Tạo lợi thế Nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh đã triển khai Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Chất lượng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và cấp huyện được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo ban hành và triển khai thực hiện Đề án thu hút đầu tư tỉnh Tuyên Quang 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài thuộc các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu như sản xuất gỗ, các sản phẩm gỗ, chế biến sâu khoáng sản, hàng dệt may, viên nén, hàng điện tử. Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong các khu, cụm công nghiệp theo hướng liên thông…
Dấu ấn quan trọng khác trong tạo lợi thế thu hút đầu tư là các cấp, các ngành của tỉnh đã nỗ lực hoàn thành Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một trong những quy hoạch cấp tỉnh đầu tiên ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc được phê duyệt.
Từ quy hoạch tỉnh, với định hướng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống các quy hoạch, có ý nghĩa tạo đột phá cho sự phát triển, ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn được xác định rõ trong kế hoạch, Tuyên Quang đã và đang phát huy hơn nữa các lợi thế trong thu hút đầu tư, nhất là dòng vốn nước ngoài.
Mặt khác, sau khi dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được hoàn thành và cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang được khởi công giúp kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giữa các tỉnh đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Tuyên Quang.
Tín hiệu tích cực
Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn đồng hành, hợp tác cùng phát triển với nhiều đối tác đến từ các nước trên thế giới, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh đã có 20 dự án của 17 nhà đầu tư nước ngoài, với tổng mức đầu tư trên 340 triệu USD; tiếp nhận viện trợ từ nhiều đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác Nhật Bản đã hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang 25 dự án với tổng giá trị trên 1,4 triệu USD trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường...
Đầu tháng 3-2024, tỉnh Tuyên Quang đã có thêm một dự án hơn 20 triệu đô (tương đương 478,8 tỷ đồng) của đối tác Nhật Bản đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang được khởi công xây dựng. Dự án có quy mô 3,3 ha có công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm, dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm. Dự kiến nhà máy sẽ vận hành năm 2025. Đây là tín hiệu tích cực trong việc thu hút dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Erex, đơn vị đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang cho biết, trên cơ sở khảo sát thực địa tại Việt Nam, công ty đã đầu tư nhiều dự án nhà máy điện sinh khối ở các tỉnh phía Bắc. Sau khi khảo sát tại Tuyên Quang, chúng tôi nhận thấy Tuyên Quang là tỉnh giàu tài nguyên sinh khối, trong quá trình khảo sát tại tỉnh và với sự nhiệt tình và ưu tiên của tỉnh, chúng tôi sẵn sàng đầu tư thêm các nhà máy thứ 2, thứ 3 tại tỉnh.
Qua sự chia sẻ của các đối tác đầu tư nước ngoài khi về đầu tư tại Việt Nam thường gặp phải 3 khó khăn là: Thứ nhất là liên quan đến thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian; thứ 2, nguồn nhân lực và thứ ba là về nguồn điện. Nắm bắt được những lo ngại này, tỉnh ta đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tập trung hỗ trợ, giúp đỡ các nhà đầu tư nước ngoài không phải đi lại nhiều.
Về nguồn điện, tỉnh đã làm việc với ngành điện Việt Nam, nguồn điện của Tuyên Quang rất ổn định, đủ cho sản xuất công nghiệp. Về nhân lực, hiện nay Tuyên Quang có 244.000 người được đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau, nguồn nhân lực này có thể tham gia vào hoạt động của các dự án nước ngoài đầu tư tại Tuyên Quang.
Việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài với các dự án có quy mô, công nghệ hiện đại, đúng với xu thế phát triển và lợi thế của tỉnh để tạo ra giá trị mới không chỉ góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mà còn khẳng định sự đúng đắn trong định hướng tăng trưởng xanh, bền vững của Tuyên Quang.