Aa

Tỷ giá bớt căng thẳng, cần tập trung cứu thanh khoản, lãi suất

Thứ Ba, 22/11/2022 - 06:24

Trong khi tỷ giá đã bớt căng thẳng thì lãi suất ngày càng nóng lên cùng với dòng tiền thị trường cạn kiệt.

Theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, với tình hình lạm phát Mỹ hiện nay, Fed sẽ giảm dần tốc độ tăng lãi suất. Theo đó, trong phiên họp chính sách tới đây, có thể mức độ tăng lãi suất sẽ giảm từ 0,75 điểm phần trăm xuống còn 0,5 điểm phần trăm, dần dần giảm xuống 0,25%.

Sức ép tăng lãi suất của Fed giảm cộng với FDI giải ngân tăng tốt và cán cân thanh toán thặng dư là cơ hội để Việt Nam giữ được  tỷ giá hối đoái.

Tuy nhiên, cùng với sự hạ nhiệt của USD, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đây là cơ hội để chúng ta xem lại lãi suất với các doanh nghiệp.

“Lãi suất cao gấp 3 lần lạm phát thì các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Tôi hy vọng Ngân hàng Trung ương sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Bây giờ những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung thanh khoản lãi suất”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Với doanh nghiệp, lãi suất và tỷ giá đều là hai gánh nặng trên vai tại thời điểm này. Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay, năm này là một năm rất khó khăn với ngành thép. Trong đó, tỷ giá đã khiến các doanh nghiệp thành viên của công ty tăng chi phí từ vài chục tỷ đồng lên tới 70 - 80 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất thực sự đã ảnh hưởng rất lướn tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là lý do khiến kết quả quý III/2022 của đa phần doanh nghiệp thép đều thê thảm.

Về lãi suất, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ thêm: “Vừa rồi, thậm chí có những doanh nghiệp chúng tôi được biết là phải đi vay nóng. Mà vay nóng để xử lý những vấn đề tiền lương rồi những vấn đề sản xuất thì quả thật là không thể chấp nhận được. Cho nên, là chúng tôi kiến nghị chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem lại và để điều chỉnh cái lãi suất. Mục tiêu của chúng ta để kiềm chế lạm phát, chúng ta đã thành công, nhưng tiếp tục với cái cơ chế lãi suất này thì hiện nay làm khó cho các doanh nghiệp. Mà mục tiêu của chúng ta là phải phục hồi kinh tế, mà muốn phục hồi kinh tế là phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cái doanh nghiệp kinh doanh phát triển”, ông Ngọc kiến nghị. 

Không chỉ lãi suất tăng, các doanh nghiệp cũng chia sẻ rất khó tiếp cận vốn do thanh khoản thị trườn cạn kiệt. Theo tính toán của các chuyên gia, tính cả lượng tiền mà NHNN hút về qua kênh bán ngoại tệ và lượng vốn đầu tư công khoảng 900 nghìn tỷ Bộ Tài chính hút về đang nằm im trong các ngân hàng thì nền kinh tế đã bị rút về 1,5 triệu tỷ đồng. Để tăng thanh khoản cho thị trường, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị 3 giải pháp: NHNN tính toán bơm tiền ra cho nền kinh tế; Bộ Tài chính ra tay xử lý phần vốn đầu tư công mắc cạn; Lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top