Aa

Tuyên Quang: Tạo lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài

Thứ Năm, 08/02/2024 - 06:05

Khép lại năm 2023, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang được tỉnh tích cực thu hút và mang đến nhiều tín hiệu khả quan. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất phấn khởi khi chọn Tuyên Quang làm điểm đến, hứa hẹn sẽ tạo nên những bước phát triển mạnh của kinh tế địa phương trong tương lai gần.

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Mặc dù không có nhiều lợi thế khi không có sân bay, cảng biển hay cửa khẩu, nhưng với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc biệt đã tạo cho Tuyên Quang nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp, du lịch và được đánh giá là địa phương có sức hấp dẫn về thu hút đầu tư.

Năm 2023, việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục có nhiều khởi sắc. UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm: Dự án xưởng ván sàn SPC của Công ty Nature Green, nhà đầu tư Hồng Kông và Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản) thực hiện dự án điện sinh khối công suất 100MW, dự án viên gỗ nén năng lượng công suất 650.000 tấn/năm,  tổng vốn đăng ký của 2 dự án là 5,11 triệu USD.

Ngoài ra, Công ty Nông nghiệp Dong Bo/Hàn Quốc làm việc về hợp tác và mạng lưới công nghệ trồng khoai lang mới, Tập đoàn Herit Hàn Quốc làm việc nhằm thúc đẩy trường học thông minh sử dụng năng lượng mặt trời. Các tổ chức KOICA, GNI/Hàn Quốc, CSR2/Nhật Bản; AVENUE/Nhật Bản... đến thực hiện các dự án viện trợ tại tỉnh.

Tuyên Quang: Tạo lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài- Ảnh 1.

Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn nắm tình hình thi công cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. (Ngày 10-02-2023). Ảnh: Việt Hòa

Hiện nay, Công ty cổ phần Việt - Nhật triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại GO! tại thành phố Tuyên Quang; Công ty TNHH Niinuma Việt Nam nghiên cứu các dự án về năng lượng điện mặt trời; Công ty Delta E&C nghiên cứu triển khai 2 dự án: Khu du lịch sinh thái Na Hang và Nhà máy chế biến cam tại tỉnh, Công ty KIDO Hàn Quốc tìm hiểu, khảo sát môi trường kinh doanh tại tỉnh để triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà máy tại cụm công nghiệp Phúc Ứng, huyện Sơn Dương.

Cũng trong năm qua trên địa bàn tỉnh có 8 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, được triển khai. Trong đó, có 4 chương trình, dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2023; 1 dự án đã được phê duyệt dự án; 1 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; 2 dự án đang trình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề xuất Dự án.

Sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài mới trên địa bàn Tuyên Quang đang mang đến những khởi sắc về tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nên những bước phát triển mạnh cho kinh tế của tỉnh trong những năm tới.

Không ngừng gia tăng lợi thế để thu hút đầu tư

Những tín hiệu khả quan trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài là thành quả của một quá trình thay đổi từ tư duy, nhận thức cho tới hành động trong việc đổi mới đầu tư. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh đã triển khai Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chất lượng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và cấp huyện tiếp tục được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo ban hành và triển khai thực hiện Đề án thu hút đầu tư tỉnh Tuyên Quang 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI thuộc các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu như: sản xuất gỗ, các sản phẩm gỗ, chế biến sâu khoáng sản, hàng dệt may, viên nén, hàng điện tử; khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong các khu, cụm công nghiệp theo hướng liên thông, thuận lợi…

Song song với đó, tỉnh tích cực, chủ động làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp để thu hút đầu tư vào tỉnh; khuyến khích phát triển doanh nghiệp; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trong và ngoài nước; thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có tiềm năng vào đầu tư các dự án kinh doanh tại tỉnh.

Trong năm, tỉnh tổ chức 35 cuộc gặp, tiếp xúc, làm việc với các đối tác (chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài); tổ chức 4 cuộc tọa đàm, gặp gỡ các doanh nghiệp thuộc các quốc gia trọng điểm tỉnh đang thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp... tham dự 5 hội nghị, diễn đàn, hội chợ về đầu tư, thương mại, du lịch; có 3 văn bản, thỏa thuận quốc tế được ký kết trong lĩnh vực hợp tác cấp địa phương đầu tư và lao động, có một số đối tác đã kết nối với tỉnh để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư như: Đoàn công tác của Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn - Việt và các doanh nghiệp đến làm việc với tỉnh; Hợp tác xã Vật liệu xây dựng tổng hợp Hàn Quốc trao đổi, tìm hiểu thông tin liên quan đến thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang.

Dấu ấn quan trọng khác trong tạo lợi thế thu hút đầu tư là các cấp các ngành của tỉnh đã nỗ lực hoàn thành Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Đây là một trong những quy hoạch cấp tỉnh đầu tiên ở vùng trung du và miền núi phía Bắc được phê duyệt. Từ quy hoạch tỉnh, với định hướng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống các quy hoạch, có ý nghĩa tạo đột phá cho sự phát triển, ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn được xác định rõ trong kế hoạch, Tuyên Quang đã và đang phát huy hơn nữa các lợi thế trong thu hút đầu tư, nhất là dòng vốn FDI.

Việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài với các dự án có quy mô, công nghệ hiện đại, đúng với xu thế phát triển và lợi thế của tỉnh để tạo ra giá trị mới không chỉ góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mà còn khẳng định sự đúng đắn trong định hướng phát triển tăng trưởng xanh, bền vững của Tuyên Quang.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top