Aa

Tuyên Quang: Phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch tỉnh

Thứ Tư, 07/02/2024 - 06:00

Theo quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tuyên Quang tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế, 4 cực tăng trưởng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Điều này sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo bệ phóng đưa Tuyên Quang “cất cánh” trên hành trình hội nhập.

Duy trì đà tăng trưởng

Cùng với đà tăng trưởng từ các năm trước, năm 2023, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp ở Tuyên Quang vẫn duy trì đà tăng trưởng, với những con số ấn tượng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 20.450 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2022, đạt 100,2% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, công nghiệp khai thác đạt 732,6 tỷ đồng, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 27.021 tỷ đồng, công nghiệp điện 3.863 tỷ đồng, công nghiệp nước 182 tỷ đồng. Một số sản phẩm công nghiệp đạt và vượt kế hoạch đề ra như: điện thương phẩm 100%, bột Felspat tăng 106,4%, Bột barit tăng 100%, giấy đế xuất khẩu tăng 107%, bột giấy 100,5%...

Tuyên Quang: Phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch tỉnh- Ảnh 1.

Sản xuất bao bì tại Công ty TNHH MTV Bao bì DHT, Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).

Một trong những lý do giúp giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt được đà tăng trưởng này là nhờ những chính sách phát triển, thu hút các doanh nghiệp, dự án công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tính đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2 khu, 6 cụm công nghiệp thu hút được 39 dự án công nghiệp, cơ bản lấp đầy các khu, cụm công nghiệp có lợi thế, nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Ngay từ đầu năm 2023 các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện trên các lĩnh vực, tiếp tục thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình, dự án quan trọng về giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt đã quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…

Đồng chí Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, đã có 11 dự án đăng ký đầu tư vào Khu Công nghiệp Long Bình An, trong đó 7 dự án đã đi vào hoạt động và 4 dự án đang trong quá trình lập thủ tục và đầu tư xây dựng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 90,3%. Việc quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã và đang khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động, tạo cú huých trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh.

Thu hút nhiều dự án lớn

Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) từ khi hình thành đến nay đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia vào xây dựng dự án và đi vào hoạt động như: Công ty May MSA-YB, Công ty cổ phần Bột giấy và Giấy An Hòa, Công ty TNHH  Seshin VN2… Trong năm 2023, khu công nghiệp đã thu hút đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối EREX SAKURA của Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn thẩm định. Dự án đăng ký hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm khác từ gỗ như viên nén sinh khối, dăm gỗ; công suất thiết kế 150.000 tấn sản phẩm/năm và dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 480 tỷ đồng. Dự án hứa hẹn đem lại công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tuyên Quang: Phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch tỉnh- Ảnh 2.

Quy hoạch đô thị tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Một góc phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang).

Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Long Bình An của Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang với diện tích trên 2 ha, quy mô từ 30.000 m3 đến 50.000 m3 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào chạy thử hiệu chỉnh máy. Bà Cao Cẩm Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang cho biết, với mục tiêu mở rộng quy mô, lĩnh vực sản xuất và chế biến ra các sản phẩm lâm sản sâu hơn, hướng tới các sản phẩm nội thất cao cấp phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu đã đầu tư xây dựng nên công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất của nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong lĩnh vực sản xuất ván ép, tự động hóa cao, nhằm đảm bảo sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, được đánh giá là nhà máy hiện đại nhất miền Bắc.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giá trị công nghiệp của tỉnh đạt trên 27.700 tỷ đồng, cơ cấu tổ chức ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt 24,7%. Thực hiện mục tiêu trên, cùng với phát huy năng lực sản xuất của các dự án công nghiệp đã và đang đầu tư, năm 2024, tỉnh phấn đấu hoàn thành quy hoạch, khởi công xây dựng Khu Công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn (TP Tuyên Quang), Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế (Sơn Dương) và triển khai các bước thành lập Cụm công nghiệp Yên Sơn, Cụm Công nghiệp Trung Môn. Đồng thời đề ra mục tiêu giá trị công nghiệp trong năm 2024 đạt 23.730 tỷ đồng.

Với định hướng và giải pháp liên quan đến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư được nêu trong Quy hoạch sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kiến tạo thêm cơ hội để tỉnh thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Tuyên Quang.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top