu đã có mặt. Trước sự quyết liệt của người dân, một số tàu hút cát cỡ lớn buộc phải di chuyển ra xa – Phạm vi được cấp phép khai thác.

Hướng tầm mắt từ cầu An Hòa, có thể thấy đoạn sông Lô trước mặt là hàng chục tàu hút khai thác cát cùng tàu bè vận chuyển. Chếch lên phía bờ là cảnh sạt lở đất bãi ngô xuống lòng sông, có đoạn bị khoét sâu tạo thành hàm ếch cao tới cả chục mét. Người dân xã Vĩnh Lợi phải bất lực nhìn từng thước đất canh tác nông nghiệp từ bao đời nay dần dần biến mất do tình trạng khai thác cát gây ra.

“19 hộ dân có đất ven sông ở khu vực này đều bị sạt lở nghiêm trọng. Như nhà tôi trước đây có 6 sào đất trồng ngô, đỗ giờ chỉ còn lại hơn 1 sào. Cứ mỗi năm lại mất đi một ít, chẳng bao lâu nữa khu đất canh tác của người dân bị san bằng với mặt nước sông Lô. Các anh xem, đụn sỏi cát lù lù thế kia, nước lũ về khác gì con đê chắn dòng chảy, không xói lở mới lạ”, bà Hoàng Thị Mai (62 tuổi) chỉ tay vào những chiếc tàu hút đang hoạt động ở gần bờ nói.

Đứng từ cầu An Hòa có thể thấy cả chục chiếc tàu cỡ lớn đang khai thác cát dưới dòng sông Lô.

Đứng từ cầu An Hòa có thể thấy cả chục chiếc tàu cỡ lớn đang khai thác cát dưới dòng sông Lô.

Được biết, từ đầu tháng 5/2018, tình hình khai thác cát ở sông Lô đoạn quanh cầu An Hòa trở nên rầm rộ. Ngày cao điểm có khi xuất hiện hàng chục tàu hút cát làm náo loạn cả tuyến sông. Mỗi khi mực nước sông dâng lên cao họ lại kéo tàu bè vào khai thác ngay gần bờ sông.

“Dân làng chúng tôi quanh năm bám vào mấy sào nương rẫy để phát triển kinh tế. Thế nhưng, khoảng hai năm nay diện tích càng ngày càng mất đi do việc khai thác cát ven bờ dẫn đến sụt lún. Nhiều hôm họ khai thác ban đêm, sáng ra thấy cả sào đất bị sụt lún xuống sông. Kêu cứu lên cơ quan chức năng không được nên chúng tôi đành phải thay phiên nhau ra canh để ngăn chặn. Thậm chí người dân thôn Gò Hu còn dựng những cây tre thành “súng cao su” để bắn đá vào những chiếc tàu hút khi họ khai thác gần mép bờ gây sạt lở đất canh tác”, ông Nguyễn Văn Cấp chia sẻ. Người trụ cột chính của gia đình 6 miệng ăn cũng tâm sự, cực chẳng đã ông và nhóm người dân mới phải hành xử kiểu “luật làng” như thế này dẫu biết rằng có thể vướng vào vòng lao lý bất cứ lúc nào.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi cho biết: Xã Vĩnh Lợi có 9km đường bờ sông, tỉnh cấp phép khai thác cát cho 3 công ty gồm: Bình Thuận, Thượng Phú và mới đây là Nhật Tân.

Nói về việc một số tàu hút khai thác cát gần bờ, ông Bình cho hay: “Cái này chúng tôi không xác định được vì phạm vi cấp phép là của UBND tỉnh”. Khi hỏi về giấy phép hoạt động và đăng ký phương tiện của các doanh nghiệp, vị Chủ tịch UBND xã nói: “Cái này tôi không nhớ vì cán bộ địa chính đi vắng rồi”.

Đáng lưu ý, theo người dân nhiều năm qua họ liên tục phản ánh cả bằng văn bản và qua các cuộc tiếp xúc cử tri về việc doanh nghiệp khai thác cát gây sạt lở đất canh tác thì ông Bình cho biết: “Chưa có việc sạt lở đất canh tác đâu. Mình nhìn là biết ngay(?)”.

Không doanh nghiệp nào nhận trách nhiệm

Quá bức xúc trước việc tàu khai thác cát ngay ven bờ sông Lô gây sạt lở, một số người dân đã dùng súng cao su xua đuổi tàu cát.

Quá bức xúc trước việc tàu khai thác cát ngay ven bờ sông Lô gây sạt lở, một số người dân đã dùng súng cao su xua đuổi tàu cát.

Cách xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương không xa là “công trường” khai thác cát thuộc xã An Khang, TP Tuyên Quang. Từ bãi ngô thôn An Phúc có thể thấy cảnh hàng chục con tàu hút đang tàn phá dòng sông Lô. Người dân nơi đây cho hay, tình trạng này đã diễn ra khoảng hai năm nay (chỉ trừ mỗi mùa nước cạn). Ngày nào cũng cả chục con tàu khai thác từ sáng sớm đến chiều muộn khiến cuộc sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con bị ảnh hưởng.

Cách chỗ chúng tôi đứng khoảng vài chục mét, có 2 chiếc tàu hút cỡ lớn đang khai thác cát. Chiếc cần hút dài cỡ vài chục mét cần mẫn vơ vét lòng sông. Dòng sông Lô rộng lớn trở nên chật chội bởi sự có mặt của hàng chục chiếc tàu lớn nhỏ vận chuyển cát. Cũng không thể đếm hết các gò đống sỏi thải cứ liên tiếp mọc lên nhấp nhô trên mặt nước.

“Nhiều hôm buổi tối tiếng tàu khai thác vẫn gầm rú. Sáng chưa bảnh mắt thì người dân đã bị đánh thức bởi cái âm thanh chết tiệt ấy. Một nhóm người dân thì thay phiên nhau canh đất, không cho tàu vào khai thác gần bờ. Thế nhưng tình trạng này kéo dài từ năm nay sang năm khác mà sức người thì có hạn”, một người dân thôn An Phúc thở dài.

Theo ông Trần Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã An Khang, TP Tuyên Quang, xã có 14km đường bờ sông nhưng có đến 6 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát gồm: Công ty Bình Thuận, Thượng Phú, Nhật Tân, Khoáng sản Tuyên Quang, Tam Sơn và Thành Hưng.

“Năm ngoái bức xúc nhất là ở khu vực thôn An Phúc giáp ranh thôn Thái Long có tình trạng khai thác cát gây sụt lở đất canh tác của người dân. Tuy nhiên đến nay chưa doanh nghiệp nào nhận trách nhiệm và có hướng đền bù cho người dân. Trong một số buổi làm việc chính quyền địa phương xác định khu vực này gần nơi hoạt động của Công ty Bình Thuận nhưng doanh nghiệp này vẫn lờ đi”, ông Tân cho hay.

Cũng theo ghi nhận của PV, những năm gần đây, việc hàng loạt doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi dẫn đến thay đổi dòng chảy sông Lô và sạt lở bờ kè. Đơn cử như dự án kè sông Lô với tổng mức đầu tư hơn 385 tỷ đồng được triển khai tại TP Tuyên Quang dù chưa nghiệm thu, bàn giao nhưng đến nay cũng đã sạt lở nghiêm trọng. Dọc tuyến sông qua xã An Tường, dấu tích chân kè hầu như không còn, nguy cơ “hà bá” nuốt chửng bờ kè luôn hiện hữu…

“Kiểm tra là việc của chúng tôi”

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Sở TN&MT Tuyên Quang cho rằng: “Tình hình khai thác cát sỏi ở sông Lô không nóng. Đặc thù ở Tuyên Quang có một số khu vực sạt lở và tỉnh đã điều chỉnh”.

Nói về việc người dân nhiều lần phản ánh các doanh nghiệp thường xuyên khai thác sai chỉ giới, khai thác ban đêm gây sạt lở đất canh tác nhưng không nhận được trả lời, ông Chiến cho hay: “Từ tháng 12/2016 khi tôi nhận chức Giám đốc Sở TN&MT thì không thấy người dân có đơn thư phản ánh. Nếu có phản ánh chúng tôi sẽ kiểm tra”. Trả lời việc PV nhiều lần gọi điện, nhắn tin phản ánh việc doanh nghiệp khai thác cát ảnh hưởng đến trồng trọt của người dân, vậy Sở TN&MT đã kiểm tra hay chưa?, ông Chiến cho hay: “Đấy là việc của chúng tôi”.

Trước câu hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi trên dòng sông Lô thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang, người đứng đầu Sở TN&MT cho biết sẽ giao cho văn phòng kiểm tra và thông tin lại đến báo chí.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top